30 vị giám đốc và giáo sư

Ðại chủng viện Việt Nam

tu nghiệp tại Paris

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

30 vị giám đốc và giáo sư Ðại chủng viện Việt Nam tu nghiệp tại Paris.

Paris (14/07/2008) - Ngày chủ nhật 13/07/2008, Ðức cha Antôn Vũ Huy Chương dẫn đầu một phái đoàn 30 linh muc giám đốc và giáo sư của 7 đại chủng viện Việt nam, hiện đang cư trú tại Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris và tu nghiệp về thần học tại Học Viện Công Giáo Paris đến thăm Giáo xứ Việt Nam Paris. Làm cử chỉ này, Ðức cha Antôn muốn nhắc lại cho cộng đồng dân Chúa lệnh rao giảng tin mừng của Chúa và Sứ mệnh đào tạo linh mục của Giáo Hội. Ngài cũng khôn khéo cho thấy công việc quan trọng của việc quản trị đào tạo là đào tạo các bậc đào tạo và phác thảo một chương trình đào tạo. Ðồng thời, ngài cũng kín đáo muốn nhắn nhủ cộng đoàn dân Chúa về bổn phận góp sức vào việc đào tạo các linh mục, kẻ góp lời cầu nguyện, người góp công đào tạo, người góp tiền sắm sửa tiêu dùng cho việc đào tạo.

1. Lệnh rao giảng tin mừng và việc đào tạo linh mục

Giáo hội đã bắt đầu với việc đấng sáng lập là Ðức Giêsu Kitô mời gọi và đào tạo 12 tông đồ. Rồi trước khi về trời, "Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi giảng dậy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế". (Math. 28, 16-20).


Ðức Cha Vũ huy Chương chủ tế thánh lễ và các cha đồng tế.


Theo lệnh truyền rao giảng tin mừng ấy, ngay từ những năm đầu tiên, giáo hội luôn luôn lo lắng đào tạo những người kế nghiệp các tông đồ. Những thừa sai đầu tiên đến Việt Nam cũng cảm thấy nhu cầu khẩn thiết phải đào tạo linh mục địa phương. Từ những năm đầu thế kỷ XVII, cha Ðắc Lộ đã thấy nhu cầu ấy.

Khi bổ nhiệm hai đức giám mục Pierre Lambert de la Motte và Francois Pallu làm đại diện tông tòa đầu tiên vào ngày 09.09.1659 để coi sóc hai giáo phận đầu tiên của Việt Nam, Tòa Thánh cũng đã thấy nhu cầu ấy. Sứ mệnh căn bản mà Tòa Thánh đã ủy nhiệm cho các Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa là thiết lập hàng giáo sĩ địa phương: "Lý do chính yếu khiến Thánh Bộ gởi các ngài là những người có chức giám mục đến những vùng nói trên (Trung Hoa, Bắc Việt và Nam Việt) là để, bằng mọi cách thế và phương pháp có thể, các ngài nắm lấy trách nhiệm giáo huấn người trẻ hầu giúp họ thâu thập đủ các khả năng, để tiến tới chức linh mục. Truyền chức linh mục cho họ rồi, các ngài hãy sai họ về địa phương gốc của họ với sứ mệnh phục vụ đạo kitô hết lòng mình, dưới sự hướng dẫn của các ngài. Vậy xin các ngài hãy luôn ghi nhớ mục đích này trước mắt mình là dẫn đưa đến chức linh mục, một số đông càng nhiều càng tốt và càng có khả năng càng hay, những người có khả năng, đào tạo họ và giúp họ tiến triển trong môi trường của họ" (Le Siège apostolique et les Missions - Textes et Documents pontificaux, 1959: Union missionnaire du clergé; Paris et Lyon; t. 1, tr. 10).

