Ánh sáng hy vọng của ngày Khai Mạc
Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Ánh sáng hy vọng của ngày Khai Mạc Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới.
Sydney, Australia (16/07/2008) - Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Thánh Lễ Khai Mạc.
1.
Vui mừng và hy vọng ở cõi tận cùng Trái Ðất
Ðức Hồng Y Geroge Pell và đoàn đồng tế tiến bước lên bàn thờ tại Barangaroo. |
John Huxley của tờ Sydney Morning Herald ngày 16 tháng Bẩy năm 2008 có bài với tựa đề như trên về Lễ Khai Mạc WYD tại Barangaroo, Sydney vào chiều tối hôm thứ Ba 15/07/2008.
Họ đã tới Hungry Mile (tên cũ của Barangaroo), tới "cõi tận cùng Trái Ðất" như lời Ðức Hồng Y Geroge Pell gọi ngày 15/07/2008: ước lượng có đến 100,000 (Ðài Sky News thì cho là hơn 140,000) đến từ 170 quốc gia và hàng chục ngàn thị dân Sydney, những con người hạnh phúc, tràn trề hy vọng và chắc chắn đói khát ý nghĩa.
Các trực thăng vần vũ trên trời, các tầu cảnh sát tuần tra bến bãi, và lưu thông trong thành phố tạm ngưng trong lúc Tổng Giám Mục Công Giáo cử hành Thánh Lễ khai mạc WYD thứ tám (thực ra là 23) trong khi mặt trời xuống dần và hoàng hôn từ từ buông xuống Ðông Cảng Darling.
Cả là một quang cảnh ngoại thường: trên một khán đài dài 80 thước hai bên tả hữu bàn thờ có lọng che vĩ đại là hàng giáo phẩm, với phẩm phục chủ yếu đỏ trắng, mà mỗi vị xuất hiện đều được các nhóm người 'đồng hương' hoan hô vang dội.
Bên dưới, trên mảnh đất từng là vũ đài của một trong các cuộc tranh chấp kỹ nghệ cay đắng nhất của lịch sử Úc, là cả một đám đông vĩ đại, với cờ xí và những chiếc túi lưng đỏ vàng, quả đã biến nền xi măng xám ngắt thành một biển người nhấp nhô muôn mầu muôn sắc vui nhộn khi họ cùng cất cao giọng hân hoan ca hát hay cúi đầu thinh lặng cầu nguyện.
Nhiều người đã tới từ 8 giờ sáng để dự Thánh Lễ lúc 4 giờ 30 chiều. Trẻ có già có, đen có trắng có, khắc khổ có mà lòe loẹt sặc sỡ cũng có, nhưng tất cả tỏ ra bất cần những kiểu "vơ đũa cả nắm" (stereotyping) quá dễ dãi. Sami Dib, một thiếu niên Gia Nã Ðại 16 tuổi, mà vành tai xỏ đầy vòng kim cương và ngón tay nhiễm đầy mầu thuốc lá, đã phát biểu: "chúng tôi là tương lai của Giáo Hội".
Sydney, vốn được nhiều người coi là một thành phố hưởng lạc, nếu không muốn nói là tội lỗi, trước đây chưa bao giờ thấy quang cảnh nào như thế. Kể cả những trận thi đấu bóng đá. Kể cả ngày kết thúc Thế Vận Hội. Kể cả những lần thăm viếng trước đây của các lãnh tụ tôn giáo, chưa bao giờ lại thu hút một số đông người đến thế.
Và, lẽ dĩ nhiên, nếu dùng ngôn ngữ thô thiển của kịch trường, thì đó mới chỉ người mở màn, Ðức Hồng Y chỉ là người hâm nóng chuẩn bị cho biến cố Chúa Nhật 20/07/2008 khi Ðức Giáo Hoàng Benedict sẽ cử hành Thánh Lễ tại Trường Ðua Randwick, trước một đám đông lên tới 500,000.
Việc hội tụ một đám đông vĩ đại, náo nhiệt, đầy phấn chấn như thế làm người này ngạc nhiên, nhưng kẻ khác lại e ngại. Nhưng dù là Công Giáo hay không Công Giáo, có mặt tại đó hiển nhiên đối với đa số vẫn là một cảm nghiệm nâng cao tâm hồn, y hệt cái linh khí từ Thánh Lễ và các thánh lễ vẫn thường sản sinh ra.
