Giáo Hội và tình hình chiến sự tại Ossezia

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Giáo Hội và tình hình chiến sự tại Ossezia.

Tin Ossezia (RG 10-8-2008 Avvenire 9.10-8-2008 RG 9.11-8-2008) - Một số nhận định của Ðức Cha Giuseppe Pasotto, Giám quản tông tòa công giáo Latinh Georgia và Ðức Tổng Giám Mục Antonio Mennini, Sứ Thần Tòa Thánh tại Liên Bang Nga về tình hình tại đây.


Quân đội Georgia đã tấn công Tskhinvali, thủ phủ miền nam Ossezia, là vùng đòi tách rời khỏi Georgia. Nga đã phản công Ngay tức khắc và bỏ bom nhiều thành phố.


Trong chính ngày khai mở Thế Vận Hội mùng 8-8-2008 quân đội Georgia đã tấn công Tskhinvali, thủ phủ miền nam Ossezia, là vùng đòi tách rời khỏi Georgia. Nga đã phản công Ngay tức khắc và bỏ bom nhiều thành phố trong đó có Tskhinvali, phi trường thành phố Kopotnari, Gori và thành phố cảng Poti trên biển Ðen, cũng như căn cứ không quân Viziani và phi trường quân sự Marneuli. Binh sĩ Georgia đã chiếm Tskhinvali trong vài giờ trước khi bị quân đội Nga đẩy lui.

Chỉ nội trong vài ngày giao tranh số người chết đã lên tới gần 2,000 và 100 ngàn dân phải bồng bế nhau đi lánh nạn. Chính quyền Matscơva đã tức khắc gửi hàng trăm xe tăng và hàng ngàn quân sang Ossezia để tái chiếm thành phố Tskhinvali, và binh sĩ Nga tiếp tục tấn công các lực lượng của Georgia, mặc dù phía Georgia đã kêu gọi ngưng chiến. Tình hình chiến sự đã gây âu lo vì đây là vùng vốn đã xảy ra chiến tranh giành độc lập từ năm 1990.

Trong buổi đọc kinh Tuyền Tin tại Bressanone trưa Chúa Nhật 10-8-2008, Ðức Thánh Cha đã kêu gọi hòa bình cho vùng nam Ossezia. Ngài nói: "Tôi tha thiết cầu mong các hành động quân sự chấm dứt ngay lập tức, và nhân danh gia tài Kitô chung xin ngưng các xung đột và trả thù bạo lực có khả năng biến thành một xung đột rộng lớn hơn. Trái lại hãy trở về với con đường thương thuyết và đối thoại tôn trọng và xây dựng để tránh gây thêm xâu xé và khổ đau cho các dân tộc vùng này. Tôi cũng mời gọi cộng đồng quốc tế và các nước có ảnh hưởng đối với tình hình này làm mọi sự có thể để yểm trợ và thăng tiến các sáng kiến nhằm đạt tới một giải pháp hòa bình lâu bền cho sự chung sống cởi mở và tôn trọng nhau. Cùng với các anh em chính thống chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện và tin tưởng phó thác cho sự bầu cử của Ðức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ của mọi Kitô hữu".

Chiến tranh đã xảy ra trong vùng này từ năm 1990, khi vùng nam Ossezia muốn tách rời khỏi Georgia và tự tuyên bố là "Cộng hòa liên xô", nhưng bị quốc hội Georgia phủ nhận. Tháng Giêng năm sau đó tổng thống Mikhail Gorbaciov hủy bỏ các sắc lệnh của Georgia và gửi quân sang trấn đóng tại Ossezia. Ðầu năm 1992 quân Ossezia đánh bại binh sĩ Goergia và tổ chức trưng cầu dân ý, lựa chọn độc lập và hiệp nhất với miền Bắc Ossezia thuộc Liên Bang Nga. Vào tháng 6 cùng năm hai bên ngưng chiến và chấp nhận một lực lượng 500 binh sĩ hỗn hợp của cả ba nhóm Nga, Georgia và bắc Ossezia giữ gìn an ninh trật tự vùng này. Nhưng từ đó vẫn tiếp tục xảy ra các xung đột, trầm trọng nhất là vào tháng 8 năm 2004 với nhiều người chết.

