Bài giảng của ÐTC Benedictô XVI

trong lễ kết thúc WYD 2008

tại Randwick, Sydney

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài giảng của ÐTC Benedictô XVI trong lễ kết thúc WYD 2008 tại Randwick, Sydney.

Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật 20.07.2008 với gần 500,000 tín hữu tham dự tại Randwick Race Course.

 

Các con thân mến,

"Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên các con" (Cv 1:8). Chúng ta đã chứng kiến lời hứa này được thực hiện! Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, khi chúng ta nghe bài đọc một, Thiên Chúa Phục Sinh ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, đã sai Thánh Thần xuống trên các môn đệ đang tụ họp nơi Phòng Tiệc Ly. Với sức mạnh của Thánh Thần, Thánh Phêrô và các Tông Ðồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Trong mọi thời đại, bằng mọi ngôn ngữ, Giáo Hội khắp thế giới tiếp tục tuyên xưng những kỳ công Thiên Chúa và kêu gọi các dân tộc, các quốc gia tiến đến với đức tin, hy vọng và cuộc sống mới trong Ðức Kitô.


Các bạn trẻ thế giới nằm ngủ suốt đêm tại trường đua Randwick Race Course để chờ tham dự thánh lễ bế mạc vào ngày 20/07/2008.


Trong mấy ngày vừa qua Cha cũng đã đến đây, trong vai trò Người Kế Vị Thánh Phêrô, đến với đất nước Úc Châu mênh mông xinh đẹp. Cha đến đây để củng cố niềm tin của các con, các bạn trẻ thân mến, và để khuyến khích các con mở rộng tâm hồn cho quyền năng của Thánh Thần Ðức Kitô và những hồng ân của Ngài. Cha cầu xin rằng cuộc tập họp vĩ đại của các con nơi đây, đã liên kết giới trẻ "từ khắp các dân thiên hạ" (Cv 2:5), sẽ là một Phòng Tiệc Ly mới. Xin ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa xuống trong tâm hồn các con, kết hợp các con ngày càng chặt chẽ với Thiên Chúa và Giáo Hội Ngài, và sai các con ra đi, một thế hệ tông đồ mới, để đem thế giới đến với Ðức Kitô!

"Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên các con". Những lời của Thiên Chúa Phục Sinh có một ý nghĩa đặc biệt cho các bạn trẻ sắp lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và lãnh nhận ấn tín ơn thiêng của Chúa Thánh Thần trong Thánh Lễ hôm nay. Nhưng những lời đó cũng được nói với mỗi người chúng ta - với tất cả những người đã từng lãnh nhận một cuộc đời mới trong Bí Tích Rửa Tội và ơn hòa giải của Chúa Thánh Thần, những người đã chào đón Chúa Thánh Thần đến với tâm hồn họ trong Bí Tích Thêm Sức để trợ lực và hướng dẫn cho họ, và những người mỗi ngày một trưởng thành trong hồng ân của Ngài qua Bí Tích Thánh Thể. Thật vậy, trong mỗi Thánh Lễ, Chúa Thánh Thần lại hiện xuống, do lời long trọng cầu khấn của Giáo Hội, không chỉ để biến đổi của lễ bánh và rượu thành Mình và Máu Thiên Chúa, mà còn để biến đổi cuộc sống chúng ta, để biến chúng ta qua quyền năng của Ngài thành "một thân thể, một tâm hồn trong Ðức Kitô".

