Tường thuật Lễ Trọng

Kính hai Thánh Tông Ðồ

Phêrô và Phaolô tại Roma

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật Lễ Trọng Kính hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô tại Roma.

(Radio Veritas Asia 30/06/2008) - Quý vị và các bạn thân mến. Lúc 9 giờ 30 phút, sáng Chúa Nhật 29 tháng 6 năm 2008, Ðức Thánh Cha Benêđitô XVI đã chủ tế Thánh Lễ bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, để mừng kính hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, và trao giây Pallium, --- tức giây Choàng Vai bằng da chiên, biểu tượng cho quyền tổng giám mục và sự hiệp thông giáo hội --- cho 40 Vị Tân Tổng Giám Mục đã được bổ nhiệm trong năm qua. Thật ra, đã có 42 vị tân tổng Giám Mục được bổ nhiệm, nhưng chỉ có 40 vị đến Roma để đích thân lãnh nhận dây Pallium từ tay Ðức Thánh Cha. Hai vị còn lại sẽ lãnh nhận dây Pallium tại chánh toà địa phương, qua trung gian các toà Sứ Thần.


Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I, Giáo Chủ Ðại Kết của Chính Thống Giáo Costantinopoli, tham dự Thánh Lễ do ÐTC Beneđitô XVI chủ tế cùng với các Tân Tổng Giám Mục đến Roma để lãnh nhận dây Pallium.


Ðặc biệt có Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I, Giáo Chủ Ðại Kết của Chính Thống Giáo Costantinopoli, tham dự Thánh Lễ do ÐTC chủ tế cùng với các Tân Tổng Giám Mục đến Roma để lãnh nhận dây Pallium. Sau bài Phúc Âm được công bố bằng hai thứ tiếng Latinh và Hy Lạp, ÐTC giới thiệu Ðức Giáo Chủ Bartolomêô I với cộng đoàn tín hữu hiện diện. Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I đáp từ nói lên những tâm tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Roma; và sau đó là bài giảng của ÐTC.

Trước hết, khi giới thiệu Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I, ÐTC đã nói như sau:

 

" Thưa anh chị em, Lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, quan thầy của Giáo Hội Roma và, -- cùng với các thánh Tông đồ khác, --- nền tảng của Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, (lễ trọng này) hằng năm mang đến cho chúng ta sự hiện diện của phái đoàn anh em từ Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli; năm nay, do trùng hợp với việc khai mạc Năm Thánh Phaolô, phái đoàn này do đích thân Ðức Thượng Phụ Bartolomêô hướng dẫn. Tôi xin kính chào ngài và nói lên niềm vui được dịp may một lần nữa trao đổi cái hôn bình an với ngài, trong niềm hy vọng chung được nhìn thấy "ngày hiệp nhất", "ngày của sự hiệp thông trọn vẹn" giữa chúng ta, đến gần. Tôi cũng xin chào mọi thành phần phái đoàn, chào những vị Ðại diện của các giáo hội kitô khác và của những cộng đoàn giáo hội, đã đến chúc mừng, và như thế nói lên dấu chỉ cho ý muốn gia tăng bước tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn giữa những môn đệ của Chúa Kitô. Giờ đây chúng ta hãy sẵn sàng lắng nghe những suy tư của Ðức Giáo Chủ Ðại Kết, lắng nghe những lời mà chúng ta muốn đón nhận với con tim rộng mở, bởi vì đây là những lời đến từ người anh em được Chúa yêu thương."

 

Sau những lời trên, Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I chia sẻ những suy tư của ngài, và cầu chúc cho "công cuộc đối thoại thần học" giữa hai giáo hội công giáo và chính thống giáo, luôn tiến tới, mặc cho những khó khăn vẫn còn đó.

 

Ðức Thượng Phụ đã nói như sau:


Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI và Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I cùng nhau trao đổi cái hôn bình an.


"Công cuộc đối thoại thần học giữa hai Giáo Hội chúng ta, trong đức tin, trong sự thật và trong tình yêu thương, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, đang tiến tới, vượt qua những khó khăn đáng kể và những vấn đề. Chúng ta thật sự mong ước và chúng ta cầu nguyện nhiều cho ý chỉ này; ước gì những khó khăn được vượt qua và ước chi những vấn đề được giãm bớt đi càng sớm càng tốt, để đạt tới mục tiêu cuối cùng, và danh Chúa được cả sáng. Chúng tôi biết rõ quý Chư huynh cũng ao ước như vậy; chúng tôi biết rõ rằng Chư Huynh không bỏ qua bất cứ điều gì, qua việc làm của đích thân chư huynh và cùng với những cộng tác viên, theo một chương trình trọn vẹn về con đường tiến đến sự hoàn thành tích cực công cuộc đối thoại một cách đẹp lòng Thiên Chúa".

 

Về phần mình, Ðức Bênêđitô XVI đã nhấn mạnh trong bài giảng của ngài rằng Giáo Hội không bao giờ đồng hoá mình với chỉ một quốc gia, không bao giờ đồng hoá với chỉ một nền văn hoá; nhưng giáo hội là "giáo hội của tất cả mọi người" giữa những phân rẽ của thế giới. Bổn phận của Phêrô là sáng tạo sự hiệp nhất của Giáo Hội từ tất cả mọi dân nước. Ðó là sứ mạng thường hằng của Phêrô. Ước chi Giáo Hội được luôn là Giáo Hội của tất cả mọi người. Ước chi Giáo Hội quy tụ nhân loại vượt qua mọi ranh giới và làm cho hoà bình của Thiên Chúa, làm cho sức mạnh hoà giải của tình yêu Thiên Chúa, được hiện diện giữa những chia rẽ của thế gian này.

Sau đó, nhắc đến ý nghĩa của việc trao Dây Pallium cho các tân Tổng Giám Mục, Ðức Thánh Cha đã nói như sau: Khi chúng ta mang trên vai dây choàng Pallium này, chúng ta được nhắc nhớ đến Ðấng chăn chiên đã vác con chiên lạc trên vai và đưa nó về đàn chiên. Các giáo phụ ngày xưa đã nhìn thấy nơi con chiên nầy hình ảnh của toàn thể nhân loại, của bản tính con người bị lạc mất, không biết đường trở về nhà". Dây Pallium là "biểu hiệu của tình thương chúng ta đối với Ðấng Chủ Chăn là Chúa Kitô", và là biểu hiệu cho lời mời gọi hãy yêu thương tất cả mọi người, nhờ sức mạnh của Chúa Kitô, Chủ Chăn.

Một điểm đặc biệt khác nữa trong Thánh Lễ sáng Chúa Nhật 29 tháng 6 năm 2008, là Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI và Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I đã cùng nhau đọc kinh Tin Kính bằng tiếng Hy Lạp, theo như truyền thống phụng vụ của các giáo hội đông phương Byzantines.

Sau Thánh Lễ, ÐTC nói thêm vài lời huấn đức, trước khi xướng kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page