Bài giảng của ÐTC trong Thánh Lễ bế mạc
Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008 tại Randwick, Sydney
lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 20 tháng 7 năm 2008
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài giảng của ÐTC Benedictô XVI trong Thánh Lễ bế mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008 tại Randwick, Sydney, lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 20 tháng 7 năm 2008, với khoảng 500,000 tín hữu tham dự:
Các con thân mến,
"Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh từ Chúa Thánh Thần, Ðấng sẽ ngự xuống trên các con" (Cv 1:8). Chúng ta đã chứng kiến lời hứa này được thực hiện! Như chúng ta vừa nghe trong bài đọc một, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Phục Sinh ngự bên hữu Chúa Cha, đã sai Thánh Thần xuống trên các môn đệ đang tụ họp nơi Phòng Tiệc Ly. Với sức mạnh của Thánh Thần, Thánh Phêrô và các Tông Ðồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Trong mọi thời đại, bằng mọi ngôn ngữ, Giáo Hội tiếp tục công bố khắp nơi trên thế giới những kỳ công Thiên Chúa và mời gọi các dân tộc, các quốc gia, đến với đức tin, đến với niềm hy vọng và đến lãnh nhận sự sống mới trong Ðức Kitô. Trong mấy ngày qua, trong tư cách người kế vị Thánh Phêrô, Cha cũng đã đến với đất nước Australia xinh đẹp, đến để củng cố chúng con, hỡi các bạn trẻ thân mến, (để củng cố chúng con) trong đức tin và để khuyến khích các con mở rộng tâm hồn đón nhận quyền năng Thánh Thần của Chúa Kitô và đón nhận muôn hồng ân của Ngài. Cha cầu nguyện cho cuộc tựu họp vĩ đại này, --- một cuộc tựu họp liên kết những người trẻ "từ mọi quốc gia dưới bầu trời này" (Cv 2:5), --- được trở thành Phòng Tiệc Ly mới. Nguyện xin lửa tình yêu Thiên Chúa xuống tràn đầy tâm hồn các con, để kết hiệp các con mỗi ngày một hơn với Chúa và với Giáo Hội Chúa, và để sai các con, như thế hệ mới các tông đồ, ra đi đem thế giới đến với Chúa Kitô!
"Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh từ Chúa Thánh Thần, Ðấng sẽ ngự xuống trên các con". Những lời này của Chúa Phục Sinh có một ý nghĩa đặc biệt cho các bạn trẻ sắp lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và được ghi dấu bởi hồng ân Chúa Thánh Thần, trong Thánh Lễ hôm nay. Nhưng những lời này cũng được nói với từng người chúng ta - nghĩa là với tất cả những người đã lãnh nhận hồng ân Thánh Thần hoà giải và hồng ân sự sống mới trong Bí Tích Rửa Tội, ngỏ lời với những người đã lãnh nhận Thánh Thần trong tâm hồn như Ðấng trợ giúp và hướng dẫn họ trong bí tích Thêm sức, ngỏ lời với những người hằng ngày lớn lên nhờ những ân sũng của Chúa trong bí tích Thánh Thể. Thật vậy, trong mỗi Thánh Lễ, Chúa Thánh Thần lại ngự xuống, do lời long trọng khẩn cầu của Giáo Hội, không chỉ để biến đổi của lễ bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa, mà còn để biến đổi đời sống chúng ta, để nhờ quyền năng của Ngài mà làm cho chúng ta trở nên "một thân thể, một tinh thần trong Chúa Kitô".
