Phái Ðoàn Tòa Thánh Thăm Giáo Phận Ðà lạt
Và Dâng Thánh Lễ Tại Nhà Thờ Chánh Tòa Ðà Lạt
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Phái Ðoàn Tòa Thánh Thăm Giáo Phận Ðà lạt Và Dâng Thánh Lễ Tại Nhà Thờ Chánh Tòa Ðà Lạt.
Ðà
lạt, Việt Nam (11/06/2008) - Sau bao ngày chuẩn bị, hân hoan và
náo nức, chiều ngày 11/06/2008, dù trời mưa, nhưng nhiều
ngàn người đã tập trung tại khuôn viên nhà thờ Chánh
Tòa Ðàlạt để đón phái đoàn Tòa Thánh do Ðức Ông
Pietro, Ðức Ông Barnabê và Ðức Ông Luis Martiano đến thăm
Giáo phận Ðàlạt.
Phái Ðoàn Tòa Thánh Thăm Giáo Phận Ðà lạt Và Dâng Thánh Lễ Tại Nhà Thờ Chánh Tòa Ðà Lạt. |
Tại Tòa Giám Mục Ðàlạt, từ 15 giờ ngày 11/06/2008, đã có mặt hầu hết các Linh mục, tu sĩ nam nữ và đại diện giáo dân chờ đón. Khoảng 15 giờ 45, phái đoàn đến Tòa Giám mục...
Một điều thật bất ngờ, mọi sự diễn ra như việc một người thân trong gia đình đi xa lâu ngày trở về, Ðức Cha Phêrô đơn sơ chào đón bằng một vài câu Pháp ngữ vắn tắt, ngài cũng không quên cám ơn chính quyền tỉnh Lâm Ðồng, đã đón tiếp và đưa phái đoàn đến Tòa Giám mục. Sau những lời thăm hỏi ban đầu của các Ðức Ông với các linh mục và các tu sĩ, Ðức Cha Phêrô đưa phái đoàn đến thăm phòng truyền thống của Tòa Giám mục, nơi đây được trưng bày trang trọng về lịch sử hình thành và phát triển của Giáo phận Ðàlạt; những nét đặc sắc về văn hóa của các dân tộc trong Giáo phận...
Tiếp đó, phái đoàn cùng quý Ðức Cha viếng Chúa và có một vài giây phút cầu nguyện tĩnh lặng. Hội trường của Tòa Giám mục rộn vang tiếng vỗ tay của hơn 200 Linh mục và tu sĩ khi phái đoàn và quý Ðức Cha bước vào, bài chào mừng của Ðức Cha Phêrô cũng thật đơn sơ, vắn gọn.
- Lời Chào Mừng Phái Ðoàn Tòa Thánh Của Ðức Giám Mục Ðà Lạt Tại Tòa Giám Mục:
Kính thưa Ðức ông trưởng đoàn Pietro,
Ðức ông Barnabê và Ðức ông Luis Mariano,
Thật là một hồng ân lớn lao cho Giáo phận Ðàlạt hôm nay được Phái đoàn Tòa Thánh viếng thăm, để nói lên tấm lòng yêu thương của Ðức Thánh Cha Bênêđictô dành cho Hội Thánh tại địa phương này. Chúng con xin được biểu lộ tinh thần hiệp nhất với Mẹ Hội Thánh, đồng thời kính chào quý Ðức Ông và cầu mong cho thời gian vắn vỏi mà quý Ðức ông hiện diện trên mảnh đất cao nguyên Lang Biang đây đem lại tràn đầy niềm vui và bình an.
Nhớ lại cách đây 13 năm, vào ngày 31/03/1995, Ðức ông Claudio Celli và Ðức ông Barnabê đã ghé thăm Tòa Giám Mục và dâng lễ tại nhà thờ Chính tòa; rồi hôm nay, Giáo phận Ðàlạt lại được dịp đón tiếp quý Ðức ông trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần thứ 15. Chắc chắn những kỷ niệm này vẫn luôn ghi đậm nét trong đời sống dân Chúa nơi đây.
