Phỏng vấn Ðức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương
về mục tiêu và nghị trình
Phái đoàn Vatican tới Việt Nam
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Phỏng vấn Ðức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương về mục tiêu và nghị trình Phái đoàn Vatican tới Việt Nam.
Aschaffenburg,
Ðức Quốc (12/05/2008) Ðức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương
thuộc Bộ Truyền Giáo và là thành phần Phái Ðoàn Vatican,
sẽ thăm viếng Việt Nam vào tháng 6 năm 2008.
Thánh lễ khai mạc Ðại hội Công giáo Việt Nam tại Ðức lần thứ 32. |
LM Stephanô Bùi Thượng Lưu: Ðây là một dịp rất là tốt, Ðức Ông đã đến với cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Ðức, đây là lần thứ hai và con biết Ðức Ông trong trách vụ rất là nặng nề, trọng trách làm trưởng Vụ của mục vụ Á Châu trong Thánh Bộ Văn hóa và Bộ Ngoại giao trước, thành ra trong trách nhiệm đó, Ðức Ông đã dành cho cộng đoàn chúng con ngày hôm nay, trong Ðại hội một cuộc thuyết trình, nhất là chủ đề vào hôm qua. Bây giờ, con xin được mở một cái ngoặc lớn hơn về vấn đề Giáo Hội, thực sự ra, cái đề tài của chúng con không có xa khỏi Giáo Hội tức là nó luôn là một nhịp cầu rất tốt cho Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Ðức, tiếp tục cầu nguyện, tiếp tục hiệp thông với Giáo Hội ở nhà, giống như những người con xa quê hương. Chúng con biết là Ðức Ông sắp sửa cùng với phái đoàn Tòa Thánh để sang Việt Nam lần thứ 15, thì con xin Ðức Ông cho quý khán thính giả được biết chương trình, gồm tóm lại những chương trình chính trong phái đoàn Tòa Thánh sắp tới.
Nghị trình mà Phái đoàn Vatican sẽ bàn tới:
Ð.Ô. Barnabê Nguyễn Văn Phương: Cám ơn Cha, chúng ta sống trong Giáo Hội hiệp thông, chúng ta mặc dầu là ở hải ngoại, chúng ta rất quan tâm đến Giáo Hội Việt Nam của chúng ta và con xin cám ơn Cha cũng đã quan tâm đến phái đoàn Tòa Thánh. Phái đoàn Tòa Thánh đi lần thứ 15, lần này là lần thứ 15, là để làm sao, là để đối thoại với chính quyền Việt Nam hiện nay, đối thoại là để tìm những cái gì để mà có thể cùng nhau xây dựng: xây dựng đất nước, xây dựng Giáo Hội và đối thoại để giúp cho Giáo Hội Việt Nam được chính quyền nhìn nhận hiểu biết hơn là một Giáo Hội muốn xây dựng, muốn kiến tạo, chứ không phải là một Giáo Hội mà có phải là một lực lượng nào đương đầu, nên là con thấy kết quả từ 15 lần đến đây thì thấy rằng là lần lần có sự hiểu biết, có sự thông cảm, có sự chia sẻ một cách nào đó cái mối ưu tư của sự đóng góp của Giáo Hội, mặc dầu là như chúng ta mong muốn, như phái đoàn mong muốn thì chưa được. Rồi cái chương trình của chúng con là, trước hết là như vừa nói là đối thoại với chính phủ Việt Nam những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Cái điều thứ hai là muốn đi thăm Giáo phận Huế, ở trong đó có Thánh Ðịa La Vang của chúng ta, mà chúng ta biết thì những thời gian gần đây đã có vấn đề là yêu cầu chính quyền trao trả đất La Vang lại cho Giáo phận Huế, đó là Thánh Ðịa La Vang, có sự mong mỏi của phái đoàn Tòa Thánh đến La Vang để mà kính viếng Ðức Mẹ. Chúng ta mừng kỷ niệm Ðức Mẹ La Vang, thì đến đó cầu nguyện với Ðức Mẹ La Vang để chứng tỏ mối quan tâm của Tòa Thánh đứng về phía Giáo Hội, đứng về phía Giáo Hội Việt Nam để ủng hộ sự yêu sách chính đáng của Giáo Hội Việt Nam, của Giáo phận Huế trực tiếp. Trả lại đất La Vang để là nơi Trung tâm Hành hương của Giáo Hội Việt Nam, để những người con cái đến đó một cách thoải mái, tự do và cầu nguyện với Ðức Mẹ. Về cái chương trình nữa là chúng con cũng ước muốn đi thăm Giáo phận Ðà Lạt, Giáo phận Ðà Lạt thì Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn vừa mới lên làm Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam, đi thăm vị Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam của phái đoàn Tòa Thánh là một chuyện hết sức là phải lẽ. Ði thăm vị chủ tịch để cho thấy rằng Giáo Hội Việt Nam, đại diện Giáo Hội Việt Nam là Hội đồng Giám Mục, mà Hội đồng Giám Mục Việt Nam có vị chủ tịch thì Tòa Thánh đến thăm, chứng tỏ rằng là cái quyền, quyền bính của Giáo Hội Việt Nam, chính thức là Hội đồng Giám Mục Việt Nam, không có cơ quan nào khác, rồi đại diện cho Hội đồng Giám Mục là Ðức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám Mục. Ở Ðà Lạt cũng có Giáo hoàng Học viện, thì từ lâu các Ðức Giám Mục cũng muốn chính quyền trao trả lại để mà làm những công tác của Giáo Hội phục vụ để mà học hỏi hay bất cứ cái gì, để làm một nơi để mà phục vụ cho những người tín hữu. Vì thế mà, mối quan tâm của Tòa Thánh là như vậy. Ðối thoại chính quyền, thăm Ðức Mẹ la Vang và thăm Chủ tịch Hội đồng Giám Mục, trong đó có những vấn đề liên quan mà Tòa Thánh rất quan tâm.
