Hành Trình Về Phố Hiến
Chiếc Nôi Của Giáo Hội Việt Nam
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Hành Trình Về Phố Hiến, Chiếc Nôi Của Giáo Hội Việt Nam.
Hà Nội, Việt Nam (15/07/2008) - Ngày 15-7-2008, Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã dẫn đầu phái đoàn hơn 60 chủng sinh của Tổng Giáo Phận Hà Nội lên đường thăm mảnh đất Phố Hiến, thuộc thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, một địa danh nổi tiếng một thời cả ở trong nước lẫn quốc tế, nơi đã từng in dấu những bước chân của các nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam.
Nói đến Hưng Yên, chắc ai cũng nghĩ ngay đến Phố Hiến. Vào các thế kỷ 17-18, nơi đây là một thương cảng nổi tiếng của Việt Nam. Lúc bấy giờ, phố Hiến là một đô thị trải dài theo bờ tả ngạn sông Hồng. Theo đường sông, Phố Hiến cách Hà Nội 55 km. Từ Thăng Long xuôi thuyền xuống Phố Hiến mất khoảng 2 ngày, ngược dòng lên Kinh đô mất 3 ngày. Hồi ấy, Phố Hiến là thủ phủ của trấn Sơn Nam, bao gồm các tỉnh Hà Nam, Nam Ðịnh, Hưng Yên và Thái Bình ngày nay.
Ðoạn sông ngày xưa chảy qua Phố Hiến gọi là sông Xích Ðằng, nhưng do phù sa bồi đắp nên ngày nay đã ở cách dòng sông khoảng chừng 2 km. Hiện bây giờ, quần thể di tích Phố Hiến toạ lạc trên địa bàn thị xã Hưng Yên, với diện tích rộng khoảng 5km2.
Tên gọi Phố Hiến lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 15. Khi đó, trong công cuộc cải cách hành chính, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã chia nước thành 12 Thừa tuyên. Ở mỗi Thừa tuyên có lập một Ty Hiến sát sứ trông coi việc kiểm soát và giám sát, trong đó có việc kiểm soát các thuyền bè đi lại trên sông. Người dân đã lấy tên Phố Hiến để đặt cho khu phố chợ đang tồn tại hồi đó vì có thêm lỵ sở của Ty Hiến sát sứ đặt ở đó.
Tuy nhiên, phải đến thế kỷ 17, Phố Hiến mới trở thành một đô thị sầm uất, nổi tiếng trong cả nước, một trung tâm chính trị - kinh tế có nhiều mối giao lưu quốc tế. Lúc này, ở Phố Hiến có lỵ sở của trấn thủ xứ Sơn Nam, Ty Hiến sát sứ Sơn Nam, các trạm tuần ty kiểm soát thuyền bè trong ngoài nước, một đoạn sông tấp nập các thuyền bè đi lại và đỗ bến, những phố chợ đông đúc, rất nhiều các thợ thủ công và thương nhân người Việt, người Hoa, Nhật Bản và phương Tây đến làm ăn, sinh sống.
Phố Hiến là đô thị của các thương gia người Việt và ngoại quốc, vì vậy nó mang những nhu cầu tâm linh văn hoá của nhiều cộng đồng người khác nhau, thể hiện qua những công trình kiến trúc. Có thể nói, đã có một thời kỳ trong lịch sử Phố Hiến là một đô thị đa văn hoá và mang dáng dấp quốc tế. Nhiều công trình kiến trúc mang sắc thái và kiểu dáng Á đông như Chùa, Ðền, Ðình, Miếu của người Việt và người Hoa, hoặc có công trình kiến trúc kiểu Tây Âu như Nhà thờ Công giáo.
