Ðại lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðại lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.

Vatican (29/06/2008) - Lễ thánh Phêrô và Phaolô năm nay (2008) mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi vì trùng vào dịp khai mạc Năm Toàn xá kỷ niệm hai ngàn năm sinh nhật của vị tông đồ Dân ngoại. Lễ nghi khai mạc đã diễn ra vào chiều thứ bảy tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, với sự hiện diện của đại diện các Giáo hội ngoài công giáo, đứng đầu là đức Bartolomêô I, thượng phụ chính thống của toà Constantinopolis. Thánh lễ ngày chúa nhựt 29 tháng 6 năm 2008 được cử hành tại đền thờ thánh Phêrô, hay nói chính xác hơn, trên ngôi mộ của vị thủ lãnh các tông đồ, tại nơi mà ngài đã tuyên xưng đức tin. Hằng năm vào dịp này, đức thánh cha trao dây pallium cho các tổng giám mục đứng đầu giáo tỉnh, biểu hiệu cho sự thông hiệp giáo luật giữa tòa Rôma với các giáo tỉnh. Ngoài ra, theo một tập tục từ sau công đồng Vaticanô II, thượng phụ Constantinopolis cử một phái đoàn đến tham dự thánh lễ tại đền thánh Phêrô ở Rôma, đáp lại việc giám mục Rôma cử một phái đoàn đến tham dự thánh lễ tại Constantinopolis vào dịp lễ thánh Anrê. Nhưng năm nay (2008), chính đức thượng phụ Constantinopolis đến Rôma tham dự lễ khai mạc Năm thánh Phaolô (28/06/2008), nên cũng hiện diện trong thánh lễ sáng Chúa Nhật 29/06/2008. Ngài đã được đức Bênêđictô XVI đón tiếp tại cửa đền thánh Phêrô vào lúc 9 giờ rưỡi sáng, và cả hai cùng tiến lên bàn thờ. Ðức Thánh Cha đã mời đức thượng phụ giảng Lời Chúa sau khi nghe các bài đọc Sách Thánh. Ðức Bartolomeo I đã nhắc đến truyền thống bên Ðông phương từ năm 258 đã mừng lễ hai thánh tông đồ vào ngày 29 tháng 6. Nhiều bức hoạ trình bày hai vị trong tư thế ôm choàng lẫn nhau, biểu hiệu của tình yêu hợp nhất. Chính trong ước vọng đó mà các giáo hội Công giáo và Chính thống đã xúc tiến các cuộc đối thoại để tiến đến sự hợp nhất toàn vẹn. Sáng kiến mở Năm thánh Phaolô của tòa Rôma cũng được các giáo hội chính thống hưởng ứng. Ngoài việc hành hương đến Rôma nơi mà thánh Phaolô bị trảm quyết, các giáo hội chính thống cũng tổ chức nhiều cuộc hành hương kính viếng những nơi mà thánh Phaolô đã truyền giáo, tựa như Ephêsô, Perge, các thành phố bên Tiểu Á.

Liền sau đó, đức thánh cha đã đọc bài giảng, xoay quanh hai điểm chính: thứ nhất, ý nghĩa của việc thánh Phaolô đến Rôma; thứ hai, ý nghĩa của việc trao dây pallium. Tại sao thánh Phaolô đến Rôma? Thoạt tiên xem ra thánh tông đồ đến đây vì bị cưỡng bách như một tù nhân: tuy nhiên, qua lá thư viết cho giáo đoàn Rôma (15,24.29), một giáo đoàn đã được thành hình không do công lao của Phaolô, chúng ta biết được ý định của ngài, đó là Rôma được coi như bàn đạp để sang Tây-ban-nha, vào thời ấy được coi như cùng cõi địa cầu. Thánh Phaolô quan niệm rằng mình đã lãnh nhận được sứ mạng mang Tin Mừng đến cho hết mọi dân tộc. Nói khác đí, việc đến Rôma nhằm biểu lộ tính cách hoàn vũ của Giáo hội. Rôma phải trở thành biểu hiệu của đức tin hướng đến muôn dân và biểu tượng của sự hiệp nhất của đức tin, được đóng ấn nhờ sự chứng tá của hai vị đại tông đồ.

Hướng về các vị tổng giám mục sắp sửa nhận dây pallium, Ðức Thánh Cha nêu bật hai ý nghĩa. Thứ nhất, dây pallium được làm bằng len trắng: nó là biểu hiệu của con chiên mà người mục tử vác trên vai. Khi vị tổng giám mục đeo dây pallium trên vai, ngài hãy nhớ đến tấm gương của Chúa Kitô đi tìm con chiên lạc, vác nó lên vai và đưa về chuồng. Chúa Kitô đã thi hành sứ mạng bằng cái chết trên thập giá, và mời gọi các mục tử khác cũng tham dự vào sứ mạng của mình. Việc chia sẻ sứ mạng của Chúa Kitô giả thiết lòng yêu mến gắn bó với Chúa, giống như lời tuyên xưng của thánh Phêrô khi lãnh nhận sứ mạng chăn dắt đoàn chiên. Ý nghĩa thứ hai của tấm pallium là sự liên kết giữa các mục tử trong cùng đoàn chiên của Chúa Kitô: nó trở nên mối dây ràng buộc giữa các giáo hội điạ phương với toà thánh Phêrô, biểu lộ đặc tính duy nhất, thánh thiện, tông truyền và hoàn vũ của Giáo hội.

