Công Việc Truyền Giáo

Cho Các Sắc Tộc Thiểu Số

Miền Tây Bắc Việt Nam

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Công Việc Truyền Giáo Cho Các Sắc Tộc Thiểu Số Miền Tây Bắc Việt Nam.

Yên Bái, Việt Nam - (Interview 19/07/2008) - Mặc dù môi trường Truyền giáo tại miền Tây Bắc giáo phận Hưng Hoá rộng lớn nhất Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, nhưng có một linh mục trong 5 năm qua đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ trong việc truyền giáo cho các sắc tộc thiểu số trong vùng và thiết lập được nhiều giáo điểm Truyền giáo mới mới nhờ biết tôn trong tín ngưỡng, phong tục tập quán và nền văn hoá truyền thống của các sắc tộc thiểu số bản địa.


Cô gái Thái đọc sách Thánh trong Thánh Lễ.


Ðó là Linh mục Micae Lê Văn Hồng, sinh ngày 19-10-1960, mãn trường Ðại Chủng viện Hà Nội khóa 1988-1995, lãnh chức linh mục ngày 21 tháng 3 năm 2002, vào tháng 8 năm 2003 Cha được bổ nhiệm coi sóc giáo xứ Vĩnh Quang và kiêm nhiệm 3 giáo xứ khác trong vùng, cả 4 xứ này đã không có linh mục xứ coi sóc kể từ năm 1964. Kể từ đó Cha bắt đầu công việc mục vụ và ưu tiên Truyền giáo cho người sắc tộc thiểu số, đặc biệt là người Thái. Ðầu năm nay Cha chuyển tới coi sóc giáo xứ Nghĩa Lộ cách Vĩnh Quang 5 km và vẫn tiếp tục công cuộc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số trong một miền rộng lớn phía tây bắc Việt Nam, cụ thể thuộc địa bàn các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải và thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh miền núi Yên Bái, trụ sở của cha tại xứ Nhĩa Lộ, cách Hà Nội 270 km về phía tây bắc.

Trong tổng số 10,200 người Công giáo trong vùng này, Cha Hồng coi sóc khoảng 4,500 giáo dân người H'mông, 500 người Thái, 25 người Dao, 60 người Tày và 1,500 người Kinh. Số Công giáo người Kinh còn lại thuộc quyền coi sóc của hai linh mục khác.

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm (2003-2008) mục vụ truyền giáo cho các dân tộc thiểu số trong vùng vào tháng 8/2008, Cha Hồng đã chia sẻ kinh nghiệm về công cuộc Truyền giáo đặc biệt của mình cho các dân tộc thiểu số. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

PV: Xin Cha cho biết trong 5 năm qua Cha đã gặt hái được những hoa trái gì trong công cuộc Truyền giáo cho các sắc tộc thiểu số miền tây bắc Tây Bắc giáo phận Hưng Hoá rộng lớn?

Linh mục Micae Lê Văn Hồng (LVH): Trong 5 năm coi sóc mục vụ trong vùng đa sắc tộc chung sống này, công cuôc truyền giáo do tôi khởi xướng mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng đã có những khởi sắc sau gần nửa thế kỷ được coi là vùng đất "nằm ngủ yên và bị lãng quên về công tác Truyền giáo". Tính đến nay đã có khoảng 500 người Thái, 70 người Dao, 150 người H'mông được Rửa tội gia nhập đạo Công giáo vào các dịp lễ lớn rải rác trong các năm vừa qua. Ðặc biệt những tân tòng người Thái và Dao nói trên họ là những người dân tộc thiểu số đầu tiên trong cộng đồng của họ gia nhập đạo Công giáo do nỗ lực truyền giáo của chúng tôi trên miền đất được coi là đã ngủ yên và bị lãng quên sau gần nửa thế kỷ kể từ năm 1964 là năm mà cả vùng không còn linh mục nào coi sóc. Bên cạnh đó tôi cũng đã cho thiết lập được 10 giáo điểm truyền giáo mớI nằm rải rác trong các bản làng dân tộc.