Nhưng thử hỏi quyền năng Chúa Thánh Thần là quyền năng gì? Thưa đó là quyền năng sự sống của Thiên Chúa! Ðó là quyền năng của Thánh Thần bay lượn trên mặt nước vào buổi đầu tạo dựng vũ trụ, và là Thánh Thần, vào thời viên mãn, đã nâng Chúa Kitô dậy từ cõi chết. Ðó là quyền năng hướng dẫn chúng ta và thế giới đến Vương Quốc Thiên Chúa. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu rao giảng rằng một thời đại mới đã bắt đầu, trong đó Chúa Thánh Thần sẽ được đổ tràn xuống trên nhân loại (Lc 4:21). Chính Chúa Kitô, Ðấng được cưu mang bởi tác động của Chúa Thánh Thần và sinh ra bởi Ðức Nữ Ðồng Trinh, (chính Chúa Kitô) đã đến giữa chúng ta để mang đến cho chúng ta Chúa Thánh Thần. Như là nguồn mạch sự sống mới của chúng ta trong Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần cũng thật sự là linh hồn của Giáo Hội, là tình yêu liên kết chúng ta với Chúa và hiệp nhất chúng ta với nhau, và là ánh sáng soi mở đôi mắt chúng ta, để nhìn thấy những kỳ công của ân sũng Chúa trong tất cả chúng ta.
Tại Úc Châu này, "mảnh đất miền Nam bao la của Chúa Thánh Thần", tất cả chúng ta vừa trãi qua một kinh nghiệm tuyệt vời về sự hiện diện và quyền năng của Chúa Thánh Thần, trong các vẻ đẹp thiên nhiên. Mắt chúng ta đã được mở ra để nhìn thấy thế giới quanh chúng ta thật sự như nó là: một thế giới "tràn đầy" --- theo lời một nhà thơ --- "sự huy hoàng của Thiên Chúa", tràn đầy vinh quang của tình yêu sáng tạo của Ngài. Cũng nơi đây, trong tập họp vĩ đại những người trẻ Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta vừa trãi qua một kinh nghiệm sống động của sự hiện diện và quyền năng của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội. Chúng ta đã nhìn thấy Giáo Hội thật sự như giáo hội phải là: là Nhiệm Thể Ðức Kitô, là cộng đồng sống yêu thương, bao gồm mọi người thuộc đủ các chủng tộc, quốc gia và ngôn ngữ, vào mọi thời mọi nơi, trong sự hiệp nhất phát sinh từ đức tin chúng ta vào Chúa Phục Sinh.
Quyền năng Chúa Thánh Thần không bao giờ ngừng làm cho Giáo Hội được tràn đầy sức sống! Qua ân sũng của các Phép Bí Tích, quyền năng đó cũng tuôn chảy trong tâm hồn mỗi người chúng ta, như một dòng sông ngầm dưới mặt đất để nuôi dưỡng tinh thần chúng ta và luôn lôi cuốn chúng ta mỗi ngày một gần hơn với Chúa Kitô, Ðấng là nguồn mạch của sự sống đích thật của chúng ta. Thánh I-nha-xi-ô thành Antioch, đấng đã tử vì đạo tại Rôma vào đầu thế kỷ thứ hai, đã để lại cho chúng ta một mô tả tuyệt vời về quyền năng Thánh Thần ngự trị trong lòng chúng ta. Thánh I-nha-xi-ô đã nói về Chúa Thánh Thần như là nguồn suối nước hằng sống vọt lên trong trái tim ngài và thì thầm nói: "Hãy đến, hãy đến với Thiên Chúa Cha" (x. Thư gởi tín hữu Roma, 6:1-9).
Tuy nhiên, quyền năng này, hồng ân của Chúa Thánh Thần, không phải là điều mà chúng ta có thể hưởng lấy nhờ công trạng riêng của mình hoặc có thể chiếm được; chúng ta chỉ có thể lãnh nhận như một hồng ân hoàn toàn nhưng không. Tình Yêu Thiên Chúa có thể phát huy hết năng lực, chỉ khi nào chúng ta chấp nhận để cho mình được thay đổi từ bên trong. Chúng ta phải để cho Tình Yêu Thiên Chúa thấm nhập qua lớp vỏ cứng của sự lãnh đạm, sự mõi mệt thiêng liêng, sự mù quáng ùa theo tinh thần của thời đại. Chỉ như thế chúng ta mới có thể để cho Tình Yêu Thiên Chúa đốt sáng lên trí tưởng tượng và nhào nắn những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta. Ðó là lý do tại sao cầu nguyện là rất quan trọng như vậy: cầu nguyện hằng ngày, cầu nguyện cá nhân trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, cầu nguyện trước Thánh Thể, và cầu nguyện theo phụng vụ giữa lòng Giáo Hội.