Sau bài giảng, Ðức Bênêđictô XVI và đức Bartololmeô I cùng đọc kinh Tin kính bằng tiếng Hy lạp. Kế đó là những lời nguyện phổ quát được xướng bằng tiếng Ðức, Arap, Pháp, Swahili, Hoa, Bồ đào nha. Tiếp theo là lễ trao dây pallium cho 41 tổng giám mục, đứng đầu là hồng y John Njue, Tổng Giám Mục Nairobi, rồi đến đức cha Fouad Twal, thượng phụ latinh của giáo phận Giêrusalem.

Thánh lễ kết thúc lúc 12 giờ trưa ngày 29/06/2008. Từ lễ đài đức thánh cha đọc bài huấn dụ dẫn vào kinh Truyền tin, giải thích ý nghĩa của Năm thánh Phaolô nguyên văn như sau:

 

Anh chị em thân mến

Năm nay lễ hai thánh Phêrô và Phaolô trùng vào chúa nhựt, nhờ thế toàn thể Giáo hội, chứ không riêng gì giáo phận Rôma, có thể mừng cách long trọng. Sự trùng hợp này cũng rất thuận lợi để nêu bật một biến cố khác thường, đó là Năm Thánh Phaolô mà tôi đã chính thức khai mạc chiều hôm qua (28/06/2008), bên cạnh mồ của thánh Tông đồ dân ngoại, và sẽ kéo dài đến ngày 29 tháng 6 năm 2009. Thực vậy, các sử gia đặt năm sinh của Saulô (về sau đổi tên là Paulô) vào khoảng giữa năm 7 và 10 sau Chúa Kitô. Vì thế, vào lúc tròn 2,000 năm, tôi muốn mở một năm Toàn xá, dĩ nhiên với trọng tâm là Rôma, với các đền thờ thánh Phaolô ngoại thành và nhà thờ Tre Fontane, nơi mà ngài tử đạo, tuy nhiên nó cũng mở rộng đến toàn thể Hội thánh hoàn cầu, khởi đầu là thành phố Tarso, nơi sinh trưởng, rồi những địa điểm khác có liên quan đến thánh nhân, ở lãnh thổ hiện nay trên nước Thổ-nhĩ-kỳ, thánh địa, đảo Malta nơi mà ngài đặt chân giảng đạo sau cuộc đắm tàu. Nói cho đúng, chân trời của Năm Thánh Phaolô mang tính cách hoàn vũ, bởi vì thánh Phaolô là vị tông đồ của những dân tộc được coi là "ở xa" so với dân Do thái: nhờ máu của Chúa Kitô các dân đó đã trở nên những kẻ "ở gần" (xc Ep 2,13). Vì thế cả ngày hôm nay, trong một thế giới trở thành nhỏ bé hơn nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa gặp gỡ Chúa Kitô, thì Năm Thánh Phaolô mời gọi tất cả các Kitô hữu hãy trở nên những người truyền giảng Tin mừng.

Chiều kích truyền giáo cần được gắn liền với chiều kích hợp nhất, được tượng trưng nới thánh Phêrô, tảng đá trên đó Chúa Giêsu đã xây dựng Hội thánh của mình. Như phụng vụ đã nêu bật, các đặc sủng của hai vị đại tông đồ bổ túc cho nhau trong việc xây dựng một dân tộc duy nhất của Chúa, và các Kitô hữu không thể nào làm chứng nhân hữu hiệu cho Chúa Kitô nếu họ không hợp nhất với nhau. Ðề tài hợp nhất được đề cao trong nghi thức trao dây Pallium mà tôi đã đặt cho các Tổng giám mục trưởng giáo tỉnh được bổ trong năm qua. Tất cả là 41 vị, và 2 vị khác sẽ nhận ở địa phương của mình.Tôi xin lặp lời chào thăm thân ái đến quý vị. Ngoài ra, trong dịp lễ trọng hôm nay, giám mục Rôma hân hạnh đón tiếp thượng phụ Constantinopolis, và tôi xin lặp lại lời chào huynh đệ đến với ngài và đoàn đại biểu của Giáo hội Chính thống do ngài hướng dẫn.

Năm thánh Phaolô, loan báo Tin mừng, hiệp thông trong Hội thánh và hợp nhất giữa tất cả các Kitô hữu: giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện cho các ý chỉ ấy, tín thác vào lời chuyển cầu của Ðức Maria Chí thánh, người mẹ của Hội thánh, Nữ Vương các thánh tông đồ.

Sau khi xướng kinh Truyền tin, đức thánh cha đã ban phép lành bằng tiếng latinh, và đức thượng phụ bằng tiếng Hy lạp.

 

Bình Hòa

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page