Kỷ niệm 3 năm thầy Roger Schutz qua đời
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Kỷ niệm 3 năm thầy Roger Schutz qua đời.
Tin Vatican (SD 14-8-2008) - Bài Phỏng vấn Ðức Hồng Y Walter Kasper, nhân kỷ niệm ba năm thầy Roger Schutz qua đời.
Ngày 16-8-2008 là kỷ niệm 3 năm thầy Roger Schutz, Bề trên tu viện đại kết Taizé qua đời. Ngày 16 tháng 8 năm 2005 thầy Roger Schutz đã bị một phụ nữ bất bình thường tâm trí đâm chết trong buổi cầu nguyện ban chiều tại Taizé. Ðã có 12,000 người tham dự đám táng của thầy do Ðức Hồng Y Walter Kasper, Chủ tịch Hôi đồng tòa thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, chủ sự.
Thầy Roger Schutz sinh năm 1915 bên Thụy Sĩ. Khi thế chiến thứ hai bùng nổ Roger ước muốn noi gương bà ngoại từng trợ giúp các người tị nạn hồi thế chiến thứ I. Anh tìm đến sống tại Taizé trong vùng Bourgogne bên Pháp và bắt đầu giúp đỡ người tị nạn chiến tranh. Cộng đoàn đại kết Taizé bắt đầu nảy sinh từ đó. Taizé trở thành nơi thu hút giới trẻ tới sống kinh nghiệm cầu nguyện, tình yêu thương huynh đệ đại đồng và sự hiệp nhất.
Hằng năm thầy Roger vẫn tổ chức cuộc gặp gỡ cho giới trẻ Âu châu và quốc tế vào những ngày cuối năm và đầu năm mới. Thầy đã được nhiều giải thưởng như: giải thưởng Templeton, tương đương với giải thưởng Nobel tôn giáo năm 1974, giải thưởng giáo dục hòa bình của UNESCO năm 1988, giải thưởng Charlemagne của Âu châu năm 1989, giải thưởng Robert Schuman của Âu châu năm 1992.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Hồng Y Walter Kasper về gương mặt của thầy Roger Schutz.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, 3 năm đã trôi qua kề từ cái chết thê thảm của thầy Roger Schutz. Chính Ðức Hồng Y đã chủ sự đám táng của thầy. Ðối với Ðức Hồng Y thầy Roger là ai?
Ðáp: Cái chết của thầy Roger đã khiến cho tôi rất cảm động. Lúc đó tôi đang tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Koeln bên Ðức, thì nhận đựơc tin thầy qua đời, nạn nhân của một hành động bạo lực. Cái chết của thầy khiến tôi nhớ tới lời ngôn sứ Isaia viết về Người tôi tớ của Chúa: "Bị ngược đãi người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miêng" (Is 53,7).
Trong suốt cuộc đời mình thầy Roger đã theo con đường của Chiên Con, với sự hiền dịu và khiêm tốn, với việc khước từ mọi cử chỉ to lớn, với quyết định không nói xấu ai, với ước mong mang trong con tim các nỗi khổ đau và niềm hy vọng của nhân loại. Ít người trong thế hệ chúng ta đã nhập thể được gương mặt dịu hiền và khiêm tốn của Chúa Giêsu Kitô với sự trong sáng như thầy Roger. Trong một thời đại giao động đối với Giáo Hội và lòng tin Kitô thầy Roger đã là một suối nguồn hy vọng được mọi người thừa nhận. Như là giáo sư thần học và là Giám Mục Rottenburg Stuttgart, tôi đã luôn luôn khuyến khích người trẻ đến Taizé sống ít ngày trong mùa hè. Tôi biết thời gian sống gần thầy Roger và cộng đoàn đại kết giúp người trẻ hiểu biết và sống lời Chúa nhiều hơn, trong tươi vui và trong sự đơn sơ. Tất cả những điều này tôi đã cảm nhận sâu đậm hơn, khi chủ sự lễ an táng của thầy trong nhà thờ Hòa Giải ở Taizé.
Hỏi: Theo Ðức Hồng Y, đâu là phần đóng góp của thầy Roger và của cộng đoàn Taizé cho cuộc đối thoại đại kết?
