Cung nghinh Thánh Thể tại Giáo xứ Yên Ðại

Giáo phận Vinh

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðường Ði của Bí Tích Thánh Thể.

(Cung nghinh Thánh Thể tại Giáo xứ Yên Ðại - Giáo phận Vinh)

Vinh, Việt Nam (4/05/2008) -  Tối ngày 03-05-2008, Ðoàn người cầm nến chầm chậm tiến bước sau xe hoa kiệu Mình Thánh Chúa. Cùng với cha Tổng đại diện, cha Quản hạt và cha xứ, họ đi rước Thánh Thể trên quãng đường dài khoảng 1.5km từ nhà thờ Họ Ðồng Yên để tiến về nhà thờ xứ Yên Ðại thuộc giáo phận Vinh nhân dịp tuần Chầu lượt của giáo xứ. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu đây chỉ là một cuộc rước như bao giáo xứ khác trong Giáo phận đã làm. Thế nhưng trên con đường họ đi qua, trên những nắm đất đá lạo xạo dưới chân ấy, tôi nhìn thấy họ đang bước đi trên quãng đường của hành trình niềm tin nơi giáo xứ, của những gợi hứng phát xuất từ Bí tích Thánh Thể.

Những nẻo đường...

Thông thường người ta nhìn con đường như là huyết mạch nối các thôn xóm, họ mạc; nơi những đứa trẻ nô đùa; nơi người lớn tất tả đi làm việc. Nhưng trên những nẻo đường làng chạy quanh giáo xứ Yên Ðại lại có những khác biệt. Những con đường nơi giáo xứ này thấm đẫm những giọt máu rỉ ra từ những tảng thịt lợn hay trâu, bò được hối hả chở đến những phiên chợ. (Bởi người dân sống trên địa bàn của giáo xứ thường hành nghề giết mổ gia súc.) Ðó đây người ta vẫn thấy trên những nẻo đường vẫn còn đó những ống tiêm được vứt lăn lóc sau khi tiêm chích ma túy. Ngạc nhiên về hiện tượng này, chúng tôi đã được cha xứ Ðaminh Phạm Xuân Kế buồn rầu kể lại: "Trước đây ít năm, nói đến Yên Ðại là nói đến những người nghiện ma túy. Giới trẻ hút chích ma túy ở đây nhiều lắm. Chúng ngang nhiên hút, ngang nhiên chích. Sau một số năm, kẻ chết cũng nhiều mà người sống vật vờ cũng không thiếu. Chỉ tính trong khoảng một năm trở lại đây, có khoảng 7 người chết do AIDS và do sốc khi chích ma túy."

Kể cũng phải, người ta vẫn thường lo ngại giữa những luồng gió tốt lành của sự mở cửa, giao lưu, của nền kinh tế thị trường, vẫn có đó những cơn gió độc, mang đến những tệ nạn xã hội, đầu độc giới trẻ. Ðiều ấy thể hiện rõ nét tại giáo xứ Yên Ðại, giáo xứ nằm lọt thỏm trong thành phố Vinh. Nơi đây người trẻ dễ tiếp nhận những điều hay của khoa học công nghệ nhưng cũng rất bén nhậy trong việc tiếp những điều xấu của tệ nạn, mà ma túy là một ví dụ cụ thể.

Khi về nhận nhiệm vụ chăm sóc giáo xứ từ 18-12-2006, cha xứ Ðaminh Phạm Xuân Kế đã luôn canh cánh trong lòng những ưu tư về giới trẻ, về những thực trạng của giáo xứ. Và một trong những phương pháp mà cha hay dùng đó chính là tận dụng nguồn sức sống phát xuất từ chính Thánh lễ, từ chính Thánh Thể. Người viết tự hỏi, không biết đường lối áp dụng đó có liên hệ gì với chức vụ là một thành viên Ban phụng vụ của Giáo phận mà cha đang đảm đương không? Thiết nghĩ khi tìm hiểu kỹ theo chức vụ và chuyên môn, hẳn cha đã phát hiện ra nhiều điều hay, nhiều suy tư mới mẻ từ chính Bí tích cao trọng này.

Những bước đi...