Hỏi: Như vậy là chỉ có Huế và ở Ðà Lạt mà Hà Nội không có.
Ðáp: Hà Nội là đương nhiên, bởi vì đến là luôn luôn đến giáo đô, thủ đô chứ, xin lỗi đến thủ đô, thì Hà Nội là đương nhiên rồi, phải có.
Hỏi: Tiện thể con nhắc đến Tòa Khâm Sứ. Tòa Khâm Sứ, chắc Ðức Ông cũng chứng kiến, và chứng kiến những biến cố lớn trong cuối năm 2007, từ ngày 15/12 khi Ðức Tổng Giám Mục Kiệt đã ra tông thư để mời gọi giáo dân Hà Nội cầu nguyện để xin trao trả lại Tòa Khâm Sứ vì nhu cầu của Giáo Hội, đồng thời trong chiến dịch cầu nguyện đó, Giáo Hội cũng mời gọi giáo dân ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại hợp ý cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Bây giờ, tiện thể Ðức Ông nhắc đến Hà Nội, đến chuyến viếng thăm Hà Nội, thì trong phái đoàn Tòa Thánh kỳ này có đặt vấn đề đó với chính phủ không?
Ðáp: Chắc chắn là có, bởi vì vấn đề nó không những là riêng tư, kín đáo giữa Hà Nội, với chính quyền ở tại Hà Nội nhưng mà chúng ta biết là nó đã lớn lên trên bình diện thế giới. Báo chí thế giới, không chỉ là báo chí Việt Nam, các trang Net, các nguồn tin bằng tiếng Việt, nhưng mà cả những tin tức, những hãng thông tấn lớn bằng tiếng ngoại quốc, họ cũng quan tâm. Thì vấn đề đó là vấn đề kể như là lớn, không có thể không đá động đến, công việc nó sẽ như thế nào thì sẽ do sự đối thoại, sự hiểu biết, sự thông cảm, sự nhân nhượng giữa hai bên, cái vấn đề yêu cầu trao trả lại cho Giáo Hội là nhu cầu chính đáng của Giáo Hội. Cho nên rằng là phải đặt ra thì cũng là rất đúng, Giáo Hội rất quan tâm và có lẽ, chắc chứ không phải là có lẽ, một trong những đề tài mà phái đoàn Tòa Thánh đặt ra là vấn đề Tòa Khâm Sứ, đất đai, những cái chính, những cái lớn, còn những đất đai nói chung thì không có đặt ra.
Hỏi:
Vâng, xin cám ơn Ðức Ông đã cho khán thính giả biết
những điểm căn bản. Con còn hai câu hỏi nhỏ với Ðức
Ông: câu hỏi thứ nhất là khi Ðức Ông giao tiếp, ngoài
những mục đích chính mà Ðức Ông vừa đặt ra thì mỗi
lần phái đoàn Tòa Thánh về, có một số Giám Mục mới,
con thấy Giáo Hội Việt Nam vẫn còn trống một số Tòa trống
như Thái Bình, Thanh Hóa, Phát Diệm rồi Ban Mê Thuộc, chẳng
hạn, như vậy, thì kỳ này phái đoàn Tòa Thánh có đặt
vấn đề đó với Giáo Hội Việt Nam và với chính phủ?
Linh mục Stephanô Bùi Thượng Lưu (bên phải) đang phỏng vấn Ðức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương (bên trái). |
Ðáp: Vấn đề đặt thì có đặt trước rồi, bình thường thì như Cha biết, những người Công Giáo Việt Nam chúng ta ở hải ngoại biết, là muốn bổ nhiệm một giám mục thì nhà nước yêu cầu một cách gọi rằng là yêu cầu đòi buộc là Tòa Thánh phải hỏi ý kiến của nhà nước, chính phủ Việt Nam, thì nếu mà đã hỏi ý kiến vị này, vị kia thì hy vọng lần này qua bên đó được chính phủ trả lời, đúng là có hy vọng, còn được bao nhiêu thì cũng là chưa biết, nhưng mà có hy vọng được chút gì chăng?!!
