Bài nói truyện của Giám mục giáo phận Mỹ Tho

cho Giới Trẻ WYD 2008

tại Melbourne ngày 12/7/2008

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðược kêu gọi để làm chứng "Called to Winess".

(Bài nói truyện của Giám mục giáo phận Mỹ Tho cho Giới Trẻ WYD 2008 tại Melbourne ngày 12/7/2008)

Nội Dung:

- Dẫn nhập

1. Chúa Thánh Thần và Giáo hội làm chứng

2. Giáo hội hiểu sứ mạng làm chứng như thế nào?

3. Sứ mạng làm chứng của người kitô hữu

a. Làm chứng cho Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ

b. Làm chứng cho Thiên Chúa Hằng sống và giàu lòng xót thương

4. Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm hy vọng của chúng ta

Dẫn nhập:


Ðức Giám mục giáo phận Mỹ Tho, Phaolô Bùi Văn Ðọc, nói chuyện với Giới Trẻ WYD 2008 tại Melbourne ngày 12/7/2008.


Ban tổ chức Ðại hội giới trẻ ở Melbourne đã yêu cầu tôi nói chuyện về đề tài "Ðược kêu gọi để làm chứng". Ðây là một đề tài không khó, nhưng cũng không dễ chút nào, nên tôi đã cầu nguyện với Chúa Thánh Thần rất nhiều, vì chính tôi cũng được kêu gọi để làm chứng cho Chúa Kitô như các bạn. Sứ vụ làm chứng đó của chúng ta, chúng ta không bao giờ có thể thi hành một mình, nhưng luôn cùng với Chúa Thánh Thần, như các thánh tông đồ không ngừng khẳng định trong sách Công vụ Tông đồ: Chúa Thánh Thần và chúng tôi làm chứng. (Cv 5, 32)

1. Chúa Thánh Thần và Giáo hội làm chứng:

Trước khi ra đi chiu chết, Chúa Giêsu đã nói đến sứ vụ làm chứng của Chúa Thánh Thần: "Là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em từng ở với Thầy ngay từ đầu" (Ga 15, 26-27). Dựa vào câu nói này của Chúa Giêsu, chúng ta xác tín rằng chứng từ về Chúa Giêsu tiên vàn là chứng từ của Chúa Thánh Thần, là một công việc thần thiêng, siêu phàm, chứ không phải là một công việc thuộc bình diện tự nhiên như các công việc khác của con người. Chính vì thế, việc làm chứng cho Chúa Giêsu chỉ có thể thực hiện trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, chứ không thể chỉ bằng sức lực của con người.

Chính Chúa Giêsu đã yêu cầu các môn đệ đừng ra khỏi thành Giêrusalem, cho đến khi nhận được quyền năng từ trên cao ban xuống, là Thánh Thần mà Chúa Cha đã hứa (Lc 24, 49). Trong sách Công vụ Tông đồ, Chúa Kitô Phục Sinh cũng nói rất rõ: "Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy, tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giudê, Samari và cho đến tận cùng trái đất." (Cv 1, 8). Thần lực để làm chứng là điều mà Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI muốn trình bày cho Ðại hội giới trẻ thế giới năm nay.

2. Giáo hội hiểu sứ mạng làm chứng như thế nào?

Trước hết Giáo hội vẫn luôn luôn coi Ðức Giêsu-Kitô là Người Chứng Thứ Nhất. Ðức Giêsu vừa là Con người đến từ Thiên Chúa, vừa là Người Con ở trong Cung Lòng Thiên Chúa, là Một với Thiên Chúa. Chỉ một mình Người biết Thiên Chúa (Mt 11, 27), do đó chỉ một mình Người mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta. Người là Người Con có kinh nghiệm trọn vẹn về tình yêu của Chúa Cha, là Người Con biết rõ ý muốn của Chúa Cha, biết rõ chương trình cứu độ của Chúa Cha. Người Con ấy là Sứ Giả được Chúa Cha sai đến trần gian để mạc khải Tình Yêu của Chúa Cha và thực hiện chương trình cứu độ của Ngài.

