Ngày Giới Trẻ Thế Giới

và việc đào luyện thế giới tục hóa

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ngày Giới Trẻ Thế Giới và việc đào luyện thế giới tục hóa.

Sydney, Australia (26/07/2008) - Cha Robert Sirico, đồng sáng lập viên và là chủ tịch cơ sở nghiên cứu Acton Institute tại Hoa Kỳ cho hay không có lý do gì cần phải ở thế thủ đối với Ðức Tin Công Giáo. Trước một cử toạ tại Sydney, cha cho hay hiểu biết đức tin Công Giáo và nắm vững các chân lý của nó là phương cách tốt nhất để phúc âm hóa và khắc phục tinh thần bất khoan dung.


Cha Robert Sirico, đồng sáng lập viên và là chủ tịch cơ sở nghiên cứu Acton Institute tại Hoa Kỳ.


Theo cha Sirico, Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một điển hình hoàn hảo cho việc trình bầy đức tin một cách tự tin và không khoan nhượng cho thế giới tục hóa. Ngài gợi ý rằng: "Ngày Giới Trẻ Thế Giới tự nó là một thành phần trong việc đào tạo liên tục, cho cả người Công Giáo lẫn thế giới thế tục. Chính khi không tự tin với chính mình, ta mới trở thành ở thế thủ, nhưng tôi không tin mình có lý do để ở trong thế thủ như thế. Ta cần mời gọi người thuộc các lối sống và niềm tin khác nhau và đề nghị chứ không áp đặt lên họ chân lý đức tin, và mời gọi trong một đối thoại trung thực về chân lý ấy".

Ngài nói thêm: "Thấy 300,000 người trên hè phố Sydney khiến người ta có cảm thức rằng họ không đơn độc và đức tin Công Giáo có một sự hợp lý hợp lẽ mà ta có thể giới thiệu với thế giới".

Viện Acton, một viện chuyên nghiên cứu các nền kinh tế thị trường được niềm tin tôn giáo và các chân lý tuyệt đối về luân lý soi sáng, ngày 4 tháng Bẩy năm 2008, đã cho công bố phim tài liệu của mình tựa là "Sự Hạ Sinh Của Tự Do" (The Birth of Freedom).

Khoan dung

Cha Sirico giải thích rằng tài liệu trên nhằm làm "nổ tung huyền thoại" cho rằng từ trong định nghĩa, làm người tôn giáo là làm người bất khoan dung.

Thực ra, các định chế tự do nhân bản, việc chống lại các hình thức nô dịch khác nhau, như kỳ thị phụ nữ và không chấp nhận nhau, đều đã phát sinh từ ý niệm Kitô giáo về phẩm giá cố hữu của nhân vị.

Cha Sirico nói rằng các định chế xã hội khác đều do đó mà có: các tòa án luật, quyền ký khế ước, tự do mậu dịch, tự do phát biểu và quyền tự do hành đạo. Theo cha: "Trong thế giới cổ thời, những điều trên không được ai biết đến, và người ta không còn hoài nghi gì nữa rằng chúng do Do Thái giáo và Kitô giáo Phương Tây đem lại. Ðiều ấy có lý do, và lý do đó, theo tôi, chính là nền nhân học của ta và cái hiểu của ta về bản chất nhân vị".

Cuốn phim này cho rằng phong trào đơn tu trong Công Giáo chính là định chế đầu tiên theo đuổi 'tinh thần canh tân'. Nó cũng nhấn mạnh điều nữa: nhiều nhân vật tạo nên các thay đổi xã hội trong lịch sử Âu Châu và Hoa Kỳ đã được niềm tin vào Thiên Chúa khích động và được công khai xác nhận như thế. Trong đó có Martin Luther King và Abraham Lincoln.