PV: Ðâu là những tiêu chí quan trọng và ưu tiên của Cha khi truyền giáo cho người dân tộc thiểu số ở đây?

LVH: Tôi luôn xác định tiêu chí quan trọng trong khi truyền giáo cho họ là tôn trọng nền văn hoá, phong tục tập quán và cả tín ngưỡng dân gian của họ, và lợi dụng moị hoàn cảnh có thề để tiếp cận làm quen với họ, trở thành bạn thân với họ thì càng tốt.

PV: Xin cha chia sẻ một vài kinh nghiệm cũng như phương cách tiếp cận để Truyền giáo cho họ củ thể như thế nào?

LVH: Tôi cũng đã từng là một người lính nên tôi biết Truyền giáo cũng giống như một trận đánh lớn vậy, "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng," nên tôi phải chủ động như mỗi khi định đi tới tiếp cận một nơi nào đó, tôi không bao giờ nói về Chúa và việc truyền giáo trước, nhưng thay vào đó là tìm cách làm quen trước như hỏi chuyện họ về sức khoẻ về cách làm ăn, làm nông, lâm nghiệp, thời tiết, mùa màng ra sao có được mùa hay không... Ðôi khi để lấy được lòng bà con dân tộc, tôi cùng xuống ruộng để cày cấy, gặt lúa hay cùng trồng cây với họ, ăn những món ăn truyền thống dân tộc mà họ thích như côn trùng ếch, nhái, ngoé, chão chuộc, dế, chuột nấu, những thứ này thường nấu với rau và măng rừng, thịt sấy khô uống rượu bằng ống nứa, sừng bò, những món ăn này từng làm nhiều người khiếp sợ và chính bản than tôi lúc đầu cũng sợ, nhưng ăn vài lần rồi quen và không muốn làm mất long dân làng, vì vậy họ tỏ ra thích thú vì thấy tôi trở nên giống họ.


Các cô gái Thái dâng lễ vật trong Thánh Lễ.


Sau khi đã quen biết rồi, tôi thường mời họ trực tiếp tham dự và trình diễn văn nghệ dân tộc của họ như các điệu múa xoè quạt, xoè ô, đội gốm, múa khèn, múa sạp là những nét văn hoá đặc trưng của người Thái, H'mông cho dù bước đầu họ chưa gia nhập Công giáo vào các dịp lễ quan trọng của ngườI Công giáo như lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, dịp Tết Nguyên Ðán, khánh thành nhà thờ, kỷ niệm 100 thành lập giáo xứ, dịp tấn phong Giám mục, thụ phong linh mục.

Tôi thường tới thăm nhà họ, chia vui se buồn với họ trong các dịp đám tang, đám hiếu, một điều không thể thiếu là tôi học tiếng dân tộc Thái, tiếng H'mông, Dao để giao tiếp với họ, và tổ chức cử hành các thánh lễ bằng tiếng dân tộc bất cứ nơi nào có thể như tại các giáo điểm, nhà tư, trên bãi đất trống hay ven sườn đồi núi giữa các bản làng, thậm chí còn cả ở các khu chợ nữa. bên cạnh đó còn bốc thuốc nam gia truyền để chữa bệnh cho đồng bào, trong đó miễn phí cho những người nghèo.

Một điều không thể thiếu khi đi truyền giáo ở vùng này là phải biết uống rượu, thậm chí cũng phải uống say họ mới vui, mặc dù điều này làm tôi không thích và có hại cho sức khoẻ, nhưng đối với bà con dân tộc, họ lấy "rượu làm đầu câu chuyện", mọi thứ có thể giải quyết một cách dễ dàng được nhờ giao lưu với nhau qua chén rượu cần, rượu sâu chít, rượu uống bằng ngà trâu, sừng bò hay ống nứa, nếu họ mời mình uống rượu mà mình không uống họ sẽ cho mình là "khinh dể không tôn trọng nền văn hoá và tập tục bản địa của ho.