Chúa Giêsu cũng là Chứng nhân trung thành của Chúa Cha, chỉ nói những điều Chúa Cha muốn, thi hành những điều Chúa Cha truyền dạy. Người là Chứng nhân trung thành với Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá, nên được Chúa Cha siêu tôn ban cho danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Người được gọi là Chúa (Kúrios): Vua trên các vua, Chúa trên các Chúa.

Còn một Vị làm chứng thứ hai nữa, được Chúa Cha sai đến cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, đó là Chúa Thánh Thần, cũng là Chúa và là Ðấng ban sự sống. Ngài bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con (x. Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli). Chúa Thánh Thần không những làm chứng cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, khi Chúa Giêsu còn tại thế, mà còn tiếp nối sứ mạng chứng tá của Chúa Giêsu, cùng với Giáo hội và trong lòng Giáo hội.

Chính vì thế mà sứ mạng làm chứng của Giáo hội luôn luôn thể hiện cùng với Chúa Thánh Thần và trong Chúa Thánh Thần. Giáo hội được kêu gọi tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu: "Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em" (Ga 20, 21-22). Và đã được Chúa Giêsu Phục Sinh thổi hơi vào và trao ban Thánh Thần. Chúa Thánh Thần từ đó luôn ở với Giáo hội và trong Giáo hội, để Giáo hội luôn trung thành với Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu trung thành với Thiên Chúa. Giáo hội đã luôn luôn nỗ lực làm chứng cho Chúa Giêsu, trải dài suốt hai nghìn năm lịch sử, trải qua những thăng trầm. Dù có Chúa Thánh Thần, Giáo hội vẫn đang hành trình lữ thứ hướng về Ngày Chúa Quang Lâm. Trong Giáo hội vẫn luôn có hai bộ mặt, một bộ mặt thần thiêng, vì luôn có Chúa Thánh Thần, bộ mặt kia còn mang những giới hạn của thực tại trần thế. Nhưng hai bộ mặt này không tách rời nhau, mà gắn liền, làm thành một Giáo hội Duy nhất, Dấu chỉ của sư hợp nhất giữa nhân loại với Thiên Chúa và nhân loại với nhau.

3. Sứ mạng làm chứng của người kitô hữu:

Mỗi người kitô hữu chúng ta, được sinh ra nhờ phép rửa ở trong lòng Giáo hội và được xức dầu Chrisma một cách đặc biệt trong bí tích thêm sức, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thông phần sứ mạng làm chứng của Giáo hội.

Hiệu quả của bí tích Thêm sức là ghi ấn tín thiêng liêng không tẩy xoá được trong linh hồn chúng ta và làm cho ơn phép rửa được lớn lên, làm cho người kitô hữu được bám rễ vào ơn gọi làm con Thiên Chúa, được nối kết chặt chẽ hơn với Ðức Kitô và Giáo hội, củng cố các ơn Chúa Thánh Thần, và ban cho một sức mạnh đặc biệt để làm chứng cho Ðức Kitô, làm chứng về niềm tin kitô giáo. (x.TTGLHTCG, số 268)

Bí tích Thêm sức là một trong ba bí tích khai tâm kitô giáo, mà một số trong các bạn trẻ chưa lưu tâm đủ. Có lẽ vì thế mà chưa thấy có một sức mạnh từ trên thúc đẩy mình dấn thân làm chứng cho Chúa, hoặc chưa đủ kiên trì để làm chứng, và dễ đổ vỡ hay thất vọng khi gặp những đau khổ và thử thách, mặc dù rất thiện chí và quảng đại. Ðức Thánh Cha, trong sứ điệp gởi giới trẻ, đã nhắc các bạn lưu tâm hơn, và nếu ai chưa lãnh nhận, thì hãy cố gắng lãnh nhận.

