Máy bay Qantas cất cánh

để đưa ÐTC Bênêđíctô XVI trở lại Rome

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Máy bay Qantas cất cánh để đưa Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trở lại Rome.

Sydney, Australia (21/07/2008) - Máy bay Qantas đã cất cánh tại Phi trường quốc tế Sydney vào lúc 10 giờ sáng thứ Hai 21/07/2008 để đưa Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trở lại Rome, sau một tuần thăm Úc, một tuần lễ với một lịch trình làm việc hoàn toàn xít xao, sau một hành trình mà chính Ngài gọi là hãi hùng (daunting).


ÐTC đứng bên cạnh Thủ Tướng Úc, trên một khán đài nhỏ tại Phi Trường Sydney, và đọc bài diễn văn tạm biệt mọi người trước khi lên đường trở về Roma.


Nhưng nếu khi đến, Ngài nở một nụ cười rộng có tính ngoại giao, thì khi từ giã Sydney, Ngài còn nở một nụ cười rộng hơn thế nhiều, nhưng là nụ cười thoải mái của "một người trong chúng ta" như Thủ Tướng Kevin Rudd nhận định trong bài diễn văn tạm biệt Ðức Thánh Cha tại Phi trường Sydney. Ông Rudd: "Holy Father, we wish you a farewell" (Thưa Ðức Thánh Cha, chúng con muốn từ giã Ðức Thánh Cha". Hình như nhiều người, rất nhiều người Úc, nhất là người Công Giáo Úc, không muốn nói câu ấy. Ðối với họ, đây chỉ là một lời tạm biệt. Lúc nào họ cũng muốn được gặp lại người Cha Chung của họ.

Còn nhớ hôm Ði Ðàng Thánh Giá, một Ðàng Thánh Giá tân thời, không hoàn toàn giống như Ðàng Thánh Giá cổ truyền, tôi chen mãi mới tới gần hàng rào phân cách đại đa số khách hành hương ở Hyde Park với Nhà Thờ St Mary, nơi được chiêm ngắm và suy niệm Chặng Thứ Nhất, vì không có 'pass' mang nơi đến là St Mary hay Cathedral. Tuy nhiên, từ chỗ đó, tôi cũng có thể thấy màn ảnh lớn tại cửa Nhà Thờ Chánh Tòa. Khi Ðức Thánh Cha xuất hiện ở tiền đình Nhà Thờ, người đàn bà đứng gần tôi, âu yếm nói, vừa đủ cho chính bà nghe: hello, Papa! Cũng một lời ấy lại được nói lên khi Ngài lui gót vào bên trong Nhà Thờ. Không phải lần đầu, tôi được nghe thấy câu ấy, mà bất cứ lúc nào Ðức Giáo Hoàng xuất hiện, dù là chỉ trên màn truyền hình, tôi cũng nghe thấy nó, nhỏ nhẹ thôi, nhưng phát tự đáy tâm hồn người dân Sydney. Tôi hoàn toàn đồng ý với Peter Swanns, một đại chủng sinh quê ở Adelaide, đang tu học tại Rome để làm linh mục, được đài Sky News mời, cùng nhận định cuộc tạm biệt Sydney của Ðức Giáo Hoàng với Cha Chris Riley, sáng lập viên tổ chức "Youth Off Streets": "thật ra, tôi khá buồn khi thấy Ðức Thánh Cha ra đi". Người điều khiển giờ tin Terry Willsee đồng ý với Peter và thêm: "tôi nghĩ mọi người cùng nghĩ như thầy, nhất là những người hành hương đến từ muôn phương".

Ðài Sky News cho công chúng xem hình ảnh giáo hoàng xa rời Nhà Thờ St Mary lúc 8 giờ 45 sáng nay, trực chỉ The Domain, nơi 8,000 thiện nguyện viên đang chờ để được đón tiếp Ngài. Khi thấy giáo hoàng xa xuất hiện từ xa, nhiều thiện nguyện viên đã xô nhau chạy tới, nhiều người còn vượt cả rào cản, hy vọng được thấy Ngài thật gần bao nhiêu có thể. Ngài hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho họ.

Rời The Domain, Ngài được chuyển qua một limousine có cờ Toà Thánh để tới Phi Trường, nơi Tổng Toàn Quyền Jeffry và Thủ Tướng Rudd đang túc trực nghênh đón. Không đâu ta thấy khuôn dạng nền chính trị Úc rõ bằng ở đây. Tổng Toàn Quyền ra tận limousine chào đón Ðức Thánh Cha, sau đó mới đến Thủ Tướng, nhưng khi lên bục lễ đài, thì lại chỉ có Ðức Thánh Cha và Thủ Tướng. Trong bài diễn văn tạm biệt, Ðức Thánh Cha cũng đã ngỏ lời với Thủ Tướng Rudd trước khi ngỏ lời cùng Tổng Toàn Quyền Jeffrey, dù ông mới đại diện Nữ Hoàng, đứng đầu quốc gia. Nhưng khi từ bục lễ đài bước xuống, thì chính Tổng Toàn Quyền đi cạnh Ðức Giáo Hoàng ra tận chân cầu thang máy bay, chứ không phải Thủ Tướng.