PV: Thế còn về vấn đề tín ngưỡng, tôn kính tổ tiên theo truyền thống của họ cha tiếp cận thế naò?

LVH: Tôi luôn tôn trọng tập tục văn hoá, tôn kính tổ tiên, tục cúng bái của người Thái, người Dao, vì đó cũng là cách tiếp cận quan trọng làm cho họ quí mến và có cảm tình với linh mục bước đầu, sau đó tôi giải thích về đạo Công giáo cũng tôn kính tổ tiên nhưng chỉ khác nhau cách làm mà thôi, qua đó hướng dẫn họ nên bỏ những gì là mê tín dị đoan và giữ lại những gì là tinh hoa của truyền thống dân tộc mình. Theo phong tục tập quán lâu đời của Người Thái họ thờ cúng "Ma Nhà"có nghĩa là thờ cúng Tổ Tiên được đặt ở một gian buồng chỉ có chủ nhà và thầy cúng, thầy mo mới được phép vào, còn những người khác kể cả con dâu cũng không được vào, nơi này vào ngày lễ Tết hay ngày giỗ người ta thắp hương, làm mâm xôi thịt và con gà luộc dâng cúng tổ tiên và mời thầy cúng về cúng. Còn "Ma Xó", có nghĩa là những hồn ma lang thang, mồ côi đói ăn, hay quấy rầy dân làng và gia chủ. Khi vừa tới nhà nào, tôi cũng xin phép gia chủ để vào vái hương Ma Nhà để tỏ lòng tôn kính tổ tiên của họ. Tuy nhiên sau khi đã quen biết và trở nên thân thiện, tôi đã giải thích với họ là nên dâng mâm hoa quả và hương cho tổ tiên thay vì mâm xôi thịt, vì như vậy đỡ mất vệ sinh hơn, việc này đã được những nơi chúng tôi đến họ đón nhận một cách vui vẻ.

PV: Ðến nay cha đã lập được những giáo điểm nào?

LVH: Trong 5 năm qua tôi đã thiết lập được các giáo điểm Truyền giáo mới như Gia Hội, Tú Lệ, Nậm Búng, Nậm Lành, Nậm Tộc, Tà Lành, km16, An Lương, Trạm Tấu, và thị trấn Mù Căng Chải, là giáo điểm xa nhất và cũng là giáo điểm đầu tiên của huyện này kể từ hàng trăm năm qua, cách Hà Nội 400 km về hướng Tây Bắc và cách giáo xứ Nghĩa Lộ 130 km. Những nơi này tôi đã cử những giáo lý viên tới dạy giáo lý cho họ, rồi tổ chức thường xuyên những chuyến đi đến thăm và dâng lễ cho họ.

PV: Cha có gặp khó khăn hay thuận lợi gì khi truyền giáo và lập giáo điểm?


Ðiệu múa Xoa Thái.


LVH: Từ khi mở các giáo điểm truyền giáo cho người dân tộc, tôi không gặp khó khăn hay trở ngại gì lớn trong công việc của mình, nhìn chung mở các giáo điểm diễn ra khá thuận lợi trong thời gian ngắn khoảng 1 tháng là đã có thể lập được giáo điểm và có thể Rửa tội được cho một số dự tòng ở đó, được người dân ủng hộ và tin theo thậm chí có nơi cả phía chính quyền địa phương cũng không ngăn cản mà còn thuc giục linh mục sớm đến với bà con. Nhưng nay tôi không vội vàng rửa tội cho họ nhưng có thời gian chuẩn bị học hỏi giáo lý và thử thách khoảng 6 tháng. Tuy nhiên cũng có nơi chính quyền địa phương gây khó khăn cho các dự tòng, tân tòng .