Trong bí tích Thêm Sức các con nhận lãnh, không những các ơn Chúa Thánh Thần, mà là chính Chúa Thánh Thần được ban cho các con như một Sức mạnh từ trên cao, như là "Thần lực của Thiên Chúa" (Power of God). Dĩ nhiên đó không phải là sức mạnh của quân đội và khí giới, sức mạnh của tiền bạc và của cải, sức mạnh của bạo lực và âm mưu, sức mạnh của chính trị đảng phái. Nhưng đó là sức mạnh của Tình yêu mạnh hơn sự chết biểu lộ nơi Sự Sống lại của Chúa Giêsu, sức mạnh của Chân lý, của Sự Thật mà Chúa đã nói tới khi Người đối diện với Philatô: "Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật" (Ga 18, 37) hoặc "Sự thật sẽ giải thoát các ông" (Ga 8, 32). Ðó là sức mạnh cuốn hút của cái Ðẹp không phai tàn của Thiên Chúa, của cái Ðẹp thần linh tiềm ẩn trong mọi cái đẹp đích thực.

a. Làm chứng cho Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ:

Chúa là Chân Thiện Mỹ, nên sức mạnh của Chân Thiện Mỹ phát xuất từ Chúa, là "Thần Lực" của chính Chúa. Muốn làm chứng cho Chúa là Chân Thiện Mỹ, phải có Thần lực của Chúa. Nếu các con có sức mạnh của Chúa để làm chứng cho Ngài, thì đó không những là làm chứng cho Chân Thiện Mỹ, mà làm chứng cho Thiên Chúa là cội nguồn của Chân Thiện Mỹ. Có những người, tuy chưa biết Chúa, nhưng luôn luôn muốn làm chứng cho sự thật, và chính vì thế họ rất gần với Chúa ("Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống") (Ga 14, 6). Ðó là những nhà hiền triết. Họ giúp cho loài người định hướng cuộc sống, quy về hạnh phúc đích thực, thay vì hạnh phúc ảo. Chính Chúa Giêsu cũng là một nhà hiền triết (x. Ðức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Spe Salvi, số 6).

Có những người, tuy chưa biết Chúa, vẫn không ngừng đi tìm sự thiện hảo, cố gắng tối đa để luôn luôn làm những điều tốt, không bao giờ chấp nhận những điều ác, không muốn đội trời chung với sự dữ, thần dữ. Những con người ấy cũng rất gần Chúa, vì Thiên Chúa là Ðấng Thiện hảo, và Chúa Giêsu đã các môn đệ "hãy nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Ðấng hoàn thiện" (Mt 5, 48). Còn các con, nếu muốn gần Chúa, muốn làm chứng cho Chúa, hãy làm những điều tốt, các con sẽ trở nên những môn đệ trung thành nhất của Chúa Giêsu.

Ðiều rất nguy hiểm cho nhân loại hôm nay là muốn tự mình ấn định những điều gì là tốt và những điều gì là xấu. Ðiều đó không thể được, vì chỉ có một mình Thiên Chúa mới là Cội Nguồn của những điều tốt, nên mới có quyền ấn định những gì là thực sự tốt. Nguy cơ lớn nhất cho nhân loại chúng ta ngày hôm nay là chủ nghĩa duy tương đối, không chấp nhận một tiêu chuẩn nào tuyệt đối cho tư tưởng và hành động của mình, hiểu từ ngữ tự do một cách rất nông cạn, chủ trương rằng con người có thể làm bất cứ điều gì, kể cả điều ác. Cha hy vọng rằng các con không thuộc về hạng người này.

Một điều cần nhấn mạnh nữa trong những suy nghĩ về chứng từ kitô giáo, đó là chiêm ngắm và diễn tả Vẽ đẹp thần linh có tác dụng làm cho con người say mê. Những nghệ sĩ chân chính như các nhạc sĩ, các ca sĩ, thi sĩ, các hoạ sĩ, các nhà điêu khắc, các kiến trúc sư hay cả những biên đạo múa#đều là những người phục vụ cho cái đẹp, cũng là những chứng nhân rất cần thiết cho thế giới của chúng ta. Dĩ nhiên trong thế giới nghệ thuật, cũng như trong mọi lãnh vực khác của cuộc sống, vẫn có những phản chứng từ, có thể có tác dụng huỷ hoại tâm linh của chúng ta, như những thứ âm nhạc kích thích lòng tà dâm của con người, những phim đồi truỵ, các thứ phim ảnh bạo lực...

