Chính phủ Ðông Timor

dựng đài tưởng niệm ÐTC Gioan Phaolô II

để tỏ lòng biết ơn

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Chính phủ Ðông Timor dựng đài tưởng niệm Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II để tỏ lòng biết ơn.

Dili (UCAN ET05204.1502 Ngày 18-6-2008) -- Chính phủ Timor Leste (Ðông Timor) vừa dựng tượng Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II nhằm tôn vinh Ðức cố Thánh cha đã hỗ trợ mặt đạo đức cho quyền tự quyết của quốc gia.

Bức tượng bêtông cao sáu mét được khánh thành hôm 14-6-2008 tại Tasi Tolu, thuộc ngoại ô phía tây Dili, đúng nơi Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II đã dâng lễ vào ngày 12-10-1989, trong thời gian Ðông Timor bị Indonesia chiếm đóng.

Tasi Tolu là nơi khét tiếng về vụ tình nghi binh lính Indonesia chất đống thi thể của nhiều người trẻ trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Người Công giáo chiếm khoảng 96% trong một triệu người Timor Leste.

Bức tượng, nhìn xuống bờ tây của thủ đô và hướng ra biển, đứng bên cạnh một nhà nguyện dùng dâng lễ Chúa nhật, cũng được xây dựng để tôn vinh Ðức cố Giáo hoàng.

Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta đã khánh thành bức tượng trước sự hiện diện của Ðức Tổng Giám mục Leo Poldo Girelli, sứ thần Tòa Thánh ở Timor Leste, đặt trụ sở ở Jakarta.

Ông Ramos-Horta nói trong bài diễn văn: "Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II là người đã cổ vũ hòa bình và công lý trên thế giới. Ngài còn đấu tranh cho người dân Timor có quyền được thế giới công nhận và trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết".

Khoảng 1,000 người mặc tais, áo vải dệt bằng tay khoác bên ngoài, đã tham dự sự kiện này, trong đó còn có một Thánh lễ ngoài trời có múa hát nhạc truyền thống, và một nhóm dâng lễ vật gồm lương thực và trái cây địa phương.

Sứ thần Tòa Thánh, chủ tế Thánh lễ, nói chuyến viếng thăm Timor Leste của Ðức Gioan Phaolô chứng tỏ tình đoàn kết với nỗi đau khổ của người dân Timor. "Trong triều đại ngài, Ðức Gioan Phaolô hết sức chú ý đến công lý, nhân quyền và hòa giải", Ðức Tổng Giám mục Girelli nói với cộng đoàn. "Ðức Thánh cha Gioan Phaolô dạy chúng ta tôn trọng phẩm giá và sinh mạng con người".

Nhà ngoại giao Vatican còn đọc thư của thư ký của Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI cám ơn chính phủ đã dựng tượng và xây nhà nguyện này. Bức thư chuyển lời Ðức Bênêđictô XVI hứa cầu cho hòa bình và công lý trong quốc gia này.

Ông Ramos-Horta giải thích rằng Ðức Gioan Phaolô II đã đóng góp to lớn cho tự do của quốc gia và đây là cách bày tỏ lòng biết ơn của người dân đối với vị cố lãnh đạo Giáo hội.

Tổng thống còn cám ơn cựu thủ tướng Mari Alkatiri, người đã đề xuất ý kiến dựng tượng tại Tasi Tolu khi Ðức Gioan Phaolô qua đời tháng 4-2005, sau 26 năm trị vì. Ông Alkatiri, người Hồi giáo, đã nói lúc đó rằng bức tượng này sẽ nhắc mọi người nhớ đến một con người gắn bó với nhân quyền và công lý. Năm 2007, ông đặt các nhà điêu khắc Indonesia làm bức tượng.

Filomena Soares, 35 tuổi, phát biểu với UCA News hôm 15-6-2008 rằng chị vui mừng khi nhìn thấy tượng Ðức Gioan Phaolô II. "Nó gợi cho tôi nhớ lại thời gian ngài tới đây. Tôi có thể nhớ việc ngài đến Ðông Timor và ủng hộ cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết của chúng tôi". Chị nói thêm: "Người dân Timor nên tự hào về bức tượng này và cũng cần cầu nguyện và tạ ơn Ðức cố Giáo hoàng, vì ngài đã đem lại cho chúng ta lòng can đảm và hy vọng".

Trong chuyến viếng thăm của Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II, cảnh sát đã bắt giữ nhiều thanh niên khi họ kéo đến bàn thờ lúc kết thúc Thánh lễ để thu hút sự chú ý của Ðức Thánh cha về cảnh khốn khổ của người dân địa phương dưới sự cai trị của Indonesia. Các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin những người biểu tình đã bị đánh đập trong vụ bạo động đó và bị tra tấn sau đó, các giới chức Indonesia phủ nhận cáo buộc này.

Ðức Giám mục Carlos Filipe Ximenes Belo, giám quản tông tòa của Dili từ năm 1988-2002, nói với UCA News hôm sau ngày Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II qua đời rằng Ðức Thánh cha luôn giữ quan hệ thân thiết với người dân Ðông Timor từ khi ngài sang viếng thăm. Trong suốt những năm chiến tranh và bạo lực tiếp theo sau đó, Ðức Thánh cha đã phái các vị đại diện cũng như gửi thư an ủi người dân Ðông Timor, vị giám chức dòng Salesian nói.

Indonesia "sáp nhập" Ðông Timor, thuộc địa trước đây của Bồ Ðào Nha, làm một tỉnh của mình vào năm 1976, sau khi nắm quyền kiểm soát vào năm trước đó, khi chính quyền thực dân Bồ Ðào Nha rút đi giữa lúc tình trạng căng thẳng chính trị đang leo thang. Trong thời gian nằm dưới quyền cai trị của Indonesia, có tới 200,000 người Ðông Timor bị chết do đói khổ, chiến tranh và các vụ trả thù.

Ðại đa số người Ðông Timor đã bỏ phiếu đòi độc lập trong cuộc trưng cầu dân ý do Liên hiệp quốc tài trợ ngày 30-8-1999, sau đó nhóm lực lượng dân quân thân Jakarta đã tung hoành ngang dọc khiến hàng trăm người thiệt mạng. Chính quyền lâm thời do Liên hiệp quốc đứng đầu đã nắm quyền kiểm soát cho đến khi nước Dân chủ Cộng hòa Timor Leste chính thức ra đời vào tháng 5-2002.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page