Viết đến đây chúng tôi lại nhớ đến lời dạy của thánh Augustino khi ngài nói Thánh Thể không chỉ là một biểu tượng hiện thực cho Mình và Máu đức Ki-tô, mà còn cho cả nhiệm thể của Người là Giáo hội . Ðiều này diễn tả sự hiện thực của cả Thánh Thể và Giáo hội. Bởi ngay khi cử hành Thánh Thể, Giáo hội đã đi vào nguồn mạch vô tận, nơi đây, mỗi phần tử Giáo hội kín múc được sức mạnh và tình hiệp nhất làm nên chính Giáo hội. Vì biết rằng, Thánh Thể chỉ là một, nhưng nhiều phần tử cùng chia sẻ một Bánh được bẻ ra, nên cũng làm một với nhau trong một thân mình là Giáo hội, có đức Ki-tô là đầu và các phần tử là những chi thể trong một thân thể.

Vì ý nghĩa trên mà cha xứ đã lôi kéo mọi người trong giáo xứ vào cuộc. Vào cuộc để bài trừ tệ nạn trong giáo xứ, vào cuộc để bảo vệ giới trẻ khỏi vấp vào những cạm bẫy của xã hội. Hàng ngày trong thánh lễ, trong những bài giảng, cha xứ không ngừng cảnh báo những hiểm họa, hậu quả của những tệ nạn. Ngài cũng không ngừng khơi lên những nét đẹp của Kitô giáo như yếu tố đồng hành, yêu thương, tương trợ.

Chính qua yêu thương, tương trợ, khi các phần tử đã hiệp thông với nhau trong một Bánh, thì lại càng làm cho diện mạo Giáo hội, cụ thể là giáo xứ được rõ nét và vững bền. Sự vững bền này được thành hình nhờ sức mạnh của sự hiệp thông các phần tử với nhau. Mặt khác sự vững bền này cũng lại chứa đựng một sức mạnh thiêng liêng và vô hình, nên sự hiện hữu của Giáo hội mang cả chiều kích vừa hữu hình vừa vô hình, vừa nhân loại vừa thần thiêng, vừa hoạt động vừa chiêm niệm. Như vậy chúng tôi trộm nghĩ, hằng ngày trong từng thánh lễ, chính Thánh Thể kiến tạo các phần tử trong giáo xứ thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Chúa Thánh Thần để đạt tới sự sung mãn trong Ðức Kitô Giêsu.

Sự sung mãn trong Ðức Kitô đã là một niềm khát mong sâu xa của vị linh mục trẻ khi ngài tâm sự: "Trong mỗi thánh lễ, tôi chú trọng đến sự hiệp thông của các thành phần trong giáo xứ để loại trừ lối hiểu sai lầm rằng Thánh Thể mà chúng ta cử hành và lãnh nhận là một hành động riêng tư". Thiết nghĩ từ chính lối hiểu không đúng mà cha chánh xứ đã đề cập, có thể sẽ dung dưỡng quan niệm cá nhân chủ nghĩa. Một lối hiểu thu hẹp ý nghĩa của phép thánh Thể, thu hẹp chính đức tin. Bởi Thánh lễ chính là hy lễ của Giáo hội. Vậy nên dù cử hành dưới dạng thức nào đi nữa cũng là cử hành nhân danh Giáo hội. Thiếu tính chất này, Thánh Thể không thể làm nên Giáo hội trọn vẹn được."

Như thế từ những thao thức, suy tư của cha Ðaminh Phạm Xuân Kế, ta thấy việc lãnh nhận Thánh Thể của mỗi cá nhân cũng không hàm chứa sự riêng tư đối với thân mình Giáo hội, nhưng để cho người tín hữu được thông phần vào mối hiệp nhất, tình yêu và Thánh Thần trong cộng đoàn Giáo hội. Bởi đó, hiệp lễ lúc nào cũng có ý nghĩa Giáo hội học, chứ không giới hạn vào ơn cứu độ theo chủ nghĩa cá nhân.

...Và những dấu ấn

Có lẽ Chúa đã lắng nghe lời cầu xin tha thiết của một linh mục đang thay mặt Ngài chăm sóc đàn chiên chăng, và có lẽ giáo dân xứ Yên Ðại đã động lòng trước những nỗ lực của vị chủ chăn chăng mà hiện nay chúng tôi nhận thấy có những khởi sắc đáng mừng. Ông Phêrô Ðặng Xuân Ðình, Trưởng ban hành giáo đã hồ hởi kể: "Khoảng một năm trở lại đây, qua nhiều cuộc vận động, đến nay không phát hiện thêm ca nghiện ma túy nào tại giáo xứ chúng tôi. Trong các giáo họ, cùng với cha xứ, chúng tôi phát động và lập nên 34 tổ chia sẻ Lời Chúa hàng tuần. Tại đó người ta nói và lắng nghe những thao thức của nhau. Ðây cũng là môi trường tốt để giáo dục, động viên giới trẻ. Hiện nay, mọi người đi sinh hoạt hăng say và đều đặn. Cha xứ cũng như Ban hành giáo thường đi đôn đôn, cổ vũ. Thêm nữa, trong mấy ngày trở lại đây, nhân dịp Tháng Hoa kính Ðức Mẹ, Cha xứ còn tổ chức cho giáo dân kiệu Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp đến từng nhà để đọc kinh liên gia. Người dân tham gia rất nhiệt tình và thành kính."

