Vài Nét về Huấn Thị của Bộ Tu Sĩ và Tu Hội Ðời

nói về Quyền Bính và Ðức Vâng Lời

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài Nét về Huấn Thị của Bộ Tu Sĩ và Tu Hội Ðời nói về Quyền Bính và Ðức Vâng Lời.

(Radio Veritas Asia 29/05/2008) - Thứ Tư, ngày 28 tháng 5 năm 2008, Bộ Tu Sĩ và Tu Hội Ðời --- nói đầy đủ là Bộ Ðặc Trách Các Viện Tu Ðời Tận Hiến và Các Hội Hoạt Ðộng Tông Ðồ --- đã công bố một văn kiện gọi là "Huấn Thị về Việc Phục Vụ của Quyền Bính và Sự Vâng Lời".

Ðức Hồng Y Franc Rodé, Tổng Trưởng Bộ Tu Sĩ và Tu Hội Ðời giải thích lý do tại sao của Huấn Thị về Quyền Bính và Sự Vâng Lời là do hoàn cảnh văn hoá và xã hội đã thay đổi. Người ta nhấn mạnh nhiều về tự do, về tự lập. Người ta đề cao tự do một cách tuyệt đối cho đến mức cực đoan của một chủ thuyết duy tự do. Theo Ðức Hồng Y, Huấn Thị đặt quyền bính và sự vâng lời trong cùng một khung cảnh chung, khung cảnh của một sự đồng hành đi tìm dung nhan Chúa, của sự lắng nghe Lời Chúa, của ý thức về chương trình của Thiên Chúa thực hiện tình thương, của kinh nghiệm căn bản sống với Chúa Kitô, Ðấng vâng lời Thiên Chúa Cha vì tình yêu cho đến cùng, cho đến chết trên Thập Giá.

Sự vâng lời và quyền bính, cả hai cùng vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa. Quyền Bính, hay cách cụ thể người có quyền, cũng phải sống đức vâng lời, vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa như kẻ "dưới quyền".

Chính để làm nổi bật khung cảnh chung nầy, mà Huấn Thị đã chọn một câu thánh vịnh 26, 8 làm tiêu đề chung cho toàn huấn thị. Câu Kinh Thánh đó là: "Faciem tuam, Domine, requiram", "Lạy Chúa, con đi tìm Nhan Thánh Chúa" (Ps 26,8). Trong khung cảnh thần linh đạo đức này, Huấn Thị xác định lại một lần nữa thế nào là Vâng Lời, và Quyền Bính là gì.

"Ðức Vâng Lời của người kitô và của tu sĩ, trước hết không phải đơn thuần là việc "giữ luật" hay "thi hành những quy định của giáo hội" (giáo luật) hay những "luật lệ" của nhà tu, nhưng là "giây phút thánh đi tìm Thiên Chúa nhờ qua việc lắng nghe Lời Ngài, nhờ qua ý thức về ý định yêu thương của Ngài, nhờ qua kinh nghiệm căn bản sống với Chúa Kitô, Ðấng vâng lời Thiên Chúa Cha vì tình yêu thương cho đến chết trên thập giá".

Và Quyền bính trong nhà tu được hiểu trong khung cảnh này như là một sự "hỗ trợ cho việc đi tìm và chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa.

Huấn Thị cũng công nhận rằng việc vâng lời trong đời tu đôi khi có những khó khăn, gây ra những hoàn cảnh đau khổ. Ðó là khi người tu sĩ được yêu cầu phải thi hành điều khó chấp nhận, hoặc khi tu sĩ bị "buộc vâng lời" lại thấy có điều khác tốt hơn, có lợi hơn cho mình, hơn cả điều mình đang phải vâng lời. Trong những trường hợp thử thách và đau khổ như thế, Huấn Thị mời gọi tu sĩ hãy hướng về Chúa Kitô, Ðấng vâng lời tuyệt hảo. Trọn cả Huấn Thị là một bài ca tôn vinh Ðức Vâng Lời; đây là một vâng lời phát sinh từ Ðức Bác ái (từ tình yêu), được nuôi dưỡng bởi Ðức Cậy Trông, (bởi niềm hy vọng) , và được sống vì Ðức Tin (vì niềm tin).

Tóm lại, từ những trình bày trên, chúng ta có thể hiểu rằng mẫu mực duy nhất và không thể thay thế được là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng vâng lời Thiên Chúa Cha, với ý thức rõ ràng rằng vâng lời là yêu thương Chúa Cha, là hoàn thành sứ mạng Chúa Cha trao phó, là cứu rỗi con người, cứu rỗi trọn cả con người và tất cả mọi người. Loại bỏ điều vừa nói, người ta không thể hiểu được Tin Mừng, người ta phản bội Chúa Kitô. Người tận hiến dấn bước theo Chúa Kitô, sống theo mẩu gương Người, và khởi hành lại từ Chúa.

Ðức Hồng Y Franc Rodé, tổng trưởng Bộ Tu Sĩ và Tu Hội Ðời, lưu ý thêm rằng: "Ðối với người Kitô, và nhất là đối với kẻ sống đời tận hiến, thì vâng lời Thiên Chúa Cha có nghĩa là nhìn nhận mình là người con, như Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Như thế sự Vâng Lời là dấu chỉ riêng biệt của tương quan làm con cái Thiên Chúa, là biểu lộ rõ ràng cho cảm nghiệm "mình là những người con được Thiên Chúa Cha yêu thương. Như thế không có tình yêu Chúa, thì không có sự vâng lời. Và ngược lại, không vâng lời là không yêu mến Thiên Chúa. Nếu chối bỏ đi viển kiến thần học như được trình bày trên, nghĩa là nếu ta chối bỏ Thiên Chúa Tình Yêu. thì sẽ không có vâng lời và cũng không có tình thương.

Cuối cùng, Ðức Hồng Y kết luận rằng Huấn Thị vừa ban hành về Quyền Bính, -- hay đúng hơn về sự phục vụ của Quyền Bính -- và sự Vâng Lời, muốn được là "một phương thế để suy tư và trợ giúp, để linh động và khích lệ tất cà mọi người tận hiến, nhắm củng cố ơn gọi của họ, và giúp họ tiến bước giữa những thách thức và khó khăn của thời hiện tại, với con tim và trí hiểu gắn chặt vào Chúa Kitô, Con Một luôn vâng lời Thiên Chúa Cha.

Ðó là vài nét tổng hợp về Huấn Thị của Bộ Tu Sĩ và Tu Hội Ðời. Trong bài kế tiếp, chúng tôi sẽ nói về các phần của Huấn Thị. Mong quý vị sẽ đón nghe.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page