Caritas Bangladesh giúp xây dựng "bức tường xanh"

để bảo vệ người dân tránh thiên tai

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Caritas Bangladesh giúp xây dựng "bức tường xanh" để bảo vệ người dân tránh thiên tai.

Dhaka (UCAN BA05292.1505 Ngày 8-7-2008) - Trồng cây để bảo vệ bờ biển vịnh Bengal tránh bão lốc và thuỷ triều là phương pháp "xanh hơn" và rẻ hơn đắp đê, theo Caritas Bangladesh.

Tổ chức cứu trợ và công tác xã hội của Giáo hội Công giáo tại đây đang cộng tác với "Phong trào Trồng Cây và Hội chợ Cây trồng 2008" của chính phủ, khuyến khích người dân trồng hàng triệu cây xanh để giảm ảnh hưởng của bão và thuỷ triều. Cuộc vận động đầy tham vọng này kéo dài ba tháng.

Bão lụt thường xuyên gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của trong các vùng đồng bằng thấp của Bangladesh, quốc gia đa số Hồi giáo với150 triệu dân. Bão Nargis làm gần 140,000 người ở lân quốc Myanmar bị chết hoặc mất tích hồi đầu tháng 5, cũng đổ bộ vào đất liền từ vịnh Bengal.

Từ khi chương trình được nhà nước ủng hộ bắt đầu ngày 24-5-2008, Caritas đã phân phát các tờ rơi dài một trang: "Vai trò của Bức tường Xanh trong phòng chống thiên tai", cho các văn phòng khu vực của mình để chia sẻ với người dân trong vùng có nguy cơ bị thiên tai, chủ yếu là các vùng thấp gần biển.

Sripoti Mondol là một trong 300,000 người tham gia các chương trình tín dụng, quyền lãnh đạo và môi trường của Caritas ở cấp thường dân trong khu vực đồng bằng phía nam.

Nói chuyện qua điện thoại từ Shyamnagar thuộc quận Satkhira, cách Dhaka khoảng 180 km về phía tây nam, hôm 30-6-2008, Mondol nói: cây trồng không chỉ cho trái và gỗ mà còn cung cấp những giá trị thiết thực "khí oxy để hít thở và bóng mát. Nhưng điều quan trọng nhất mà chúng ta biết được trong năm nay là cây trồng có thể bảo vệ chúng ta tránh được bão lốc và thuỷ triều bằng bức tường xanh của chúng", ông nói.

Người đàn ông 48 tuổi nói hồi giữa tháng 6 khi ông cùng 17 thành viên bạn tham dự cuộc họp cộng đồng thường lệ, sau lần chia sẻ thông tin trong tờ rơi và kế hoạch tiến hành trồng cây.

Theo Francis Atul Sarker, giám đốc phát triển Caritas nhận định: tờ rơi này có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục người dân biết sử dụng cách thân thiện với môi trường, đề phòng chống thiên tai.

"Sau khi bão Sidr quét qua hồi tháng 11-2007, chúng tôi nhận thấy những người sống phía sau Sundarban không bị ảnh hưởng nhiều như những người sống ở các vùng khác", ông nói với UCA News tại Dhaka hôm 22-6-2008. Cơn bão này đã làm hơn 3,000 người thiệt mạng.

"Khoa học chứng minh Sundarban làm tấm chắn bảo vệ và bảo vệ được vùng Khulna, vì thế nó góp phần làm giảm thiên tai", ông có ý nói về khu rừng đước lớn nhất thế giới, rộng 10,000km vuông. Khoảng 60% khu rừng thuộc Bangladesh, phần còn lại thuộc Ấn Ðộ.

Tờ rơi của Caritas giải thích rằng xây một bờ đê bằng bêtông dọc các vùng vành đai biển rất tốn kém. "Vì thế, xây các bức tường màu xanh bằng cây để bảo vệ người và của tránh các đợt thuỷ triều và bão lốc sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn".

Theo Sarker, Caritas tăng cường công tác bảo vệ môi trường thông qua chương trình "toàn dân trồng cây" do tổ chức này khởi xướng vào năm 1979. Thông qua chương trình đó cùng với sự cộng tác cộng đồng, tổ chức này đã khuyến khích người dân trồng cây trên các vùng đất bỏ hoang, trên các bờ đê cao và dọc đường, ông cho biết.

Augustine Baroi, điều phối viên Cải thiện Sinh kế thông qua dự án Nông nghiệp Bền vững của Caritas, phát biểu với UCA News hôm 2-7-2008 tại Dhaka, gần đây họ đã phân phát khoảng 250,000 cây giống, chủ yếu là ở Bandarban thuộc vùng Chittagong và các vùng khác trong nước trong đó có Shyamnagar.

Mondol cho biết: hơn một thập niên qua ông được hưởng lợi từ các dự án của Caritas, trong đó có một chương trình tín dụng khuyến khích ông vay vốn và lập một vườn ươm cây trong làng.

Ông nói: "Caritas đã giáo dục chúng tôi năm này qua năm khác, giải thích tầm quan trọng của cây trồng và lợi ích của chúng. Giờ đây người dân trong cộng đồng của tôi còn biết được cây trồng có thể bảo vệ chúng tôi tránh được thiên tai".

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page