Có
lẽ, như tác giả Helen Garner từng gợi ý trong tuyển tập các
biên khảo mới đây của cô, "Chúa Thánh Thần" quả
là thực tại Thiên Chúa mà người tầm thường, không cam
kết, có lẽ không cả đức tin nữa cũng có thể gắn bó
dễ dàng.
Hôn Bình An Tại Barangaroo. |
Ngày Giới Trẻ Thế Giới, giống như nhiều thực hành khác của thời hiện đại nhưng nay được kéo dài đến một tuần, đã từng được miêu tả nửa như một cuộc trình diễn nhạc rock (Woodstock, có thể nói thuộc lớp bảo thủ), nửa như một Thế Vận Hội, nửa nữa như một cuộc tụ tập tái sinh (revitalist meeting). Phần nào đó, tất cả đều đúng.
Tuy nhiên, cả Ðức Hồng Y Pell, người được thổ dân của Barangaroo chào đón, lẫn Thủ Tướng Kevin Rudd, người hoan hô "các khách hành hương của hòa bình... ánh sáng thế giới, vào lúc có quá nhiều bóng tối vây quanh", đều không khích lệ sự đơn giản hóa thái quá (dumbing down).
Sau khi nhìn nhận rằng nhiều người đã chịu "phí tổn, cực nhọc và đường xa tới đây", Ðức Hồng Y đã chào mừng họ và khích lệ "bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào đang tự coi mình như mất hướng, sầu buồn sâu xa, hy vọng cạn dần hay đã tắt ngúm".
Nhưng ngài cảnh cáo rằng "theo chân Chúa Kitô không phải là chuyện miễn phí (tổn), không luôn luôn dễ dàng, vì nó đòi phải đấu tranh chống lại điều Thánh Phaolô gọi là 'xác thịt', cái tôi mập ú, cái tôi cứng cỏi, tính vị kỷ cố hữu". Theo ngài, đó là cuộc chiến khôn nguôi "ngay cả những ông già như tôi cũng bị!"
Ngài thích hình ảnh khắc khổ gần như khải huyền của tiên tri Ezekiel trong Cựu Ước nói về "Thung Lũng Xương Khô" của những thân xác đã chết, "những bộ xương chết thật, trắng dã vì những con chim trời tìm mồi đã từ lâu rỉa hết những miếng thịt trên đó". Giống như câu truyện người chăn chiên và đoàn chiên, một hình ảnh mà người dân Úc, từng là nạn nhân của hạn hán, hiểu rất rõ.
2. Và đã có ánh sáng và ấm áp
Linda Morris, cũng trên tờ Sydney Morning Herald ngày 16 tháng Bẩy năm 2008, có bài với tựa đề trên về Lễ Khai Mạc WYD tại Barangaroo.
Sydney mở ra cả một bầu trời mầu xanh và một hải cảng lung linh làm nền cho Thánh Lễ khai mạc WYD, lôi kéo hàng chục ngàn người tới dự Thánh Lễ Công Giáo lớn nhất xưa nay, được dàn dựng giữa lòng thành phố và chuẩn bị khung cảnh cho năm ngày lễ hội tôn giáo.
Biến cố mở màn này quy tụ 143,000 khách hành hương địa phương và quốc tế, 26 hồng y, 400 giám mục và đến 4,000 linh mục tại Hungry Mile (tên cũ của Barangaroo), một địa điểm thánh thiêng trong lịch sử Úc vì các thù nghịch thời Kinh Tế Suy Thoái.
Trong Thánh Lễ, Ðức Tổng Giám Mục Sydney, Hồng Y George Pell, nói rằng: đối với khách hành hương, làm người qua đường ở trong đời chưa đủ mà phải đứng lên vì Thiên Chúa. "Ðời buộc ta phải lựa chọn, và tựu chung, tiêu diệt bất cứ khả thể trung lập nào"
Ngài
chào đón "bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào đang tự coi
mình như mất hướng, sầu buồn sâu xa, hy vọng cạn dần và
ngay cả tắt ngúm" và thúc giục "những người Công
Giáo mạnh mẽ" hãy "tiến thêm một bước nữa"
và mở lòng mình ra để phát triển thêm về đức tin.