Theo Cha Sirico, "Chúng ta muốn các bạn hữu thế tục hiểu rõ nền tự do mà ta vốn coi như đương nhiên, và gốc rễ của nền tự do ấy là gì. Chúng ta hy vọng có thể mạnh mẽ trả lời cho thứ huyền thoại vốn cho rằng tôn giáo và cam kết tôn giáo chỉ là một hình thức bất khoan dung và 'Thời Ðại Ðen Tối'. Nhưng thực ra, Thời Ðại Ðen Tối chỉ là một huyền thoại, như cuốn phim đã chứng tỏ. Vì một số các thành tựu nhân bản vĩ đại nhất trong lịch sử sáng chế của nhân loại đã xẩy ra trong chính thời kỳ ấy".

Cha cho hay người ta vẫn thường quan niệm rằng "người vô thần là những 'nhà tư tưởng tự do' còn các tín hữu tôn giáo chỉ là 'những tên bị xiềng xích'. Chúng tôi chỉ muốn cho nổ tung cái thứ huyền thoại coi tôn giáo là bất khoan dung hay việc tuân theo chân lý tự nó chỉ là một hành vi bất khoan dung. Chúng ta phải đả thông cái ý niệm cho rằng tuân theo chân lý là bất kính đối với con người và nền tự do của họ. Chúng ta có thể bất đồng ý kiến với người khác, nhưng nhất định không bao giờ bất kính đối với con người của họ".

Sa mạc thời đại

Ðức Bênêđíctô XVI, trong suốt bốn ngày chính thức tại WYD 2008, đã dùng chủ đề sa mạc trong khá nhiều bài diễn văn để một mặt đề cập tới tình huống tâm linh và luân lý của thế giới ngày nay, mặt khác để nói lên quan tâm của người trẻ và rất nhiều người Úc đối với việc thay đổi khí hậu hiện đang mang lại hạn hán nghiêm trọng cho nhiều khu vực trong vùng.

Lên tiếng tại Barangaroo lúc khởi đầu các lần xuất hiện công khai, Ðức Giáo Hoàng đã tương phản các hình ảnh 'tuyệt diệu' của thiên nhiên nhìn từ máy bay với các 'vết thẹo chằng chịt trên khuôn mặt trái đất'và ngài cũng nói đến môi trường thoái hóa của xã hội. nói chung.

Ðêm Thứ Bẩy, trước 235,000 khách hành hương bất chấp giá lạnh Sydney đến Randwick cùng cầu nguyện, Ngài khuyên giới trẻ đừng tự cắt đứt với Giáo Hội định chế. Theo Ngài, "chẳng may, cơn cám dỗ 'muốn đi một mình' cứ dai dẳng mãi khôn nguôi. Ngày nay, một số người muốn hình dung cộng đồng địa phương của họ như một thực thể tách biệt hẳn ra cái họ gọi là Giáo Hội định chế, bằng cách coi cộng đồng địa phương của họ là mềm dẻo và cởi mở với Chúa Thánh Thần, còn cái họ gọi là Giáo Hội định chế thì cứng cỏi, không có Chúa Thánh Thần trong đó".

Còn trong Thánh Lễ bế mạc vào ngày hôm sau, Ngài nói tới thứ 'sa mạc thiêng liêng' song hành với sự thịnh vượng vật chất tại nhiều xã hội, một thứ sa mạc đang sản sinh ra 'cái trống vắng nội tâm, nỗi sợ không tên, cảm thức âm thầm thất vọng'. Ngài kêu gọi giới trẻ thế giới hãy năng lực hóa Giáo Hội và trở nên 'Căn Phòng Mới Trên Lầu', có liên quan tới các môn đệ đầu tiên, để loan báo Chúa Phục Sinh cho thế giới. Ðức Giáo Hoàng lớn tiếng đặt câu hỏi: "Bao nhiêu người thời nay đã xây nên những chiếc hồ nứt rạn, trống rỗng [ám chỉ việc từ bỏ Thiên Chúa trong Giêrêmia 2:13] trong cố gắng tuyệt vọng đi tìm ý nghĩa, ý nghĩa sau cùng mà chỉ có tình yêu mới đem lại được?".

Sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Cơ quan chuyên dùng truyền thông để phúc âm hóa tại Miami Hoa Kỳ, có tên là God Squad, đã mở một trang mạng để những người hành hương WYD tại Sydney có thể liên lạc với nhau. Trang mạng có tên WYDChallenge.com này nhằm mục tiêu cung cấp diễn đàn cho các khách hành hương qua nhiều dự án phục vụ.

Christopher Wills, Tổng quản trị cơ quan God Squad Communications, cho hay: "Các khách hành hương có đăng ký sẽ nhận được các thách đố phục vụ cộng đồng hàng tháng, giúp họ tham dự nhiều loại sinh hoạt khác nhau tại giáo phận sở tại của họ. Các thách đố này có thể là dành giờ cho các bệnh viện địa phương, tổ chức các buổi phân phối thực phẩm, hay dùng các tài năng của họ cho các hành động bác ái đơn giản hơn...". Tất cả các dự án phục vụ này đều là những phương thế cụ thể giúp các khách hành hương trở thành nhân chứng cho thế giới thấy sức mạnh họ đã nhận được từ Chúa Thánh Thần.

Sau khi đã hoàn thành một dự án, khách hành hương sẽ chi sẻ hình ảnh hay video với các bạn trẻ tham dự WYD khác.

Tại WYD ở Sydney, Ðức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói rằng cho có phúc hơn nhận, nhưng God Squad đem lại cho khách hành hương ít ơn phúc thiêng liêng hơn bằng cách chúng nhận giờ phục vụ cho họ. Người nào nhiều giờ phục vụ nhất sẽ được một 'gói' du lịch tham dự ngày WYD sắp tới.

Ngoài ra, WYDChallenge.com cũng giúp các khách hành hương có thể liên lạc với các khách hành hương khắp nơi trên thế giới, theo nhiều tiêu chuẩn tìm kiếm khác nhau như các WYD đã tham dự, quốc gia nguyên gốc, hay tên tuổi. Khi đã liên lạc được, họ có thể tiếp tục gửi tin nhắn cho nhau trên trang mạng, để lại những nhận định, nhận xét về con người của nhau, trao đổi ý cầu nguyện, tán gẫu, và rất nhiều phương tgiện, phương pháp truyền thông khác hiện còn đang được khai triển.

Gợi hứng cho đại kết, giảm bớt tội ác

Ngày Ðức Bênêđíctô XVI rời Sydney, cũng là ngày báo chí, truyền thanh, truyền hình đua nhau binhìluận về sự thành công của WYD.

Sau khi tiễn biệt Ðức Thánh Cha, Ðức Hồng Y George Pell đã tổ chức một cuộc họp báo tại Trung Tâm Truyền Thông Quốc Tế WYD ở Cảng Darling. Theo Ðức Hồng Y, WYD đã mang lại vị thế mới cho Giáo Hội trong lãnh vực công. Như đối với vấn đề sự sống chẳng hạn, Ðức Hồng Y cho hay công chúng sẽ sẵn sàng hơn để hiểu rằng "người Công Giáo chúng tôi có điều gì đó để nói về các vấn đề ấy và họ sẽ sẵn sàng lắng nghe chúng tôi một cách kính trọng".

Ðức Tổng giám mục Sydney cũng nói thêm: "WYD đã chứng minh được rằng đại đa số người dân Úc rất cởi mở đối với điều chúng tôi muốn nói".

Ngài cũng nhận rằng "Họ rất có thể bất đồng với chúng tôi, nhưng họ nhìn nhận chúng tôi là thành phần của chính dòng sinh hoạt Úc; các xem sét tôn giáo là quan trọng; con người cần ý nghĩa và mục đích; và một cách hết sức trổi vượt, người ta đã nhìn nhận sự cần thiết phải mở lòng cho đấng siêu việt".

Theo Ðức Hồng Y, "Trong quá khứ, người Công Giáo chúng tôi đã chỉ quá chú trọng tới chính mình. Giờ đây, chúng tôi nói rất rõ rằng mình có điều gì đó muốn cung hiến cho toàn bộ những người dân khác của Úc".

