Vài lời huấn đức của ÐTC Bênêđitô XVI
dịp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Vài lời huấn đức của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI dịp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 11/05/2008.
(Radio Veritas Asia 12/05/2008) - Quý vị và các bạn thân mến. Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 11 tháng 5 năm 2008, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI đã chủ tế Thánh Lễ bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, cùng với nhiều vị Hồng Y đồng tế. Lời nguyện giáo dân đã được đọc lên bằng nhiếu thứ tiếng khác nhau, như: Pháp, Nga, Árập, Bồ Ðào Nha, Ðức và Trung Hoa. Ðặc biệt bằng tiếng Hoa, Lời Cầu Nguyện xin Thiên Chúa hãy "bẻ gãy" sự cứng cỏi của lòng trí con người, và mở rộng tâm hồn con người đón nhận các dự án xây dựng Hoà Bình, Công Bằng và Liên Ðới cho tất cả mọi người".
Trước đó, trong bài giảng, Ðức Thánh Cha đã mời gọi "Giáo Hội hãy trở thành "khí cụ bình an" cho tất cả mọi dân nước, một giáo hội không chiều theo những "thoả hiệp" với "tâm thức trần tục". ÐTC đã giải thích thêm như sau: "Vào lễ Hiện Xuống, Giáo Hội được thiết lập, không do ý muốn của loài người, nhưng nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng tạo dựng sự hiệp nhất trong tình thương và trong sự chấp nhận những khác biệt của nhau; chỉ một Chúa Thánh Thần mới có sức giải phóng nhân loại khỏi cơn cám dỗ của những quyền hành trần gian, muốn thống trị tất cả và kềm giữ mọi sự như nhau. Trong biến cố Hiện Xuống, người ta ý thức rõ ràng rằng Giáo Hội quy tựu nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hoá khác nhau. Trong đức tin, các ngôn ngữ, các nền văn hoá khác biệt này, có thể hiểu được nhau. Giáo Hội phát sinh từ biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, không phải là một cộng đoàn riêng rẽ, nhưng là một Giáo Hội phổ quát, nói được các thứ tiếng của tất cà mọi dân tộc.
ÐTC lưu ý thêm rằng: Sách Tông Ðồ Công Vụ nhắc lại chi tiết các tông đồ, cùng với Mẹ Maria và các người khác nữa, đang cầu nguyện khi Chúa Thánh Thần ngự xuống. Và ÐTC rút ra từ đó kết luận như sau: "Cầu nguyện là hoạt động chính của Giáo Hội vừa được khai sinh; nhờ cầu nguyện, Giáo Hội nhận được ơn hiệp nhất từ nơi Chúa, và để cho Thánh Ý Chúa hướng dẫn mình.
Sau đó, giải thích lời cầu chúc bình an của Chúa Phục Sinh cho các môn đệ, như được ghi lại nơi Phúc Âm theo Thánh Gioan, ÐTC nhấn mạnh đến vai trò xây dựng Hoà Bình của Giáo Hội, với những lời như sau: "Trong ngày lễ của Chúa Thánh Thần và cũng là Lễ của Giáo Hội, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho Dân Người, --- một dân được chọn và được kết thành từ tất cả mọi dân tộc ---- (ban cho Dân Người) hồng ân vô giá Hoà Bình, hoà bình của Chúa. Ðồng thời chúng ta hãy canh tân ý thức về trách nhiệm được liên kết với hồng ân hoà bình: đó là trách nhiệm của Giáo Hội phải trở nên dấu chỉ và khí cụ mang Bình an của Thiên Chúa cho tất cả mọi dân nước... Giáo Hội thực hiện việc phục vụ cho hoà bình của Chúa Kitô, nhất là nhờ qua sự hiện diện và qua hoạt động thường ngày của mình giữa loài người, qua việc rao giảng Phúc Âm và với những dấu chỉ tình thương và lòng nhân từ, đi