Người Công giáo và Phật giáo Sri Lanka

lên án các vụ tấn công nhắm vào thường dân

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Người Công giáo và Phật giáo Sri Lanka lên án các vụ tấn công nhắm vào thường dân.

Colombo (UCAN SR05155.1501 Ngày 10-6-2008) -- Các lãnh đạo Công giáo, Phật giáo và tổ chức phi chính phủ vừa lên án các vụ đánh bom gần đây nhắm vào thường dân trong và quanh thủ đô Colombo, Sri Lanka.

Chín vụ đánh bom trên xe buýt và tàu hỏa từ đầu tháng 4 đã làm 84 người thiệt mạng và gần 400 người bị thương. Trong vụ tấn công gần đây nhất, hôm 6-6-2008, một quả mìn định hướng đã phát nổ gần một xe buýt trước một ngôi chùa ở Moratuwa, cách Colombo 20 km về phía nam. Vụ tấn công đó làm 22 thường dân bị thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương.

Các lãnh đạo tôn giáo và những người khác đã lên án các vụ đánh bom này và thẳng thắn nói lên quan ngại của họ về việc dân thường bị giết hại và bị thương tích trên các phương tiện truyền thông.

Hòa thượng Maduluwawe Sobitha Thero, đứng đầu Naga Viharaya, một ngôi chùa ở Colombo, nói trên chương trình phát thanh quốc gia 8-10 Dialogue hôm 9-6-2008 rằng tình hình bất ổn sau các vụ tấn công khiến người dân lo sợ. "Chúng tôi không thể biết được điều gì sẽ xảy ra trong một lát nữa", tu sĩ nói.

Chiến tranh đang trở nên "hết sức kịch liệt từng ngày", ông nói tiếp trong khi lên án các vụ sát hại và kêu gọi bảo vệ người dân.

Cũng trên chương trình này, linh mục Prasanna Rohan, chánh xứ nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê ở Sapugaskanda, Colombo, cũng kêu gọi bảo vệ người dân.

"Mọi người sẽ phải thận trọng khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng, và việc tiếp tục tấn công nhắm vào các thường dân vô tội phải được chấm dứt", vị linh mục nói. Hành khách được kiểm tra và lực lượng an ninh đã thành lập nhiều trạm kiểm soát trên đường.

Jehan Perera, giám đốc điều hành Ủy ban Hòa bình Quốc gia Sri Lanka, một tổ chức ủng hộ độc lập, cũng kêu gọi bảo vệ người dân trong một bài báo được đăng trên nhiều tờ báo hôm 10-6-2008.

Nhà báo Kitô hữu này viết: "Chính phủ, là người chịu trách nhiệm bảo vệ tính mạng của người dân trên cả nước, cần cân nhắc khả năng ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang hiện nay".

"Bước thứ nhất, chính phủ có thể nhờ sự giúp đỡ của các nhà trung gian tin cậy, trong nước hoặc quốc tế, để thông tri cho các phiến quân Tamil biết chính phủ mong muốn bảo vệ tính mạng của dân thường trên cả nước", Perera viết.

Theo hòa thượng Sobitha, bản chất chiến tranh không phải là toàn bộ vấn đề. Ông nói: "Chính phủ và phe đối lập chính nên đi đến một thỏa thuận và tìm ra một giải pháp lâu dài cho vấn đề này".

Tổng thống Mahinda Rajapaksa phát hành các thư chia buồn về số người thiệt mạng trong các vụ đánh bom gần đây.

Nội chiến bắt đầu năm 1983 khi phiến quân Giải phóng Hổ Tamil (LTTE) phát động cuộc đấu tranh giành độc lập khỏi chính phủ do người Sinhal đứng đầu. Ðã có khoảng 80,000 người thiệt mạng và nhiều người khác phải rời bỏ nhà cửa kể từ đó.

Chiến tranh leo thang nhanh trên quốc đảo này kể từ đầu năm 2008, khi chính phủ bãi bỏ thỏa hiệp ngừng bắn với LTTE do Na uy làm trung gian. Chiến tranh tập trung ở miền bắc và các vùng thuộc miền đông, là những nơi người Tamil chiếm đa số.

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page