Thế nhưng quyền năng Chúa Thánh Thần là quyền năng gì? Ðó là quyền năng của đời sống thánh thiêng của Thiên Chúa! Ðó là quyền năng của Thánh Linh Ðấng bay lượn trên mặt nước vào buổi đầu vũ trụ được tạo dựng, và là Ðấng đã nâng Ðức Kitô sống lại từ cõi chết. Ðó là quyền năng chỉ lối cho chúng ta và thế giới của chúng ta hướng đến Vương Quốc Thiên Chúa. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Ðức Giêsu tuyên bố một thời đại mới đã bắt đầu, và Thánh Linh Thiên Chúa sẽ được đổ tràn đầy xuống tất cả nhân loại (Lc 4:21). Chính Ðức Kitô đã đến giữa chúng ta để mang đến cho chúng ta Thánh Linh đó. Là nguồn mạch sự sống mới của chúng ta trong Ðức Kitô, Chúa Thánh Thần cũng thật sự là linh hồn của Giáo Hội, là tình yêu kết hợp chúng ta với Thiên Chúa và với nhau, và là ánh sáng dọi soi cho chúng ta nhận biết những kỳ công của Thiên Chúa xung quanh ta.

Tại Úc Châu nơi đây, "mảnh đất miền nam bao la của Chúa Thánh Thần", tất cả chúng ta vừa trải qua một kinh nghiệm nhớ đời về sự hiện diện của Thánh Linh và sức mạnh qua các vẻ đẹp thiên nhiên. Mắt chúng ta đã được bừng mở để thấy bản chất đích thật của thế giới xung quanh: "tràn đầy" - theo lời một nhà thơ - "sự huy hoàng của Thiên Chúa", tràn đầy vinh quang của tình ưu ái tạo dựng của Ngài. Cũng nơi đây, trong tập họp vĩ đại những người trẻ Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta vừa trải qua một kinh nghiệm sống động của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và sức mạnh trong cuộc sống của Giáo Hội. Chúng ta đã chứng kiến bản chất đích thật của Giáo Hội: đó là Nhiệm Thể Ðức Kitô, một cộng đồng sống động của tình thương, dung nạp mọi người thuộc đủ các chủng tộc, quốc gia và ngôn ngữ, đủ các thời đại và nơi chốn, trong sự hiệp nhất nảy sinh từ đức tin vào Thiên Chúa Phục Sinh.

Quyền năng Chúa Thánh Thần không bao giờ ngừng đổ đầy sự sống cho Giáo Hội! Qua hồng ân của các Phép Bí Tích, quyền năng đó cũng tuôn chảy trong tâm hồn mỗi người chúng ta, như một dòng sông ngầm dưới mặt đất để nuôi dưỡng tâm linh chúng ta và hòa nhập chúng ta ngày càng đến gần cội nguồn của cuộc sống đích thật của chúng ta, là Ðức Kitô. Thánh I-nha-xi-ô thành Antioch, người đã tử vì đạo tại Rôma vào đầu thế kỷ thứ hai, đã để lại cho chúng ta một diễn tả tuyệt vời về quyền năng Thánh Thần ngự trị trong lòng chúng ta. Thánh I-nha-xi-ô diễn tả Chúa Thánh Thần như là một nguồn suối nước trường sinh vọt lên từ trái tim ngài và thầm thì bên tai ngài: "Hãy đến, hãy đến với Thiên Chúa Cha" (Ad Rom., 6:1-9).


ÐTC cử hành Thánh Lễ Bế Mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Thế Giới 2008 với gần 500,000 tín hữu tham dự tại trường đua Randwick Race Course.