Năm 2005 tổng thống Saakashvili của Georgia đề nghị cho vùng Ossezia nhiều quyền tự trị hơn, nhưng tổng thống Kakoity của Ossezia từ chối chấp nhận và đòi độc lập. Năm 2006 người Osseti trưng cầu dân ý và bỏ phiếu tuyên bố độc lập, thế là tháng 8 năm đó các xung đột lại tái diễn.

Và chiến tranh tái bùng nổ ngày mùng 8-8-2008, khi quân đội Georgia tấn công chiếm đóng Tskhinvali, thủ đô Nam Ossezia. Quân Nga trả đũa bỏ bom nhiều thành phố Georgia và tái chiếm Tskhinvali.

Caucase là vùng nóng bỏng vì có nhiều chủng tộc khác nhau sinh sống. Khi cho quân can thiệp vào vùng này Nga muốn tái trở thành cường quốc và nhắm ba mục đích chính: trước hết là ngăn chặn không cho du kích quân Ceceni tái hoạt động mạnh; thứ hai là hủy diệt ảnh hưởng của Hoa Kỳ và thứ ba là tránh mọi can thiệp của các nước khác vào các chương trình năng lượng. Ống dẫn dầu Baku Ceyhan giá 3 tỷ mỹ kim, dài 249 cây số, đã hoạt động từ một năm nay và chạy qua vùng Caucase này, có chỗ chỉ cách Ossezia 55 cây số. Mỗi ngày nó chuyên chở 1 triệu thùng dầu thô sang cho Tây Âu và 37% thuộc hãng dầu của Anh quốc.

Nghĩa là ngoài các căng thẳng chủng tộc, còn có lợi lộc quân sự cũng như các lợi lộc kinh tế nữa. Chính vì thế tổng thống Bush đã lên án chiến tranh Ossezia và nói nó là điều không thể chấp nhận được. Trong khi tại Liên Hiệp Quốc các nước không tìm được sự đồng thuận nào. Ông Ban Ki Moon chỉ tuyên bố là cộng đồng quốc tế rất âu lo trước chiến cuộc và Liên Hiệp Âu châu đang cố giàn xếp một cuộc ngưng chiến. Tin mới nhất cho biết tổng thống Nga đã ra lệnh ngưng chiến, nhưng chính quyền Georgia vẫn than rằng các cuộc dội bom tiếp tục.

Ðáp lại lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tôn giáo, Caritas quốc tế và nhiều tổ chức bác ái khác đã cùng Caritas Georgia lập tức huy động công tác cứu trợ dân chúng tại Ossezia.


Ðoàn xe tăng của quân đội Nga tiến vào miền Nam Ossezia.


Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Cha Giuseppe Pasotto, Giám quản tông tòa công giáo Latinh Giorgia và Ðức Tổng Giám Mục Antonio Mennini, Sứ Thần Tòa Thánh tại Georgia về tình hình tại đây.

Hỏi 1: Thưa Ðức Cha Giám quản, tình hình tại Georgia và đặc biệt là Ossezia hiện nay ra sao?

Ðáp 1: Tình hình rất là khó khăn. Người ta mới cho tôi biết là thành phố Gori và các vùng có người ở khác mới bị bỏ bom. Xem ra không có tiến triển tích cực nào trong lúc này. Ngay cả khi truyền hình Nga cho biết là quân đội Nga đã tái chiếm Tskhinvali, người Georgia thì lại phản bác tin này. Ðiều lạ đối với tôi đó là cuộc chiến mới bắt đầu được hai ngày mà đã có các buổi không tạc và bỏ bom nhiều vùng khác nhau. Một vài vùng bị bỏ bom không phải là các mục tiêu quân sự. Tôi hiểu là dân chúng một vùng có thể gặp cảnh khó khăn, nhưng trải đài xung khắc ra các vùng khác theo kiểu này đối với tôi là điều lạ.

Hỏi 2: Ðức Cha giải thích tình hình chiến sự dồn dập này như thế nào?

Ðáp 2: Tổng thống Georgia đã tuyên bố tình trạng chiến tranh. Tôi cũng không biết lý do tại sao. Cần phải lắng nghe các phe khác nhau mới biết được, bởi vì từ đây thì cũng khó mà có thể hiểu tình hình. Phía Georgia thì nói rằng họ phải can thiệp sau khi đã nhận được rất nhiều khiêu khích. Tổng thống Georgia thời nói rằng sau khi đã giơ má để bị tát nhiều lần, sau cùng chính quyền đã phải gửi cảnh sát tới, chứ không phải quân đội. Người ta nói cả hai phía Georgia và Nga đều sẵn sàng. Nhưng tôi lấy làm lạ vì chính khi bộ trưởng Georgia đi tham dự cuộc họp thương lượng thì xung khắc bùng nổ.

