Kitô hữu Sri Lanka phản đối sự quấy rối
các phương tiện truyền thông
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Kitô hữu Sri Lanka và các nhóm ủng hộ quyền tự do thông tin phản đối sự quấy rối các phương tiện truyền thông.
Colombo (UCAN SR05299.1505 Ngày 8-7-2008) - Các mục sư Anh giáo và linh mục Công giáo cùng đại diện các nhóm ủng hộ quyền tự do thông tin vừa tham gia "cuộc phản đối trong hòa bình", chống quấy rối các phương tiện truyền thông trước Toà án Sơ thẩm Colombo.
Hôm 30-6-2008, khoảng 50 nhà báo cùng các mục sư Anh giáo và linh mục Công giáo cầm tranh cổ động đứng phản đối trong thinh lặng trước hàng rào cảnh sát bảo vệ bên ngòai tòa án này. Các áp phích in hình Jayaprakash Sittampalam Tissanayagam - một nhà báo Kitô giáo đã bị bắt giam và cả những thông điệp đòi công lý cho báo giới.
Ðội cảnh sát Ðiều tra Khủng bố đã giam Tissanayagam hôm 6-3-2008. Phóng viên người Tamil theo đạo Tin lành này làm việc cho tờ The Sunday Times và là trưởng ban biên tập của Outreach Multimedia (www.outreachsl.com), một tạp chí online, chưa bị ra toà cũng chưa được trả tự do.
Ðã có nhiều nhà báo bị bắt giam, bị đe doạ và bị quấy rối từ khi cuộc nội chiến giữa những người Tamil đòi ly khai và chính phủ do người Sinhal đứng đầu nổ ra năm 1983. 14 nhà báo bị giết và bảy người khác bị bắt cóc từ năm 2006, theo các phương tiện truyền thông.
Linh mục Anton Jayananda thuộc tổng giáo phận Colombo đứng cầm một bức hình chụp nhà báo bị bắt giam nói với UCA News: "Là con cái Chúa, ơn huệ đầu tiên chúng ta nhận được là sự tự do, tự do ngôn luận và tự do thông tin. Chúng tôi đang ủng hộ quyền tự do thông tin, và chính các phương tiện truyền thông luôn đi đầu trong việc cung cấp thông tin xác thực cho người dân".
Ngài nói: "Khi quyền tự do đó bị hạn chế, chúng ta phải đứng lên bảo vệ nó".
Mục sư Marimuthupillai Sathivel, chánh xứ nhà thờ Anh giáo Thánh Máccô ở Dandugama, Colombo, nói với UCA News: "Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, ngày nay phương tiện truyền thông là lời tiên tri. Và nhà báo là nhà tiên tri".
Ông nói thêm, khi nhà báo phê bình những kẻ có quyền thì các nhà chức trách cố tình bắt các phóng viên phải im lặng bằng cách quấy rầy họ.
"Tissa (Tissanayagam) là một nhà tiên tri hiện nay, và là tiếng nói của người dân, vì thế các nhà chức trách đang cố bắt ông ta phải im lặng", mục sư Anh giáo nói.
Sunanda Deshapriya, người phát ngôn cho Phong trào Báo chí Tự do, quả quyết "có sự vi phạm nhân quyền lâu dài" trong vụ bắt giam Tissanayagam, và nói rằng "việc bắt giam ông ta quá 115 ngày đi ngược lại cả công lý tự nhiên".
Những người biểu tình đòi các nhà cầm quyền buộc tội hoặc trả tự do cho nhà báo này, Deshapriya nói với UCA News. "Thay vì làm thế, họ lại giam ông tại đồn cảnh sát, nơi không có được các tiện nghi cơ bản trong một thời gian dài".
Mục sư Sathivel nhận xét: "Nếu người dân hiểu đúng trường hợp này, họ sẽ đoàn kết đứng lên thành lập phong trào bảo vệ các phương tiện truyền thông ở Sri Lanka".
Năm tổ chức truyền thông đã tổ chức cuộc biểu tình: Hiệp hội Nhà báo Làm việc ở Sri Lanka, Liên minh Nhà báo Tamil Sri Lanka, Diễn đàn Truyền thông Hồi giáo Sri Lanka, Liên đoàn Nhân viên Truyền thông và Phong trào Báo chí Tự do.
Hồi tháng hai, các nhóm Kitô giáo tổ chức cuộc vận động chống áp bức giới truyền thông và sát hại nhà báo, khẳng định người dân có quyền được biết sự thật. Giới báo chí Công giáo cũng kêu gọi tự do báo chí.
Trong các vụ việc gần đây, nhà báo Công giáo Keith Noyhar, phó trưởng ban biên tập của tờ The Nation, đã bị bắt cóc ngày 22-5-2008. Ngày hôm sau, người ta phát hiện ông nằm bất tỉnh gần nhà, bị đánh đập dã man. Hôm 2-7-2008, một nhóm không rõ lai lịch đã tấn công nhà báo Namal Perera, người điều phối dự án cho Viện Báo chí Sri Lanka, và một nhân viên Cao Uỷ Anh quốc.
Uỷ ban Hoà bình Quốc gia, một tổ chức phi chính phủ, đã lên án các vụ tấn công báo giới gần đây trong một bản tuyên bố hôm 1-7-2008.
UCA News