Khi đến Viễn Ðông, việc làm đầu tiên của các thừa sai là họp công đồng vào đầu năm 1664 ở Ayuthia để soạn thảo chương trình và xác định đường hướng hành động. Không kể việc soạn bản "Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo", các thừa sai hiện diện trong công đồng, gồm hai đức cha Ðại Diện Tông Tòa và các linh mục thừa sai, tất cả đều đồng ý rằng việc lập chủng viện đào tạo linh mục địa phương là sứ mệnh hàng đầu và là điều khẩn cấp phải làm. Năm 1666, Ðức cha Lambert de La Motte đã thiết lập chủng viện thánh Giuse tại Ayuthia, nước Xiêm La, để đào tạo các linh mục bản xứ cho các giáo hội Viễn Ðông. Trong chủng viện này, những thanh niên việt nam, trung hoa, xiêm la,... những thanh niên có hiểu biết, khả năng và đức độ,... sẽ có thể được đào tạo tại chỗ, để trở thành linh mục, tiếp tay cho các thừa sai trong việc loan báo Tin Mừng. Trong chủng viện này, ngày 31.03.1668, Ðức Cha Lambert đã truyền chức cho hai linh mục, cha Giuse Trang, vị linh mục Việt Nam tiên khởi đến từ Ðàng Trong và cha Francois Perez. Rồi cho cha Luca Bền, một linh mục Ðàng Trong khác. Vào tháng sáu cùng năm 1668 này, Ðức cha cũng đã truyền chức cho hai vị linh mục việt nam đầu tiên đến từ Ðàng Ngoài. Ðó là cha Gioan Huệ và Bênêditô Hiền.

Năm 1670, trong chuyến kinh lý Ðàng Ngoài, theo sự chuẩn bị trước của cha Deydier, Ðức cha Lambert de la Motte đã truyền các chức thánh và chức linh mục cho 4 thầy giảng hạng nhất và 3 thầy giảng hạng thứ. Ðó là bảy linh mục sau đây: Martinô Mát 68 tuổi, Antôn Quế 56 tuổi, Philipphê Nhân 52 tuổi, Simon Kiên 60 tuổi, Giacôbê Chiêu 46 tuổi, Lêông Trụ 46 tuổi và Vitô Tri 30 tuổi.

2. Ðào tạo người đào tạo linh mục

Việc đào tạo linh mục cứ thế, được các đấng bề trên và bản quyền chăm sóc và tiếp tục. Hiện nay, Giáo Hội Việt Nam có 7 đại chủng Viện, lo việc đào tạo linh mục cho 1,226 thầy đại chủng sinh và hơn 1,700 thầy dự tu.

Nhờ số các linh mục trẻ việt nam được đào tạo trong các đại học công giáo Rôma và Âu châu về, đội ngũ giám đốc và giảng huấn của các đại chủng viện Việt Nam đã được hoàn toàn đổi mới từ ít lâu nay. Dẫu còn ít ỏi và bắt buộc phải dậy trong nhiều chủng viện, các vị này đã giúp các chủng sinh việt nam được tiếp thu một việc đào tạo có trình độ cao. Chất lượng đào tạo càng cao khi chính những người đào tạo được đào tạo liên tục. Ủy Ban Giám Mục về Giáo sĩ và Chủng sinh ở Việt Nam đã tiên liệu một hệ thống đào tạo liên tục và tu nghiệp cho tất cả các ban giảng huấn của các đại chủng viện này. Năm nay khóa đào tạo liên tục đang được tổ chức ở Paris, từ ngày 05 đến 25 tháng 07/2008, qui tụ 30 vị đến từ khắp các chủng viện và gồm đủ các cấp, từ giám đốc, qua trưởng ban, đến giáo sư.

Nằm trong chương trình của khóa đào tạo, chủ nhật 13/07/2008, dưới sự hướng dẫn của Ðức Cha Antôn Vũ Huy Chương, 30 vị giáo sư các Ðại Chủng Viện Việt Nam đã đến thăm và cử hành thánh lễ với Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Paris.

Trong phần mở đầu thánh lễ, sau lời chào mừng phái đoàn của cha Trần Anh Dũng, đại diện Ban Giám Ðốc Giáo Xứ, cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng, Tổng Thơ ký Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng Sinh, đã giới thiệu cùng Cộng Ðoàn ba mươi vị tham dự khóa đào tạo tại Học Viện Công Giáo Paris, từ 05 đến 25/07/2008, và hiện diện trong thánh lễ hôm nay. Ðó là:

1. Ðức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Hưng Hóa, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Sĩ và chủng Sinh

2. Cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng, Ðại Chủng Viện Sài Gòn, Tổng Thơ Ký Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng Sinh

ÐCV Hà Nội:

3. Cha Laurent Chu Văn Minh,

4. Cha Gioan Vũ Tất,

5. Cha Giuse Phạm Ngọc Khuê,

6. Cha Antôn Trần Duy Lương,

ÐCV Vinh Thanh:

7. Cha Phêrô Nguyễn Hiệu Phượng,

8. Cha Gioan Nguyễn Hồng Pháp,

9. Cha Phaolô Bùi Ðình Cao,

10. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Khắc Bá,

ÐCV Huế:

11. Cha Micae Nguyễn Hữu Ðức,

12. Cha Ðominicô Vũ Ðình Thái,

13. Cha Giuse Trịnh Văn Thậm,

14. Cha Lui Nguyễn Quang Vinh,

ÐCV Nha Trang:

15. Cha Phêrô Phạm Ngọc Phi,

16. Cha Phêrô Trần Ngọc Anh,

17. Cha Ignaxiô Hồ Thông

18. Cha Gioan Boscô Cao Tấn Phúc

ÐCV Sài Gòn:

19. Cha Ernestô Nguyễn Văn Hưởng,

20. Cha Gioakim Trần Văn Hương

21. Cha Phêrô Nguyễn Văn Võ

22. Cha Giuse Nguyễn Trọng Sơn

ÐCV Xuân Lộc:

23. Cha Ðominicô Nguyễn Trí Dụng,

24. Cha Giuse Ðỗ Viết Ðại

25. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Ðăng Tuệ

26. Cha Athanasô Nguyễn Quốc Lâm

ÐCV Cần Thơ:

27. Cha Carôlô Hồ Bặc Xái

28. Cha Mathêu Lê Ngọc Bửu

29. Cha Giuse Trần Ðình Thụy

30. Cha Gioan Trần Trọng Dung

Sau thánh lễ, trong một vài phút vắn tắt nói chuyện riêng, cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng cho biết thêm rằng nội dung khóa đào tạo xoay quanh bốn chiều kích:

- Ðào tạo tình huynh đệ. Các cha giáo sư làm việc trong 7 đại chủng viện khác nhau và xa nhau. Ðây là dịp các ngài được gặp gỡ nhau, trao đổi với nhau về những kinh nghiệm giảng dậy.


Ðức Cha Vũ huy Chương chủ tế thánh lễ và các cha đồng tế.


- Ðào tạo trí thức. Trọng tâm của khóa đào tạo xoay quanh đề tài kinh thánh và luân lý với những chú giải mới. Mục tiêu là tìm ra những cách rao giảng Lời Chúa thuận lợi hơn cho thời đại hôm nay.

- Ðào tạo thiêng liêng. Ngoài những công việc đạo đức hàng ngày, khoá đào tạo còn tiên liệu 4 cuộc hành hương. Ði thăm Saint-Loup sur Thouet, quê hương của Thánh Théophane Vénard (Ven), tử đạo ở Việt Nam năm 1861 (đời vua Tự Ðức ngày 2-2-1861 tại Ô Cầu Giấy). Ði thăm Phòng Tử Ðạo và việc phòng triển lãm sinh nhật thứ 350 của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Ði Lisieux thăm quê hương thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng. Ði thăm Lộ Ðức nhân dịp kỷ niệm 150 năm Ðức Mẹ hiện ra tại đây.

- Ðào tạo mục vụ. Trong thời gian ở Paris, các linh mục việt nam sẽ tiếp xúc với một số nhân vật của tổng giáo phận Paris, cũng như với các vị hữu trách trong các xứ đạo và các hiệp hội công giáo, để quan sát và học hỏi sinh hoạt mục vụ của các đoàn thể công giáo Pháp.

Ngoài việc đào tạo các bậc đào tạo, cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng còn cho biết thêm rằng Ủy Ban Giám Mục về Giáo Sĩ và Chủng Sinh, dưới quyền chủ tịch của Ðức cha Antôn Vũ Huy Chương, đang tích cực soạn thảo một bản hướng dẫn việc đào tạo linh mục Việt Nam. Công việc này đã được khởi đầu với bản phác thảo đầu tiên trong Ðại Hội các Ðại Chủng Viện Việt Nam tại ÐCV Vinh Thanh vào tháng 08 năm 2005. Sau khi đã sửa chữa và bổ khuyết, bản dự thảo đã được đệ trình lên Hội Ðồng Giám Mục vào tháng 10/2007 và đã được chấp thuận. Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng Sinh đang viết bản chính thức, một bằng tiếng việt, một bằng tiếng Pháp, và sẽ đệ trình lên Hội Ðồng Giám Mục vào đầu năm 2009. Nếu được chấp thuận, bản văn này sẽ được gởi lên Tòa Thánh để phê chuẩn và ban hành vào năm thánh 2010. Sau 50 năm Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập vào ngày 24/11/1960, các giáo phận hiệu tòa trở thành chính tòa, Giáo Hội Việt Nam sẽ có một chương trình thống nhất, hướng dẫn việc đào tạo linh mục trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