Vậy mà quyền năng này, hồng ân của Chúa Thánh Thần, không phải là một điều chúng ta có thể đạt được nhờ thành tích bản thân, nhưng chỉ có thể lãnh nhận như một hồng ân hoàn toàn ban tặng. Tình yêu Thiên Chúa chỉ có thể phát huy hết năng lực khi được chúng ta chấp nhận các tác động đổi thay từ nội tâm chúng ta. Chúng ta phải để cho tình yêu đó đột nhập cõi lòng cứng cỏi của sự thờ ơ lãnh đạm, sự mệt mỏi chán nản, sự đui mù tâm linh cho phù hợp với thời đại ngày nay của chúng ta. Chỉ khi đó thì chúng ta mới có thể đốt bừng lên trí tưởng tượng và uốn nắn những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta. Vì thế cho nên lời cầu nguyện rất quan trọng: cầu nguyện hằng ngày, cầu nguyện cá nhân trong sự tĩnh lặng của tâm hồn và trước Thánh Thể, và lời nguyện phụng vụ trong lòng Giáo Hội. Lời cầu nguyện là dẫn lực đơn thuần của hồng ân Thiên Chúa, của tình yêu đang hoạt động, của mối quan hệ với Thánh Linh đang ngự trị trong tâm hồn để dẫn dắt chúng ta, nhờ Ðức Giêsu, đến với Chúa Cha trên trời. Qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ðức Giêsu luôn luôn hiện diện trong tim chúng ta, yên lặng đợi chờ chúng ta cùng lắng đọng với Ngài, để nghe tiếng Ngài, để phó thác vào tình yêu của Ngài, và để lãnh nhận "sức mạnh từ trời cao", khiến chúng ta trở nên muối và ánh sáng cho thế giới.

Vào ngày Lễ Thăng Thiên, Thiên Chúa Phục Sinh đã nói với các môn đệ: "Các con sẽ là chứng nhân của Thầy... cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1:8). Nơi đây trên đất nước Úc này, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đã ban đức tin xuống trên chúng ta như những báu vật được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia trong cộng đồng Giáo Hội. Nơi đây trong vùng Thái Bình Dương, chúng ta hãy đặc biệt cảm tạ Thiên Chúa đã ban những nhà truyền giáo anh hùng, những linh mục và tu sĩ tận tụy, những bậc phụ huynh Công Giáo, giáo viên, giảng viên giáo lý, là những người đã dựng xây Giáo Hội trên những mảnh đất này - những chứng nhân như Chân Phước Mary Mackillop, Thánh Peter Chanel, Chân Phước Peter To Rot, và thật nhiều người khác nữa! Sức mạnh Chúa Thánh Thần, như đã được thể hiện qua cuộc đời họ, vẫn còn đang tác động lên những điều tốt đẹp họ lưu lại cho hậu thế, trong một xã hội mà họ đã góp phần định hình và giờ đây đang được trao đến tay các con.

Các bạn trẻ thân mến, bây giờ Cha muốn đặt câu hỏi này với các con. Bản thân các con sẽ để lại những gì cho thế hệ kế tiếp? Các con có đang xây dựng cuộc đời trên những nền tảng vững chắc hay không, có đang xây dựng những gì bền vững hay không? Các con có đang sống sao để tấm lòng được mở rộng cho Chúa Thánh Thần trong một thế giới nhiễu nhương chỉ muốn quên đi Thiên Chúa, hay ngay cả chối bỏ Ngài nhân danh một quyền tự do lầm lạc. Các con sẽ làm sao để tận dụng những ơn Chúa Thánh Thần mà các con đã được lãnh nhận, sức mạnh mà Chúa Thánh Thần ngay trong giây phút này đang sẵn sàng phát huy trong lòng các con? Các con sẽ để lại những di sản gì cho thế hệ trẻ kế tiếp? Các con sẽ thay đổi được những gì?

Sức mạnh Chúa Thánh Thần không chỉ soi sáng và an ủi chúng ta. Sức mạnh đó còn chỉ hướng đến tương lai cho chúng ta, đến ngày Vương Quốc Thiên Chúa được trị đến. Thật là một viễn cảnh huy hoàng cho một nhân loại được cứu chuộc và biến đổi mà chúng ta có thể thấy trong thời đại mới như đã hứa trong bài Phúc Âm hôm nay! Thánh Luca nói rằng Ðức Giêsu Kitô là hiện thực vẹn toàn tất cả những lời hứa của Thiên Chúa, là Ðấng Messiah tràn đầy Thánh Thần để ban truyền cho hết thảy nhân loại. Sự tuôn đổ đầy tràn của Thánh Linh Ðức Kitô xuống cho nhân loại là một lời hứa của hy vọng và giải thoát chúng ta khỏi bất cứ những gì làm chúng ta suy nhược. Ðiều này đem lại ánh sáng cho người mù; giải phóng người bị áp bức, và kiến tạo sự hiệp nhất trong và nhờ sự đa dạng (Lc 4:18-19; Is 61:1-2). Sức mạnh này có thể tạo nên một thế giới mới: sức mạnh "đổi mới mặt địa cầu" (Tv 104:30)!

