Linh mục Thái Bình mở rộng
nghĩa trang dành cho bệnh nhân phong
nhằm bảo vệ nhân phẩm cho họ
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Linh mục Thái Bình mở rộng nghĩa trang dành cho bệnh nhân phong nhằm bảo vệ nhân phẩm cho họ.
Thái Bình, Việt Nam (UCAN VT05251.1503 Ngày 27-6-2008) -- Bất kỳ khi nào ở đây có bệnh nhân phong qua đời, có đến năm người đàn ông bỏ ra nhiều giờ để tìm nơi đào huyệt trong một nghĩa trang được thành lập cách đây 108 năm.
"Nhiều lần chúng tôi đào đất lên rồi lại lấp xuống vì gặp phải hài cốt chôn không có quan tài hay bia", anh Bùi Văn Sơn nói với UCA News.
Anh Sơn và bốn người khác, là con cháu của các bệnh nhân phong, nằm trong đội quản trang có nhiệm vụ chôn cất thi hài của các bệnh nhân phong ở Làng Phong Vân Môn thuộc huyện Vũ Thư của tỉnh Thái Bình, cách Hà Nội 110 km về phía đông nam.
Làng phong do các thừa sai hải ngoại thành lập năm 1900 và bị nhà nước tịch thu sau năm 1954, tọa lạc cách nghĩa trang 500 m.
Anh sơn cho biết họ "cảm thấy có lỗi" khi đào đất đụng phải hài cốt của những người đã an nghỉ và biết làm công việc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của những người trong đội và gây ô nhiễm môi trường. Nhưng trong tương lai, anh lưu ý, họ sẽ dùng một khu nghĩa trang mới.
Linh mục Giuse Maria Mai Trần Huynh, người coi sóc mục vụ cho các bệnh nhân phong, phát biểu với UCA News rằng ngài cho lấp một nửa cái hồ rộng 3,000 mét vuông gần bên nghĩa trang để mở rộng nghĩa trang. Qua nhiều năm, nước mưa làm xói mòn và sạt lở phần đất nghĩa trang gần bờ hồ, để lộ lên nhiều quan tài và hài cốt, ngài giải thích. Vì thế ngài cho ngăn hồ và lấp đất ở nơi không quá sâu để mở rộng nghĩa trang.
Khi san lấp xong, vị linh mục 61 tuổi là chánh xứ Thái Sa và Trà Vy cho san bằng khu đất mới rộng 1,500 mét vuông này, trồng cây để tạo bóng mát và làm đường bêtông để khiên người chết đi chôn. Công trình bắt đầu tháng 11 năm ngoái (2007) và hoàn tất hồi tháng 4/2008, nhưng anh Sơn và những người trong đội quản trang phải đợi một thời gian nữa công việc của họ mới dễ dàng hơn.
Theo cha Huynh, khu đất này cần từ 1-2 năm mới lún cứng trước khi họ có thể dùng để mai táng người chết.
Vị linh mục, phục vụ hai giáo xứ và làng phong từ năm 1992, đặt trụ sở ở Trà Vy. Ngài cho biết Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt của Hà Nội xin một hội từ thiện ở Singapore tài trợ cho dự án trị giá 15,000 Mỹ kim này.
Khi có thêm tiền tài trợ, cha Huynh dự định cho di dời các ngôi mộ vô danh trong nghĩa trang cũ đến nghĩa trang mới, cho trồng cây tạo bóng mát và làm đường đi trong phần nghĩa trang cũ.
Cụ Maria Phạm Thị Mùi, một bệnh nhân phong sống tại làng này từ năm 1955, cho UCA News biết các bệnh nhân qua đời thường được chôn mà không có bia mộ, vì họ bị người thân ruồng bỏ.
Cụ giải thích tình trạng đó đã thay đổi trong 10 năm nay vì các bệnh nhân đóng góp 60.000 đồng một người để làm quỹ. Họ dùng tiền quỹ mua quà thăm những người bệnh nặng, hoặc mua nhang đèn và làm bia mộ cho những người qua đời. Chính quyền cấp quan tài miễn phí cho các bệnh nhân qua đời.
Cụ Mùi, 77 tuổi, đến từ tỉnh Nam Ðịnh, hy vọng sau khi chết "tôi sẽ được chôn tại nghĩa trang mới. Người ta sẽ cắm trên mộ tôi một chiếc bia đá có khắc tên tuổi và quê quán để sau này người thân của tôi có thể tìm đến viếng thăm". Cụ nói thêm người thân của cụ hiếm khi thăm viếng cụ.
Cha Huỳnh còn xây một nhà an táng tại nghĩa trang. Mặc dù đôi chân ngài bị tật do té ngã, nhưng ngài vẫn viếng thăm trại phong hàng tuần. Ngài ban các bí tích và cử hành Thánh lễ cho các bệnh nhân Công giáo tại nhà nguyện trong trại phong.
Các bệnh nhân ở đây nói với UCA News rằng họ có ít cơ hội được tham dự các nghi thức phụng vụ tại trại phong từ năm 1954-1992, khi cha Huynh bắt đầu viếng thăm trại.
Họ cho biết ngài đã sửa sang lại nhà nguyện, xây nhà vệ sinh và nhà bếp, và cho họ giường nằm, chăn màn, quần áo, lương thực và cả tiền mặt. Ngài còn cấp học bổng cho 108 học sinh con em của bệnh nhân.
Bác sĩ Bùi Huy Thiện, giám đốc trại phong, nói với UCA News rằng ngài đánh giá cao dự án gần đây nhất của cha Huynh, là nơi an nghỉ cuối cùng đầy an ủi cho những người nhiễm bệnh phong vốn đã cực khổ nhiều khi họ còn sống. Ða số người dân vẫn còn xa lánh họ, vì thế ít có người bên ngoài trại phong đến tham dự lễ an táng của các bệnh nhân ở đây, ông lưu ý.
Giám đốc trại phong cho biết 1,000 bệnh nhân từ 21 tỉnh thành, trong đó có 359 người cần được điều trị đặc biệt, đến sống tại trại phong lớn nhất miền bắc nước này.
UCA News