Các xác chết trôi lềnh bềnh ở Myanmar

và dường như không có người quan tâm tới

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các xác chết trôi lềnh bềnh ở Myanmar và dường như không có người quan tâm tới.

Bài của Future Star

Yangon (UCAN MY05209.1502 Ngày 19-6-2008) -- Sáu tuần đã trôi qua từ khi bão Nargis giày xéo Myanmar và làm nhiều người bỗng chốc lâm cảnh màn trời chiếu đất và bị tổn thương.

Cuộc đấu tranh ác liệt của những người sống sót vẫn còn đó, nhưng điều đặc biệt làm mọi người khó chịu đó là sự thiếu nhân ái của những người đã không thể mang lại nhân phẩm.

Những người cứu hộ có kinh nghiệm biết rằng chôn cất thi thể là điều ưu tiên khi làm vệ sinh sau bão. Tuy nhiên, trên khắp vùng đồng bằng sông Irrawaddy bị bão tàn phá nặng này, thi thể trương phình thật to vẫn còn vắt trên cây và bụi rậm, và thi thể bị thối rữa vẫn còn nằm rải rác trên đồng ruộng và sông hồ.

Nhân phẩm ở đâu?

Nhiều tuần trôi qua kể từ khi siêu bão quét vào đất liền đêm 2-5-2008, nhưng có ít nỗ lực tìm kiếm và thu dọn xác chết, và làm điều nên làm đó là đưa họ đến nơi an nghỉ bằng cách mai táng hoặc hỏa táng.

Thu dọn xác người và động vật chết là nhu cầu cấp bách và thiết thực. Bệnh tật là mối đe dọa chết người rõ ràng. Xác chết thối rữa, chó đói, ruồi muỗi, nắng nóng và mưa gió gây đủ cách làm hại cho những người sống sót sau cái đêm kinh hoàng đó và hiện đang sống giữa cảnh tàn phá kinh tởm này.

Một số nhân viên Giáo hội và tu sĩ Phật giáo đã cố gắng làm điều nên làm đó, nhưng họ không được trang bị tốt cho công việc thu dọn thi thể kinh tởm này. Bất luận thế nào thì đây cũng không phải là công việc của họ. Vì thảm họa này ảnh hưởng toàn quốc, nên trách nhiệm xử lý công việc này là của các giới chức địa phương.

Trong số tất cả các ưu tiên, thì trợ cấp lương thực và chỗ lánh nạn cho người sống rõ ràng là điều cần làm trước. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận sự tổn thương mà tất cả chuyện này gây ra cho những người sống sót. Rõ ràng là dân làng không muốn rời khỏi các trại tị nạn và nơi lánh nạn trong khi những cảnh kinh tởm như thế đang đợi họ trở về.

Không phải chỉ có cảnh nhà cửa đổ nát là cảnh mà họ cảm thấy khó đối diện. Họ sợ bước qua những xác chết nằm rải rác khắp nơi, và đặc biệt là sợ cảnh tình cờ phát hiện ra thi thể của con hay vợ chồng mình.

Một số người sống sót sau siêu bão bị tổn thương nghiêm trọng do bị mất các thành viên trong gia đình cũng như của cải đi lang thang giống như người điên. Nỗi đau làm lòng họ tan nát.

Tuy nhiên, người dân Myanmar có tính kiên cường. Họ quen gian khổ và có tài xoay xở. Những người trong Giáo hội chúng ta được kêu gọi giúp họ xoa dịu nỗi đau.

Nhiều người sống sót vẫn còn bị tra tấn bởi những cơn ác mộng và cảnh mất người thân làm tan nát lòng người. Chôn cất những người đã chết có thể làm tăng việc phục hồi cho những người còn sống.

Giáo hội địa phương nhận thấy cần có những nỗ lực cứu trợ ý nghĩa hơn ngoài cấp phát lương thực, quần áo và thuốc men. Cần phải có thuốc chữa tâm hồn -- lắng nghe các nạn nhân, tư vấn cho họ, giúp họ thoát khỏi những cơn ác mộng, đưa họ trở lại cuộc sống bình thường.

Trẻ em đáng được quan tâm đặc biệt. Nhiều em đã chứng kiến những điều mà lẽ ra trẻ em không nên chứng kiến bao giờ. Một số em mất cha, mất mẹ hoặc mất cả hai, một hay nhiều anh chị em ruột, một sự đau buồn quá sức chịu đựng đối với bất kỳ trẻ em nào.

Dĩ nhiên chính quyền địa phương muốn người dân rời khỏi nơi lánh nạn để về nhà. Nhưng những người sống sót vẫn cần được trợ giúp lương thực, và nhà cửa của nhiều người bị phá hoàn toàn. Ðồng ruộng của họ bị ngập mặn, vì thế trồng trọt trên vùng đất từng được gọi là "bát cơm" của Myanmar là vấn đề nghiêm trọng trước mắt.

Ðặc biệt là chúng ta phải nhớ tôn trọng nhân phẩm của những người còn sống và những người đã chết. Họ là anh chị em của chúng ta cho dù họ thuộc tôn giáo hay sắc tộc nào đi nữa. Mai táng người chết và tư vấn cho người còn sống sẽ mang lại phẩm giá cho họ.

Những người trong Giáo hội kể nhiều câu chuyện đầy ngạc nhiên về những người sống sót gặp phải cảnh khốn khổ. Ðức Tổng Giám mục Charles Bo của Yangon kể về những điều mà chính ngài nghe kể lại "từ những người đã đối mặt và sống sót sau siêu bão và tiếp tục sống theo phẩm giá và hy vọng... nhờ bản chất kiên định trong tâm hồn con người".

Thảm họa này đã khơi lên điều tốt nhất nơi con người. Các tình nguyện viên giúp những người cần giúp đỡ đã có vô số hành động can đảm và tốt bụng, theo Ðức Tổng Giám mục Bo.

Giáo hội đang làm nhiều việc để giúp đỡ người dân, nhưng còn phải làm nhiều hơn để thể hiện sự tôn trọng nhân phẩm của người đã chết.

Các thi thể vẫn còn trôi lềnh bềnh và dường như không có người nào quan tâm tới, nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến phẩm giá của người đã chết. Làm sao Myanmar có thể tìm thấy hòa bình đích thực nếu phẩm giá của người chết cũng như người sống không được tôn trọng thực sự?

- - - - -

* "Future Star" là phóng viên của UCAN ở Myanmar, yêu cầu không nêu tên.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page