Khi các con yêu thiên nhiên, những bông hoa, dòng suối, núi non, biển cả, các con vui sướng đùa giỡn trong thiên nhiên, các con ca hát ngợi khen Thiên Chúa cùng với các tiếng nói đa dạng của thiên nhiên, đó là các con làm chứng cho Thiên Chúa là Ðấng Tuyệt Mỹ. Có chứng từ nào đẹp đẽ, sống động, dễ thương bằng chứng từ của Anh Phanxicô Assisi, đều coi mọi thụ tạo là anh chị em, là con của một Cha trên trời: anh mặt trời, chị mặt trăng, chị nước, các chị ngôi sao, các anh chim, các anh cá, kể cả anh sói... Tôn trọng và bảo vệ môi trường sinh thái, điều mà Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi các tôn giáo hợp tác với nhau, cũng là một hình thái làm chứng Thiên Chúa là tác giả thần linh của vạn vật. (Lá thư của HÐÐTLT gởi cho Phật giáo, nhân ngày lễ Phật Ðản năm 2008, số 3)

b. Làm chứng cho Thiên Chúa Hằng sống và giàu lòng xót thương:

Tất cả những giá trị được nêu ra trên đây rất cơ bản và quan trọng trong chứng từ kitô giáo, nhưng có vài loại chứng từ cần được nhấn mạnh hơn ngày hôm nay, vì khó khăn hơn, và có khi phải lội ngược dòng sông, nói ngược với những người khác, có khi phải trả giá bằng danh tiếng của mình, thậm chí bằng cả mạng sống của mình nữa. Ðó là những chứng từ về Tình yêu và sự sống, chứng từ về Thiên Chúa Hằng sống, về Thiên Chúa Tình yêu.

Những chứng từ đó không phải là những điều trừu tượng, xa vời, giáo điều, nhưng là những chứng từ liên hệ mật thiết với con người, tương lai của con người. Thế giới của chúng ta hôm nay có những điều rất mâu thuẫn, như vừa đề cao, vừa nâng niu cuộc sống, muốn làm cho cuộc sống được đẹp nhất và sung sướng nhất, đồng thời cũng không ngừng chà đạp sự sống, khinh thường sự sống. Nhân danh quyền lựa chọn có con hay không có, biết bao nhiêu người đã trở thành những kẻ sát nhân, và tệ hại hơn nữa, là những người giết chính con mình. Cha nghĩ rằng trong số các con, không ai muốn có thái độ mâu thuẫn và tàn ác đó, các con muốn là những con người logic đến cùng. Các con là những người bảo vệ sự sống, những người xây dựng nền văn minh sự sống.

Ở Việt Nam, có một vài người, trong số đó có các cha, đã cố gắng tối đa để lập ra nghĩa địa cho những bào thai bị phá mà, bằng cách này hay cách khác, các cha đã nhặt được. Chứng từ này đã được một số người, kể cả người ngoại giáo, một vài người trong chính quyền, đánh giá rất cao. Nhiều người đã phải khóc trước bao nhiêu những thai nhi vô tội đã bị những người mẹ trẻ từ khước và giết chết. Ðể tránh những nạn phá thai vì hoàn cảnh, có một vài cha và nhà dòng cố gắng xây dựng những cơ sở từ thiện để đón rước những người mẹ trẻ lỡ lầm, đưa họ về nuôi cho tới ngày họ sinh nở, và để cho họ tự do, hoặc đưa con về nuôi, hoặc nếu họ không có khả năng, thì giúp nuôi các trẻ. Vùng Ðồng bằng sông Cửu Long đến mùa lũ thường có một số trẻ thơ bị lọt xuống nước và chết đuối cách bi thảm. Gần đây có một số tổ chức từ thiện quốc tế, như trong trường hợp giáo phận Mỹ Tho, có Caritas Ðức phối họp với Toà giám mục giúp sữa chữa hay xây dựng một số nhà giữ trẻ tại các vùng hay có lũ, giảm bớt được số trẻ em chết đuối. Cha muốn nhấn mạnh thêm một điều nữa, đó là Tình yêu, là điều mà Ðức Thánh Cha đã mạnh dạn loan báo trong thông điệp đầu đời của ngài, cũng là cốt lõi của đời sống kitô giáo, đó là yêu thương. Yêu thương không phải là một điều gì trừu tượng, nhưng là một điều rất cụ thể, rất cần thiết cho mọi người chúng ta. Con người nào cũng muốn yêu và cần được yêu. Ai cũng yêu, cha cũng yêu, các cha, các soeurs, các con#Yêu thương, đặc biệt là trong giới trẻ chúng con, là một cái gì sôi nổi, và làm cho lòng ta ấm cúng, tràn ngập niềm vui, làm cho ta hạnh phúc. Tình yêu là một thứ men rượu làm cho con người say sưa, một thứ say sưa lý thú, không cưỡng lại được. Ðó là niềm vui mà Thiên Chúa ban cho con người, khi tạo dựng con người. Chính Thiên Chúa cũng vui khi Ngài yêu, vì bản chất của Ngài là Yêu Thương.