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là vấn để kinh phí, hầu như cha con phải tự xoay sở về tiền bạc để lo cho công việc truyền giáo, như chi phí xe cộ đi lại cho những dự tòng, cho họ ăn cơm, và cả chi phí cho bản thân chúng tôi nữa. Vì thế chúng tôi chưa dám qui tụ họ lại thành những nhóm dự tòng để học giáo lý tại nhà xứ vì như vậy kinh phí rất lớn trong khi mình không có tiền nên "lực bất tòng tâm", mặc dù chúng tôi rất muốn tổ chức những lớp học ngắn hạn khoảng một tháng như vậy cho tất cả các giáo điểm đã lập được, đến nay mới đào tạo được duy nhất có một khoá.

PV: Cha thường đi truyền giáo một mình?

LVH: Không, lợi thế là tôi không làm việc truyền giáo một mình mà luôn mời gọi một nhóm khoảng 20 người là giáo dân, ứng sinh hỗn hợp cả người dân tộc thiểu số và người Kinh, họ luôn sẵn sàng đồng hành lên đường truyền giáo với tôi bất cứ khi nào cần, nhờ những tác viên trruyền giáo dân tộc này lại truyền giáo cho chính dân tộc của họ nên lợi thế về tiếng nói, hiểu biết về phong tục tập quán dân tộc, giúp bà con cả về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, vì đa số bà con dân bản sinh sống bằng nghề nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi săn bắn và haí măng, đốn cuỉ. Bên cạnh đó tôi đã phải cố gắng tranh thủ moị lúc để học tiếng dân tộc Thái, Hmông và Dao, giờ đây tôi thể nói được các thứ tiếng này mỗi khi có dịp gặp bà con dân tộc hay khi cử hành thánh lễ, làm các bí tích, tiếng H'mông tôi nói được khoảng 70%, còn tiếng Thái và Dao thì ít hơn, hiện tôi vẫn đang tích cực học.

PV: Người Công giáo trong vùng thấy gì qua công cuộc truyền giáo của cha?

LVH: Tôi nghĩ rằng mọi sự do Chúa Thánh Thần làm và thúc đẩy, có thể coi thời điểm này là "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" là thời giờ của Chúa đã đến, khi thấy người dân tộc trong vùng gia nhập đạo một cách nhanh chóng, nhiều người Công giáo đã theo đạo nhiều năm tỏ ra vui mừng xen lẫn lo lắng, có người còn vin vào câu Kinh Thánh: "Con đông con tây và ăn tiệc Ta, còn con cái trong nhà thì loại ra", con đông, con tây ở đây theo họ, là chỉ người dân tộc thiểu số, còn con cái trong nhà chính là những người đạo gốc lâu năm.

Còn tôi càm thấy rất vui vì khơi dậy được tinh thần truyền giáo nơi giáo dân, để chính họ cũng tích cực tham gia vào công tác truyền giáo với linh mục, thứ đến là xoá đi mặc cảm, tự ti của người Công giáo xưa nay ở đây chỉ biết giữ đạo mà không hề truyền giáo, nhưng nay mọi sự đã thay đổi họ sống đạo và truyền giáo làm ưu tiên, gây mối thiện cảm lương giáo trong vùng.

PV: Có phải bây giờ người dân tộc thiểu số trong vùng mới theo đạo?

LVH: Không phải vậy, người Thái theo đạo trở lại sau gần 40 năm vắng bóng linh mục, kể từ năm 1964, vị linh mục cuối cùng trong vùng bị chính quyền bắt đi cải tạo, đó là cố linh mục Phêrô Dư Kim Khoa. Giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, nhờ công lao truyền giáo của các Giám mục, linh mục Thừa sai Paris và người Việt Nam, các dân tộc Thái, Mường, Tày và H'mông theo đạo rất đông, nhưng sau gần nửa thế kỷ do chiến tranh, khó khăn xã hội, lại không có linh mục ở tại chỗ coi sóc mục vụ và truyền giáo thì các dân tộc Thái, Tày, Mường bỏ đạo dần và không có thêm người theo đạo nữa, sau gần nửa thế kỷ chi còn lại vài người.