Ðoàn Việt Nam trong trang phục truyền thống áo dài và sắc phục của dân tộc thiểu số. |
Thủ tướng Úc, Ông Kevin Rudd, chào đón khách hành hương bằng một số ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, và cuối cùng khi ông ngỏ với người Úc "g'day and have a good time" thì cả khối người đông đảo đã vỗ tay hoan hô ông.
Ông Rudd cũng lên tiếng bênh vực Kitô giáo, ông coi tôn giáo này như một lực lượng tranh đấu cho điều thiện, một định chế phục vụ dân nghèo qua giáo dục và bác ái. "Có người nói trong thế kỷ 21, người ta không còn chỗ cho tôn giáo nữa; nhưng tôi bảo họ sai lầm rồi. Người khác lại bảo đức tin là kẻ thù của lý trí, tôi cũng bảo họ lầm rồi".
Các tín hữu hát các bài thánh ca, cúi đầu và qua những lời kinh cộng đồng, họ hướng tâm hồn lên trời, nơi từng đáp ứng lời cầu khẩn của hàng ngàn hay hơn nữa các nữ tu vốn đã xin cho biến cố này đừng bị mưa rơi quấy phá.
Trước khi có Thánh Lễ ngoài trời, Hungry Mile tràn ngập âm nhạc, cờ xí của mọi quốc gia (trong đó, dĩ nhiên có cờ vàng ba sọc đỏ của người Việt Tự Do) và khách hành hương hoan hô các vị giám mục và hồng y diễn hành như những tài tử nhạc rock. Các vị giám mục và hồng y mặc áo lễ mầu đỏ tươi với hình Chúa Thánh Thần theo lối Thổ Dân ở phía sau lưng.
Các khách hành hương bắt đầu xếp hàng vào khoảng 8 giờ sáng để bảo đảm có chỗ gần lễ đài nhất. Ben Castledine, 16 tuổi, thuộc trường Mazenod ở Melbourne cho hay: "Chúng tôi thay phiên nhau để giữ chỗ. Chúng tôi thấy có nhiều người còn cố gắng đứng gần hơn nữa. Có cả những tài tử cũ của Australian Idol nhưng tôi chỉ muốn được thấy Ðức Tổng Giám Mục".
Ðây là một ngày của nhiều cái nhất, đỉnh cao nhiều năm đặt kế hoạch của Giáo Hội Công Giáo. Một phát ngôn viên của Giáo Hội cho hay: dù nhỏ so với tiêu chuẩn Âu Châu, nhưng Thánh Lễ này là Thánh Lễ lớn nhất xưa nay tại Úc. Nó đủ làm mờ ba thánh lễ giáo hoàng trước đây và cả các 'thập tự chinh' trong thập niên 50 của mục sư Billy Graham.
Chưa bao giờ lại có đông người như thế tụ tập tại Úc để tham dự một Thánh Lễ; trước đây, chưa bao giờ Giáo Hội Công Giáo từng tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Ðại Dương Châu hay một quốc gia nào mà dân số Công Giáo chỉ là 5 triệu người.
Thánh Lễ này mở màn cho 5 ngày lễ hội, mà cao điểm sẽ là ngày Thứ Năm 17/07/2008 khi các bạn trẻ thế giới chào mừng Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI, ngày Thứ Sáu 18/07/2008 khi diễn lại các giờ phút cuối cùng của Chúa Giêsu Kitô, và ngày Chúa Nhật 20/07/2008 khi có Thánh Lễ bế mạc sẽ lôi cuốn 500,000 người.
Lúc kết thúc bài giảng, Ðức Hồng Y Pell mời gọi đám đông hãy ra đi gieo những hạt giống đức tin cùng với gia đình và bè bạn. Ngài khuyên họ trên đường trở lại quê hương, đừng để mình rơi vào trống vắng và thất vọng. Và ngài cầu nguyện: "Ôi hơi thở Thiên Chúa, xin hãy đến, hãy đến, từ muôn hướng, từ muôn dân muôn nước khắp Ðịa Cầu và chúc phúc cho mảnh đất Chúa Thánh Thần phương nam vĩ đại của chúng con. Cũng xin ban sức mạnh để chúng con trở thành một đoàn quân vĩ đại và bao la gồm những đầy tớ khiêm hạ và những chứng tá trung thành".
Vũ Văn An