Ðược củng cố bởi Thánh Thần, và trông cậy vào viễn cảnh tốt đẹp của đức tin, một thế hệ mới những tín hữu Kitô Giáo đang được mời gọi để chung tay xây dựng một thế giới trong đó món quà sự sống của Thiên Chúa được trân trọng, mong chờ và yêu thương - chứ không phải bị từ chối, bị khiếp sợ như một sự đe dọa và bị hủy bỏ. Một thời đại mới trong đó tình yêu không phải là sự tham lam thỏa mãn cá nhân mình, mà là tình yêu thuần khiết, tín trung, chân thật vô vị lợi, được chia sẻ với những người khác, tôn trọng phẩm giá người khác, nâng cao những điều thiện hảo, niềm vui và vẻ đẹp của tha nhân. Một thời đại mới trong đó niềm hy vọng giải phóng chúng ta khỏi những sự nông cạn, hờ hững và tự kỷ đã làm u mê linh hồn chúng ta và đầu độc mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Các bạn trẻ thân mến, Thiên Chúa đang mong muốn các con làm những tiên tri trong thời đại mới, sứ giả tình thương của Ngài, để đem mọi người về với Chúa Cha và xây dựng một tương lai tràn đầy hy vọng cho toàn thể nhân loại.


Các bạn trẻ Tây Ban Nha vui mừng khi nghe ÐTC công bố Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011 sẽ được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha.


Thế giới cần sự biến đổi này! Tại nhiều nơi trong xã hội của chúng ta, song song với sự thịnh vượng về vật chất, một sự trống vắng về tâm linh đang ngày càng bành trướng: một sự trống rỗng của nội tâm, một nỗi lo sợ vô căn, một cảm giác tuyệt vọng trong thâm sâu. Có biết bao người trong thời hiện đại đã xây nên những thùng chứa nước trống rỗng và hư hại (Gr 2:13) trong một cuộc tuyệt vọng tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời - ý nghĩa tối hậu mà chỉ có tình yêu có thể mang lại? Ðó là một hồng ân cao cả nhưng không mà Phúc Âm mang lại: hồng ân biểu lộ phẩm giá của chúng ta như là những người nam người nữ được tạo dựng với hình ảnh và giống như hình ảnh Thiên Chúa. Ðiều đó cũng biểu lộ ơn gọi cao cả của nhân loại, là tìm kiếm sự toàn hảo trong tình yêu. Ðiều đó cũng phơi bày sự thật về con người và sự thật về cuộc sống.

Giáo Hội cũng cần đến sự biến đổi này! Giáo Hội cần đức tin, lý tưởng và lòng quảng đại của các con, để Giáo Hội luôn luôn được trẻ trung trong Thánh Thần (Lumen Gentium, 4)! Trong bài đọc hai hôm nay, Thánh Phaolô Tông Ðồ nhắc chúng ta rằng mỗi một Kitô hữu đã lãnh nhận một hồng ân nhằm xây dựng Nhiệm Thể Ðức Kitô. Giáo Hội đặc biệt cần đến tài năng của những người trẻ tuổi, tất cả những người trẻ tuổi. Giáo Hội cần phải lớn mạnh trong quyền năng Chúa Thánh Thần Ðấng đang ban niềm vui cho tuổi trẻ của các con và linh hướng các con phụng sự Thiên Chúa trong niềm vui. Hãy mở rộng tâm hồn cho quyền năng đó! Cha khẩn thiết gởi lời yêu cầu đó đến các con, đặc biệt là những người mà Thiên Chúa đang gọi vào đời sống linh mục và thánh hiến. Ðừng sợ hãi để thưa "xin vâng" với Ðức Giêsu, để tìm nguồn vui và thực hành Thánh Ý Ngài, để dâng hiến hoàn toàn cho việc tìm kiếm sự thánh thiện, và tận dụng hết mọi khả năng để phục vụ tha nhân!

