Biến đổi các giá trị gia đình

để cải thiện số phận của người lao động

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Biến đổi các giá trị gia đình để cải thiện số phận của người lao động.

Bài của NJ Viehland

Manila (UCAN PR04948.1496 Ngày 7-5-2008) -- Theo như mong đợi, các liên đoàn lao động, những người ủng hộ quyền lợi của người lao động và các nhà phê bình khác kỷ niệm Ngày Lao động Quốc tế tập trung vào việc chính phủ không thể sử dụng quyền hành và các nguồn lực để đảm bảo tiền lương xứng đáng và việc làm cho người lao động.

Ðối với tôi, ngày 1-5-2008 luôn gợi nhớ đến hai người bạn "lao động" trẻ em là Andy và Marivic.

Andy bắt đầu giúp ông chú vẽ các bảng quảng cáo phim ở tỉnh Leyte lúc 14 tuổi. Trong các chuyến viếng thăm Manila, em kể đã nhiều lần mạo hiểm ngồi gần như suốt cả ngày trên một tấm ván có hai dây cột treo cao khoảng 15 feet.

Marivic được 13 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp tiểu học, qua đời ở bệnh viên khi đang được điều trị ung thư phổi. Trước khi bị khó thở, em đã giúp mẹ may đồ để bán trên các đường phố. Số đồ này được làm bằng các mảnh vải do một thương gia đưa đến ngôi nhà lụp xụp của em.

Khi cô bé qua đời, các bác sĩ nói với UCA News rằng họ không thể nói là sợi vải và bụi đã gây ra bệnh ưng thư phổi của em, nhưng các chất liệu này không có lợi cho sức khỏe của em.

Tại lễ tang, mẹ của Marivic khóc than thương tiếc sự ra đi của đứa con mà gia đình hy vọng sẽ giúp họ có một tương lai "đầy hứa hẹn". Bà quả phụ giải thích người thân trong gia đình đã hy vọng cô con gái thông minh này sẽ giúp họ thoát khỏi cảnh khốn khổ.

Marivic không "may mắn" bằng Andy. Andy cho biết chú em là người "tốt bụng" đã cho em sống trong nhà ông "miễn phí". Ngoài vẽ tranh ra, Andy còn phụ xách nước từ một giếng nước gần đó. Cậu bé chưa bao giờ được đi học trung học và không một doanh nghiệp nào thuê em, vì thế em nói em "may mắn" có một người bà con như thế.

Trong lúc Andy tự lo liệu cho mình, các anh chị em của em đỡ hơn nhờ đồng lương ít ỏi của người bố làm việc ở nông trại và từ số tiền mẹ em đi làm ở thành phố Olongapo, phía tây bắc Manila, gửi về.

Theo một cuộc khảo sát vào năm 2001 do Văn phòng Thống kê Quốc gia tổ chức, Marivic và Andy nằm trong số hơn hai triệu trẻ em Philippines tuổi từ 5-14 tham gia các hoạt động kinh tế. Bản báo cáo cho biết trong số này có 11% trẻ em Philippines như thế. Khoảng 1.4 triệu là trẻ em nam, và khoảng 300,000 trong tất cả trẻ em trong nhóm tuổi đó đang làm việc, không được đi học.

Bốn thập niên qua, đã có hơn 10 đạo luật và chỉ thị hành chính được ban hành nhằm giải quyết vấn đề này, nhưng trẻ em vẫn phải làm việc -- đa số là làm nông, ngoài ra còn khai thác mỏ, làm việc dưới nước, thu gom phế liệu ở các bãi rác, bán hàng rong và làm nhiều công việc khác.

Nhà nước có quyền và nguồn lực để đi đầu trong nỗ lực giải quyết các vấn đề của người lao động, trong đó có trẻ em, vì thế phê bình họ trong Ngày Lao động Quốc tế là hợp lý. Nhưng những người thuê lao động trẻ em hay bảo trợ hành vi kinh tế có liên quan đến lao động trẻ em cũng bị chỉ trích như thế. Ngoài ra những bố mẹ ép con nghỉ học để đi làm - thật đáng buồn trong đó có mại dâm - cũng có lỗi.

Tôi hứng thú khi thấy một số liên đoàn lao động kỷ niệm Ngày Lao động Quốc tế gần đây bằng các hoạt động nhấn mạnh người lao động đang đấu tranh với giới chủ và nhà nước, và còn giữa họ với nhau trong liên đoàn hay gia đình.

Các phương tiện truyền thông quốc gia trích dẫn lời Nenita Gonzaga, người đồng sáng lập Kilusang Mayo Uno (Phong trào ngày 1-5), nói với khoảng 100 thợ mỏ tại một diễn đàn Ngày Lao động Quốc tế ở miền bắc Philippines rằng người lao động nên tham gia các cuộc diễu hành đúng giờ và các liên đoàn lao động cũng nên đấu tranh cho nhân phẩm, không chỉ riêng tiền lương.

Tuy nhiên, một số gia đình nói vì tuyệt vọng buộc họ phải cho con cái nghỉ học và bắt chúng đi làm. Các thừa tác vụ của Giáo hội dành cho người lao động rõ ràng phải tăng cường việc đào tạo các giá trị và cũng cố tâm linh cho người lao động. Nghèo đói làm mất tinh thần, nhưng nó cũng có thể truyền cảm hứng giúp xây dựng tình đoàn kết đặc biệt là nơi những người cần giúp đỡ.

Trên đảo Mindanao ở miền nam Philippines, giáo dân đã thành lập "các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản cho thiếu nhi" nơi các gia đình nông dân, ngư dân và công nhân. Các phong trào canh tân gia đình do giáo dân đứng đầu có thể làm tăng thêm quan hệ của họ và cộng tác hữu hiệu hơn với các thừa tác vụ mục vụ người lao động ở cấp giáo phận và giáo xứ.

Trong khi chống nạn khai thác trẻ em của gia đình, giới chủ và xã hội nói chung, các sứ vụ như thế còn có thể giúp sửa đổi các giá trị gia đình ở Philippines vốn có xu hướng xem trẻ em chỉ là các nguồn kinh tế và vật chất.

Hy vọng lúc đó các gia đình sẽ trở thành trường dạy lao động đầu tiên như được miêu tả trong Laborem Exercens (Lao động của con người). Trong thông điệp 1981 đó của Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II, trẻ em được giới thiệu làm việc trong bối cảnh phục vụ người khác, hợp tác và góp phần vào lợi ích chung.

Trong một cuộc phỏng vấn được Ðài Chân Lý Á châu phát hôm 30-4-2008, Ðức Tổng Giám mục Angel Lagdameo của Jaro, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines, lưu ý điểm này khi nhắc nhở người Công giáo rằng Giáo hội còn mừng Lễ Thánh Giuse Thợ vào Ngày Lao động Quốc tế.

Ngài thúc giục thính giả cầu nguyện cho tất cả người lao động và gia đình họ, đặc biệt là trong thời điểm này mức thu nhập thấp, công việc bất ổn và giá lương thực tăng cao.

Ðức Tổng Giám mục Lagdameo kêu gọi người Công giáo cầu xin cho chính quyền tạo cơ hội việc làm cho người lao động, và người lao động "biết phó thác nơi Chúa" và tiếp tục hy vọng với "tình yêu thiêng liêng" - như Thánh Giuse Thợ, người cha khiêm nhường đã cộng tác với Thiên Chúa và giúp hoàn thành chương trình cứu độ của Ngài.

- - - - - - - - - - - - -

* NJ Viehland làm việc với UCA News từ năm 1985. Bà phụ trách các hoạt động của UCA News ở Philippines.

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page