Sứ mệnh mới cho Thế giới toàn cầu hóa

vẫy tay mời gọi khi Năm Thánh Phaolô bắt đầu

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sứ mệnh mới cho Thế giới toàn cầu hóa vẫy tay mời gọi khi Năm Thánh Phaolô bắt đầu.

Bài của linh mục William Grimm thuộc dòng Maryknoll

Tokyo (UCAN JA05229.1503 Ngày 24-6-2008) -- Ngày 28-6-2008 sẽ bắt đầu Năm Thánh Phaolô kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2,000 của Thánh Phaolô. Dĩ nhiên, chúng ta không biết chính xác ngày tháng năm sinh của Thánh Phaolô, nhưng dường như có thể là gần đúng khi kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2,000 của ngài vào năm 2008-2009. Thánh Phaolô có thể sẽ không trách mặc dù ngài hay lý sự khi còn sống.

Hoạt động chính trong Năm Thánh Phaolô có thể sẽ lặp lại bầu khí sôi động như hồi Ðại Năm Thánh 2000. Chúng ta còn nhớ không? Thậm chí là ba năm trước đó, mọi văn kiện hay cuộc nói chuyện của một giám chức đều có phần kết liên hệ bất kỳ điều gì ngài nói với Năm Thánh. Thường thì phần liên hệ này tương đối khó hiểu.

Dù sao thì đa số người dân đã quá lo lắng về công việc hàng ngày hay lo sợ sự cố Y2K làm mất chương trình và dữ liệu trong máy tính của họ nên đã không chú ý đến. Năm 2000 đến rồi đi mà không hề làm nảy sinh nhiệt huyết mới trong Giáo hội, cũng không làm sụt giá máy tính trên thế giới.

Vì thế, chúng ta có nên chỉ dành Năm Thánh Phaolô cho các giám mục muốn chứng minh với "văn phòng chính" rằng họ đang "thông báo" bằng cách bắt buộc thêm vào một đoạn khen ngợi Thánh Phaolô khi nói chuyện hoặc viết lách?

Chúng ta có thể, nhưng chúng ta cũng có thể xem Năm Thánh Phaolô là dịp để nhìn kỹ một con người mà người Công giáo thường làm ngơ trừ phi chúng ta đang tìm các nguyên bản dùng làm chứng cứ. Bằng nhiều cách, chúng ta đã để cho Phaolô trở thành vị Thánh của Tin lành. Xét cho cùng, Phong trào Cải cách bắt đầu khi Martin Luther cố tiếp cận thần học của Thánh Phaolô mà không có giả định kinh viện nào.

Thật vậy, Thánh Phaolô có thể có điều gì đó tặng cho thời đại chúng ta, một điều gì đó ngài đã không thể có thậm chí cách đây 100 năm. Phaolô có thể là vị Tông đồ cho Thời đại toàn cầu hóa.

Có lẽ có ba giai đoạn trong lịch sử khi Giáo hội được kêu gọi truyền giáo trong một thế giới bị toàn cầu hóa.

Giai đoạn thứ nhất là thời Thánh Phaolô. Những người sống ở lưu vực Ðịa Trung Hải cách đây 2,000 năm chỉ biết mơ hồ về sự tồn tại của Trung Quốc và Ấn Ðộ "ngoài nơi mặt trời mọc" (có lẽ là nguồn gốc của từ "châu Á"). Phần lớn Bắc Âu và Tây Âu nằm ngoài phạm vi hiểu biết và quan tâm của con người. Tuy nhiên, trên khắp thế giới người ta biết có xu hướng toàn cầu hóa. Tiếng Hy lạp và Latin, hệ thống đường xá giao thông và truyền thông quốc tế và sức mạnh quân sự, chính trị và kinh tế La Mã đã ràng buộc mọi người trên khắp thế giới đó.

Xu hướng toàn cầu hóa đó cho phép Phaolô tự do đi từ nơi này đến nơi khác và chắc chắn khi ngài đến bất kỳ nơi nào, thì người dân ở đó đều hiểu được lời ngài nói. Và thật vậy, ngài rõ ràng đã ở trong văn hóa toàn cầu hóa đó. Có truyền thuyết cho rằng ngài đã đi ra ngoài thế giới đó để đến Tây Ban Nha, nhưng cũng cho biết ngài sớm trở về Rôma, có thể là do ngài gặp phải những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài.

