Ðức Thánh cha Beneđitô XVI

bày tỏ đoàn kết với các nạn nhân

bị ảnh hưởng bão lốc ở Myanmar

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Thánh cha Beneđitô XVI bày tỏ đoàn kết với các nạn nhân bị ảnh hưởng bão lốc ở Myanmar và thúc giục cộng đồng quốc tế rộng tay cứu trợ.

Bài của Gerard O'Connell, Ðặc Phái viên ở Rôma

Rôma (UCAN ZY04947.1496 Ngày 7-5-2008) -- Bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân của bão Nargis ở miền nam Myanmar, Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI đã kêu gọi cộng đồng quốc tế "rộng tay cứu trợ".

Bão Nargis ập vào quốc gia này sáng 3-5-2008, làm khoảng 22,500 người thiệt mạng, 41,000 người mất tích và hàng trăm ngàn người mất nhà cửa, theo ước tính ban đầu của Liên hiệp quốc và chính phủ.

Hai vùng bị ảnh hưởng nặng nhất là Yangon, thành phố lớn nhất trong nước, có khoảng sáu triệu dân, và vùng đồng bằng Irrawaddy. Theo tin cho biết sức gió lên đến 190 km một giờ và sóng lớn đã cuốn trôi toàn bộ các ngôi làng ở vùng ven biển và tàn phá các đồng lúa.

Các lãnh đạo quân sự Myanmar gọi tình hình này là "thiên tai" và là lần đầu tiên trong nhiều thập niên họ kêu gọi thế giới bên ngoài trợ giúp, nhưng Liên hiệp quốc cho biết chính phủ nước này vẫn không chịu bỏ thị thực đối với các nhân viên cứu trợ.

Ðức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Tarcisio Bertone đã gửi điện chia buồn của Ðức Thánh cha Bênêđictô đến Ðức Tổng Giám mục Paul Zinghtung Grawng của Mandalay, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Myanmar. Vatican phát hành điện tín này hôm 6-5-2008.

Ðức hồng y cho biết Ðức Thánh cha "vô cùng đau buồn khi nghe tin về hậu quả bi thảm của cơn bão gần đây" và "bày tỏ sự cảm thông sâu sắc". Ðức Thánh cha tin tưởng "cộng đồng quốc tế sẽ rộng tay cứu trợ người dân ở đây".

Cuối cùng, đức hồng y nói Ðức Bênêđictô kêu gọi đức tổng giám mục của Mandalay "chuyển sự đoàn kết và quan tâm của ngài đến các giới chức dân sự và đến tất cả người dân Myanmar thân yêu".

Theo các nguồn tin cứu trợ của Liên hiệp quốc ở Mynamar, hàng trăm ngàn người đã bị cơn bão làm mất nhà cửa, nhưng con số này có thể sẽ lên đến một triệu, tờ nhật báo L'Osservatore Romano của Vatican đưa tin trong số ra hôm 7-5-2008.

"Một cảnh kinh hãi" hiện ra khiến cho nhóm quân sự, cai quản nước này bằng vũ lực trong nhiều thập niên qua, chấp nhận sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, với điều kiện phải do Liên hiệp quốc giám sát, bài báo viết.

Patrick Nicholson, nhân viên truyền thông cho Caritas Internationalis, nói trên tờ L'Osservatore rằng các nhân viên Caritas đã liên lạc với các giới chức Giáo hội Myanmar ngay để tìm cách tốt nhất điều phối việc phân phát hàng cứu trợ. Các giới chức Myanmar đã tích cực hưởng ứng và không đặt bất kỳ điều kiện nào đối với việc làm của Caritas, ông nói. Caritas đã cung cấp nước uống, lương thực, dụng cụ y tế và lều trại để phân phát cho các nạn nhân, ông nói.

Caritas Internationalis đặt trụ sở ở Rôma, theo website của tổ chức này, "là liên minh gồm 162 tổ chức cứu tế, phát triển và dịch vụ xã hội Công giáo làm việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đặc biệt là cho người nghèo và người bị áp bức, trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ".

Caritas Ý đã mở một tài khoản ngân hàng "Myanmar Emergency" để người dân Ý có thể đóng góp vào nỗ lực cứu trợ.

Nhóm quân sự Myanmar thông báo trên truyền hình rằng cuộc trưng cầu dân ý về thành lập một hiến pháp mới -- theo họ hiến pháp này sẽ dọn đường trở lại nền dân chủ nhưng lại bị các nhà chỉ trích lên án hiến pháp này sẽ cũng cố thêm quyền lực của quân đội -- sẽ diễn ra theo kế hoạch vào ngày 10-5-2008 trên hầu hết cả nước. Họ cho biết việc bỏ phiếu ở một số nơi bị ảnh hưởng bão nặng trong đó có Yangon và vùng đồng bằng Irrawaddy sẽ trì hoãn cho đến ngày 24-5-2008.

Myanmar, quốc gia đa số Phật giáo với 53 triệu dân, có khoảng ba triệu Kitô hữu, trong đó có 700,000 người Công giáo. Nước này nằm dưới sự cai trị của quân đội từ năm 1962.

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page