Cầu nguyện là đơn thuần tiếp nhận ân sũng của Thiên Chúa, là tình yêu trong hoạt động, là hiệp thông với Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong ta và hướng dẫn chúng ta, nhờ Chúa Giêsu, trong Giáo Hội, đến với Thiên Chúa Cha trên trời. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu luôn luôn hiện diện trong tâm hồn chúng ta; Ngài im lặng đợi chờ chúng ta sẵn sàng đến đặt mình im lặng bên cạnh Ngài, để nghe tiếng Ngài, ở lại trong tình yêu của Ngài, và lãnh nhận "sức mạnh từ trời cao", một sức mạnh làm cho chúng ta có đủ điều kiện để làm muối đất, làm ánh sáng thế gian.
Khi Lên Trời, Chúa Phục Sinh đã nói với các môn đệ: "Các con sẽ là chứng nhân của Thầy... cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1:8). Nơi đây, trên đất nước Australia này, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân Ðức Tin, hồng ân vẫn còn ban xuống cho đến chúng ta ngày hôm nay, tại nơi này, như là một kho tàng đựợc thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong sự hiệp thông của Giáo Hội. Nơi đây trong Ðại Dương Châu, chúng ta hãy đặc biệt cảm tạ những nhà truyền giáo anh hùng, những linh mục và tu sĩ tận tụy, những cha mẹ ông bà sống đời kitô, những thầy dạy và những hướng dẫn viên đã dựng xây Giáo Hội trên những vùng đất này. Ðó là những chứng nhân như Nữ Chân Phước Mary Mackillop, Thánh Pietro Chanel, Chân Phước Peter To Rot, và thật nhiều vị khác nữa! Sức mạnh Chúa Thánh Thần, như đã được biểu lộ trong cuộc đời họ, hiện vẫn còn tác động trong những sáng kiến hữu ích mà các ngài để lại, và tác động trong xã hội mà các ngài đã nhào nắn, và là xã hội giờ đây được trao lại cho chúng con.
Các bạn trẻ thân mến, chúng con hãy cho Cha hỏi chúng con điều này: chúng con sẽ để lại những gì cho thế hệ đến sau? Các con có xây dựng cuộc đời trên những nền tảng vững chắc hay không? Chúng con có đang xây dựng điều gì tồn tại hay không? Chúng con có sống cuộc đời mình như thế nào để có thể dành ra một khoảng trống trong tâm hồn chúng con cho Chúa Thánh Thần, trong một thế giới muốn quên đi Thiên Chúa, hay tệ hơn muốn chối bỏ Ngài, nhân danh một quan niệm sai lầm về tự do? Chúng con đang sử dụng như thế nào những hồng ân đã được ban cho; chúng con sử dụng như thế nào "sức mạnh" mà Chúa Thánh Thần, cả ngay bây giờ, sẵn sàng đổ tràn xuống trên chúng con? Phần gia tài nào chúng con sẽ để lại cho những người trẻ đến sau? Chúng con sẽ làm điều gì khác hơn hay không? Sức mạnh của Chúa Thánh Thần không chỉ soi sáng cho chúng ta mà thôi, cũng không chỉ an ủi chúng ta mà thôi. Sức Mạnh Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn chúng ta đến tương lai, đến Nước Chúa ngự đến. Ðây quả thật là một cái nhìn tuyệt diệu về một nhân loại đã được cứu chuộc và được canh tân mà chúng ta thấy được trong thời mới, thời được hứa ban cho chúng ta, như bài phúc âm chúa nhật hôm nay nói đến.