Theo tài liệu lịch sử của Giáo Hội, một sự kiện đáng nhớ gắn liền với Phố Hiến, đó là vào năm 1670, Ðức cha Lambert De La Motte nhóm họp Công đồng Ðàng Ngoài đầu tiên tại đây. Tham dự Công Ðồng có Cha Deydier, 2 thừa sai người Pháp, De Bourges và Bouchard, và 9 linh mục Việt Nam là các Cha Biển Ðức Hiền, Gioan Huệ và 7 tân linh mục. Công Ðồng có mục đích phổ biến những nghị quyết của Toà Thánh về trách nhiệm và quyền bính của các vị Ðại diện Tông toà, tổ chức các mặt sinh hoạt tôn giáo trong địa phận như: phương pháp truyền đạo, cắt cử các linh mục, tuyển chọn chủng sinh, cũng như đưa ra nhiều chỉ thị về việc ban phát các bí tích. Công Ðồng chính thức nhận Thánh Giuse làm Bổn mạng Giáo Hội. Một bản Huấn thị gồm 33 điều, phần nhiều giống như bản "Huấn thị" Juthia (1664), chỉ sửa đổi cho thích hợp với sinh hoạt địa phương. Công Ðồng quyết định chia địa phận Ðàng Ngoài thành 9 hạt và nhóm họp hội nghị hằng năm. "Công vụ Công đồng Dinh Hiến" được Ðức Thánh Cha Clêmentê X châu phê trong Tông chiếu "Apostolatus Officium" ngày 23-12-1673.
Sau Công đồng Dinh Hiến (Phố Hiến), Ðức cha Lambert quan tâm soạn thảo bản nội quy và quyết định ban sắc chính thức thành lập dòng các chị em Mến Thành Giá tại Kiên Lao (Nam Ðịnh) và Bái Vàng (Hà Nam). Chính Ðức cha soạn thảo bản Hiến pháp cho dòng và cũng chính ngài nhận lời khấn của 2 nữ tu tiên khởi dòng Mến Thánh Giá là Chị Inê và Chị Paola.
Trên 2 chiếc xe khách lớn khởi hành từ Hà Nội, Ðức Tổng Giuse và phái đoàn đã ghé Thái Bình để viếng Ðền thánh Tử đạo Ðông Phú và cùng là Trung tâm chầu Thánh Thể suốt ngày đêm của Giáo phận Thái Bình; thăm khu du lịch sinh thái Cồn Vành; gặp gỡ Ðức giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang của Thái Bình; thăm Chủng viện Thánh Tâm Chúa Giêsu, Chùa Keo và giáo xứ Hoàng Xá; rồi vòng về theo quốc lộ 10 và quốc lộ 39, đoàn đến thăm mảnh đất Phố Hiến, chiếc nôi của Giáo hội Việt Nam.
Khoảng 3 giờ chiều, 2 thầy thuộc dòng Thánh Tâm, đang giúp mục vụ tại Hưng Yên, đón đoàn tại chân cầu Triều Dương, cây cầu bắc qua sông Luộc là nhánh của sông Hồng, ngăn cách giữa tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Cách trung tâm thị xã Hưng Yên khoảng 5km, lối vào Phố Hiến là một con đường nhỏ, khó đi, gồ ghề và lầy lội, nằm song song với bờ đê sông Hồng kéo dài từ lối rẽ Ba Hàng, đi qua một số nhà thờ họ lẻ và Nhà thờ Tiên Chu, rồi từ đó mới vào con đường mang tên Phố Hiến. Quãng đường trước khi đi qua Nhà thờ Tiên Chu, có khi xe phải dừng lại để các thầy bê đá và dùng xẻng san phẳng đất đá giữa đường thì xe mới tiếp tục đi được. Thế mới biết các vị thừa sai ngày xưa đi lại vất vả đến dường nào!
Trên con đường đi qua giáo họ Tiểu, có thể nhìn thấy ngôi nhà thờ cổ kính, bên cạnh nhà thờ là tượng đài Ðức Mẹ La Vang mới xây dựng. Qua giáo họ Hôm, nhà thờ kính thánh Giuse cũng cổ kính nằm ven đường. Liền sau đó, hiện ra trước mắt là Nhà thờ giáo xứ Tiên Chu được xây dựng lại từ năm 1934 với ngọn tháp sừng sững vươn cao giữa những lùm cây nhãn xanh mướt và trĩu quả. "Giáo dân quanh đây rất ít, chỉ có khoảng chừng vài chục người" - 2 thầy dẫn đường giải thích cho đoàn.
Ðoàn đi vào giữa quê hương của đặc sản long nhãn Phố Hiến - Hưng Yên. Cánh đồng lúa xanh ngát một thời giờ đây đã biến thành những vườn nhãn ngút ngàn, còn những ao hồ thì biến thành những đầm trồng muồng để làm nút chai. Không còn cây lúa, nếu có thì chỉ còn rất ít, nên cơm áo của người dân lúc này chỉ cậy nhờ vào những chùm nhãn đang vào kỳ đen hột.