Thế giới toàn cầu đó nơi Kitô giáo được khai sinh và trưởng thành đã chấm dứt khi Ðế quốc La Mã sụp đổ do nội bộ yếu kém và ngoại xâm.

Thế giới toàn cầu hóa tiếp theo, vẫn còn tập trung ở châu Âu và thiếu sự tham dự của đế chế vốn hình thành Hồi giáo, là thế giới ở thời trung cổ. Một lần nữa, tiếng Latin giúp người ta có thể đi lại và trao đổi quan điểm. Kết quả là chính Thánh Anselm, một người Ý làm viện phụ một đan viện Pháp, có thể trở thành tổng giám mục của Canterbury ở Anh. Thay cho quyền lực chính trị của Ðế quốc La Mã, quyền lực tôn giáo của Giáo hội Công giáo mang lại sự hợp nhất cho những người thuộc các tổ chức chính trị khác nhau.

Giai đoạn này chứng kiến sự hoàn thiện của thần học, sự phát triển của học thuyết kinh viện do Anselm khởi xướng. Thời đại toàn cầu hóa đó cuối cùng cũng chấm dứt, do sự đồi bại trong nội bộ Giáo hội và các thế lực theo dân tộc chủ nghĩa bên ngoài và Phong trào Cải cách.

Hiện nay chúng ta đang ở trong các giai đoạn đầu của xu hướng toàn cầu hóa thứ ba, lần này thực sự bao hàm toàn thế giới. Tiếng Anh được dùng làm ngôn ngữ chung cho phần lớn thế giới này, nhưng cho dù có rộng rãi hơn nữa, thì văn hóa phổ biến do người Mỹ chi phối cũng tạo mối liên kết giữa mọi người, đặc biệt là giới trẻ, những người có thể thực sự không biết ngôn ngữ này. Các tập đoàn và tổ chức đa quốc gia, và phương tiện truyền thông điện tử không ngừng phát triển cung cấp một số "keo dán" mà đế quốc và Giáo hội có lần đã cung cấp.

Có giống hay không, thì đây là thời đại mà chúng ta đang sống hôm nay và Giáo hội chắc sẽ phải sống qua nhiều thế hệ, nếu không nói là nhiều thế kỷ. Thánh Phaolô có gì để lại cho chúng ta trong việc truyền giáo cho thế giới này?

Thánh Phaolô viết bằng tiếng Hy lạp, ngôn ngữ chung trong thời ngài. Ngài dùng những phỏng đoán mang tính triết học và văn hóa của thính giả để công bố sự thật về Ðức Giêsu Kitô. Ngài làm ngơ trước ranh giới địa lý và văn hóa khi rao giảng, sử dụng đường xá và kỹ thuật đi biển của Rôma để đi rao giảng Tin Mừng.

Ðó là thách thức của Thánh Phaolô trong Năm Thánh Phaolô này và sau này. Một Giáo hội dường như thường luyến tiếc về xu hướng toàn cầu hóa thứ hai có sẵn sàng noi gương Thánh Phaolô trong xu hướng toàn cầu hóa thứ ba này không? Chúng ta có sẵn sàng đầu tư nhân sự và nguồn lực để thực sự sử dụng ngôn ngữ của thế giới này không? Chúng ta có sẵn sàng điều chỉnh ngôn ngữ và quan điểm của chúng ta để giúp những người láng giềng hiểu được chúng không? Chúng ta có sẵn sàng noi gương Thánh Phaolô đi khắp thế giới toàn cầu hóa của chúng ta để rao giảng về Ðức Giêsu Kitô, và việc Ngài bị đóng đinh không?

Ðó không phải là việc làm chỉ trong một năm. Tuy nhiên, riêng Năm Thánh Phaolô này có thể là cơ hội cho chúng ta cam kết trở thành một Giáo hội làm Tông đồ cho Thế giới toàn cầu hóa.

- - - - -

* Linh mục William Grimm thuộc dòng Maryknoll là trưởng ban biên tập của tờ Katorikku Shimbun, Tuần báo Công giáo Nhật.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page