Từ ngày được Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII thiết lập năm 1960 đến nay đã gần 50 năm, và cùng với Giáo Hội Việt Nam, Giáo Phận Ðàlạt đang hướng về dịp mừng kỷ niệm trọng thể vào năm 2010, xin giới thiệu với quý Ðức ông vài nét về hiện tình của Giáo Phận:
- Giáo Phận Ðàlạt vừa mừng Năm Thánh kỷ niệm 80 năm truyền giáo cho người bản địa, với việc thừa sai Gioan B. Cassaigne ban bí tích rửa tội cho người tín hữu Koho đầu tiên ngày 07/12/1927. Hồng ân Năm Thánh đã trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng và có kết quả cụ thể là Giáo Phận hiện đang nỗ lực góp phần xây dựng ngôi thánh đường tại Ðạ-Tông ở cách Ðàlạt 135km.
- Hiện nay, Giáo Phận gồm có 312,000 tín hữu (1/3 là người thiểu số) trên tổng số dân 1,200,000 (= 25%), được chia thành 5 hạt, với 76 giáo xứ và 20 giáo sở; số linh mục triều 108 và dòng 86; 44 hội dòng - tu hội (13 nam, 31 nữ) với tổng số tu sĩ 850 và 77 chủng sinh. Ðặc biệt, Giáo Phận được nâng đỡ qua lời cầu nguyện của Ðan viện Châu Sơn và các bệnh nhân Trại phong Di Linh.
Kính thưa quý Ðức ông,
Trong bầu khí gia đình thân yêu này, chúng con xin được nói lên tâm tình hiệp thông, gắn bó, vâng phục đối với Mẹ Hội Thánh và bày tỏ lòng thảo hiếu với Ðức thánh cha là Chủ chăn Giáo Hội toàn cầu, biết ơn quý Ðức ông đã hiện diện để nâng đỡ và cảm thông với Giáo Hội địa phương tại đây.
Kính chúc quý Ðức ông tràn đầy sức khỏe, niềm vui và gặt hái được nhiều kết quả trong chuyến viếng thăm Giáo Hội Việt Nam.
- Ðáp lời, Ðức Ông Pietro đã chào thăm các Ðức cha, các linh mục và tu sĩ đồng thời cũng cho biết về mục đích của chuyến sang Việt nam:
"Thật là niềm vui cho chúng tôi khi được đến đây thăm Ðức Cha, thăm Giáo phận. Một niềm vui khác là khi nhìn thấy một cộng đoàn linh mục, tu sĩ đông đảo và ước mong cộng đoàn này sẽ lớn mạnh hơn nữa.
Xin kính chào tất cả mọi người, trước hết kính chào Ðức Cha Giáo phận, tôi may mắn và hân hạnh đã được gặp ngài ở Rôma. Lần gặp gỡ ấy, ngài đã giúp tôi rất nhiều để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này. Kính chào hai Ðức Cha Mỹ Tho và Ðức Cha phó Nha Trang là con cái của Giáo phận đây... Anh chị em thấy Giáo phận Ðàlạt rất may mắn vì đã sinh ra hai người con: Ðức Cha Ðọc, và Ðức Cha Minh. Anh chị em biết ở Giáo phận quê tôi, từ 30 năm qua chưa có một Ðức cha nào hết! Như vậy, đây là một Giáo phận trưởng thành, vì từ nơi đây, đã có những người con đảm trách những trách nhiệm quan trọng trong Giáo hội.
Ðiều
quan trọng là sự hiệp nhất giữa mọi người và Giám mục,
sự hiệp nhất giữa Giám mục với các thành phần Dân
Chúa và giữa anh chị em với nhau, để góp phần xây dựng
một Giáo hội hiệp nhất của Chúa. Sự hiệp nhất của chúng
ta là mẫu gương hữu hình để mọi người nhận ra chúng ta
yêu thương nhau. Chắc chắn chúng ta cũng thấy sự hiệp nhất
của chúng ta với Giáo Hội Mẹ. Trong tinh thần ấy và may mắn
cho tôi, tôi được chứng kiến những thực tế tại Giáo
hội địa phương hiệp nhất với Giáo hội Rôma, nơi mà tôi
được may mắn làm việc, cộng tác với những Vị Bề trên
tại Giáo triều. Anh chị em cũng phải thấy sự cần thiết của
việc liên đới, hiệp nhất với Ðức Thánh Cha. Sự hiệp
nhất đó, ngày hôm nay thể hiện qua cuộc viếng thăm của
chúng tôi, những người được gửi đến đây. Hiệp nhất
là điều chúng tôi cầu xin và mong muốn cho mọi người
chúng ta.