kèm theo hoạt động của Giáo Hội (x. Mc 16,20). Và một trong số những dấu chỉ này, là Bí Tích Hoà Giải, mà Chúa Kitô Phục Sinh đã thiết lập trong chính giây phút Người ban cho các môn đệ ôn bình an và Chúa Thánh Thần. Như chúng ta đã nghe qua trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu thổi hơi vào các tông đồ và nói: "Chúng con hãy nhận lấy Thánh Thần; chúng con tha cho ai, thì người đó được tha; chúng con cầm tội ai, thì người đó bị cầm giữ" (Gn 20, 21-23). Hồng ân Hoà Giải, --- hồng ân ban an bình cho các tâm hồn, --- là quan trọng biết là chừng nào, nhưng buồn thay, đây lại là hồng ân không được hiểu đầy đủ. Hoà bình của Chúa Kitô chỉ được lan rộng, nhờ qua những con tim đã được canh tân nơi những con người đã được hoà giải và trở thành người đầy tớ của công lý, sẵn sàng phổ biến trên thế giới hoà bình với sức mạnh của sự thật, mà không cần phải hạ mình "thoả hiệp" với tâm thức của thế gian, bởi vì thế gian không thể nào trao ban bình an của Chúa Kitô; và đây là cách giáo hội có thể trở thành "men hoà giải" đến từ Thiên Chúa. Giáo Hội chỉ có thể làm điều này, nếu giáo hội tuân phục lắng nghe Chúa Thánh Thần; và Giáo Hội làm chứng cho Tin Mừng, chỉ khi nào Giáo Hội vác lấy Thập Giá như và với Chúa Giêsu. Các thánh nam nữ mọi thời đại làm chứng cho điều vừa nói!
Quý vị và các bạn thân mến,
Vừa rồi là vài điểm nội dung chính bài giảng của ÐTC trong Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào sáng Chúa Nhật, ngày 11 tháng 5 năm 2008, tại Roma. Sau thánh lễ, đến giờ trưa, ÐTC đã xuất hiện nơi cửa sổ phòng làm việc của ngài, để cùng nguyện kinh Kính Ðức Mẹ với các tín hữu. Trước khi xướng kinh, ÐTC đã nói vài lời huấn đức về ý nghĩa của Lễ Hiện Xuống như sau:
"Một cách đặc biệt, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là "phép Rửa" của Giáo Hội đang bắt đầu sứ mạng phổ quát của mình, trước hết từ những ngã đường Giêrusalem, với bài giảng lạ lùng bằng nhiều thứ tiếng của nhân loại... Chúa Thánh Thần thánh hiến con người vừa đồng thời làm cho con người trở thành chi thể sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô, được tham dự vào sứ mạng làm chứng cho tình yêu Chúa. Và điều này được thực hiện nhờ qua những bí tích khai tâm kitô: Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích thêm sức. Trong sứ điệp của Tôi cho Ngày Quốc tế Giới Trẻ sắp đến, Tôi đã đề nghị cho các bạn trẻ hãy khám phá lại sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống họ, và do đó khám phá tầm quan trọng của hai bí tích này. Hôm nay, Tôi muốn mở rộng lời mời gọi đến tất cả mọi người: anh chị em thân mến, chúng ta hãy khám phá lại vẻ đẹp của việc được Thanh Tẩy trong Chúa Thánh Thần; chúng ta hãy ý thức lại về bí tích Rửa Tội và Bí Tích Thêm Sức chúng ta đã lãnh nhận. Ðó là nguồn mạch của ân sũng luôn hợp thời.
Kết thúc buổi đọc kinh Kính Ðức Mẹ, Ðức Thánh Cha nói lên quan tâm của ngài đối với tình hình bạo lực bùng nổ tại Liban. ÐTC kêu gọi dân chúng Liban hãy từ bỏ con đường đối nghịch nhau, và quả quyết rằng: đối thoại, thông cảm nhau, và đi tìm những dung hoà hợp lý là con đường duy nhất mang lại an ninh cho Liban.
Xin hẹn gặp lại quiý vị và các bạn.
(Ðặng Thế Dũng)