3. Giáo dân có bổn phận góp phần vào việc đào tạo linh mục

Trước, trong và sau thánh lễ, nhiều vị khác nhau đã phát biểu. Lời chào mừng của đại diện Ban Giám Ðốc và Ban Thường Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris; Lời của cha Giuse Ðổ Mạnh Hùng giới thiệu các cha giáo các Ðại Chủng Viện; lời cám ơn của Ðức Cha Antôn về sự giúp đỡ của Ðức Ông Giám Ðốc Mai Ðức Vinh và Giáo Xứ Việt Nam cho các ÐCV ở Việt Nam từ những năm 1980; Lời chia sẻ phúc âm của cha giáo Trần Ngọc Anh về " Hồng Ân và đáp trả Hồng Ân "; lời ngỏ của ông Nguyễn Minh Hải, đại diện Hội Yểm Trợ Ơn Gọi của Giáo Xứ Việt Nam Paris và bảy đại diện hội dâng quà cho bảy đại chủng viện Việt Nam; Lời ngỏ của cha Ernestô Nguyễn Văn Hưởng, đại diện các cha giám đốc và giáo sư tham dự khóa đào tạo; Lời của Ðức Cha Antôn cám ơn và tặng quà cho Giáo Xứ Việt Nam Paris.

Trong tất cả những lời phát biểu ấy, một ý tưởng chính yếu đã được mọi người ghi nhận: "Giáo dân có bổn phận góp phần vào việc đào tại linh mục".

Ðức cha Antôn, cũng như tất cả các cha khác, đã bày tỏ lòng chân thành cám ơn Giáo Xứ Việt Nam, đặc biệt là Hội Yểm Trợ Ơn gọi, hàng năm đã gởi tiền về ủng hộ việc đào tạo linh mục tại các ÐCV ở Việt Nam.

Cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng, Tổng thơ ký Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng sinh, nhấn mạnh đến ba giai đoạn đào tạo linh mục, trong đó giai đoạn tiền chủng viện có một chỗ đứng rất quan trọng, vì trong gia đình, mầm non ơn gọi được gieo vãi do gương sáng và lòng đạo đức của cha mẹ giáo dân.

Cha Phêrô Trần Ngọc Anh, cha giáo sư ÐCV Nha Trang đã chia sẻ lời Chúa và nhấn mạnh đến việc đáp trả hồng ân và đáp trả một cách cụ thể.

Cha Ernesto Nguyễn Văn Hưởng, Bề Trên ÐCV Sài Gòn thì vui vẻ chia sẻ về niềm vui được các giáo dân đóng góp. Bất kể là to hay nhỏ, sự đóng góp luôn luôn đưa lại khích lệ cho người làm việc đào tạo.

Ðại diện của Ban Giám Ðốc, của Ban Thường Vụ và của Hội Yểm Trợ Ơn gọi tại Giáo Xứ Việt Nam Paris thì bày tỏ niềm vui mừng được tiếp đón những bậc thầy trong giáo hội, được tham gia "của ít lòng nhiều" vào việc đào tạo linh mục và, như lời ông Nguyễn Minh Hải, "Xin Ðức cha cũng như các cha bề trên và các cha giáo sư nhận lời cám ơn của chúng con và xin cầu nguyện cho chúng con, để chúng con luôn biết đáp trả hồng ân Chúa, mà bền vững đóng góp vào việc truyền giáo và đào tạo linh mục".

Sau thánh lễ, ông chủ tịch Bùi Trọng Khang xin Ðức Cha và các cha chụp một tấm hình chung với Ðại Diện Hội Yểm Trợ Ơn Gọi, cha Trần Anh Dũng mời Ðức Cha và các cha lên phòng tiếp tân dùng cơm trưa.

 

Paris, ngày 14 tháng 07 năm 2008

Trần Văn Cảnh

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page