Ðức Cha Phêrô đưa phái đoàn đến thăm phòng truyền thống của Tòa Giám mục, và giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của Giáo phận Ðàlạt. |
Dù chỉ còn rất ít thời gian, những tôi cũng muốn cho mọi người biết về công việc chúng tôi đã làm trong mấy ngày qua: thường thì tại mỗi Ðất nước đều có một Vị đại diện Ðức Thánh Cha, vì thế sự hiện diện của chúng tôi, cách nào đó là thay mặt Ðức Thánh Cha. Vai trò của vị Khâm sứ, đại diện Ðức Thánh Cha tại Giáo hội địa phương là mối dây liên kết giữa Giáo hội địa phương với Giáo hội hoàn vũ tại Rôma. Trong cuộc làm việc và viếng thăm này, thì một cách nào đó, chúng tôi cũng làm công việc của Vị đại diện của Ðức Thánh Cha mà, nếu có ở tại Việt nam, thì ngài vẫn làm.
Ngoài vấn đề làm việc với Nhà nước, là việc chúng tôi đã làm, thì một phần trong nghị trình làm việc là thực hiện những cuộc viếng thăm hết sức vui vẻ, thân tình; thăm viếng một vài Giáo phận như tại Ðàlạt này. Khi nãy Ðức cha có nhắc đến, Phái đoàn ghé lại đây sau 13 năm, chúng tôi thấy tiến trình có vẻ dần tốt lên... hy vọng mối quan hệ sẽ khá hơn.
Làm việc với chính quyền, chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều điều cần phải hiểu biết và gắn kết với nhau, chắc chắn có việc chưa được sự đồng thuận, có việc còn phải đối thoại, phải còn liên hệ nhiều, để dần dần nếu Chúa muốn, Chúa ban ơn thì Giáo hội và Nhà nước sẽ gặp nhau trên nhiều phương diện khác mà hiện tại chưa thực hiện được.
Tôi cảm thấy mình được giúp đỡ khi gặp gỡ các thành phần dân Chúa của Giáo hội Việt nam và xin tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi để công việc mang lại kết quả tốt đẹp. Không chỉ Giáo hội Việt nam cầu nguyện cho phái đoàn làm việc kết quả, mà các Giáo hội khác cũng cầu nguyện cho phái đoàn, vì thế Giáo hội Việt nam cũng nằm trong lời cầu nguyện của Giáo hội phổ quát.
Lúc nãy, tôi có nói chuyện với Ông Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lâm Ðồng: "Các vị phải thấy hãnh diện vì Giáo hội Việt nam có những người con là những công dân tốt trong việc xây dựng Ðất nước".
Xin cầu nguyện không những cho chúng tôi cũng như đã cầu nguyện cho các phái đoàn trước đây, nhưng tiếp tục cầu nguyện cho những phái đoàn đến sau, hầu sức sống nơi Giáo hội Việt nam ngày một phát triển, được thực hiện sứ mạng của mình trên đất nước này, không chỉ cho Giáo hội mà cho hết mọi người dân Việt nam. Chúng ta cầu nguyện cho nhau".
Còn nhiều chuyện để chia sẻ, nhưng vì thời gian quá ngắn ngủi, giờ Thánh lễ đã gần kề, mọi người tạm chia tay để cùng đến nhà thờ Chánh Tòa, nơi hàng ngàn người đang chờ đón dưới trời mưa.
Hình ảnh các cụ già, các em nhỏ, những anh chị em đồng bào dân tộc chắc chắn sẽ được ghi nhớ trong tâm khảm của từng Vị trong phái đoàn.