Viễn tượng về liên hệ ngoại giao:
Hỏi:... Chúng con rất vui mừng tại vì trong lần này chúng con kỷ niệm hai mươi năm phong Thánh và nhất là nhìn lại về quê hương, chúng con cũng muốn cùng với Giáo Hội để kỷ niệm 210 năm Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang và 150 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Lộ Ðức thì chủ đề của Ðại Hội của chúng con là "Ðức Maria Nữ Vương các Thánh Tử Ðạo Việt Nam". Giờ đây, con biết là có nhiều khán thính giả qua Internet cũng như qua diễn đàn của chúng con ở Âu Châu này chắn chắn không có được dịp trực tiếp nghe Ðức Ông, thì bây giờ con xin Ðức Ông trả lời: Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sang gặp Ðức Thánh Cha vào đầu năm 2007, đó là khởi điểm cho những hy vọng mới, thì trong thời điểm đó, Việt Nam cũng đã gia nhập vào WTO, thành thử ra khi nhìn vào phái đoàn Tòa Thánh trong tiến trình thiết lập ngoại giao giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam, Ðức Ông thấy lần này phái đoàn Tòa Thánh sẽ đạt được kết quả nào không? hay có hy vọng gì không? Tiến trình đó nó đi đến đâu?
Ðáp: Hy vọng thì con có ý là người ta nói bằng tiếng Ý là "L'esperenza è ultima la morire", nghĩa là hy vọng là cái đích cuối cùng, cứ hy vọng hoài, không biết nó sẽ đi đến lúc nào, hy vọng là không để cho mất, chúng ta hy vọng, hy vọng, hy vọng, về tiến trình liên hệ ngoại giao thì chúng ta vẫn hy vọng và chúng ta tin chắc rằng là liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh với chính phủ Việt Nam là một điều tích cực không phải riêng cho Tòa Thánh mà cho cả đất nước Việt Nam nữa. Bởi vì, Tòa Thánh, nếu mà những ai có thiện tâm thì nhìn nhận Tòa Thánh là tiếng nói tinh thần, Tòa Thánh không có đem lại vấn đề kinh tế, không có kỹ nghệ gì cả, nhưng mà thế giới nhìn nhận Tòa Thánh, đặt liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh trên 170 quốc gia, là làm sao, là nhìn nhận tiếng nói tinh thần của Tòa Thánh có giá trị, mà tiếng nói đó không phải đứng về một phía nào, đứng về bên tay mặt, đứng về bên tay trái, nhưng mà là tiếng nói chung, tiếng nói của con người, tiếng nói của nhân bản, tiếng nói của lương tâm, tiếng nói của yêu thương, tiếng nói của công bình, tiếng nói của chân lý. Với điều đó, thì con tin tưởng rằng, những người thiện tâm, những chính phủ thiện tâm thấy cái đó, và một khi thấy thì chấp nhận một cách tích cực, tự nguyện và vui vẻ.
Những mong ước của Giáo hội Việt Nam:
Hỏi: Theo như Ðức Ông ở gần Ðức Thánh Cha Bênêđictô, thì có lần nào Ðức Ông đã nghe Ðức Thánh Cha Bênêđictô ngỏ ý được sang thăm viếng Việt Nam không? Nếu quan hệ ngoại giao sẽ được (thiết lập).
Ðáp: Con chưa được biết lần nào Ðức Thánh Cha ngỏ ý trực tiếp, nhưng mà gián tiếp thì Ðức Thánh Cha muốn thăm tất cả các nước, ở trong đó có con cái người tín hữu, Việt Nam là một Giáo Hội quan trọng ở Á Châu của chúng ta, chúng ta phải nhìn nhận điều đó. Và một Giáo Hội quan trọng ở Á Châu như vậy thì việc mà Ðức Thánh Cha ước muốn đến thăm là một điều hết sức là bình thường, phải lẽ và chúng ta tin chắc rằng Ðức Thánh Cha này rất là muốn đi thăm Việt Nam.
Hỏi: Câu hỏi quan trọng nhất mà con muốn nói là Giáo Hội Việt Nam được mời Ðức Ông sang đã là 15 năm, 15 lần thăm viếng Giáo Hội Việt Nam, con xin Ðức Ông cho khán thính giả chúng con, cho tất cả các cộng đoàn Viêt Nam hải ngoại biết là Giáo Hội Việt Nam mong muốn được góp phần trong vấn đề xã hội cũng như vấn đề văn hóa, thì con thấy Giáo Hội đòi hỏi cho mình được cái quyền phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước, điều đó nó tiến hành như thế nào và trong những đòi hỏi đó Giáo Hội đang cố gắng để đạt tới dần dần?
