Ðức Thánh cha động viên các giám mục

Malaysia-Singapore-Brunei

theo đuổi đối thoại liên tôn

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Thánh cha động viên các giám mục Malaysia-Singapore-Brunei theo đuổi đối thoại liên tôn.

Bài của Gerard O'Connell, Ðặc Phái viên ở Rôma

Vatican (UCAN ZY05145.1501 Ngày 9-6-2008) -- Ðức Thánh cha Bênêđictô động viên các giám mục Malaysia, Singapore và Brunei theo đuổi "đối thoại cởi mở và thành thật" với tín đồ Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo và tín đồ của các tôn giáo khác.

Sứ vụ tông đồ của các ngài "đòi hỏi cam kết đối thoại liên tôn", ngài nói và khích lệ các ngài "thúc đẩy công tác quan trọng này, thăm dò mọi con đường mở lối cho các ngài". Ðiều này có thể "thúc đẩy phát triển trong tự do tôn giáo và đoàn kết xã hội hơn", và "hướng tới hòa bình", ngài khẳng định.

Ngài nói chuyện chung với các giám mục gồm 11 vị đến từ Malaysia, Ðức Tổng Giám mục Nicholas Chia của Singapore, và Ðức Giám mục Cornelius Sim của hạt đại diện Brunei, hôm 6-6-2008 tại thư viện riêng của ngài. Các giám mục đang hành hương ad limina viếng thăm người kế vị Thánh Phêrô và Giáo triều Rôma. Ðức Thánh cha còn hội kiến riêng từng giám mục.

Ðức Tổng Giám mục Murphy Pakiam của Kuala Lumpur, chủ tịch Hội đồng Giám mục Malaysia, Singapore và Brunei, bày tỏ vui mừng được gặp Ðức Thánh cha và cám ơn ngài đã có "quyết định sáng suốt" khi phục hồi Hội đồng Giáo hoàng Ðối thoại Liên tôn.

Ngài miêu tả các Giáo hội địa phương như được xây dựng trên một mô hình hiệp nhất, bắt đầu bằng các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản. Các Giáo hội địa phương còn đặc biệt chú ý đến gia đình và niềm nở tiếp đón người nhập cư và tị nạn, ngài nói.

Malaysia hiện có ba triệu di dân, hầu hết đến từ châu Á, Ðức tổng giám mục nói với UCA News ở Rôma.

Mặc dù chiếm thiểu số rất nhỏ ở Malaysia, Brunei và Singapore, nhưng người Công giáo "được những người thuộc các tôn giáo khác công nhận là nhóm có tổ chức tốt, bình đẳng, và tôn trọng các tôn giáo khác", ngài nói với Ðức Thánh cha.

Theo thông tin của Giáo hội địa phương, trong số 27 triệu dân Malaysia, người Hồi giáo chiếm 60% và người Công giáo chiếm 3%, khoảng 900,000 người. Hơn 70% trong số 358,000 người dân Brunei là người Hồi giáo, và người Công giáo khoảng 5,000 người, nhưng hầu hết trong số 20,000 người lao động Philippines cũng là người Công giáo. Singapore có 174,000 người Công giáo, chiếm 3.9% trong số 4.5 triệu dân.

Ðức Tổng Giám mục Pakiam nói với Ðức Thánh cha rằng Kitô hữu ở Malaysia, cũng như các nơi khác, đang "chịu đựng những hạn chế bị lấn át mà một lớp người Hồi giáo đặc biệt ủng hộ". Nhưng việc này đã mang lại một "kết quả không ngờ tới" trong việc đoàn kết người Ấn giáo, Kitô giáo, Lão giáo, Phật giáo và Sikh giáo với nhau. "Quan điểm của chúng tôi là thiết lập quan hệ với người Hồi giáo, nhưng cũng phản đối những ai lạm dụng danh nghĩa Hồi giáo".

Ám chỉ ý này, Ðức Bênêđictô nói trong bài diễn văn: "Tôi nhận thấy không phải tất cả các lãnh thổ các ngài đại diện có mức độ tự do tôn giáo như nhau". Ngài lấy "những khó khăn to lớn trong việc xúc tiến giáo dục tôn giáo trong trường học" làm ví dụ.

Tuy nhiên, ngài khuyên các giám mục "không nên nản lòng" nhưng hãy tiếp tục công bố Tin Mừng vì "lòng khao khát Chúa mãnh liệt" nơi người dân Á châu, được ngài gọi là "vùng đất màu mỡ" để truyền giáo.

Ngài nhắc nhở các giám mục rằng niềm tin của Giáo hội nơi Ðức Giêsu là hồng ân cần được chia sẻ -- "hồng ân vĩ đại nhất mà Giáo hội có thể mang lại cho châu Á".

Tuy nhiên, ngài thừa nhận niềm tin này "cần đâm rễ sâu trong lòng đất châu Á, để cho nó khỏi bị xem như là một tín ngưỡng ngoại nhập, xa lạ với văn hóa và truyền thống của người dân nơi đây". Ngài khuyên các giám mục phổ biến niềm tin này "hợp với sự sáng suốt tâm linh bẩm sinh và sự khôn ngoan đạo đức trong tâm hồn người Á châu".

Ngài thúc giục các giám mục chống lại "chủ nghĩa duy vật và thuyết tương đối" cũng như nghị trình của "những người theo chủ nghĩa thực chứng" vốn "tìm cách loại Thiên Chúa ra khỏi ngôn từ của công chúng".

Ðức Bênêđictô kêu gọi các giám mục nhấn mạnh đến "tính phổ quát của nhân quyền", dựa trên nhân phẩm được Thiên Chúa ban tặng. "Ðề cao nhân quyền và tự do tôn giáo và hành đạo là một công tác truyền giáo quan trọng, vì giáo huấn này hình thành nên một khía cạnh thiết yếu trong Tin Mừng", ngài nói với các giám mục.

Ðức Tổng Giám mục Pakiam đã nhắc tới "tình trạng thiếu ơn gọi" trong khi nhấn mạnh đến "số giáo dân tích cực tham gia các hoạt động Giáo hội khá đông trong các giáo hội chúng con".

Ðức Bênêđictô thúc giục các giám mục "qua tâm đặc biệt" đối với các linh mục, điều được ngài xem là sẽ truyền cảm hứng cho các ơn gọi mới. "Tôi biết có nơi người dân hiếm gặp được linh mục và có nơi người dân chưa nghe nói về Phúc Âm", ngài nói thêm.

Trong bối cảnh này, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "đào tạo giáo dân" và cam đoan với "giáo lý viên, cả giáo dân lẫn tu sĩ", rằng ngài cầu nguyện cho họ và cảm kích "công lao đóng góp to lớn" mà họ dành cho các cộng đoàn Kitô hữu của họ.

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page