Chiến dịch đàn áp thẳng tay các lãnh đạo tôn giáo

ở Kerala Ấn Ðộ bị lên án

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Chiến dịch đàn áp thẳng tay các lãnh đạo tôn giáo ở Kerala Ấn Ðộ bị lên án.

Thiruvananthapuram, Ấn Ðộ (UCAN IB05128.1500 Ngày 6-6-2008) -- Các tu sĩ và lãnh đạo giáo dân ở Kerala nói chiến dịch chống những người chữa bệnh bằng đức tin của chính quyền cộng sản mang động cơ chính trị.

Từ giữa tháng 5/2008, cảnh sát ở bang miền nam Ấn Ðộ này đàn áp thẳng tay những thầy chữa bệnh bằng đức tin theo cách của riêng mình để điều tra số của cải mà họ thu tích được.

Năm người Ấn giáo, ba nam và hai nữ, vừa bị bắt và nhiều người khác đang lẩn trốn. Cảnh sát cũng bố ráp các trụ sở chính của hai Giáo hội Kitô độc lập, Believer's Church và Heavenly Feast Ministry, để điều tra những vụ lạm dụng tài chính bị tình nghi.

Charlie Paul, một luật sư và là lãnh đạo giới trẻ Công giáo ở Kochi, miền trung Kerala, nói với UCA News: "Các chiến dịch liên tiếp chống các lãnh đạo tôn giáo là có động cơ chính trị nhằm làm cho người dân sao lãng vấn đề thực sự".

Paul nói cảnh sát mở chiến dịch tấn công những người chữa bệnh bằng lòng tin và lãnh đạo tôn giáo có thể là để loại trừ những kẻ mạo danh, nhưng sự cảnh giác của xã hội là điều thật sự giúp phân biệt đâu là những dỏm.

Mặc dù Kerala có tỷ lệ người biết chữ là 100%, nhưng nhiều người mê tín và trò ma thuật "còn phổ biến cả nơi các Kitô hữu", Paul giải thích. "Các ông bà thầy giả mạo nay đang lạm dụng sự thiếu hiểu biết của chúng dân".

Một nhóm gồm 70 lãnh đạo tôn giáo Ấn giáo đến từ khắp bang đã nhóm họp hôm 2-6-2008 tại Thrissur, thị xã trung tâm Kerala, để phản đối cái mà họ cho là cảnh sát và các phương tiện truyền thông đã làm "hoen ô" hình ảnh của Ấn giáo và các lãnh đạo tôn giáo.

Swami Prabakaranda Saraswati, người triệu tập cuộc họp, phát biểu với báo giới rằng nhóm này quyết định trình lên thống đốc bang một bản ghi nhớ lên án chiến dịch và những hành động chính trị chống các lãnh đạo tôn giáo Ấn giáo của chính quyền. Thống đốc bang là người đại diện cho tổng thống Ấn Ðộ tại một bang.

Lãnh đạo Ấn giáo này cho biết họ sẽ tổ chức các cuộc họp "nhằm gây ý thức cho người Ấn giáo trước sự bất công này". Theo ý họ, các tổ chức thanh niên cộng sản đang "khủng bố và tống tiền các lãnh đạo tôn giáo chân chính".

Swami Saraswati còn khẳng định rằng cảnh sát "đang dùng các biện pháp đàn áp các lãnh đạo tôn giáo và bố ráp các ashram. Tôi cho rằng đây là một phần trong âm mưu làm mất thể diện các lãnh đạo tôn giáo".

Cuộc họp còn quyết định trình đơn kiện "vụ tấn công mang tính chính trị của cảnh sát" lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia.

Kerala do một liên minh cộng sản lên nắm quyền năm 2006 cai quản.

Swami Velayudhananda của Ramananda Ashram ở Kozhikode, miền nam Kerala, nói với UCA News hôm 31-5-2008 rằng thật "bất công" khi xem tất cả các lãnh đạo Ấn giáo là "kẻ mạo danh" chỉ vì "một vài tên tội phạm giả dạng sanyasins (tu sĩ sống khổ hạnh) Ấn giáo".

Swami Velayudhananda nói ông không "phản đối việc trừng trị những kẻ có tội", và "nếu các lãnh đạo tôn giáo làm sai chuyện gì, thì luật pháp có thể trừng trị họ".

Vụ đàn áp "những người chữa bệnh bằng niềm tin" bắt đầu hôm 13-5-2008 khi cảnh sát bắt giam Santhosh Madhavan vì ông này bị tố cáo lừa gạt và hãm hiếp các bé gái. Một số người coi ông là một "thần nhân" Ấn giáo.

Các phương tiện truyền thông đã giới thiệu hình ảnh Madhavan mặc áo choàng màu vàng nghệ như một lãnh đạo tôn giáo nổi bật của Ấn giáo. Màu vàng nghệ, tượng trưng cho sự hy sinh theo truyền thống Ấn giáo, là màu tu phục của giáo sĩ Ấn giáo sống khổ hạnh. Nhưng Swami Velayudhananda nói: "Không phải tất cả những người mặc áo choàng vàng đều là lãnh đạo của Ấn giáo".

Tu sĩ Golokananda của Hội Sri Ramakrishna muốn người dân làm ngơ trước "những chiến dịch có động cơ xấu" chống các lãnh đạo Ấn giáo. Ông phát biểu với UCA News hôm 31-5-2008 rằng "những động cơ đen tối sẽ không gây trở ngại cho Ấn giáo và các lãnh đạo tôn giáo này".

M.I. Thangal, lãnh đạo Hồi giáo và là một nhà văn, cho UCA News biết làm mất uy tín của các lãnh đạo tôn giáo có thể gây ảnh hưởng giáo phái nơi người dân. "Không phải tất cả các lãnh đạo Ấn giáo, Hồi giáo hay Kitô giáo đều là giả mạo", Thangal nói. "Nhiều người trong họ đang phục vụ hết mình. Chúng ta nên tôn trọng họ".

Tuy nhiên, Thangal còn nói ông muốn có hành động mạnh chống các tội phạm lừa đảo dân chúng dưới danh nghĩa tôn giáo. Những người đó có những "liên hệ tới chính trị-tội phạm", ông nói. Ông tự hỏi làm sao họ có thể kiếm được nhiều tiền trong một thời gian ngắn như thế.

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page