Thánh sử Luca nói cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu Kitô là sự hoàn thành tất cả mọi lời hứa của Thiên Chúa, là Ðấng Thiên Sai có tràn đầy Chúa Thánh Thần, để có thể trao ban Thánh Thần cho toàn thể nhân loại. Sự tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần của Chúa Kitô xuống trên nhân loại là một bảo chứng cho niềm hy vọng và cho sự giải phóng chống lại bất cứ những gì làm cho chúng ta trở nên nghèo nàn đi. Việc tuôn đổ đầy tràn Chúa Thánh Thần làm cho người mù được nhìn thấy, làm cho kẻ bị áp bức được tự do, và sáng tạo sự hiệp nhất trong và với sự đa biệt (Lc 4:18-19; Is 61:1-2). Sức mạnh của Thánh Thần có thể tạo nên một thế giới mới: có thể "canh tân mặt đất" (Tv 104:30)! Ðược Chúa Thánh Thần củng cố và với cái nhìn phong phú của đức tin, một thế hệ mới những người kitô được mời gọi góp phần vào việc xây dựng một thế giới trong đó sự sống được đón nhận, được tôn trọng và được chăm sóc cách trìu mến, không bị chối từ hay bị lo sợ như là một đe dọa, và do đó bị huỷ bỏ. Ðây là một thời mới trong đó tình yêu trở thành tham lam và ích kỷ, nhưng trong sạch, trung tín và tự do một cách chân thành, mở rộng đón nhận kẻ khác, biết tôn trọng phẩm giá của họ; đây là một tình yêu biết cổ võ điều thiện hảo của kẻ khác và chiếu toả niềm vui và cái đẹp. Ðây là một thời đại mới trong đó niềm hy vọng giải thoát chúng ta khỏi sự hời hợt, khỏi sự không cảm thông và đóng kín, khỏi những gì làm hại linh hồn chúng ta và đầu độc những tương quan giữa người với người.
Các bạn trẻ thân mến, Chúa Kitô đang yêu cầu chúng con trở thành những ngôn sứ cho thời đại mới này, trở thành những sứ giả của tình yêu Chúa, có khả năng thu hút con người đến với Thiên Chúa Cha và xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho toàn thể nhân loại. Thế giới đang cần đến sự canh tân này! Tại nhiều xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất, mỗi lúc một lan rộng thêm sa mạc thiêng liêng: một sự trống rỗng nội tâm, một nỗi sợ không thể diễn tả, một cảm thức thất vọng ngấm ngầm. Thử hỏi có biết bao người đồng thời chúng ta giống như những thùng nước bị nứt và khô trống (Gr 2:13) đang đi tìm cách tuyệt vọng ý nghĩa cuộc đời, đi tìm ý nghĩa cuối cùng mà chỉ có tình yêu mới có thể ban cho? Ðây là một hồng ân cao cả và có sức giải phóng mà Phúc Âm mang đến: hồng ân biểu lộ phẩm giá của chúng ta như là những con người nam nữ được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa. Hồng ân mạc khải ơn gọi cao cả của nhân loại, một ơn gọi tìm gặp sự thành toàn trọn vẹn trong tình yêu thương. Hồng ân phơi bày sự thật về con người và sự thật về sự sống.
Giáo Hội cũng cần đến sự canh tân này! Giáo Hội cần đức tin của chúng con, cần tinh thần lý tưởng hoá và lòng quảng đại của chúng con, để Giáo Hội được luôn tươi trẻ trong Chúa Thánh Thần (x.Lumen Gentium, số 4)! Trong bài đọc thứ hai của thánh lễ hôm nay, Thánh Phaolô Tông Ðồ nhắc chúng ta rằng mỗi người kitô đều đã lãnh nhận một hồng ân mà mình cần phải sử dụng để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô. Giáo Hội đặc biệt cần đến hồng ân những người trẻ tuổi, cần đến tất cả những người trẻ. Giáo Hội cần lớn lên trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng giờ đây trao ban niềm vui cho chúng con, những người trẻ, và là Ðấng gợi hứng cho chúng con biết phục vụ Chúa trong vui tươi. Hãy mở rộng tâm hồn chúng con đón nhận sức mạnh này! Cha gởi lời mời gọi này một cách đặc biệt đến những ai đã được gọi sống đời linh mục và những ai sống đời tận hiến. Xin đừng sợ thưa Vâng với Chúa Giêsu. Chúng con đừng sợ tìm gặp niềm vui trong việc thực hành Thánh Ý Chúa, vừa hiến thân trọn vẹn để đạt đến sự thánh thiện vừa đồng thời sử dụng những tài năng chúng con phục vụ tha nhân!