Ðức Tổng và các chủng sinh được giới thiệu về một vùng quê ven đê sông Hồng, cũng là vùng ven thị xã Hưng Yên, nằm trong quần thể di tích Phố Hiến mà ngày nay Việt Nam đang có ý định đầu tư tôn tạo. Thẳng trục đường từ làng Bầu - Tiên Chu - Hồng Nam dẫn đến con đường mang tên "Phố Hiến". Trên con đường nhỏ bé này, những ngôi nhà cổ không còn nữa mà thay vào đó là những căn nhà ống mái bằng hoặc tầng lầu thời đô thị hoá, nằm san sát nhau, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện một vài ngôi đình, đền và miếu mang kiểu dáng Á Ðông của người Việt và người Hoa ngày xưa để lại.
Dọc theo chân đê, nối tiếp đường Phố Hiến là đến đường Bãi Sậy, nơi đây vẫn còn những đền chùa và một vài cây cổ thụ. Ðoàn đi qua hồ Bán Nguyệt, tương truyền rằng chiếc hồ có hình một nửa vầng trăng này là dấu tích còn lại của dòng sông Xích Ðằng ngày xưa, nơi tấp nập thuyền bè cỡ nhỏ của các thương gia và người mua hàng. Do lũ lụt mỗi năm, hàng triệu tấn đất phù sa từ thượng nguồn sông Hồng đổ về và bồi đắp, cho nên sông Xích Ðằng ngày ngày biến dạng và mất hẳn.
Ði tiếp qua hồ Bán Nguyệt là tới Nhà thờ Giáo xứ thị xã Hưng Yên. Giáo xứ này nguyên là giáo họ Nam Hoà của giáo xứ Tiên Chu ngày xưa. Nhà thờ Công giáo duy nhất nằm trong thị xã Hưng Yên này được xây dựng lại từ năm 1898, hiện nay đã tròn 110 tuổi, nhưng vẫn còn giữ nguyên những đường nét gothic xen lẫn kiểu dáng Á Ðông, bên trong nhà thờ vẫn còn bàn toà sơn son thiếp vàng và cột kèo bằng gỗ lim được đục đẽo trạm trổ rất tinh vi và nghệ thuật. Giáo xứ thị xã Hưng Yên gắn liền với quần thể di tích Phố Hiến, Nhà thờ nằm ở trung tâm từ đường "Phố Hiến" đến văn miếu Xích Ðằng.
Ðức Tổng và đoàn xuống xe bước vào Nhà thờ. Vài chục giáo dân đang đón chờ sẵn vỗ tay chào mừng. Ðức Tổng cùng với mọi người quỳ gối trước gian cung thánh, hát về Thánh Thể và thinh lặng cầu nguyện trong giây lát. Sau đó, ngài trò chuyện với cộng đoàn bé nhỏ Hưng Yên ngay trong nhà thờ.
Thầy Giuse Vũ Ngọc Cương, thuộc dòng Thánh Tâm, giới thiệu một cách khái quát về Giáo hạt Hưng Yên và về lịch sử địa danh Phố Hiến. Ngay sau phần giới thiệu, cả nhà thờ cùng hát bài "Ðẹp thay" để tưởng nhớ đến những nhà truyền giáo đầu tiên đã đặt chân đến mảnh đất Phố Hiến này.
Giáo hạt Hưng Yên hiện tại bao gồm hầu hết tỉnh Hưng Yên - trừ một phần nhỏ thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội và một phần nhỏ khác thuộc Giáo Phận Hải Phòng - gồm 20 giáo xứ và 8 linh mục. Trong Giáo phận Thái Bình, Hưng Yên là một giáo hạt có nhiều giáo xứ nhất nhưng lại có ít giáo dân nhất, vì sau biến cố 1954, nhiều giáo xứ chỉ còn lại một số gia đình Công giáo.
Hiện diện và phục vụ tại Giáo hạt hiện nay có các tu sĩ dòng nữ Ða Minh Thái Bình, dòng Mến Thánh Giá Tân Lập, và gần đây có thêm các nữ tu dòng Thánh Phaolô, anh em dòng Thánh Tâm Huế, và một số dòng tu khác cũng đang bắt đầu hiện diện để truyền giáo và tái truyền giáo tại đây.