Ðáp: Sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô chắc chắn là một trong các ước mong sâu xa nhất của tu viện trưởng tu viện đại kết Taizé, cũng như sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô đã khiến cho thầy đau khổ nhất. Thầy Roger đã là một con người của sự hiệp thông, không bao giờ chịu được bất cứ hình thức chống đối hay cạnh tranh nào giữa các người hay các cộng đoàn với nhau.
Khi thầy đề cập tới sự hiệp nhất của các Kitô hữu và các cuộc gặp gỡ của thầy với đại diện các truyền thống Kitô khác nhau, cái nhìn và tiếng nói của thầy làm cho người ta hiểu thầy ước ao "tất cả mọi người nên một" với lòng bác ái và niềm hy vọng sâu đậm biết bao. Tìm kiếm sự hiệp nhất đã là sợi chỉ hướng dẫn cả những lựa chọn cụ thể nhất trong cuộc sống thường ngày: tiếp nhận mọi hoạt động có thể giúp Kitô hữu thuộc các truyền thống khác nhau xích lại gần nhau, tránh mọi cử chỉ lời nói có thể làm chậm trễ sự hòa giải giữa họ với nhau. Thầy thi hành sự phân định ấy với tất cả sự chú ý đến như tỉ mỉ. Tuy nhiên trên con đường kiếm tìm hiệp nhất ấy thầy Roger đã không vội vã hay nóng nảy. Thầy biết sự kiên nhẫn của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ và trong lịch sử Giáo Hội. Thầy đã không bao giờ có các cử chỉ không thể chấp nhận đối với các Giáo Hội, cũng như không bao giờ mời gọi các bạn trẻ xa rời các chủ chăn của họ. Thấy nhắm tới chiều sâu hơn là sự phát triển nhanh chóng của phong trào đại kết.
Thầy xác tín rằng chỉ khi được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và việc cử hành bí tích Thánh Thể, lời cầu nguyện và sự chiêm niệm phong trào đại kết mới có khả năng quy tụ các Kitô hữu trong sự hiệp nhất như Chúa Giêsu muốn. Và đó là phần đóng góp của thầy Roger và cộng đoàn Taizé cho phong trào đại kết.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, thầy Roger thường miêu tả con đường đại kết của thầy như là một "sự hòa giải nội tâm của gốc rễ lòng tin của thầy với mầu nhiệm lòng tin công giáo, mà không có sự bẻ gẫy hiệp thông với bất cứ ai". Lộ trình đó không thuộc các phạm trù bình thường. Sau khi thầy qua đời cộng đoàn Taizé đã phủ nhận tin cho rằng thầy Roger đã bí mật theo Công Giáo. Các lời đồn thổi ấy phát xuất từ sự kiện người ta trông thấy thầy lên rước lễ từ tay Ðức Hồng Y Ratzinger trong thánh lễ an táng Ðức Gioan Phaolo II. Ðức Hồng Y nghĩ gì về kiểu nói thầy Roger đã là tín hữu công giáo "một cách hình thức"?
Ðáp: Sinh ra trong gia đình tin lành cải cách, thầy Roger đã theo học thần học và trở thành mục sư tin lành cải cách. Khi thầy đề cập đến "lòng tin của hai nguồn gốc", thầy ám chỉ giáo lý, lòng đạo đức, việc đào tạo thần học và chứng tá Kitô đã nhận được trong truyền thống tin lành cải cách. Thầy chia sẻ gia tài đó với tất các các anh chị em tin lành, và và luôn luôn cảm thấy gắn bó sâu xa với họ.
Tuy nhiên ngay từ những năm là mục sư trẻ, thầy Roger đã luôn tìm nuôi dưỡng lòng tin và cuộc sống tinh thần của mình nơi nguồn mạch của các truyền thống Kitô khác, và như thế vượt ngoài một vài ranh giới Giáo Hội. Ước mong theo đuổi ơn gọi viện tu và thành lập một cộng đoàn mới với các tín hữu tin lành cải cách của thầy chứng minh cho thấy sự tìm kiếm đó. Với thời gian lòng tin của thầy từ từ thêm phong phú với gia tài lòng tin của Giáo Hội Công Giáo.