Còn vị giám mục phụ tá của ngài là đức cha Julian Porteous thì nhắc tới lòng cung kính của giới trẻ suốt trong tuần lễ WYD mà 'cao điểm' là các buổi giáo lý vào buổi sáng trong đó các vị giám mục và giới trẻ trao đổi cho nhau những câu hỏi thưa hết sức ý nghĩa. Ðức cha cho hay: "Mọi giám mục đều ghi nhận thái độ nghiêm chỉnh đáp ứng của giới trẻ trong các buổi giáo lý trên và nhất là trong các lúc thờ kính Thánh Thể và đi Ðàng Thánh Giá. Giới trẻ hết sức chăm chú và tôn kính. Chúng ta thấy nơi người trẻ đang có một chiều sâu mới về cảm nghiệm Giáo Hội. Ðiều ấy khiến ta đầy hy vọng đối với hoa trái thu hoạch". Ðối với đức cha, biến cố tại Sydney đã chứng minh một lần nữa rằng WYD "quả có khả năng đầy hiệu quả lôi cuốn được người trẻ trên bình diện mục vụ và thiêng liêng".

Ðức cha cũng cho hay nhiều người trẻ nói với ngài rằng bài giảng của Ðức Giáo Hoàng gây ấn tượng lớn nơi họ, trái với lời bình luận của một số báo chí cho rằng bài giảng ấy quá 'thần học' khiến giới trẻ không hiểu. Người trẻ ấy cho đức cha hay có thể vì tờ báo ấy không đồng điệu (tuned) với Ðức Giáo Hoàng, nên không hiểu Ngài mà thôi. 'Họ nghe Ngài bằng những lỗ tai khác".

Trên đường ra phi trường về nước, đức ông Francis Kohn, giám đốc sở tuổi trẻ tại Hội Ðồng Giáo Hoàng về Giáo Dân cho hay ngài biết ơn nước tổ chức WYD. "Giiớ trẻ rõ ràng hạnh phúc và hài lòng. Các biến cố hết sức khích lệ và đầy đức tin. Tôi tin rằng chúng ta đã được chứng kiến một Lễ Ngũ Tuần mới trong thời gian này, và giới trẻ xem ra sẵn sàng đáp lại lời mời làm nhân chứng của Ðức Giáo Hoàng. Bởi vậy, chúng tôi hết sức tán dương và phấn chấn về các hiệu quả mà biến cố này gây ra đối với họ và nhiều hoa trái sẽ xẩy ra"

Giới trẻ không chỉ gây ấn tượng cho các nhà lãnh đạo Công Giáo mà thôi. Họ còn gây ấn tượng tốt nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội khác nữa. Ông Andrew Scipione, Tổng uỷ viên cảnh sát Bang NSW, nói rằng về phương diện thống kê, tỷ lệ tội phạm trong tuần này là tỷ lệ thấp nhất trong thời gian dài gần đây. Ông cho rằng điều ấy do sự hiện diện của khách hành hương và bầu khí linh thiêng tổng quát. Ông cho Ðài Sky News hay: số lượng cảnh sát phụ trội xem ra không cần thiết, vì khách hành hương có tác phong rất đàng hoàng, tử tế.

Alex Dorcas, chủ nhân một nhà hàng ở Macquarie Street, nơi "giáo hoàng xa" (Pope-mobile) chạy qua, cho hay: biến cố WYD đã gợi hứng cho việc hiệp nhất, một nhận định chắc chắn Ðức GH sẽ rất thích nghe. "Dù là người chính thống giáo, từ thái độ lịch lãm và ánh mắt của những người trẻ đến tiệm của tôi trong mấy ngày qua, tôi cũng thấy rằng đức tin quả đang sống động và sống rất mạnh, biến cố như thế này quả đem lại cơ may cho hiệp nhất. Mong sao mỗi tháng đều có một WYD".

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page