Chắc các con cũng có kinh nghiệm về một khía cạnh khác của Tình yêu, cũng quan trọng không kém, bổ sung cho khía cạnh trên, đó là khía cạnh hướng tha của Tình yêu. Yêu thương không phải là yêu mình, vì yêu mình không phải là tình yêu, nhưng yêu thực sự là yêu người khác, hướng tới người khác, và sung sướng khi hướng tới người mình yêu. Khi nào các con nghĩ tới người khác thì thấy vui, thấy hạnh phúc, là chúng con đang yêu. Nhưng còn một yếu tố khác nữa phải thêm vào thì mới là tình yêu, đó là muốn điều tốt cho người khác (tiếng Ý: ti voglio bene), muốn cho người khác được vui, được hạnh phúc, dù có phải hy sinh, phải cho đi những điều mình có, nhất là cho đi chính mình.

Tình yêu tự bản chất là một sự tự hiến cho người mình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu, vì tự bản chất Thiên Chúa là Tự hiến: Chúa Cha tự hiến chính mình và sinh ra Chúa Con. Chúa Con tự hiến chính mình và dâng hiến chính mình cho Chúa Cha. Sự tự hiến hay dâng hiến ấy là Chúa Thánh Thần, Thần Tình yêu duy nhất trong Chúa Cha và Chúa Con. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, nên chỉ hạnh phúc thực sự khi biết tự hiến và dâng hiến. Trong đời sống hôn nhân gia đình, mỗi người tự hiến cho người kia trong tình yêu thắm thiết làm cho vợ chồng nên một là hình ảnh của Tình yêu Ba Ngôi.

Các con có hai cách làm chứng cho Thiên Chúa Tình yêu: cách thường tình là tình yêu trong đời sống hôn nhân gia đình, hoặc cách thứ hai như cha, các cha, các tu sĩ và những người khác muốn sống độc thân vì Nước Trời. Và đây là hai lối sống khác nhau mà các con có thể chọn: hoặc chọn một người bạn đời duy nhất để trở thành vợ hay chồng của nhau, và chứng từ cho Tình yêu của Thiên Chúa là yêu nhau triệt để, yêu nhau đến cùng. Sự bất trung trong đời sống hôn nhân là một phản chứng từ đi ngược lại giới răn của Thiên Chúa, và mang lại đau khổ cho nhiều người, có khi huỷ hoại cả đời sống gia đình. Hoặc chọn một cuộc sống hy sinh phục vụ yêu thương mọi người, đặc biệt những người nghèo, bằng một tình yêu cao thượng không bị trói buộc vào một đối tượng nào. Chứng từ tình yêu trong bậc sống này là hy sinh phục vụ tối đa với một tình yêu thanh thoát. Hy sinh sự thèm muốn xác thịt là điều cần thiết cho chứng từ được hữu hiệu. Thiên Chúa là Tình Yêu, đó không những là một chân lý, mà còn là một Tin vui cho mọi người. Thiên Chúa toàn năng và toàn trí là Tình yêu, và tất cả sự toàn năng và toàn trí của Người đều phục vụ cho tình yêu, cho hạnh phúc của nhân loại. Thiên Chúa không ngần ngại trao ban Con Một của Người cho nhân loại. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Thiên Chúa đã "sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta" (1 Ga 4, 10).