PV: Nhờ đâu mà cha có những nỗ lực truyền giáo mau chóng như vậy?


Ðiệu múa Khen Xoay của người H'mong.


LVH: Không phải học tập đâu xa, mà tôi học được kinh nghiệm truyền giáo và phương pháp tiếp cận cuả chính Chúa Giêsu, cuả Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và đặc biệt từ các vị thừa sai ngoại quốc đã từng đến sống và phục vụ trong vùng này từ nửa đầu thế kỷ trước, trong đó nhiều vị đã sống và chết tại vùng đất này cho công việc truyền giáo, các ngài đã trở nên hoà đồng ba cùng với dân tộc thiểu số như cùng ăn những món ăn dân tộc, giao tiếp và giảng đạo bằng tiếng dân tộc và sống cùng với các bản làng dân tộc.

PV: Xin cha cho biết hiện nay cha có linh mục nào phụ giúp nữa không?

LVH: Hiện nay trong vùng có thêm hai linh mục nữa mới được bổ nhiệm đến coi sóc mục vụ các giáo xứ, vì thế tôi càng rảnh tay hơn và chuyên tâm lo cho công tác Truyền giáo và mở mang các giáo điểm cho người dân tộc.

PV: Xin Cha cho biết vùng này có bao nhiêu dân tộc thiểu số?

LVH: Vùng này chính xác có 12 dân tộc thiểu số sinh sống gồm Người Thái, H'mông, Dao, Mường, Mán, Nùng, Tày, Thổ, Xá Cẩu, Hà Nhì, Sán Dìu, Giáy, kể cả người Kinh là 13.

PV: Ngoài ra Cha còn tổ chức những gì để hấp dẫn người dân tộc?

LVH: Trong các dịp Tết, tôi cho tổ chức ngày hội "Những trò chơi dân gian dân tộc phi vật thể" dành cho thanh thiếu niên và thiếu nhi để tạo cho các em có ý thức vui chơi lành mạnh trong dịp tết, tránh cờ bạc rượu chè, đó là các trò chơi có thưởng như leo cột mỡ, đi cầu dây, đi xe đạp trên tường gạch, ném còn, kéo co, bơi thuyền. Xây dựng nhà sàn kiểu dân tộc.

Vào các ngày đầu Năm mới, tôi tổ chức phát động toàn giáo dân lao động công ích một ngày gồm vệ sinh môi trường sống như khai thông cống rãnh, thu gom rác thải, phân gia súc, đào đắp đường giao thông, có năm thì tổ chức Tết Trồng cây. Bê tông hoá đường làng.

PV: Công tác chuẩn bị và huấn luyện nhân sự Truyền ra sao? có gặp khó khăn gì?

Vào mùa hè năm ngoái (2007), tôi đã tổ chức hai khoá đào tạo nhân sự truyền giáo cho các dân tộc thiểu số, mỗi khóa 60 người học trong một tháng, nâng cấp giáo lý cho giáo lý viên, còn tại giáo xứ Nghĩa Lộ sẽ tiến hành xây dựng nhà Văn hoá giáo xứ theo mô hình nhà sàn của dân tộc Thái. Một điều ao ước mà tôi đang ấp ủ và tâm đắc nhất trong tương lai gần đó là làm sao có kinh phí để xây dựng được một xưởng đào tạo nghề điêu khắc tượng gỗ Công giáo cho thanh thiếu niên cai nghiện ma tuý và có việc làm ổn định ngay tại giáo xứ Vĩnh Quang. Tuy nhiên mọI sự vì thiếu thốn kinh phí nên cũng chưa thể huấn luyện thường xuyên cho họ được.

PV: Xin Cha giải thích về một vài phong tục tôn kính tổ tiên của các dân tộc thiểu số?

