Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16

gặp gỡ giới văn hóa của Pháp

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 gặp gỡ giới văn hóa của Pháp.

Paris (Vat 12/09/2008) - Chiều ngày 12-9-2008, ÐTC Biển Ðức 16 đã gặp gỡ 700 người thuộc giới văn hóa của Pháp và đề cao sự tìm kiếm Thiên Chúa như nền tảng và căn cội của nền văn hóa Âu Châu.


Giới trẻ Pháp ngồi chờ tại sân Nhà Thờ Ðức Bà Paris để chuẩn bị đón tiếp ÐTC đến viếng thăm.


Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc 5 giờ rưỡi chiều tại Học Viện Bernardins ở quận 5 của Paris. Học viện cổ kính này có gốc tích từ thế kỷ 13 với cuộc cách mạng trí thức tại Âu Châu. Các đại học dần dần thay thế cho các đan viện như những trung tâm trí thức của Âu châu, từ đại học Bologna bên Italia, đến Paris thủ đô Pháp, Cambridge bên Anh quốc và Heidelberg bên Ðức... Các vị Giáo Hoàng cũng cổ võ sự phổ biến kiến thức tại các thành thị. Trong ý hướng đó, Ðức Giáo Hoàng Innocenzo 4 cũng khuyến khích các Ðan sĩ dòng Xitô mở một trung tâm học vấn tại Paris. Năm 1247, Viện Phụ Étienne de Lexington của Ðan viện Clairvaux, đã thành lập một Học Viện như trung tâm giảng dạy thần học cho các đan sĩ của dòng, nay là Học viện Bernardins. Một trong những môn sinh của ngài sau trở thành Giáo Hoàng Benedetto 12.

Học viện này bị tịch thu trong thời cách mạng Pháp, rồi lần lượt được biến thành nhà tù, nhà kho chứa đồ, trường học, trại lính cứu hỏa, trường nội trú của cảnh sát. Sau cùng được Tổng giáo phận Paris mua lại, rồi tu bổ trong vòng 5 năm qua và mới được mở lại cho công chúng ngày 4-9-2008, để làm nơi triển lãm, gặp gỡ và thảo luận. Trường thần học của giáo phận Paris cũng được đặt tại đây.

Trong số các vị hiện diện tại Học viện Bernardins cũng có một số đại diện của tổ chức Unesco thuộc Liên hiệp quốc, và cộng đoàn Hồi giáo Pháp, hai vị cựu tổng thống Pháp Giscard d'Estaing và Jacques Chirac, cũng như bà Bộ trưởng Văn hóa của Pháp.

Sau lời chào mừng của Ðức Hồng Y Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris và vị chưởng ấn của Liên Hàn lâm viện Pháp, ÐTC đã trình bày với mọi người về đề tài "nguồn gốc thần học tây phương và các căn cội văn hóa Âu Châu".

Ngài đi từ địa điểm diễn ra cuộc gặp gỡ là Học viện Bernadins. ÐTC ghi nhận rằng mục đích của các đan sĩ không phải là kiến tạo một nền văn hóa mới cũng chẳng phải là để bảo tồn một nền văn hóa quá khứ, nhưng là tìm kiếm Thiên Chúa. Giữa những xáo trộn của thời ấy, những xáo trộn mà dường như chẳng gì có thể kháng cự lại được, các đan sĩ chỉ mong muốn một điều quan trọng nhất, đó là nỗ lực tìm được cái gì có giá trị và trường tồn, tìm được chính Con Ðường. Họ tìm kiếm Thiên Chúa...


ÐTC chủ sự Kinh Chiều với các linh mục tu sĩ Pháp tại Nhà Thờ Ðức Bà Paris.


Từ tiền đề trên đây, ÐTC dần dần dẫn đến vai trò của Lời Chúa, được chứa đựng trong Kinh Thánh, các thư viện tại các Ðan viện, tầm quan trọng của phụng vụ, thánh ca, hát lên Lời Chúa. Ngài cũng nhấn mạnh rằng Kinh Thánh cần được giải thích, Kinh Thánh cần có cộng đoàn trong đó Kinh Thánh được hình thành và được sống thực... Kitô giáo nhận thức trong các lời của sách Thánh chính Ðấng là Lời, là Logos, là Ðấng biểu dương mầu nhiệm qua muôn hình dạng.

ÐTC cũng nhận rằng trong thế hệ chúng ta đang tái xuất hiện sự căng thẳng giữa hai cực: một bên là sự chủ quan hoàn toàn và bên kia là thái độ cuồng tín cực đoan. Và ngài cảnh giác rằng: "Nếu nền văn hóa Âu Châu ngày nay hiểu tự do như sự vắng bóng mọi sự ràng buộc, thì đó thực là một điều đưa tới chết chóc và chắc chắn nó sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho thái độ cuồng tín và độc đoán. Sự vắng bóng mọi rằng buộc và sự độc đoán chủ quan không phải là tự do, nhưng là sự hủy hoại tự do".

Ngài kết luận bài thuyết trình dài rằng:

"Một nền văn hóa hoàn toàn duy thực nghiệm đẩy lui vấn đề liên quan tới Thiên Chúa vào lãnh vực chủ quan, như thể đó là điều không có tính chất khoa học, thì đó là một sự đầu hàng của lý trí, từ bỏ những khả năng cao cả nhất của lý trí, và như thế đó là một sự thất bại của chủ thuyết nhân bản, với những hậu quả thật là trầm trọng. Ðiều vốn là nền tảng của nền văn hóa Âu Châu, tức là sự tìm kiếm Thiên Chúa và sẵng sàng lắng nghe Chúa, ngày nay vẫn còn là nền tảng của mọi nền văn hóa đích thực."

Cuối bài thuyết trình, ÐTC còn chào thăm một số vị trong chính quyền, thị trưởng thành Paris, các đại diện của Hồi giáo và các giới văn hóa. Liền đó ngài tới Nhà thờ chính tòa Ðức Bà Paris vào lúc gần 7 giờ để hát kinh chiều với 2,800 linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và chủng sinh. Sau đó ngài tiến ra bên ngoài thánh đường để chào thăm hàng ngàn bạn trẻ tụ tập ở bên ngoài, chuẩn bị cuộc canh thức cầu nguyện cho thánh lễ sáng thứ Bẩy 13/09/2008 với ÐTC tại Quảng trường Viện Phế Binh.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page