Các trường học của Giáo hội
gặp phải những hạn chế của chính quyền
tại một số quốc gia Á Châu
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Các trường học của Giáo hội gặp phải những hạn chế của chính quyền tại một số quốc gia Á Châu.
Bangkok (UCAN AS05117.1500 Ngày 6-6-2008) -- Nhiều tham dự viên tại cuộc họp do Giáo hội tổ chức gần đây về Thánh Thể và Giáo dục tại châu Á cho biết các trường truyền giáo gặp phải những hạn chế trong quốc gia mình.
Steven Selvaraju, giám đốc dự án của Văn phòng Giáo lý Quốc gia Malaysia, phát biểu với UCA News bên ngoài cuộc họp từ ngày 25-30/5/2008 rằng các trường Công giáo tại nước ông được người dân đánh giá cao và sản sinh ra nhiều người Malaysia lỗi lạc, trong đó có các lãnh đạo cấp cao.
Tuy nhiên, từ đầu thập niên 1970, tình hình đã thay đổi, do xu hướng Hồi giáo hóa trong quốc gia đa số Hồi giáo này, Selvaraju nói.
"Nhà nước từng bước kiểm soát các trường truyền giáo". Hiện nay "giáo huấn tôn giáo ngoài Hồi giáo không được phép giảng dạy" trong trường học, và "một số hiệu trưởng Hồi giáo đã gỡ bỏ thánh giá" và các biểu tượng khác của Kitô giáo ra khỏi các trường học, ông nói.
Selvaraju là một trong khoảng 30 tham dự viên tại cuộc họp được tổ chức bởi Văn phòng Giáo dục và Ðào tạo Ðức tin (OEFF) của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), tại làng đại học Suvarnabhumi thuộc Ðại học Mông Triệu của Công giáo nằm phía đông nam Bangkok.
Các tham dự viên -- những người đứng đầu các ủy ban giáo dục và giáo lý của các giám mục Á châu cũng như đại diện của các tổ chức giáo dục khác -- đã suy nghĩ về những hàm ý trong tông huấn 2007 của Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI là Sacramentum Caritatis (Bí tích Tình yêu) về giáo dục. Bản văn đó xem Thánh Thể là nguồn mạch và là đỉnh điểm của đời sống và sứ mệnh của Giáo hội.
Cuộc họp còn nhằm chuẩn bị cho cuộc họp toàn thể lần thứ chín của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), sẽ diễn ra vào đầu năm sau tại Ấn Ðộ. Chủ đề cuộc họp là Sống Thánh Thể tại Á châu.
Hiện nay, Selvaraju nói với UCA News, "Gần như không thể cung cấp bất kỳ hình thức đào tạo đức tin nào hay thậm chí không thể cử hành Bí tích Thánh Thể trong các trường truyền giáo". Hình thức đào tạo như thế đang chuyển từ nhà trường sang giáo xứ, vì thế "mối liên hệ giữa Thánh Thể và giáo dục đức tin rất rõ ràng trong giáo xứ", ông nói.
Ông lưu ý, các trường Công giáo được xây trên đất thuê theo hợp đồng cũng đang bị nhà nước nắm quyền quản lý mà không hề được bồi thường khi hợp đồng hết hạn.
Hai sinh viên đến từ Myanmar nói với UCA News rằng, trừ một số trường mẫu giáo của các dòng tu, nhà nước cấm Giáo hội Công giáo mở trường trong nước.
Một sinh viên còn lưu ý rằng "sinh viên Công giáo ở Myanmar không có thời gian để trau dồi tâm linh" vì họ lo lắng những nhu cầu vật chất thiết yếu. Khi các nhu cầu này đã được đáp ứng, một số sinh viên xả láng trong quan hệ tình dục và sử dụng ma túy, hai sinh viên Myanmar nói.
Cả hai than phiền rằng nhiều sinh viên ngày nay thiếu tinh thần hợp tác và cộng tác, và cả hai tin rằng môi trường giáo dục Công giáo có thể giúp học sinh định hướng tốt hơn trong cuộc sống.
"Ða số sống ích kỷ, và với một chút hy vọng được học lên cao hay có được việc làm lương cao, giới trẻ ở Myanmar tìm cách đi ra nước ngoài", một trong hai sinh viên này nói.
Mặt khác, Ðức cha Phaolô Bùi Văn Ðọc của Mỹ Tho, chủ tịch Ủy ban Giáo lý Ðức tin của các giám mục Việt Nam, nói tại cuộc họp rằng ngài vui mừng vì chính phủ Việt Nam cho phép Giáo hội mở trường mẫu giáo. Ngài nói đây là dấu hiệu hy vọng Giáo hội trong quốc gia cộng sản này sẽ lại được phép mở và quản lý trường học và học viện.
Theo tài liệu làm việc, Sống Bí tích Thánh Thể ở Kazakhstan, được phát cho các tham dự viên, tại quốc gia Trung Á này, chỉ có 200,000 người Công giáo trong số 15 triệu dân, "thật là vui mừng khi thấy Thánh lễ được nhiều người trẻ tham dự vào các ngày trong tuần đánh giá rất cao".
Bản văn cho biết giáo dân thường lần hạt trước giờ lễ và quì gối rước Mình Thánh Chúa bằng miệng. Bản văn còn cho biết tổng giáo phận Mary Most Holy ở Astana chầu Thánh Thể hàng ngày.
UCA News