Con người được tạo dựng giống như Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Tình yêu, nên bản chất của con người cũng là yêu thương. Ðiều đó lại là một tin vui, tin vui về con người, cái nhìn lạc quan về con người, một nhân bản thuyết cao đẹp về con người. Tin vui về Thiên Chúa và Tin vui về con người không đi ngược chiều, không chống đối nhau, nhưng là một với nhau, là Tin mừng duy nhất mà Chúa Giêsu loan báo, là Tin mừng về Tình yêu. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, ai không yêu thương thì chẳng xứng đáng là người. Chính vì thế mà Thánh Gioan dạy "nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau" (1 Ga 4, 11). Trong bối cảnh thế giới hôm nay, đầy những bạo lực và hận thù, những lo âu và sợ hãi, những buồn phiền và thất vọng, Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta loan báo rất hợp thời, dễ hiểu và cần thiết hơn bao giờ cả, cho gia đình, cho xã hội, cho quê hương đất nước và cho thế giới loài người.


Các bạn trẻ lắng nghe Ðức Giám mục giáo phận Mỹ Tho, Phaolô Bùi Văn Ðọc, nói chuyện trong kỳ Ðại Hội Giới Trẻ WYD 2008 tại Melbourne ngày 12/7/2008.


Cách loan báo Tin mừng Tình yêu hay nhất và hữu hiệu nhất là loan báo bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ như Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần thứ ba, vào tháng 4 năm 1994, Mẹ Têrêxa đã đến thăm nhà thương Chợ Rẩy, đến bên giường một đảng viên cộng sản 40 năm tuổi đảng. Biết ông ấy đau tim, Mẹ không ngần ngại đặt tay trên ngực ông và cầu nguyện vài phút trong thinh lặng, rồi cho ông một ảnh Ðức Mẹ ban ơn. Mẹ chia sẻ với những người cùng đi: "thế giới này đã quá nhiều bom đạn, những thứ đó không thể đem lại hoà bình và hạnh phúc chỉ có tình yêu và lòng thương xót. Hãy bắt đầu bằng một nụ cười, hãy mỉm cười ít nhất 5 lần mỗi ngày với người mà bạn không muốn cười... Bị bỏ rơi và không được ai yêu thương là căn bệnh khủng khiếp nhất mà ai cũng có thể cảm nhận". Vài ngày sau, có người vào thăm thấy ông đảng viên đeo mẫu ảnh Ðức Mẹ trên túi áo. Vậy đừng mặc cảm vì bất cứ lý do gì, nhưng hãy mạnh dạn và hăng say loan báo Tin mừng Tình Yêu!

4. Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm hy vọng của chúng ta:

Bước sang thiên niên kỷ III, nhân loại và thế giới đặt hy vọng vào đâu? Xã hội loài người đặt hy vọng vào đâu? Thế giới sẽ hoà bình và ổn định hơn không? Xã hội có tốt đẹp và lành mạnh hơn không? Biết bao nhiêu câu hỏi vừa rất thực tế, vừa biểu lộ ước mơ bình an và hạnh phúc của con người.

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 10 vào năm 2001, họp bàn về sứ vụ giám mục dựa vào 'tài liệu làm việc' có chủ đề "Giám mục là tôi tớ phục vụ Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô cho niềm hy vọng của thế giới". Ðang lúc họp Thượng hội đồng thì xảy ra biến cố 11 tháng 9 tại New York, làm cho cả Nước Mỹ rúng động và cả thế giới bàng hoàng.

Giáo hội Công giáo vừa mừng xong Ðại Năm Thánh 2000 trong khí thế hăng say và đầy phấn khởi. Giáo hội có gì để trả lời cho những câu hỏi ấy hay không? Giáo hội có góp phần mang lại cho con người niềm vui và lẽ sống không?