Vài phút nữa đây chúng ta sẽ cử hành Bí Tích Thêm Sức. Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên các ứng viên; họ sẽ được "đóng ấn" bởi các ơn của Chúa Thánh Thần và sẽ được sai đi để làm chứng nhân cho Ðức Kitô. Lãnh nhận "ấn tín" Chúa Thánh Thần có nghĩa là gì? Có nghĩa là được đóng dấu không thể xóa mờ, được thay đổi không thể cưỡng lại, được làm một tạo vật mới. Với những người đã từng lãnh nhận bí tích này, mọi sự đều không bao giờ có thể trở lại như cũ! Ðược "rửa" trong Chúa Thánh Thần (1 Cr 12:13) có nghĩa là được nhóm lửa tình yêu nồng nàn của Thiên Chúa. Ðược "uống nguồn nước Thánh Linh" có nghĩa là được phục hồi bởi chương trình Thiên Chúa đã định sẵn cho chúng ta và cho thế giới, để từ đó trở nên nguồn hồi phục tâm linh cho những người khác. Ðược "đóng ấn bởi Thánh Thần" có nghĩa là không sợ hãi bênh vực Ðức Kitô, là để cho chân lý của Kinh Thánh thấm nhập vào cách chúng ta nhận thức, suy nghĩ và hành động, khi chúng ta đang làm việc góp phần vào sự chiến thắng của nền văn minh tình yêu.

Khi cầu nguyện cho các ứng viên Thêm Sức, chúng ta hãy cầu xin sức mạnh của Chúa Thánh Thần sẽ khơi lại những hồng ân Bí Tích Thêm Sức của chính chúng ta. Xin Ngài đổ tràn đầy các ơn thiêng trên tất cả những người đang hiện diện, trên thành phố Sydney, trên mảnh đất Úc Châu và trên tất cả mọi cư dân Úc Châu! Xin cho mỗi người chúng ta được đổi mới trong ơn khôn ngoan và hiểu biết, ơn suy xét và can đảm, ơn thông minh và Ðạo Ðức, ơn ngưỡng phục và kính sợ Thánh Nhan Thiên Chúa!

Nhờ lời yêu mến chuyển cầu của Ðức Maria, Mẹ Giáo Hội, xin cho Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ 23 được thực nghiệm như trong một Phòng Tiệc Ly mới, để từ đó tất cả chúng ta đang bừng cháy lửa yêu mến của Chúa Thánh Thần, biết ra đi mà tuyên xưng Ðức Kitô Phục Sinh và biết mời gọi tất cả những tâm hồn khác cũng cùng theo Ngài! Amen.

Các Bạn Trẻ thân mến,

Trong lời kinh nguyện đầy ý nghĩa mà chúng ta sắp đọc, chúng ta sẽ suy gẫm về Ðức Maria như một thiếu nữ trẻ nhận được lời mời gọi của Thiên Chúa để dâng hiến cuộc đời cho Ngài trong một cách vô cùng đặc biệt, một cách đòi hỏi sự hoàn toàn dâng hiến chính bản thân cô, nữ tính của cô, và chức năng làm mẹ của cô. Cứ tưởng tượng Ðức Maria đã có cảm tưởng như thế nào. Cô đã vô cùng lo sợ và bàng hoàng trước viễn cảnh đó.

Vị thiên thần truyền tin hiểu rõ nỗi lo lắng của cô và ngay lập tức trấn an cô. "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ... Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà" (Lc 1:30, 35). Chính Thánh Thần Chúa đã ban cho cô sức mạnh và nghị lực để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Chính Thánh Thần Chúa đã giúp cô thấu hiểu mầu nhiệm sẽ được thực thi nhờ chính bản thân cô. Chính Thánh Thần Chúa đã bao bọc cô với tình yêu của Ngài và làm cho cô thụ thai Con Thiên Chúa trong lòng cô.

