Cuộc họp của

Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC)

tại Thái Lan nhắc nhở các giám mục

về những đóng góp của phụ nữ cho Giáo hội

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Cuộc họp của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) tại Thái Lan nhắc nhở các giám mục về những đóng góp của phụ nữ cho Giáo hội.

Pattaya, Thái Lan (UCAN AS05017.1498 Ngày 21-5-2008) -- "Lạy Chúa, nam giới giỏi hơn phụ nữ sao? Con biết Ngài là một, nhưng xin hãy công bằng".

Ðây là lời kêu gọi của một bé gái tên là Sylvia, được nói tới trong cuốn Thư Thiếu nhi gửi cho Chúa, bày tỏ cái mà nữ tu Antoinette Gutzler gọi là "tâm điểm" của cuộc họp gần đây về phụ nữ của các giám mục Á châu, được tổ chức tại Thái Lan.

"Cụm từ gây cảm động của Sylvia -- 'nhưng xin hãy công bằng' -- nói lên vấn đề làm cho phụ nữ có thể có được chỗ đứng thích hợp trong Giáo hội, một điều khó khăn và thiếu sót được thừa nhận trong nhiều văn kiện của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC)", nữ thần học gia phát biểu trong diễn văn của mình.

Chị Gutzler, một thừa sai đang phục vụ ở Ðài Loan, nói về Giới tính trong Bối cảnh các Văn kiện Giáo hội khi phát biểu trước cuộc họp hôm 15-5-2008.

13 phụ nữ, 10 giám mục và hai linh mục đến từ Ấn Ðộ, Ðài Loan, Hồng Kông, Indonesia, Philippines và Thái Lan đã tham dự cuộc họp từ ngày 12-16/5/2008 tại Trung tâm Dòng Chúa Cứu Thế ở Pattaya, cách Bangkok 100 km về phía đông nam. Chủ đề của cuộc họp "Giám mục: Người báo hiệu Hy vọng Giám mục, Phụ nữ, Phúc Âm và Hiệp thông, được lấy cảm hứng từ Pastores Gregis (các mục tử đàn chiên), tông huấn 2003 của Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II trình bày kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục 2001 về thừa tác vụ giám mục.

Ban đặc trách Phụ nữ thuộc Văn phòng Giáo dân và Gia đình (OLF) của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) tổ chức cuộc họp này với sự hợp tác của Văn phòng các Vấn đề Thần học Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC).

Theo Ðức Tổng Giám mục Maria Calist Soosa Pakiam của Trivandrum, chủ tịch Ban đặc trách Phụ nữ thuộc Văn phòng Giáo dân và Gia đình (OLF), cuộc họp có hai mục đích chính bên cạnh xem xét địa vị của các phong trào phụ nữ trong Giáo hội Á châu ra. Nó còn nhắm giúp các giám mục đánh giá cao hơn về những đóng góp của phụ nữ và các nữ thần học gia cho đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, và giúp Giáo hội tại Á châu nâng cao phẩm giá của phụ nữ bằng cách cổ vũ vai trò của họ trong đời sống của Giáo hội, trong đó có đời sống trí tuệ, vị giám chức Ấn Ðộ nói với UCA News.

Nữ tu người Philippines Anicia Co, người trình bày Nhận ra Tiếng nói từ Kinh nghiệm của Phụ nữ hôm 14-5-2008, nói với UCA News rằng tính nhạy cảm của các văn kiện Giáo hội về các vấn đề và quan ngại của phụ nữ đáng kích lệ. Nữ tu dòng Trinh nữ Maria trích dẫn tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo hội tại Á châu) 1999 của Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II dựa trên Thượng Hội đồng Giám mục Á châu năm 1998. Tông huấn này "kêu gọi cộng đồng Kitô hữu liên minh với phụ nữ trong cuộc đấu tranh chống tất cả các hình thức bất công và đàn áp", theo hiệu trưởng Trường Ðại học Ðức Bà ở thành phố Quezon, gần Manila.

Tuy nhiên, chị Gutzler vẫn không hài lòng với các văn kiện của các giám mục Á châu. Nữ tu có bằng tiến sĩ thần học và làm giảng viên tại Ðại học Công giáo Fu Jen bên ngoài Ðài Bắc, nói rằng văn kiện Chúa Thánh Thần Hoạt động tại Á châu Ngày nay (1997) của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) xem đàn ông là người được đặc quyền trong Kinh thánh.

Chị nhấn mạnh trong bài phát biểu: "Phụ nữ không được xem là người cai trị, thẩm phán, tiên tri, môn đệ, tông đồ và lãnh đạo hội đường, cho dù phụ nữ có ở đó".

Virginia Saldanha, đứng đầu Ban Ðặc trách Phụ nữ của Ban đặc trách Phụ nữ thuộc Văn phòng Giáo dân và Gia đình (OLF), cũng nói với UCA News: "Phụ nữ đóng góp cho Giáo hội, nhưng chúng ta không thừa nhận họ".

Lưu ý chỉ có 10 giám mục đến từ ba quốc gia tham dự cuộc họp, bà nói "đặc tính nữ quyền" của cuộc họp có thể đã khiến cho các tham dự viên có thẩm quyền lảng tránh. Khái niệm này, xuất phát từ Tây phương, mang "nghĩa xấu từ thập niên 1970", chị nhận thấy.

Chị Co đề nghị: "Ở châu Á, chúng ta vẫn cần tìm ra một thuật ngữ chung xứng đáng với những nỗ lực và hoạt động của chúng ta nhằm thể hiện tầm nhìn của chúng ta về cuộc sống viên mãn của phụ nữ".

Ngoài tìm thuật ngữ, chị Gutzler còn nhấn mạnh trong bài phát biểu rằng phụ nữ mong muốn đảm nhận những trách nhiệm quan trọng trong các thừa tác vụ và quá trình đưa ra quyết định của Giáo hội.

Trong phần thảo luận, các tham dự viên còn đề nghị đọc Kinh thánh "bằng cách nhìn mới".

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page