Vài phút nữa đây chúng ta sẽ cử hành Bí Tích Thêm Sức. Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên các ứng viên; họ sẽ được "đóng ấn" bởi ơn Chúa Thánh Thần và sẽ được sai đi làm chứng nhân cho Chúa Kitô. Thử hỏi được "đóng ấn" Chúa ThánhThần, điều này có nghĩa gì? Thưa có nghĩa là được đóng dấu ấn không thể xóa bỏ đi được, là được biến đổi một cách không còn trở lui được nữa, có nghĩa là trở thành những tạo vật mới. Với những ai đã lãnh nhận ơn bí tích này, thì không còn gì mãi như cũ được nữa! Ðược "tẩy rửa" trong Chúa Thánh Thần (1 Cr 12:13) có nghĩa là được đốt cháy bởi lửa tình yêu Thiên Chúa. Ðược "giải khát nơi nguồn nước Chúa Thánh Thần" có nghĩa là được trở nên tươi trẻ bởi nét đẹp của chương trình Thiên Chúa dành cho chúng ta và cho thế giới, và đến phiên mình được trở thành nguồn mạch tươi mát cho kẻ khác. Hơn nữa, được "đóng dấu ấn Chúa Thánh Thần" có nghĩa là không sợ hãi bênh vực Chúa Kitô, vừa đồng thời để cho sự thật Phúc Âm thấm nhuần cách chúng ta sống, suy nghĩ và hành động, trong khi chúng ta cố gắng làm việc ngõ hầu nền văn minh của tình yêu được chiến thắng.
Khi cầu nguyện cho các ứng viên lãnh nhận bí tích Thêm Sức, chúng ta hãy cầu xin sức mạnh của Chúa Thánh Thần cũng làm sống lại ân sũng Bí Tích Thêm Sức của chính chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy các ơn thiêng xuống trên tất cả những người đang hiện diện, trên thành phố Sydney, trên mảnh đất Australia và trên tất cả mọi cư dân trên đất nước này! Ước gì mỗi người chúng ta được đổi mới trong ơn khôn ngoan và ơn hiểu biết, ơn suy xét và ơn can đảm, ơn thông minh và ơn đạo đức, ơn ngưỡng phục và ơn kính sợ trước Nhan Thiên Chúa!
Nhờ lời chuyển cầu đầy tình thương của Ðức Maria, Mẹ Giáo Hội, xin cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 23 này được sống như một Phòng Tiệc Ly mới, sao cho tất cả chúng ta, đang nóng sốt lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần, có thể tiếp tục rao giảng Chúa Phục Sinh và lôi cuốn mọi con tim về với Người. Amen.
Tiếp liền với bài giảng, ÐTC nói thêm vài lời chào các bạn trẻ từ Italia đến và chào tất cả những người Ý sinh sống tại Australia, như sau:
"Cha xin chào tất cả các bạn trẻ nói tiếng Ý, và Cha cũng gởi lời chào tất cả những ai đến từ Italia và hiện đang sinh sống tại Australia. Kết thúc một kinh nghiệm ngoại thường sống hiệp thông Giáo Hội, một biến cố làm cho chúng ta sống một lễ Hiện Xuống mới, anh chị em hãy ra về được củng cố bởi sức mạnh Chúa Thánh Thần. Anh chị em hãy là những chứng nhân của Chúa Kitô Phục Sinh, niềm hy vọng của các người trẻ và của toàn thể gia đình nhân loại!
(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)