Ðáp: Vấn đề rất là lớn, Giáo Hội Việt Nam luôn luôn yêu cầu được góp phần vào một cách tích cực xây dựng đất nước, xây dựng dân tộc, xây dựng quê hương, đào tạo những lớp người trẻ, tương lai của đất nước, tương lai của quê hương. Giáo Hội yêu cầu, mong muốn tích cực tham gia đào tạo xây dựng đất nước, xây dựng đào tạo người trẻ bằng cách nào? Là giáo dục, tới bây giờ thì Giáo Hội chưa được quyền giáo dục trẻ. Cha biết, các nữ tu chỉ được quyền mở lớp mẫu giáo, mầm non chứ không phải mẫu giáo nữa, từ zero tuổi cho đến năm tuổi, từ năm tuổi trở lên thì không được. Xét cho cùng, không phải là giáo dục, giữ trẻ mầm non vậy thôi, cho nó qua. Giáo dục phải từ tiểu học trở lên, thì Giáo Hội mong muốn xây dựng đất nước, đâu phải riêng gì cho Giáo Hội nhưng mà cho đất nước, dân tộc Việt Nam, cái đó là chưa được. Một cái ý muốn thứ hai nữa là góp phần xây dựng vào công tác xã hội, thì cho tới bây giờ nhà nước yêu cầu để cho Giáo Hội lo cho những người bị bệnh HIV (AIDS) tới giai đoạn cuối cùng, hay là những bệnh cùi mà nhà nước thấy rằng không có thiết tha làm những chuyện đó thì để cho Giáo Hội làm. Giáo Hội vui mừng làm công chuyện đó bởi vì là công việc bác ái, cái nền tảng của Giáo Hội, nền tảng của Giáo lý Phúc Âm. Nhưng mà, Giáo Hội muốn làm hơn nữa, phục vụ hơn nữa nhưng mà chưa được, thì chúng ta cầu mong lần lần những người có trách nhiệm thấy rằng là Giáo Hội mong muốn phục vụ và sự phục vụ đó không phải cho Giáo Hội nhưng mà cho đất nước, cho dân tộc.
Hỏi: Con xin Ðức Ông cho chúng con những cảm tưởng quý mến của Ðức Ông đối với Ðại Hội trong những ngày vừa qua.
Ðáp: Con xin hết lòng cảm ơn Cha, con đến đây với Ðại hội, con thấy là niềm vui rất lớn, thấy một số đông những người anh em hay đồng bào Công Giáo Việt Nam của chúng ta đi từ xa. Hồi sáng này, có gặp một số anh em từ bên Tiệp Khắc, đến nữa là họ rất lấy làm vui mừng tham dự Ðại hội và con thấy trong bầu khí hết sức tốt đẹp, sốt sắng nhất là Thánh Lễ đại trào ngày hôm nay mà chúng ta mừng lễ và sau đó thấy một đoàn thiếu nhi rất là đông, cái niềm vui lớn tương lai của Giáo Hội, tương lai của xã hội và chúng ta hy vọng tin tưởng chắc chắn rằng là nguồn gốc người Việt Nam luôn luôn được hướng về, hướng tâm hồn và hướng cả công việc làm để giúp ích cho đất nước Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam là một niềm sung sướng và giúp được, thì Giáo Hội ở Ðức này các cha tuyên úy đã từ nhiều năm nay thực hiện Ðại hội như thế này năm nay là lần thứ 32, ở Âu Châu là nhất, đó là công trình lớn lao của các cha tuyên úy. Con xin chân thành chúc mừng, cám ơn các cha tuyên úy về công tác hết sức là tích cực lo đồng bào của chúng ta. Ðó là niềm hạnh phúc, niềm vui mà con thấy được.
Hỏi: Con chân thành cám ơn Ðức Ông đã dành cho chúng con một buổi nói chuyện hết sức là hữu ích. Phần riêng Ðức Ông, và đặc biệt là chúc Ðức Ông chiều hôm nay về Rôma bằng an, rồi lên đường đến Việt Nam với nhiều thành quả rất là tốt đẹp cho Giáo Hội, cho cộng đoàn Công Giáo Việt Nam hải ngoại và chúng con hợp ý hiệp thông cầu nguyện cho phái đoàn Tòa Thánh không những được bằng an mà còn đem lại rất nhiều hoa trái cho quê hương, cho Giáo Hội.
Ðáp: Con xin cám ơn cha và qua cha con xin gởi lời chào tất cả cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam tại Ðức cũng như trên thế giới.
LM Stephanô Bùi Thượng Lưu
(Dân Chúa Âu Châu)