Theo chứng từ của thầy, chính khi tham chiếu lòng tin công giáo mà thầy đã hiểu biết một vài dữ kiện lòng tin, như vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria trong lịch sử cứu độ, sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong các ơn thánh thể và chức thừa tác tông đồ trong Giáo Hội, bao gồm cả thừa tác hiệp nhất của Giám Mục Roma. Ðáp lại, Giáo Hội Công Giáo chấp nhận để cho thầy rước lễ, như thầy vẫn làm mỗi sáng trong nhà thờ tại Taizé.
Thầy Roger cũng đã nhiều lần nhận Mình Thánh Chúa từ tay Ðức Gioan Phaolô II, là người đã có các tương quan bằng hữu với thầy từ thời Công Ðồng Chung Vaticăng II và biết rõ con đường lòng tin công giáo của thầy. Trong nghĩa này đã không có bí mật hay điều dấu ẩn nào trong thái độ của Giáo Hội Công Giáo tại Taizé cũng như tại Roma. Trong lễ an táng Ðức Gioan Phaolô II Ðức Hồng Y Ratzinger cũng đã chỉ lặp lại những gì Ðức Gioan Phaolô II làm trước đó trong đền thờ thánh Phêrô. Ðã không có gì mới mẻ hay dự tính trước trong cử chỉ của Ðức Hồng Y.
Trong cuộc gặp gỡ giới trẻ Âu châu tại Roma năm 1980, thầy Roger đã hướng tới Ðức Gioan Phaolô II và miêu tả đường đi và căn cước của thầy như sau: "Con đã tìm thấy căn cước Kitô bằng cách hòa giải trong mình lòng tin của các gốc rễ của mình với lòng tin công giáo, mà không bẻ gẫy sự hiệp thông với bất cứ ai". Thật thế thầy Roger đã không muốn bẻ gẫy "với bất cứ ai", vì các lý do nòng cốt gắn liền với ước muốn hiệp nhất và ơn gọi đại kết của cộng đoàn Taizé. Vì vậy thầy không muốn sử dụng vài từ như "hoán cải" hay gắn bó "hình thức" để định tính sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.
Có thể thảo luận dài về ý nghĩa của vài từ thần học hay giáo luật. Nhưng để tôn trọng con đường lòng tin của tu viện trưởng tu viện Taizé, tốt hơn hết là không nên áp dụng cho thầy các phạm trù mà chính thầy cho là không thích hợp đối với kinh nghiệm của thầy. Vả lại Giáo Hội công giáo cũng đã không bao giờ áp đặt điều đó. Lời nói của thầy là đủ cho chúng ta rồi.
Hỏi: Ðức Hồng Y có trông thấy các mối dây nối kết ơn gọi đại kết của Taizé và cuộc hành hương của hàng chục ngàn người trẻ về ngôi làng của vùng Bourgogne này không? Theo Ðức Hồng Y người trẻ có nhậy cảm đối với sự hiệp nhất hữu hình của các Kitô hữu không?
Ðáp: Theo tôi, sự kiện mỗi năm hàng ngàn người trẻ còn tìm đường tiến về đồi Taizé thực là một ơn Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội ngày nay. Ðối với nhiều bạn trẻ, Taizé là nơi đầu tiên và chính yếu, nơi họ có thể gặp gỡ người trẻ của các Giáo Hội và các cộng đoàn Kitô khác. Tôi rất hài lòng thấy trong mỗi mùa hè, các bạn trẻ đầy chật các lều của Taizé, và họ đến từ nhiều nước Ðông và Tây âu cũng như từ các đại lục khác. Họ thuộc nhiều Giáo Hội khác nhau tin lành, công giáo và chính thống, và được các linh mục hay chủ chăn của họ hướng dẫn. Nhiều bạn trẻ đến từ các nước có nội chiến hay các xung khắc bạo lực, thường là trong qúa khứ mới đây. Nhiều bạn trẻ khác đến từ những vùng phải sống nhiều thập niên đưới ách thống trị của ý thức hệ duy vật. Người khác nữa, có lẽ là đa số, thì sống trong các xã hội ghi đậm dấu vết của sự tục hóa và thờ ơ tôn giáo. Tại Taizé trong các lúc cầu nguyện và chia sẻ kinh thánh, họ tái khám phá ra ơn hiệp thông và tình bạn mà Tin Mừng của Chúa Giêsu có thể cống hiến cho họ. Khi lắng nghe Lời Chúa, họ tái khám phá ra sự giầu có duy nhất đã được ban cho họ qua bí tích rửa tội.
