Các bạn trẻ quốc tế đón tiếp ÐTC

tại bến tàu Barangaroo ở Sydney

 

Các bạn trẻ quốc tế vui mừng cùng bắt tay với ÐTC

khi chiếc du thuyền chở ÐTC vừa cập bến tàu Barangaroo ở Sydney

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các bạn trẻ quốc tế đón tiếp Ðức Thánh Cha tại bến tàu Barangaroo ở Sydney.

Sydney, Australia (17/07/2008) - 150 ngàn bạn trẻ quốc tế đã dành cho ÐTC Biển Ðức 16 một cuộc tiếp đón thật nồng nhiệt chiều ngày 17-7-2008 tại bến tàu Barangaroo ở Sydney trong khuôn khổ ngày Quốc Tế giới trẻ thứ 23.


ÐTC được tiếp đón tại Sydney với những điệu vũ dân tộc của những người thổ dân Australia.


Lúc 14 giờ 45 ngày 17-7-2008, khi đến bến tàu Rose Bay, ÐTC đã được một nhóm thổ dân bản xứ chào đón với những vũ điệu và tiếng kèn tù và. Ngài thăm hỏi các vị kỳ lão của các cộng đồng thổ dân. Liền đó ngài lên Con Tàu Thuyền Trưởng Cook có 4 tầng để tiến về bến tàu Barangaroo. Trên tàu có hàng trăm bạn trẻ. Trên quãng đường dài 6 hải lý, 12 bạn trẻ đại diện cho 4 châu, trong đó có một người Việt Nam, và nước Úc, đã được ÐTC bắt tay hỏi han, giữa tiếng reo hò của nhiều người.

Khi tầu chở ÐTC được 12 tầu tháp tùng, cập bến, hơn 150 ngàn bạn trẻ tụ tập trên bến tàu, cùng với các Giám Mục và Hồng Y đã dành cho ÐTC một cuộc tiếp đón thật nồng hậu. Một đoàn vũ công thổ dân đã trình diễn vũ điệu chào mừng. Họ mình trần và chỉ đóng khố.

Trong huấn từ sau một bài Phúc Âm, ÐTC nói đến tấm gương của các Tông Ðồ và cộng đồng Kitô tiên khởi cũng như bao nhiêu tín hữu nhiệt thành đã dấn thân làm chứng cho chân lý Tin Mừng. Ngài mời gọi các bạn trẻ tham gia việc bảo vệ môi sinh và đặc biệt làm chứng nhân cho Chúa trong bối cảnh xã hội ngày này có nhiều đố kỵ đối với đức tin. ÐTC nói:

"...trong đời sống bản thân và cộng đoàn của chúng ta, chúng ta cũng có thể gặp sự đố kỵ, nhiều khi nguy hiểm; một thứ độc dược đe dọa làm hao mòn những gì là tốt đẹp, làm biến thái con người chúng ta và bóp méo mục tiêu theo đó chúng ta được tạo dựng. Những ví dụ thật là nhiều như các bạn biết. Trong số những điều tỏ tường hơn cả có nạn nghiện rượu và ma túy, sự tuyên dương bạo lực và sa đọa tình dục, nhiều khi được truyền hình và internet trình bày như một trò giải trí. Tôi tự hỏi, làm sao một người có thể đứng trước những người đang thực sự đau khổ vì đạo lực và bị khai thác tình dục, lại có thể giải thích những thảm trạng ấy như một trò giải trí mà thôi?

"Cũng có một cái gì bi thảm xuất phát từ sự kiện tự do và bao dung quá nhiều khi bị tách rời khỏi sự thật. Tình trạng này được nuôi dưỡng bằng một quan niệm rất thịnh hành ngày nay, cho rằng không có chân lý tuyệt đối hướng dẫn đời sống chúng ta. Chủ thuyết duy tương đối, coi mọi sự đều có giá trị như nhau, coi kinh nghiệm là điều quan trọng hơn mọi sự. Nhưng kinh nghiệm, nếu không đếm xỉa gì đến những gì là tốt và thực, thì có thể không dẫn tới tự do chân thực, trái lại nó dẫn tới sự hỗn độn hoang mang về luân lý hoặc trí thức, hạ thấp tiêu chuẩn, và làm mất niềm tự tín cũng như có thể đưa tới tuyệt vọng nữa.