Với địa bàn rộng, số linh mục và tu sĩ lại hạn chế, trong khi giáo dân phải chật vật kiếm sống, giới trẻ ít có cơ hội được học hỏi về giáo lý, nên tình trạng chung tại giáo hạt này là nhiều trường hợp mắc ngăn trở hôn nhân Công giáo, lòng đạo chưa được vững mạnh vì hơn phân nửa các giáo xứ ở đây từ năm 1954 đến nay không có linh mục coi sóc.
Nằm trong thị xã Hưng Yên, còn có một trường đào tạo các thầy giảng, quen gọi là trưởng Kẻ Giảng Hưng Yên, được Ðức cha Casado Thuận, Giám mục tiên khởi của Giáo phận Thái Bình xây dựng, sau khi Giáo phận Thái Bình được tách ra từ Giáo phận Bùi Chu năm 1936. Cơ sở tôn giáo này toạ lạc tại 126 Phạm Ngũ Lão, thị xã Hưng Yên, hiện nay đang bị Nhà nước trưng dụng làm nơi đào tạo bổ túc kiến thức cho các học viên tại chức. Toà Giám mục Thái Bình đã và đang gửi đơn tới chính quyền địa phương để xin sử dụng lại cơ sở tôn giáo này.
Còn về phần Giáo xứ Hưng Yên, theo ông Giuse Dương Thái Hùng, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, thì giáo xứ hiện có 5 họ lẻ với 431 giáo dân, trong đó tình trạng mắc ngăn trở hôn nhân Công giáo chiếm đến 30%. Giáo dân sống rải rác trên 10 phường xã, có một số đoàn hội trong giáo xứ nhưng chỉ mang tính hình thức chứ chưa có hoạt động và phong trào thiết thực nào. Người Công giáo chỉ chiếm khoảng 1% trong khoảng 4 vạn dân toàn thị xã. Cuộc sống của bà con giáo dân chủ yếu là làm nông, buôn bán lặt vặt, làm mướn; nhìn chung họ đã thoát khỏi cảnh đói nghèo nhưng kinh tế vẫn chưa khá.
Cô Nhi Viện của giáo xứ trước đây đã bị Nhà nước lấy làm Trung tâm Y tế Thị xã. Còn Nhà phước 2 tầng thì nay là Ngân hàng Phố Hiến. Các dãy nhà xung quanh Nhà thờ đều bị Nhà nước quản lý và cho thuê cho đến nay.
Sau biến cố 1954, toàn tỉnh Hưng Yên chỉ có 2 cha coi sóc mục vụ. Năm 1957, Cha Tình coi sóc giáo xứ Hưng Yên và nhiều giáo xứ khác. Năm 1971, Cha Tình qua đời. Suốt 23 năm sau đó, giáo xứ không có linh mục coi sóc. Ðến năm 1994, Cha Vinh Sơn Phạm Văn Tuyên được thuyên chuyển về làm công tác mục vụ tại đây, và bây giờ là Cha Ða Minh Bùi Ngọc Hải, làm chánh xứ từ ngày 11-6-2008 vừa qua.
Ông Hùng, làm trưởng ban hành giáo đến nay đã gần 20 năm, cho biết vì tình trạng thiếu linh mục và tu sĩ tại tỉnh Hưng Yên này và do nhiều nguyên nhân khác nữa mà giáo xứ hiện đang yếu kém về mọi mặt như phong trào đoàn hội, đời sống đức tin lung lay, nhiều gia đình bị ngăn trở hôn nhân, một số bỏ đạo, thiếu nhi và giới trẻ không được học giáo lý, đất đai của giáo xứ bị chiếm dụng. Ông hy vọng nhờ lời cầu nguyện và sự quan tâm của Ðức Tổng, của Ðức Cha và của Toà giám mục Giáo phận Thái Bình, cùng với sự trẻ trung, năng động của Cha tân chánh xứ và sự hiện diện của các dòng tu, Giáo xứ Hưng Yên sẽ được đổi thay và giải quyết được những khó khăn, phức tạp.
Trong lời huấn dụ, Ðức Tổng cho biết mục đích của ngài và đoàn đến đây là để ôn lại bước chân của các nhà truyền giáo và cũng là để thăm anh chị em giáo hữu ở Phố Hiến - Hưng Yên. Ngài nói: "Ngày xưa, các vị truyền giáo gặp rất nhiều khó khăn mà vẫn đi đến đây. Việc đầu tiên các ngài làm là đào tạo nhân sự ngay trên thuyền khi chưa thể đặt cơ sở trên đất liền. Thời đó rất khó khăn, tuy nhiên các ngài đã cố gắng hết sức để làm việc truyền giáo và đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp cho Giáo Hội".