ÐTC bước vào máy bay, chuẩn bị trở về Rôma.


Cuộc viếng thăm Úc lần đầu tiên của Ðức Bênêđíctô XVI được mọi giới nhận định là thành công vĩ đại, về mọi phương diện. Người thì cho là vì sự ấm áp của Ngài mà giới trẻ đã nồng nhiệt đáp ứng. Người lại cho là nhờ giới trẻ nồng ấm chào đón mà Ngài đã nồng ấm đáp lại. Dù sao, cả Peter Swanns lẫn Cha Chris Riley đều đồng ý với nhận định của hai người đọc tin của Sky News là: tại Sydney, Ðức Bênêđíctô XVI mỗi ngày một 'người' (human) hơn. Người đọc tin của Sky News cho hay: cô chưa bao giờ thấy nét nhân bản đến như thế nơi đức Bênêđíctô XVI. Không lạ gì Thủ Tướng Rudd cũng đã nắm được khía cạnh ấy trong diễn văn tạm biệt Ðức Thánh Cha. Ông cho hay: tính nhân bản đơn sơ của Ðức Thánh Cha đã đánh động trái tim mọi người Úc.

Cả Ủy Viên Cảnh Sát New South Wales cũng nhìn nhận Ngày Giới Trẻ Thế Giới quả là một thành công rực rỡ. Còn đài Sky News thì cho hay đây là một thành công lớn lao về phương diện giao tế nhân sự (PR) của Giáo Hội Công Giáo Úc, một thành công chưa bao giờ có tầm cỡ như thế này. Thành công trong việc đem lại thiện ý, tình thân ái, hạnh phúc hân hoan, sức sống tâm linh, giúp người trẻ mở lòng mình ra như chính Peter Swanns, người đã quyết định đi tu, sau khi tham dự các WYD tại Rome và Toronto. Thầy cho hay thầy rất cần những biến cố loại này để tái tập chú (refocus). Thầy nghĩ không riêng thầy cần điều đó, mà mọi người trong chúng ta đền cần. Con người lúc nào cũng cần tái tập chú vào ngả đường mình đã tự chọn cho chính mình. Ðó cũng là ý nguyện của Ðức Bênêđíctô XVI khi Ngài cầu mong giới trẻ Úc sẽ là một thế hệ trẻ Công Giáo mạnh mẽ.

Không phải chỉ có thế. Nhân dịp này, Ðức Giáo Hoàng còn thành công cả về ngoại giao nữa. Vì cũng chính trong lễ tiễn biệt này, Thủ Tướng Rudd đã chính thức công bố việc nâng toà đại diện tạm thời của Úc tại Vatican lên hàng toà đại sứ chính thức với một đại sứ toàn thời gian và thường trú tại Rome. Ông cũng chính thức công bố việc đề cử ông Tim Fisher, cựu phó thử tướng trong chính phủ đầu tiên của ông John Howard, làm đại sứ toàn thời gian của Úc tại Vatican. Tim Fisher đã được giới thiệu với Ðức Thánh Cha trên bục lễ đài.

Với những thành công ấy, Ðức Thánh Cha đã 'bay' về Rome lúc 10 giờ sáng ngày 21/07/2008. Người dân Sydney ngước nhìn mãi chiếc máy bay Qantas chở Ðức Thánh Cha cho đến lúc nó khuất dạng. Không khác gì các môn đệ ngày xưa cứ gián mắt lên bầu trời của riêng mình, hy vọng Thầy vẫn mãi ở đó, cứ mãi ở đó với chúng con, 'vì trời đã tối'. Nhưng Thầy đâu muốn chúng con cứ đứng ỳ ở đấy. Thầy muốn chúng con lên đường và đi gặp Người tận mãi cuối đất, tận mãi cuối cùng thời gian.

Ðấy cũng chính là sứ điệp của Ðức Bênêđíctô XVI. Trước khi lên đường tới The Domain gặp gỡ 8,000 thiện nguyện viên, Ngài đã cử hành thánh lễ lúc 6 giờ sáng ngày 21/07/2008 với 4 nạn nhân bị một số giáo sĩ lạm dụng tình dục và sau đó gặp gỡ họ. Cả Phòng Báo Chí Tòa Thánh lẫn Toà Tổng Giám Mục Sydney đều ra thông cáo về biến cố này và hy vọng đây sẽ là khởi đầu cho một diễn trình hàn gắn lâu dài. Không vấn đề nào đã gây xúc động, đau đớn, tủi buồn và xấu hổ cho quá nhiều người bằng vấn đề này. Chính Ðức Hồng Y George Pell, mới đây, cũng cho hay: Giáo Hội muốn hòa giải chữa lành, chỉ là chưa biết phải làm sao để tiến hành tốt đẹp mà thôi. Rời bỏ bầu trời của riêng mình chắc hẳn là bước đầu của diễn trình ấy, một diễn trình chắc chắn nhận được nhiều khích lệ do cử chỉ hết sức nhân bản của Ðức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đem lại.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page