Ðể trả lời cho các câu hỏi đó, Giáo hội có Tin mừng Phục Sinh. Giáo hội không ngừng loan báo Tin mừng theo lệnh truyền của Chúa. Ðó là Tin Vui lớn nhất cho nhân loại: Chúa đã sống lại rồi. Ðó không chỉ là tin vui của ngày hôm qua, của quá khứ, mà là tin vui cho cả ngày hôm nay, tin vui cho mọi người, cho mọi thời đại. Chúa Phục Sinh là Ðấng hằng sống và đang sống ở giữa chúng ta. Người đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết, chiến thắng địa ngục. Ta không thể nào diễn tả nỗi niềm vui của các tông đồ và môn đệ của Chúa Giêsu, khi họ nghe tin Chúa đã sống lại, khi họ gặp được Chúa. Niềm vui Phục sinh mãi mãi là niềm vui lớn nhất của Giáo hội dành cho Nhân loại. Tin mừng Phục Sinh là suối nguồn của niềm hy vọng, đã được Chúa Phục Sinh trao phó cho toàn thể Giáo hội, đặc biệt là cho các chủ chăn, vì các ngài là những người kế vị các tông đồ, nhưng theo thiển ý của cha, cũng được trao cách đặc biệt cho các con là những người trẻ trong thế giới hôm nay. Cùng với các chủ chăn, các con là những chứng nhân.

Trở về với sách Công vụ các tông đồ, chúng ta cần khẳng định lại rằng, dù làm chứng dưới bất cứ hình thái nào, nhấn mạnh khía cạnh hay lãnh vực nào, chứng từ cơ bản nhất của Giáo hội và mỗi người kitô hữu, đều là chứng từ trong Chúa Thánh Thần và cùng với Chúa Thánh Thần, về cái chết và sự Sống Lại của Ðức Kitô. Ðó là chứng từ về một sự Chiến thắng, nhưng là sự chiến thắng của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, của Chúa Giêsu có trái tim bị đâm thâu, của Thần khí ban sự sống cũng là Thần Tình yêu, nên không phải là một chiến thắng đè bẹp, huỷ diệt, mà là một chiến thắng cứu sống, giải thoát, một chiến thắng mang tới hạnh phúc, sự sống viên mãn cho mọi người.

Bất cứ ai tin vào Ðức Kitô Phục Sinh đều được thông phần sự chiến thắng ấy, sự chiến thắng mang lại niềm hy vọng cho mọi người, vì là chiến thắng sự dữ, chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết. Ðức Kitô đã sống lại, sự chết không cầm giữ được Người, Người là Hy vọng của chúng ta, là Tương lai của chúng ta. Mặc dù thế giới có tàn bạo đến bao nhiêu, tiếng nói cuối cùng là của Tình yêu của Thiên Chúa và của chúng ta trong Chúa. Dù thế giới đầy dẫy bất công và đau khổ, tiếng nói cuối cùng là tiếng nói của Công lý của Thiên Chúa và hạnh phúc của con người. Chúng ta hãy làm chứng cho điều đó, hãy lãnh nhận Sức mạnh từ trên, hãy lãnh nhận Thần lực đến từ trên cao (power of God).

Xin Thiên Chúa ban cho các con tràn đầy Chúa Thánh Thần, để các con có sức mạnh làm chứng bằng lời nói, hành động và cuộc sống đời thường, bằng những cố gắng vươn lên không ngừng, bằng niềm vui, tiếng hát, tiếng cười, bằng sự liên đới với mọi người, đặc biệt là những người nghèo, bằng sự dấn thân giúp đỡ và phục vụ những người đói khổ cần đến các con.

Chúng ta múc lấy sức mạnh nơi Chúa Kitô Thánh Thể, Ðấng tràn đầy Thánh Thần, và không ngừng chia sẻ Sự sống, Thần Lực, Thần Khí, Tình yêu của Người cho những ai đến với Người. Chúa Kitô Thánh Thể là sự Bình An và Hợp Nhất cho nhân loại chúng ta trong một thế giới đầy những xung đột và chia rẻ. Chúa không ngừng định hướng cho cuộc đời của những ai đón nhận sự viếng thăm và hiện diện của Ngài.

 

+ GM Phaolô Bùi Văn Ðọc

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page