Ðức Tổng cho biết khi đến đây, ngài rất cảm động vì được đi trên một mảnh đất in dấu chân của các nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Buổi họp Công Ðồng đầu tiên tại đây để ấn định chương trình cho Giáo hội Việt Nam còn quá non trẻ lúc bấy giờ, cả nước chỉ có 2 giáo phận, nơi mà chúng ta gọi là Giáo phận Ðàng Ngoài cũng chỉ có vài linh mục. Các ngài đã họp nhau để bàn luận chương trình, kế hoạch truyền giáo, cách tổ chức hành chính, cách đào tạo chủng sinh. "Luôn ở trong tình trạng khó khăn, nghèo nàn về mặt nhân sự cũng như vật chất, lại phải làm việc lén lút, nhưng các ngài vẫn luôn hăng say, đó là điều khiến tôi rất cảm động khi đi trên mảnh đất thiêng liêng này", Ðức Tổng nói.
Ngài nói tiếp: "Chúng tôi rất cảm thông với anh chị em, so với Thái Bình, tỉnh Hưng Yên này gặp nhiều khó khăn hơn, vì biến cố năm 1954 làm người Công giáo đã bỏ đi gần hết, chỉ để lại một cộng đoàn rất ít người. Nhưng chúng ta nhìn lại, so với thời các nhà truyền giáo ngày xưa thì chúng ta còn thuận lợi và dễ dàng hơn nhiều, vậy mà các ngài vẫn gầy dựng nên một Giáo Hội vững mạnh cho đến ngày nay. Như vậy, không có lý do gì mà chúng ta phải than phiền về những khó khăn hiện tại của mình nữa. Chúng ta hãy noi gương các nhà truyền giáo và lấy làm hãnh diện cũng như tự hào vì mình đang ở trên mảnh đất là một trong những cái nôi của Giáo Hội".
Sau lời huấn dụ của Ðức Tổng, Cha Phêrô Nguyễn Thái Vạn, thuộc dòng Thánh Tâm, đại diện cho Cha chính xứ Hưng Yên là Cha Ða Minh Bùi Ngọc Hải đang đi công tác xa, bày tỏ tâm tình biết ơn đối với Ðức Tổng và đoàn vì đã dành thời gian ghé thăm, ban lời động viện cộng đoàn giáo xứ. Sau đó, Cha Vạn dẫn Ðức Tổng đi quanh nhà thờ để xem toàn bộ khuôn viên giáo xứ.
Sau khi tham quan giáo xứ, cộng đoàn Hưng Yên mời Ðức Tổng và đoàn vào nhà xứ uống nước, nói chuyện và nghỉ ngơi. Sr.Maria Trần Thị Tính, Bề trên Cộng đoàn Phaolô Võng Phan, đã chuẩn bị một món quà đặc sản quê hương Phố Hiến để dâng tặng Ðức Tổng và đoàn.
Vào lúc chiều tối, đoàn lên đường trở về Hà Nội, kết thúc một chuyến tham quan và học hỏi, ôn lại những dấu tích lịch sử ngày xưa của Giáo Hội tại Phố Hiến này, đoàn đã mang theo tâm tình mà Ðức Tổng đã chia sẻ: "Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được khơi dậy tinh thần truyền giáo, lòng hăng say, phó thác, quên mình, nhớ ơn các bậc tiền nhân và quyết tâm làm được một việc gì đó trong hoàn cảnh của mình, rồi Chúa sẽ làm những việc còn lại. Ðó là một vài chia sẻ tôi dành cho cộng đoàn và cũng là để động viên chính bản thân mình. Xin Chúa ban ơn cho tôi và cho tất cả anh chị em, biết noi gương các bậc tổ tiên mà tích cực tham gia vào công việc tái truyền giáo tại vùng Hưng Yên và cả Giáo hội Việt Nam mình".
Mọi phản hồi về bản tin này, xin quý độc giả gửi thư về cho tác giả qua Ban Truyền Thông Giáo phận Thái Bình theo địa chỉ Email: bttthaibinh@gmail.com
Ðàm Nguyên