Có lẽ cảnh này là khoảnh khắc then chốt trong lịch sử mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chỉ sơ sơ tỏ lộ mình Ngài, như chúng ta cũng làm như vậy trong những mối quan hệ cá nhân. Cần có thời gian để tìm hiểu và yêu mến một người khác. Cần có thời gian để những người được tuyển chọn phát triển mối liên hệ giữa họ với Thiên Chúa. Lời Giao Ước với dân Israel cũng giống như giai đoạn đang tìm hiểu nhau giữa một đôi trai gái, một cuộc đính hôn lâu dài. Và rồi đến khoảnh khắc quyết định, khoảnh khắc thành hôn, sự thiết lập một giao ước mới và vĩnh cửu. Khi Ðức Maria đứng trước Nhan Thánh Chúa, cô đại diện cho toàn thể nhân loại. Lời truyền tin của thiên thần cũng giống như Thiên Chúa đã ngỏ lời xin kết hôn với chủng tộc loài người. Và đại diện cho chúng ta, Ðức Maria đã bằng lòng.

Trong các câu truyện thần tiên, cốt truyện kết thúc ở đó, và mọi người "sống hạnh phúc suốt đời bên nhau". Trong đời sống thực tế thì không đơn giản như vậy. Ðối với Ðức Maria thì còn nhiều gian truân trước mắt, khi cô sống với hậu quả của lời "xin vâng" mà cô thưa cùng Thiên Chúa. Tiên tri Simêon tiên đoán một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim cô. Khi Ðức Giêsu được 12 tuổi, cô trải qua nỗi lo sợ khủng khiếp nhất của bất cứ bậc cha mẹ nào, khi đứa con đi lạc đến 3 ngày ròng. Và sau đó, cô đã phải gánh chịu sự đau đớn chứng kiến việc hành hình và cái chết của con mình. Trong suốt cuộc thử thách của mình cô luôn luôn trung thành với lời hứa và giữ vững tinh thần chịu đựng ngoan cường. Và cô đã được tưởng thưởng vinh quang.

Các bạn trẻ thân mến, chúng ta cũng phải luôn trung thành với lời thưa "xin vâng" của chúng ta đối với lời mời gọi làm bạn hữu Thiên Chúa. Chúng ta biết Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúng ta biết Ngài bao giờ cũng nâng đỡ duy trì sức chịu đựng của chúng ta qua các ơn Chúa Thánh Thần. Ðức Maria đã nhận "lời cầu hôn" của Thiên Chúa đại diện cho chúng ta. Vậy chúng ta hãy hướng về Ðức Maria và xin ngài dìu dắt chúng ta trong nỗ lực gìn giữ lòng trung thành với mối quan hệ ban sự sống đời đời mà Thiên Chúa đã thiết lập với mỗi người chúng ta. Ðức Maria là gương mẫu và là nguồn linh cảm của chúng ta, Mẹ chuyển lời cầu bàu cho chúng ta qua Ðức Giêsu Con Mẹ, và với tình mẫu tử Mẹ che chở chúng ta khỏi mọi sự dữ.

 

Sau Kinh Truyền Tin:

Ðã đến lúc Cha phải nói lời từ biệt - hay đúng hơn, tạm biệt! Cha cảm ơn tất cả các con đã tham dự Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 ở Sydney nơi đây, và Cha ước mong được gặp lại các con vào 3 năm tới. Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011 sẽ được tổ chức tại Madrid, Tây-ban-nha. Từ đây đến đó, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, và hãy hân hoan làm chứng cho Ðức Kitô cho toàn thể thế giới. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các con.

 

(Bản dịch: Mỹ Hạnh / VietCatholic Network)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page