"Các bạn thân mến, cuộc sống không do cơ may và tình cờ điều khiển. Chính cuộc sống của các bạn là điều được Thiên Chúa muốn, chúc lành và đặt cho một mục tiêu (Gen 1,28). Cuộc sống không phải chỉ là một chuỗi các biến cố hoặc kinh nghiệm, dù chúng hữu ích thế nào đi nữa. Cuộc sống là một cuộc tìm kiếm chân, thiện, mỹ. Chúng ta cần đưa ra những chọn lựa và quyết định theo mục tiêu ấy; chúng ta cần thực thi tự do chiếu theo mục tiêu đó; chính trong chân thiện, mỹ là chứng ta tìm được hạnh phúc và vui mừng. Các bạn đừng để mình bị lường gạt do những kỷ chỉ coi các bạn là một người tiêu thụ trong một thị trường có những khả thể khác nhau, trong đó người ta coi chính sự chọn lựa là điều tốt, sự mới mẻ được coi trọng hơn vẻ đẹp, và kinh nghiệm chủ quan đẩy ra sự thật."


ÐTC di chuyển bằng xe riêng Pope Mobile rời bến tàu Barangaroo, sau khi đã gặp gỡ các bạn trẻ quốc tế. Dân chúng hai bên đường phố giơ tay vẫy chào ÐTC.


ÐTC nhắc đến sứ mạng của các tín hữu Kitô như chứng nhân và nói: "Trách vụ làm chứng nhân không phải là điều dễ dàng. Ngày nay có nhiều người chủ trương rằng cần phải gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài lề, và tôn giáo cũng như tín ngưỡng, tuy là điều tốt đối với cá nhân, cũng phải bị loại ra khỏi lãnh vực công cộng hoặc chỉ được sử dụng để theo đuổi một số mục tiêu thực dụng mà thôi. Quan niệm duy thế tục như vậy tìm cách giải thích đời sống con người và tổ chức xã hội mà không hề hoặc rất ít tham chiếu Ðấng Tạo Hòa. Quan niệm này coi mình là trung lập, vô tư và bao gồm mọi người. Nhưng trong thực tế, cũng như mọi ý thức hệ, chủ thuyết duy thế tục áp đặt một vũ trụ quan. Nếu Thiên Chúa chẳng hệ trọng gì đối với đ'ơi sống công cộng, thì xã hội đã được hình thành theo một hình ảnh không có Thiên Chúa và các cuộc tranh luận và chính sách liên quan đến công ích sẽ bị lôi kéo trôi dạt do những hậu quả hơn là những nguyên tắc đặt nền tảng trong sự thật. Nhưng kinh nghiệm chứng tỏ rằng quay lưng lại với kế hoạch của Ðấng Tạo Hóa thì sẽ tạo nên xáo trộn và chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng không thể tránh được đối với phần còn lại trong trật tự thiên nhiên (Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế giới 1990, 50). Một khi Thiên Chúa bị lu mờ, thì khả năng của chúng ta trong việc nhận biết trật tự, chủ đích tự nhiên, cũng như sự thiện, sẽ bắt đầu tàn lụi. Ðiều được cổ võ như đặc tính chân thực của con người chẳng bao lâu sau sẽ trở thành điên rồ, ham hố và khai thác bóc lột một cách ích kỷ."

Cuối bài huấn dụ, ÐTC còn nói bằng 4 tiếng khác: Ý, Pháp, Ðức và Tây Ban Nha để chào thăm và nhắn nhủ các bạn trẻ.

Sau bài huấn từ, ÐTC đã ban phép lành cho các bạn trẻ và mọi người trước khi dùng xe bọc kính về Tòa Tổng Giám Mục cạnh Nhà Thờ chính tòa Sydney. Dọc đường 6 cây số có rất đông người đứng hai bên để chào đón ngài. Lúc đó mới gần 6 giờ chiều (17/07/2008) giờ địa phương, nhưng vì bên Úc đang là mùa đông nên trời đã tối.

 

G. Trần Ðức Anh OP

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page