LVH: Tôi đã tìm hiểu kỹ về những chữ Hán cổ của người Dao được viết vào những tờ giấy bản màu vàng khổ nhỏ chỉ bằng nửa tờ giấy khổ A4 và được dán quanh bàn thờ của họ có ý nghĩa là "Thờ Thần Núi", vì ở giữa bàn thờ người Dao họ đặt một hòn đá tròn hình quả núi để thờ, hòn đá tượng trưng cho Thần Núi và cũng mang ý nghĩa là tổ tiên của người Dao, vì theo phong tục lâu đời của họ là chôn người chết ở sâu trong vách núi.

Còn về bàn thờ Ma Nhà, tức bàn thờ Tổ Tiên của người Thái tôi quan sát thấy họ đóng bằng gỗ thành một hình vuông có mái nhọn, phía trước có rèm che nhiều tua rua xanh đỏ tím vàng, bên trong có hình ảnh ông bà tổ tiên, cha mẹ và người thân đã qua đời, phía trước đặt bát hương và những chén nhỏ đựng rượu, hai bên hông bàn thờ đặt hai cây mía tượng trưng là cầu thang nhà sàn để tổ tiên lên xuống. Bàn thờ tổ tiên của họ được đặt về phía đầu bên trái gian chính của nhà sàn.

PV: Sau những thành quả Truyền giáo đã đạt được trong một thời gian ngắn, Cha rút ra được những gì?

LVH: Sau thời gian Truyền giáo trong vùng đa sắc tộc này, tôi học được nhiều điều về truyền giáo như muốn truyền giáo thành công thì người tông đồ truyền giáo bất kể là linh mục, tu sĩ hay giáo dân trước khi Rao giảng Chúa cho họ thì bản thân mình phải hoán chuyển chính mình, biết thích nghi, hội nhập để làm sao giữa người truyền giáo và người dân tộc thiểu số phải trở thành "anh em thật với nhau, cùng đồng cảm, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống", điều này có nghĩa rất quan trọng vì bản tính người dân tộc thiểu số ở đây rất ngay thẳng trọng tình nghĩa, tình cảm nên họ "chỉ tin" những lời nói và việc làm thật sự của mình khi mình đã trở thành anh em với họ.

Thứ hai là tôn trọng bản sắc văn hoá, tập tục, phong tục tập quán và tôn giáo, tín ngưỡng riêng của từng dân tộc thiểu số, sau đó mới tính đến việc Kitô hoá những vấn đề này cho phù hợp.

PV: Cha nhìn thấy tương lai gì cho vùng này?

LVH: Tôi nhìn thấy trong tương lai, Vùng tây bắc này là "Vùng Tôn giáo đa bản sắc dân tộc, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp cho giáo phận", là một trung tâm Truyền giáo tốt nhất và có nhiều tiềm năng nhất trong giáo phận Hưng Hoá về lợi thế có đông dân tộc thiểu số sinh sống, con người thì hiếu khách và có những nét văn hoá truyền thống dân tộc vẫn còn được họ tôn trọng bào tồn, đất đai thì phì nhiêu, núi rừng thì bao la rộng lớn, từ đây có thể vươn tới các tỉnh khác như Sơn Lai, Lai Châu, Ðiện Biên.

Và một điều cuối cùng không thể bỏ qua là chúng ta nên nhớ rằng khắp vùng tây bắc rộng lớn này đã từng in dấu chân của nhiều nhà truyền giáo thuộc hội Thừa sai Paris trong cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, chính nhờ vậy nên hoa quả truyền giáo đã từng nở rộ ở vùng này và tồn tại hơn 1 thế kỷ qua, chúng tôi chỉ là những người hậu sinh, tiếp bước các Ngài để gây dựng lại những gì đã mất mà làm cho chúng phát triển phong phú hơn mà thôi.

PV: Xin chân thành cảm ơn Cha và nguyện xin Chúa chúc lành cho công cuộc Truyền giáo của Cha ngày càng phát triển.

 

Người thực hiện cuộc phỏng vấn:

Joseph Nguyễn Tiến Hiệp

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page