- Ðức Cha Phêrô chủ sự Thánh lễ đồng tế với sự hiện diện của Ðức Giám mục Mỹ Tho, Ðức Giám mục phó Nha Trang và Quý Ðức Ông, hơn 150 Linh mục, đông đảo tu sĩ các Hội dòng và khoảng trên 2,000 tín hữu. Trong lời đầu Thánh lễ, Ðức Cha Phêrô nói:
"Anh chị em thân mến,
Hôm nay là ngày thứ ba mà phái đoàn Tòa thánh đã hiện diện trên Quê hương chúng ta, sự hiện diện này nói lên lòng yêu mến của Hội Thánh đối với con cái mình, cách riêng đối với những người con ở xa, những người con còn nhiều yếu đuối. Mừng lễ thánh Barnaba là vị Tông đồ đã sát cánh với thánh Phaolô trong việc loan báo Tin mừng. Năm nay cũng là năm chúng ta bước vào năm mừng 2,000 năm ngày sinh của thánh Phaolô. Phái đoàn giống như những Barnaba khác, luôn sát cánh với Ðức Giáo Hoàng, hiện diện thay mặt Ðức Giáo Hoàng để nói lên tâm tình yêu mến. Chúng ta vui mừng, cảm động khi thấy người cha thương yêu, luôn quan tâm đến Giáo hội Việt nam. Ðây là lần thứ 15, phái đoàn Tòa thánh đến Việt nam để gặp gỡ, trao đổi với chính quyền Việt nam hầu ngày càng có nhiều sự hiểu biết, thông cảm để góp phần xây dựng một Giáo hội theo gương mẫu mà Chúa Giêsu mong ước, gương mẫu đó là yêu thương và phục vụ.
Anh chị em hãy cùng chúng tôi sốt sắng dâng Thánh lễ này, cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha, cho các phẩm trật trong Hội Thánh, cách riêng là cho phái đoàn. Ðặc biệt hôm nay, là lễ Bổn mạng của Ðức Ông Barnaba Nguyễn Văn Phương, người đã góp phần lớn trong tinh thần hiệp nhất, cộng tác, yêu thương, góp phần xây dựng Hội Thánh địa phương trên đất nước Việt nam này; góp phần cho đồng bào, cho dân tộc để cuộc sống ngày càng thịnh vượng, hạnh phúc hơn".
- Qua các bài đọc Lời Chúa, qua ý nghĩa của Thánh lễ và với niềm vui cụ thể, Ðức Ông Pietro chia sẻ (Ðức Ông Phương phiên dịch):
"Tôi hết lòng cảm tạ Chúa, Ðức Ông Mariano, Ðức Ông Phương và tôi được đến đây trong thành phố Ðàlạt, thành phố của ngàn hoa. Tư tưởng đầu tiên của chúng tôi theo tư tưởng của thánh Augustinô: Vườn hoa Hội Thánh là chúng ta, mỗi người chúng ta là một bông hoa, dù màu sắc khác nhau nhưng luôn tỏa hương cho mọi người.
Con xin chân thành kính chào Ðức Cha Nhơn, mà con đã hân hạnh gặp ở Rôma.
Kính chào Ðức Cha Ðọc, Ðức Cha Minh là con cái của Giáo phận này.
Xin kính chào cha Tổng đại diện, anh em linh mục hiện diện đông đảo trong Thánh lễ này.
Xin kính chào các tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em tín hữu, rất tiếc không đủ chỗ trong Thánh đường này và phải đứng ở ngoài.
Anh chị em biết hàng năm phái đoàn của Tòa thánh đến Việt nam để làm việc với Chính phủ, ngoài ra phái đoàn còn đi thăm các Giáo phận để nói lên sự hiện diện của Ðức Thánh Cha giữa cộng đoàn Giáo phận và mang đến cho anh chị em chúc lành của Ðức Thánh Cha.
Ðức Thánh Cha biết phái đoàn của chúng tôi đến thăm các Giáo phận, Ðức Thánh Cha biết phái đoàn chúng tôi đến thăm Giáo phận Ðàlạt và ngài yêu cầu chúng tôi mang đến cộng đoàn Giáo phận tình thương và phép lành của ngài cho mọi người. Sự hiện diện của chúng tôi là sự hiện diện của Ðức Thánh Cha Bênêđictô 16 ở giữa anh chị em tín hữu.
Thánh lễ chúng ta cử hành đây là Thánh lễ hiệp nhất của Giáo hội toàn cầu, Giáo hội Việt nam đã hội nhập vào địa phương này cách chắc chắn. Chúng ta hiệp nhất với Giáo hội toàn cầu, hiệp nhất với Ðức Thánh Cha là đại diện Chúa Giêsu trên trần gian này để nối kết với nhau trong tình yêu Thiên Chúa mỗi ngày một hơn.