Hỏi 3: Cuộc sống của dân chúng trong thủ đô Tblisi hiện nay ra sao thưa Ðức Cha? Các cuộc thương thuyết đã được mở chưa và có vấn đề nào không?

Ðáp 3: Không. Hiện nay có rất nhiều căng thẳng. Cũng có người bỏ đi. Trong các thành phố khác tình hình cũng rất là khó khăn. Ðã có các cuộc dội bom trên đường phố và có nhiều nhà cửa bị hư hại. Tại những nơi như thế thì tình hình khó khăn hơn. Và có người sợ rằng những gì đã xảy ra tại Gori cũng có thể xảy ra tại thủ đô Tblisi.

Hỏi 4: Ðức Cha có liên lạc được với cộng đoàn công giáo Georgia không?

Ðáp 4: Có, tôi đã nói chuyện với nhiều linh mục khác nhau. Tôi cũng đã nói chuyện với linh mục ở Gori và cha cho biết là sẽ về thủ đô Tblisi. Cha cho biết căn nhà gần nhà chúng tôi đã bị bỏ bom. Cha sống trong tình trạng mà mọi người dân Gerogia đang phải sống hiện nay.

Hỏi 5: Các cộng đoàn chính thống phản ứng ra sao thưa Ðức Cha?

Ðáp 5: Ðức Thượng Phụ Chính Thống xin mọi người tham dự buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình. Các đại diện các tôn giáo và chủng tộc thiểu số chúng tôi đã cùng gặp gỡ nhau để đưa ra tuyên ngôn chung kêu gọi ngưng chiến hoàn toàn và tôn trọng các quyền con người. Chúng tôi đã yêu cầu các quốc gia khác đừng xâm nhập lãnh thổ quốc gia và đặc biệt yêu cầu Nga giữ vai trò giảng hòa. Chúng tôi đã công bố tuyên ngôn nói trên sau một giờ thảo luận với nhau. Kinh nghiệm gặp gỡ đã rất là đẹp.

Hỏi 6: Ðã không có vấn đề tôn giáo nào trong cuộc xung đột này, có đúng thế không thưa Ðức Cha?

Ðáp 6: Ðúng thế. Tôi tin rằng vấn đề chỉ liên quan tới sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

 

Sau đây là một số nhận định của Ðức Tổng Giám Mục Antonio Mennini, Sứ Thần Tòa Thánh tại Liên Bang Nga về tình hình tại đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vaticăng ngày 11-8-2008 Ðức Tổng Giám Mục Antonio Mennini, Sứ Thần Tòa Thánh tại liên bang Nga tha thiết kêu gọi ngưng chiến tại Ossezia vì chiến cuộc tại vùng này có nguy cơ lan tràn trong toàn Âu châu. Ðức Sứ Thần Tòa Thánh cho biết ngài hoàn toàn đồng ý với lời kêu gọi Ðức Thánh Cha Biển Ðức đã đưa ra trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Bressanone trưa Chúa Nhật vừa qua: đó là xin cộng đồng quốc tế can thiệp để các phe liên hệ chấm dứt ngay chiến cuộc, xin giới truyền thông đưa tin tức trung thực khách quan, và xin cộng đồng quốc tế liên đới trợ giúp người tị nạn.

Ðức Cha nói: "Vùng này cần có hòa bình ổn định vì nó là vùng đất bản lề có thể làm nổ tung toàn đại lục âu châu. Lời kêu gọi của tôi cũng là lời cầu nguyện và van nài hướng tới Chúa và mọi người thiện chí, để xin mọi người hiểu cho rằng các cuộc chiến như cuộc chiến tại Ossezia chỉ gây ra tàn phá và khiến cho những người nghèo nhất, yếu đuối nhất phải thiệt thòi. Chúng tôi xin các phe liên hệ ngưng ngay các hoạt động quân sự và tái đối thoại với nhau. Ðặc biệt chúng tôi xin cộng đồng quốc tế đừng để các nước này bị lẻ loi trong những lúc khổ đau này, nhưng hãy liên đới, hiện diện, và lo lắng cho vùng đất bé nhỏ nhưng vô cùng quan trọng này. Ðức Tổng Giám Mục Mennini cũng cho biết tín hữu chính thống và công giáo liên bang Nga và Georgia cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình mau trở lại với dân chúng vùng này.

Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần Tòa Thánh Ðức Sứ Thần có cảm tưởng gì trước tình hình chiến sự hiện nay tại Ossezia?

Ðáp: Tôi xin bầy tỏ các tâm tình của mọi tín hữu Kitô Nga và đặc biệt của các anh chị em công giáo, hướng tới các miền này trong vùng Caucase, nơi từ vài ngày qua đã xảy xa một cuộc xung đột có thể có các chiều kích rất thê thảm. Cuộc xung đột này đã gây ra biết bao nhiêu nạn nhân không chỉ giữa các binh sĩ mà nhất là giữa các thường dân, thuộc nhiều chủng tộc và quốc tịch khác nhau bị bó buộc phải bỏ nhà cửa làng mạc để tản cư. Khi nghĩ tới lời kêu gọi mà Ðức Thượng Phụ Alexis II Giáo Chủ Chính Thống Nga đã đưa ra, tôi tha thiết cầu xin Chúa giải thoát tất cả mọi người liên lụy trong cuộc chiến này, nhất là các Kitô hữu, khỏi cái mù quáng của thù nghịch. Sự thù nghịch ấy lại càng nghiêm trọng hơn và không thể chấp nhận được, khi nó được dưỡng nuôi trong con tim của những người cùng chung một niềm tin Kitô. Tôi xác tín rằng còn có những con đường khác giúp các phe liên hệ ngồi vào bàn thương thuyết với nhau trong công bằng và danh dự để tìm ra một giải pháp lâu bền và thỏa đáng đối với mọi người.

Hỏi: Theo Ðức Sứ Thần, đâu là giải pháp có thể có và Giáo Hội có thể làm gì để góp phần giải quyết các xung khắc?

Ðáp: Dĩ nhiên Giáo Hội có một khí giới rất mạnh đó là lời cầu nguyện. Nhưng Giáo Hội cũng có thể thôi thúc các tổ chức quốc tế tác động trên các phe liên hệ, vì hai bên đã cho biết là sẵn sàng ngồi vào bàn thương thuyết dẫn đưa tới một thỏa hiệp bao gồm các giải pháp lâu bền, trong sự tôn trọng nhau và đáp ứng được các khát vọng của tất cả mọi dân tộc liên lụy.

Hỏi: Tại Nga người ta đang hít thở bầu không khí như thế nào thưa Ðức Cha?

Ðáp: Chắc chắn là người dân Nga âu lo, vì 90% người dân Osseti đều có giấy thông hành Nga. Có nhiều người tình nguyện ra chiến trường. Và đây sẽ là một đại họa, vì nó có thể khiến cho chiến cuộc lan tràn. Có thể hiểu được các cảm tính và xúc động của người dân, nhưng chúng ta phải cầu nguyện để lý trí và lương tri thắng cảm xúc và nhất là để cho ký ức về các gốc rễ Kitô chung thắng sự thù nghịch.

Hỏi: Hiện nay người ta cho biết đã có tới 30 ngàn người chạy sang Nga tị nạn. Công tác tiếp đón người ti nạn ra sao thưa Ðức Cha?

Ðáp: Nhiều người đã sang vùng Bắc Ossezia là phần của Liên Bang Nga và tôi tin chắc là các giới chức hữu trách đang làm mọi sự để tiếp đón và trợ giúp họ. Nhưng điều này chỉ thoa dịu một phần những khổ đau của họ mà thôi. Chúng ta có thể tưởng tượng một buổi sáng phải bỏ nhà cửa cơ nghiệp và những người thân yêu để ra đi và không biết tin tức gì về họ. Có một nỗi khổ đau vô ích và cuộc chiến này là một tai ương vô ích.

Hỏi: Thưa Ðức Cha chúng ta đều biết là cộng hòa Georgia được Hoa Kỳ ủng hộ trong khi Nga thì lại ở phía bên kia, Ðức Cha nghĩ sao?

Ðáp: Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ và Liên Bang Nga đều có nhiều lợi lộc chung, và vì thế được mời gọi cộng tác với nhau. Cả hai nước không thể từ nhiệm vai trò cường quốc của mình là vai trò bảo đảm hòa bình tại nhiều miền trên thế giới này.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page