Riêng với cha xứ, niềm vui của ngài thật đơn giản, cụ thể và xác tín. Bộc bạch nỗi lòng, ngài nói: "Có một điều làm tôi vui nhân dịp Chầu lượt của giáo xứ, đó là một số người đã bỏ xưng tội chịu lễ mấy chục năm qua, hiện họ đã trở lại. Dẫu còn nhiều người nữa vẫn chưa hòa giải, nhưng hàng ngày dâng lễ, đứng trên cung thánh nhìn xuống, thấy những người trở lại ngồi đó và sau lên chịu lễ, tự nhiên tôi vui. Thật, Bí tích Thánh Thể đã làm những chuyện lớn lao."

Tạm kết

Hiện nay, trong những giáo xứ ngoài miền Bắc vẫn còn giữ được thói quen tốt đẹp về rước kiệu Thánh Thể vào những dịp chầu lượt. Ðó là cách tôn thờ Thánh Thể công khai, bày tỏ niềm tin, lòng mộ mến tri ân... mà người bình dân nhất cũng có thể tham dự và góp phần mình vào việc suy tôn Thánh Thể. Ðiều này thật đi gần với nội dung có trong tông thư Mane nobiscum Domine (07.10.2004). Trong tông thư ấy, nhân dịp Năm Thánh Thể (07.10.2004-07.10.2005) Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có viết: "Ước chi chúng ta hãy tỏ lòng sùng mộ đặc biệt mừng lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, bằng những cuộc rước kiệu truyền thống. Ước gì niềm tin vào Thiên Chúa là Ðấng khi nhập thể đã trở thành người bạn đường của chúng ta được công bố ở bất cứ nơi nào, đặc biệt trên các đường phố và trong các mái ấm của chúng ta, như thể đó là cách chúng ta biểu lộ lòng mộ mến tri ân và là nguồn suối phúc lành không bao giờ tát cạn được" (số 19).

Thiết nghĩ, ngày hôm nay, Chúa Giê-su Thánh Thể không muốn được chúng ta thờ kính Ngài ở trong bốn bức tường của nhà tạm, để rồi kính nhi viễn chi không dám đến gần vì khiếp sợ. Chúa Giê-su Thánh Thể cũng không muốn chúng ta suy tôn Ngài như những bảo vật quý hiếm với hàng chữ "miễn sờ vào hiện vật". Trái lại, Chúa Giê-su Thánh Thể mong muốn chúng ta hãy đến với Ngài cách thân tình như những người bạn tri kỷ, sẵn lòng bộc bạch gửi trao tâm sự... để Ngài an ủi, đỡ nâng, tăng thêm sức mạnh giúp chúng ta an vui, bình an và hạnh phúc.

Cùng với người dân giáo xứ Yên Ðại tham dự cuộc rước Thánh Thể long trọng vào tối ngày 03-05-2008, quả thực đã khơi lên trong lòng tôi một cảm nghiệm về sự tươi mới và sức mạnh của Bí tích Cực thánh này. Cảm nghiệm rằng Thánh Thể và Giáo hội mãi mãi là một nhiệm thể duy nhất có đức Ki-tô là đầu và Giáo hội là chi thể trong một thân mình trọn vẹn đó. Và bao lâu các bộ phận của nhiệm thể này còn ăn khớp với nhau , thì bấy lâu nhiệm thể ấy còn hiện hữu, còn tăng trưởng, còn toả lan cho đến ngày thành toàn trong Thiên Chúa. Ðiều quan trọng là chúng ta sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời, trong môi trường sống. Người đời có nhận ra Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện cách thực sự, đang sống thực sự và ở lại thực sự trong cuộc đời này hay không? Câu trả lời còn tuỳ thuộc vào niềm tin và cách sống của mỗi người chúng ta.

 

Duy Khánh, OP.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page