Hôm nay lễ thánh Barnaba là vị Tông đồ lớn của Giáo hội, là người bạn đồng hành thân thiết của thánh Phaolô, chính thánh Baranaba là người giới thiệu thánh Phaolô với cộng đoàn tín hữu đầu tiên, vì chúng ta biết, thánh Phaolô trước đó đã bắt Ðạo mãnh liệt. Chính Barnaba đã dẫn dắt, giới thiệu và thánh Phaolô đã trở lại đã gặp với Chúa, và chắc chắn ngài là người của chúng ta, nói về Chúa cho chúng ta. Baranaba đã đồng hành với Phaolô trong việc truyền giáo cho mọi dân. Ngày lễ hôm nay, với ý nghĩa của nó, tôi xin để lại một sứ điệp:
Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã để lại một thông điệp mà chắc chắn các Ðức Cha, các linh mục, các tu sĩ nam nữ và nhiều người trong anh chị em cũng biết đó là tông huấn "Loan báo Tin mừng".
Vai trò, sứ mệnh trước tiên của Ðức Thánh Cha là rao giảng Tin mừng cho mọi dân, mọi nước. Ðức Thánh Cha nói rằng quyền năng của ngài trong Giáo hội là để rao giảng Tin mừng của Chúa. Hiệp thông với Ðức Thánh Cha, chúng ta cũng phải cảm thấy bổn phận của chúng ta là thực hành sứ mạng rao giảng Tin mừng, như thánh Barnaba và thánh Phaolô, trong mọi nơi, mọi xứ sở, trong các thôn xóm, các gia đình.
Giáo
hội cũng như mọi tín hữu không hiện diện cho chính mình
nhưng để đi rao giảng Tin mừng của Chúa Kitô đã đến vì
nhân loại, vì chúng ta, vì mọi người.
Phái đoàn Tòa Thánh cùng quý Ðức Cha viếng Chúa và có một vài giây phút cầu nguyện tĩnh lặng. |
Chúng ta rao giảng Tin mừng cách nào? Lời nguyện trong Thánh lễ cho thấy rõ: rao giảng bằng lời nói và bằng việc làm. Những tín hữu đầu tiên đã rao giảng bằng cách sống chứng tá Tin mừng mà họ đã lãnh nhận, yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc nhau, đến nỗi những người chung quanh nhìn thấy và hỏi: Từ đâu có được giáo lý như vậy? Các tín hữu ban đầu trả lời: chúng tôi rao giảng Tin mừng Chúa Kitô mà chúng tôi đã được biết và chúng tôi yêu thương nhau. Chúng tôi biết Chúa Kitô là tình thương, chính tình thương ấy ở trong tâm hồn chúng tôi, chúng tôi không thể nào giữ cho mình, nhưng tình thương ấy phải tỏ lộ ra cho những người chúng tôi gặp.
Phương cách trên ngày nay vẫn còn hiệu lực, không lỗi thời, chúng ta phải sống và phải làm như vậy.
Một tư tưởng thứ hai xin gửi đến anh chị em: Nếu chúng ta sống đức tin như điều riêng tư thì có nguy cơ chúng ta mất chính đức tin của mình. Tư tưởng này được lấy từ giáo huấn của Giáo hội nói rằng: đức tin lớn lên khi trao ban cho người khác; khi trao ban cho người khác thì đức tin của chúng ta sẽ lớn hơn.
Sự thường, khi cho tiền bạc thì của cải chúng ta sẽ vơi bớt, nhưng đức tin biết trao ban thì đức tin càng lớn thêm. Hiệp nhất với Ðức Thánh Cha là vị thừa sai, người dẫn đầu trong việc rao giảng Tin mừng của Giáo hội, chúng ta cũng phải rao giảng Tin mừng trong môi trường sống bằng chính cuộc sống hàng ngày.
Chúng ta cầu nguyện cho nhau để mỗi người biết rao giảng Tin mừng cho người khác, để hương thơm Chúa Kitô trong cuộc đời chúng ta được tỏa ra cho những anh chị em mà chúng ta gặp. Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô".
Sau phép lành cuối Thánh lễ, Cha Tổng Ðại diện đã thay lời cho Gia đình Giáo phận chúc mừng và dâng tặng những món quà cũng như những đóa hoa đến phái đoàn và Quý Ðức Cha. "Vivat, vivat in aeternum" là bài hát trên nền nhạc Taizé của ca đoàn vang lên trong yêu thương, hiệp nhất.
