Người Công giáo Việt Nam suy nghĩ về
những thành quả của phái đoàn Tòa Thánh
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Người Công giáo Việt Nam suy nghĩ về những thành quả của phái đoàn Tòa Thánh.
Hà Nội (UCAN VT05212.1502 Ngày 20-6-2008) -- Người Công giáo ở Việt Nam có những suy nghĩ khác nhau về chuyến thăm làm việc trong tháng 6/2008 của phái đoàn Tòa Thánh tại Việt Nam.
Phái đoàn gồm ba thành viên do Ðức ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, dẫn đầu sang thăm Việt Nam từ ngày 9-15/6/2008. Người Công giáo ở đây hy vọng chuyến thăm thứ 15 này sau chuyến thăm đầu tiên năm 1990, sẽ bàn về việc trả lại tài sản cho Giáo hội, việc bổ nhiệm giám mục và thiết lập quan hệ ngoại giao.
Một giám mục ở miền bắc, yêu cầu không nêu tên, phát biểu với UCA News hôm 18-6-2008 rằng người Công giáo hy vọng phái đoàn Tòa Thánh sẽ làm việc với nhà nước đặc biệt về việc trả lại tòa khâm sứ cũ ở Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Antôn Nguyễn Ðình Lộc, một lãnh đạo giáo dân ở thủ đô, nói với UCA News hôm 16-6 rằng phái đoàn Tòa Thánh và các giới chức nhà nước không thể đi đến thỏa thuận về các vấn đề Giáo hội, nhất là về việc trả lại tòa khâm sứ, bị tịch thu năm 1959, 5 năm sau khi cộng sản miền bắc đánh bại thực dân pháp. Nhà nước đã tịch thu hoặc "mượn" các cơ sở của Giáo hội, lúc đầu ở miền bắc và rồi trên khắp cả nước sau năm 1975.
Ông Lộc nói các lãnh đạo tổng giáo phận Hà Nội và các giới chức chính quyền trong những tháng gần đây đã nhóm họp và bàn cách giải quyết vấn đề tòa khâm sứ, nhưng không thành.
"Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho công lý được thực hiện", ông nói, việc trì hoãn khiến người Công giáo nghi ngờ nhà nước có thực sự muốn trả lại tòa khâm sứ như đã hứa với các lãnh đạo tổng giáo phận Hà Nội hồi tháng Giêng 2008 không. Các giới chức chính quyền đã không giữ lời hứa và cố lãng tránh vấn đề này, trong khi phái đoàn Tòa Thánh kiên nhẫn đối thoại với họ, ông nói thêm.
Người Công giáo đã biểu tình ở Hà Nội vào tháng 12 năm 2007 và tháng Giêng năm 2008 yêu cầu trả lại tòa khâm sứ cũ cho Giáo hội địa phương.
Vị giám mục miền bắc được nói ở trên giải thích rằng các giám mục Việt Nam đã làm đơn yêu cầu nhà nước trả lại tòa khâm sứ để có thể dùng làm trụ sở, vì Giáo hội thiếu cơ sở. Nhưng nhà nước muốn giao cho Giáo hội một lô đất khác. "Chúng tôi nói với họ rằng điều quan trọng là công lý phải được thực hiện. Việc trả lại tòa khâm sứ không phải là vấn đề lớn", vị giám mục nói.
Trong khi đó, linh mục Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang ở tỉnh Quảng Trị, nơi có Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, hy vọng chuyến thăm của phái đoàn Tòa Thánh đến thánh địa này sẽ thúc giục nhà nước sớm trả lại phần đất thuộc về thánh địa.
Về vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam, đức giám mục miền bắc cho biết các giới chức nhà nước nói họ "chưa sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh bởi lúc này chưa thích hợp".
Hai bên đã thành lập một nhóm làm việc bàn về một "lộ trình" cho việc thành lập quan hệ ngoại giao sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI tại Rôma tháng 1-2007, ngài nói.
Vị giám chức lưu ý hai bên có quan điểm khác nhau về tự do tôn giáo. Theo các giới chức nhà nước, tự do tôn giáo có nghĩa là các tín đồ tự do thực hành đức tin ở những nơi thờ tự trong khi Giáo hội cho rằng tự do tôn giáo còn kèm theo tự do ngôn luận. Hai bên cần gặp nhau và đối thoại để có thể đi đến thỏa thuận, ngài nói.
Bàn về việc Ðức Thánh cha sang thăm Việt Nam vào năm 2010, khi Giáo hội địa phương kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm, thì "không ai biết được", đức cha nói, vì không ai biết khi nào quan hệ ngoại giao giữa hai bên sẽ được thiết lập.
Vị giám chức nói thêm rằng ngài ít hy vọng về việc sớm thông báo bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận còn trống tòa Bắc Ninh và Phát Diệm ở miền bắc và Ban Mê Thuột ở tây nguyên. Nhiệm vụ chính trong các chuyến thăm làm việc là giải quyết việc bổ nhiệm giám mục trong nước.
Tuy nhiên, cha Gioang khẳng định chuyến thăm gần đây của phái đoàn Tòa Thánh là một dịp nữa để hai bên trao đổi quan điểm về quan hệ ngoại giao và các vấn đề khác, và đi đến hiểu nhau hơn.
Theo một bản tuyên bố chính thức do Phòng Thông tin Vatican phát hành hôm 17-6-2008, hai bên đã chú ý "đến việc bình thường hóa quan hệ song phương như mong đợi".
UCA News