Vâng, tôi tin rằng nhiều người trẻ ý thức được vai trò thực của sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Họ biết gánh nặng của các chia rẽ còn có thể đè nặng trên chứng tá của các tín hữu Kitô và trên việc xây dựng một xã hội mới. Tại Taizé họ tìm được một dụ ngôn cộng đoàn giúp thắng vượt các đổ vỡ trong qúa khứ và nhìn về một tương lai hiệp thông và tình bạn. Khi họ trở về nhà, kinh nghiệm đó giúp họ tạo ra các nhóm cầu nguyện và chia sẻ trong môi trường sống của họ, để nuôi dưỡng ước mong hiệp nhất ấy.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, trước khi là Chủ tịch của Hội Ðồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Ðức Hồng Y đã là Giám Mục giáo phận Rottenburg Stuttgart và với danh nghĩa đó hồi năm 1996 Ðức Hồng Y đã tiếp đón một cuộc gặp gỡ của giới trẻ Âu châu do cộng đoàn Taizé tổ chức. Các cuộc gặp gỡ này đem lại gì cho cuộc sống của Giáo Hội, thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Cuộc gặp gỡ hồi đó đã đem lại cho giáo phận của tôi sự tươi vui và sức sống tinh thần sâu đậm, đặc biệt cho các giáo xứ tiếp đón người trẻ đến từ nhiều nước khác nhau. Các cuộc gặp gỡ này xem ra vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của Giáo Hội. Nhiều người trẻ sống trong các xã hội tục hóa, nên khó tìm ra các bạn đồng hành trên con đường lòng tin và cuộc sống Kitô. Họ cũng có ít dịp để đào sâu và cử hành lòng tin trong tươi vui và an bình. Các Giáo Hội địa phương đôi khi gặp khó khăn trong việc đồng hành với giới trẻ trên con đường tinh thần của họ. Chính vì thế nên các cuộc gặp gỡ lớn như các cuộc gặp gỡ do cộng đoàn Taizé tổ chức, đáp ứng được một nhu cầu mục vụ thực sự. Dĩ nhiên cuộc sống Kitô cần thinh lặng và tĩnh mịch, như Chúa Giêsu nói: "Hãy đóng cửa phòng mà cầu nguyện với Cha con, là Ðấng trông thấy con trong bí ẩn" (Mt 6,6). Nhưng nó cũng cần sự chia sẻ, gặp gỡ và trao đổi.
Qua bí tích rửa tội chúng ta thuộc về cùng một thân thể của Chúa Kitô phục sinh. Thần Khí là linh hồn và hơi thở làm cho thân xác này sống động và lớn lên trong sự thánh thiện. Ngoài ra các Phúc Âm thường cho biết một đám đông dân chúng thường đến từ rất xa, để nhìn xem và lắng nghe Chúa Giêsu và để được Chúa chữa lành. Các cuộc gặp gỡ lớn ngày nay cũng theo cùng một sức sinh động đó. Chúng cho phép giới trẻ tiếp nhận một cách tốt hơn mầu nhiệm Giáo Hội như là sự hiệp thông, cùng nhau lắng nghe lời Chúa Giêsu và tín thác nơi Ngài.
Hỏi: Ðức Gioan XXIII đã định nghĩa Taizé như là "mùa xuân nhỏ". Ðàng khác thầy Roger cho biết Ðức Roncalli đã là người gây ra nơi thầy nhiều ấn tượng nhất. Theo Ðức Hồng Y, tại sao vị Giáo Hoàng đã có trực giác về Công Ðồng Chung Vaticăng II và người sáng lập cộng đoàn Taizé lại qúy mến nhau như vây?