- Lời Chào Mừng Của Cha Tổng Ðại Diện Vào Cuối Thánh lễ Tại Nhà Thờ Chính Tòa Ðà Lạt:
Trọng kính quý Ðức Cha,
Trọng kính quý Ðức Ông phái đoàn Tòa Thánh,
Xin cho phép con được cùng với toàn thể Giáo Phận Ðàlạt: Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ - Chủng sinh và Giáo dân, trước hết dâng lời tri ân Ðức Thánh Cha Bênêdictô XVI, vị Cha chung của toàn thể Giáo Hội, vì những lời cầu nguyện, sự quan tâm ưu ái và phép lành của Ngài đối với Giáo Hội Việt Nam trong đó có Giáo Phận Ðàlạt của chúng con. Sự hiện diện của Phái Ðoàn Tòa Thánh hôm nay là bằng chứng của tình phụ tử mà Ðức Thánh Cha muốn dành cho Giáo Phận Ðàlạt này.
Chúng con xin cám ơn quý Ðức Ông Phái đoàn Tòa Thánh đã ưu ái đến thăm mục vụ Giáo Phận Ðàlạt trong chuyến hành trình xa xôi với sứ mạng thật quan trọng cho sức sống và sự phát triển của Giáo Hội Việt Nam. Ðặc biệt chúng con muốn tri ân Ðức Ông Barnaba mà hôm nay mừng Lễ Thánh Bổn Mạng: chính Ðức Ông đã nỗ lực, hy sinh, kiên trì cho Giáo Hội Việt Nam qua rất nhiều lần tham gia trong các Phái đoàn ngọai giao Tòa Thánh sang gặp gỡ các viên chức Nhà Nước Việt Nam vào những thời điểm khác nhau.
Giáo Phận Ðàlạt chúng con đang chuẩn bị cho Ðại Lễ Kim Khánh Giáo Phận vào ngày 24/11/2010 sắp tới để tạ ơn Chúa vì những hồng ân Chúa đã ban cho Giáo Phận suốt 50 năm qua. Với hai Tông Sắc Venerabilium Nostrorum và Quod Venerabiles Fratres, Chân Phước Giáo Hòang Gioan XXIII đã thiết lập Giáo Phận Ðàlạt và bổ nhiệm Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn văn Hiền làm Giám Mục tiên khởi. Tiếp theo Ngài là Ðức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, và hiện nay là Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục Giáo Phận Ðàlạt đồng thời là Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Ngài đã xuất thân từ chính Giáo Phận Ðàlạt này cũng như Ðức Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho, Phaolô Bùi văn Ðọc và Ðức Cha Phó Giáo Phận Nha Trang Giuse Võ Ðức Minh mà chúng con rất cám ơn sự hiện diện của các Ngài hôm nay.
Nhờ ơn Chúa, từ khi Ðức Cha Jean Cassaigne, thuộc Hội Truyền Giáo Paris mà trong những ngày này đang kỷ niệm 350 năm thành lập, gieo hạt giống Tin Mừng đầu tiên khi rửa tội cho bà Maria Ka Trút, một phụ nữ phong cùi, tại Dilinh ngày 7 tháng 12 năm 1927 đến nay số giáo dân Giáo Phận Ðàlạt lên đến con số 300,000 người trong đó 1/3 là người dân tộc thiểu số. Thành quả đó là do phúc lành của Thiên Chúa, sự bầu cử của Ðức Maria, Thánh Cả Giuse và các Thánh cũng như sự quan tâm đầy tình mẫu tử của Giáo Hội mẹ, sự nhiệt thành truyền giáo của các Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ, Giáo dân người ngọai quốc cũng như người bản xứ qua nhiều thời điểm truyền giáo khác nhau.
Giáo Phận Ðàlạt luôn hiệp nhất với Giáo Hội Mẹ, luôn hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam cũng như luôn đồng hành với Dân Tộc để mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào.
Một lần nữa, chúng con xin cám ơn sự hiện diện quý báu của Phái đoàn Tòa Thánh và qua quý Ðức Ông xin cho chúng con được kính dâng lên Ðức Thánh Cha Bênêdictô XVI những tấm lòng yêu mến, kính trọng, biết ơn và trung thành của chúng con đối với Ngài.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho quý Ðức Ông và cho chuyến đi của quý Ðức Ông mang lại nhiều hoa trái thánh thiện và tốt đẹp cho Giáo Hội Việt Nam.
Chúng con kính dâng lên quý Ðức Cha những bó hoa tươi và quý Ðức Ông món quà kỷ niệm biểu lộ lòng yêu mến của chúng con.
