Giáo xứ Phường Ðúc xây nhà an nghỉ
trước khi nghĩa trang bị giải tỏa làm dự án phát triển
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Giáo xứ Phường Ðúc xây nhà an nghỉ trước khi nghĩa trang bị giải tỏa làm dự án phát triển.
Huế, Việt Nam (UCAN VT04934.1496 Ngày 6-5-2008) -- Giáo xứ lâu đời nhất của tổng giáo phận Huế đang chuẩn bị thay thế nghĩa trang giáo xứ bằng một nhà an nghỉ, do chính quyền dự định di dời nghĩa trang để xây dựng nhà ở và khu du lịch.
"Chúng tôi đang xây nhà an nghỉ có sức chứa gần 5,000 hộp hài cốt, vì chính quyền địa phương đang có dự án mở rộng đô thị, phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, mà nghĩa trang của giáo xứ nằm gần một di tích nên sẽ bị di dời", linh mục Phêrô Trần Văn Quý, chánh xứ Phường Ðúc, phát biểu với UCA News.
Cha Quý, 64 tuổi, cho biết nghĩa trang giáo xứ có 700 ngôi mộ nằm gần Thành Lồi, một công trình kiến trúc lớn của người Chăm được xây vào thế kỷ 15. Thành Lồi có bốn bức tường đất cao từ 2-4 mét và dài từ 350-750 mét nằm ở ngoại ô phía nam Huế. Người Công giáo và lương dân xây nhà ở, trồng hoa màu và chôn người chết quanh các bức tường này từ hàng trăm năm nay. Thành Lồi nằm trong số 109 khu di tích lịch sử văn hóa ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Huế, thủ phủ của tỉnh, là cố đô của Việt Nam và nổi tiếng với các lăng mộ của các vua chúa, nằm cách Hà Nội 660 km về phía nam.
Cha Quý, đứng đầu ủy ban mục vụ giới trẻ của tổng giáo phận, cho biết chính quyền địa phương sẽ phục hồi các bức tường này để chuẩn bị mở khu du lịch vào năm 2010. Ngài nói thêm để giải tỏa lấy đất làm nhà ở, chính quyền thông báo sẽ cho di dời nghĩa trang cách nhà thờ 500 mét, nhưng sẽ đền bù cho người dân địa phương.
Vị linh mục cho biết giáo dân của ngài đồng ý di dời mộ người thân khỏi nghĩa trang vốn có từ thế kỷ 18, mà không cần nhà nước bồi thường. Tuy nhiên, họ yêu cầu chính quyền cấp đất nghĩa trang cho 30 hộ gia đình Công giáo đang sống trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ để họ làm nhà ở, và chính quyền đã đồng ý hồi năm ngoái (2007), ngài nói thêm.
Cha Quý giải thích rằng các cha quản xứ trước đây cho phép cha ông của các gia đình này sống trong khuôn viên nhà thờ từ những năm 1850, khi người Công giáo bị bách hại vì đạo. Họ quá nghèo không thể mua đất được, nhưng sẵn sàng chuyển đến khu nhà ở mới này bởi vì mỗi gia đình sẽ được cấp từ 80-100 mét vuông đất nhà ở, rộng hơn chỗ ở của họ hiện nay.
Cha xứ cho biết công trình xây dựng nhà an nghỉ ba tầng này bắt đầu vào ngày 26-12-2007 và sẽ hoàn tất vào ngày 11-5-2008, Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Vào ngày đó, giáo xứ sẽ kỷ niệm 350 năm thành lập giáo xứ.
Giáo xứ mất nhiều thời gian xin phép chính quyền xây dựng nhà an nghỉ, theo cha Quý, thành viên của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Ngài cho biết, trong thời gian đó giá cả vật liệu xây dựng tăng cao và chi phí cho dự án này, lúc đầu ước tính khoảng 800 triệu đồng, đã tăng lên đến 1.3 tỷ đồng. Các nhà hảo tâm chi trả kinh phí này, ngài nói thêm.
Cha Quý nói giáo dân địa phương sẽ đóng 300,000 đồng cho mỗi hộp hài cốt trong nhà an nghỉ. Giáo dân có gốc giáo xứ nhưng hiện đang sinh sống ở các giáo xứ khác sẽ đóng một triệu đồng cho một hộp hài cốt.
Ông Giacôbê Ðoàn Quang Ánh nói với UCA News rằng gia đình ông có 10 phần mộ ông bà từ thế kỷ 18 trong nghĩa trang này. Khi chính quyền ra lệnh cho người dân di dời mộ, ông sẽ hốt cốt, hỏa thiêu rồi đặt trong nhà an nghỉ mới này, ông nói.
Ông Ánh nói ông và những người Công giáo khác dự định giúp nhau di dời mộ người thân để đỡ tốn kém. Giáo xứ có 300 người Công giáo.
Anh Phêrô Hồ Ðức Phúc, 40 tuổi, cho UCA News biết gia đình anh có 40 phần mộ trong nghĩa trang. Nếu giáo xứ không xây nhà an nghỉ, gia đình anh sẽ phải mất hàng chục triệu đồng để mua đất trong các nghĩa trang khác, anh nói. Người dân địa phương được phép chôn người chết tại hai nghĩa trang, cách Huế 40 km.
Người thợ nề này nói: "Chúng tôi rất biết ơn cha xứ, vì tiền nhân chúng tôi được yên nghỉ tại đây mà không tốn một ngân khoản nào". Nhà an nghỉ, nằm gần nhà thờ, tiện cho họ kính viếng và nhan khói cho ông bà, anh nói thêm.
Cha Quý cho biết hài cốt của các linh mục phục vụ giáo xứ từ khi giáo xứ thành lập năm 1658 và hài cốt của các linh mục xuất thân trong giáo xứ sẽ được đặt trong nhà an nghỉ. Nhà an nghỉ sẽ nhận hài cốt của các linh mục trong tổng giáo phận Huế, ngài nói thêm.
UCA News