Ðáp: Mỗi lần tôi gặp thầy Roger, thì đều nghe thầy kể về tình bạn đã có với Ðức Gioan XXIII, Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II. Với lòng biết ơn và niềm vui Thầy kể lại các cuộc gặp gỡ và đàm đạo với các vị. Một đàng thầy cảm thấy rầt gần gũi với các Giám Mục Roma trong dấn thân hướng dẫn Giáo Hội Chúa Kitô trên con đường canh tân tinh thần, hiệp nhất các Kitô hữu, phục vụ người nghèo, làm chứng cho Tin Mừng. Ðàng khác thầy cảm thấy được các Giáo Hoàng nâng đỡ trên con đường tinh thần cá nhân và trong hướng đi của cộng đoàn Taizé non trẻ. Ý thức hành động hài hòa với tư tưởng của Giám Mục Roma đã là địa bàn cho thầy trong mọi hoạt động. Thầy đã không bao giờ đưa ra sáng kiến nào ngược lại với lời khuyên và ý kiến của Ðức Giáo Hoàng. Ngoài ra thầy cũng có cùng tương quan tin tưởng đó với Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI. Ðức Thánh Cha đã có những lời rất cảm động liên quan tới cái chết của thầy Roger. Và hằng năm Ðức Thánh Cha vẫn tiếp kiến người kế vị là thầy Alois.
Sự qúy mến giữa thầy Roger và các Giám Mục Roma chắc chắn nảy sinh từ chiều kích nhân bản và sự phong phú tinh thần của cả hai bên. Nói cho cùng nó phát xuất từ Chúa Thánh Thần, là Ðấng soi sáng cho nhiều người khác nhau trong cùng một lúc vì thiện ích của Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô. Khi Chúa Thánh Thần nói, thì tất cả mọi người đều hiểu cùng sứ điệp đó, mỗi người trong tiếng nói của mình. Ðấng đích thực hoạt động cho sự hiểu biết và tình huynh đệ giữa các môn đệ của Chúa Kitô là chính Thần Khí của sự hiệp thông.
Hỏi: Ðức Hồng Y quen biết thầy Alois người kế vị thầy Roger trong chức tu viện trưởng cộng đoàn đại kết Taizé. Ðức Hồng Y thấy tương lai của cộng đoàn như thế nào?
Ðáp: Cả khi trong qúa khứ tôi đã gặp thầy Alois, nhưng chỉ sau cái chết của thầy Roger tôi mới thực sự biết thầy Alois nhiều hơn. Vài năm trước thầy Roger có cho tôi biết là đã sắp xếp mọi sự cho việc kế vị khi cần tới. Và thầy rất hài lòng khi thầy Alois lên thay thế thầy. Nhưng đâu có ai tưởng tượng được rằng sự thay thế đã chỉ xảy ra nội trong một đêm, sau hành động bạo lực chưa từng thấy đó? Từ đó đến nay điều khiến tôi ngạc nhiên đó là sự tiếp nối trong cuộc sống của cộng đoàn Taizé và trong việc tiếp đón người trẻ. Các buổi cử hành phụng vụ, cầu nguyện, và tiếp đón diễn ra trong cùng một tinh thần như một bài ca không bao giờ dứt. Ðiều này chứng minh cho thấy con người của tân tu viện trưởng cũng như sự trưởng thành nhân bản và tinh thần của toàn cộng đoàn Taizé.
Cộng đoàn đã thừa hưởng gia tài từ thầy Roger, tiếp tục sống và giãi tỏa đặc sủng đó ra. Tôi hoàn toàn tin tưởng nơi tương lai của cộng đoàn Taizé và sự dấn thân của cộng đoàn cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Sự tin tưởng này cũng phát xuất từ Chúa Thánh Thần, là Ðấng không dấy lên các đặc sủng để bỏ rơi các đặc sủng đó. Thần Khí Chúa luôn luôn mới mẻ và liên tục hoạt động trong một ơn gọi và một sứ mệnh. Chính Ngài sẽ giúp cộng đoàn Taizé tiếp tục sống và phát triển ơn gọi của mình, trung thành với mẫu gương thầy Roger đã để lại.
Các thế hệ qua đi, nhưng đặc sủng tồn tại, vì nó là món qùa và là công trình của Chúa Thánh Thần. Và tôi muốn lập lại với thầy Alois và toàn cộng đoàn Taizé sự qúy mến của tôi đối với tình bạn, cuộc sống cầu nguyện và ước muốn hiệp nhất của cộng đoàn. Nhờ các thầy mà gương mặt dịu hiền của thầy Roger tiếp tục thân thiết với chúng ta.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)