- Ðức Ông Pietro cũng thay mặt phái đoàn, có những tâm tình:
"Lời đầu tiên xin chân thành cảm tạ Ðức Cha Phêrô và hai Ðức Cha xuất thân từ đây; Cha Tổng đại diện, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em tín hữu. Như đã nói, đức tin được nhiều hơn khi ban cho, ngày hôm nay đến đây, chắc chắn khi trở về đức tin của chúng tôi sẽ được nhiều hơn lên, vì thấy chứng tá của anh chị em giữa xã hội.
Xin chân thành cảm ơn quý vị đại diện chính quyền đã hiện diện trong Thánh lễ này, theo giáo huấn của Giáo hội thì Giáo hội và Chính quyền của các quốc gia cộng tác với nhau để lo cho công ích của người dân.
Cám ơn ca đoàn đã hát thật hay, giúp chúng ta cầu nguyện sốt sắng, đặc biệt đã hát bộ lễ bằng tiếng Latinh, khiến chúng tôi nhận thấy rõ ràng Giáo hội hiệp nhất và cảm thấy gần gũi với Tòa Thánh, với Ðức Thánh Cha".
Lời cám ơn nữa và cũng là một lời hứa: sẽ chuyển đến Ðức Thánh Cha những tâm tình của cộng đoàn mà cha Tổng đại diện đã nói khi nãy, mang về Ðức Thánh Cha "lòng kính trọng, yêu thương, biết ơn và trung thành trong tâm tình của những người con hiếu thảo". Chắc chắn những tâm tình này sẽ làm Ðức Thánh Cha rất mong muốn đến đây thăm anh chị em.
Lời sau cùng là một lời cầu xin: xin chúng ta cầu nguyện cho nhau, hiệp nhất với nhau để chúng ta trở thành những chứng tá Tin mừng của Chúa.
- Ðức Ông Pietro mời Ðức Cha Phêrô nói một điều gì đó, rất vui vẻ và đơn sơ, Ðức Cha Phêrô nói:
"Vâng lời thì trọng hơn của lễ. Xin thay mặt cho cộng đoàn Giáo phận, một lần nữa cám ơn phái đoàn Tòa thánh đã đến Việt nam nhằm phục vụ Giáo hội và quê hương Việt nam. Giáo phận Ðàlạt tuy nhỏ nhưng là một Giáo phận muốn sống chứng tá Phúc âm của mình, chứng tá đó là yêu thương và phục vụ. Vì vậy, xin phái đoàn về thưa lại với Ðức Thánh Cha, Giáo phận Ðàlạt rất sốt ruột và hết lòng chờ đón Ðức Thánh Cha tại đây". (Khi Ðức Ông Pietro nói đến việc Ðức Thánh Cha đến thăm, cộng đoàn đã vỗ tay thật to; nhưng khi Ðức Cha Phêrô nói dứt câu này, thì tiếng vỗ tay lại càng to hơn nữa, tất cả chỉ để chứng tỏ lòng khao khát và yêu mến của những người con).
Trời đã khuya, mưa đã ngớt nhưng niềm vui còn muốn trào dâng. Những nụ cười, những cái bắt tay như muốn kéo dài thêm sự gặp gỡ thân thương này.
Bữa cơm tối tại Tòa Giám mục diễn ra trong tình thân của Ðại Gia đình Hội Thánh. Ngoài sự hiện diện của Phái đoàn, của Quý Ðức Cha, quý Cha, còn có mặt các vị trong đoàn của chính quyền từ Hà nội vào và đại diện chính quyền tỉnh Lâm đồng. Khoảng 21 giờ, Phái đoàn Tòa thánh đã chào tạm biệt Ðức Cha Phêrô, Quý Ðức Cha và mọi người. Sáng ngày 12/06/2008, Ðức Cha Phêrô sẽ tiễn phái đoàn tại phi trường để các ngài tiếp tục chương trình viếng thăm và làm việc tại Việt nam lần thứ 15 này.
Tạ ơn Chúa đã cho chúng con thật nhiều cơ hội để thấy rằng chúng con được yêu thương, chúng con được trao ban muôn vàn ân phúc của Chúa và của Hội Thánh. Xin cho chúng con biết sống để tình yêu thương và muôn ân phúc ấy được lan tỏa đến cho mọi người trên đất nước thân yêu này.
Tứ Linh tường thuật
(Simon Hòa Ðà Lạt)