Các nữ lãnh đạo liên tôn

thành lập mạng lưới toàn châu Á

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các nữ lãnh đạo liên tôn thành lập mạng lưới toàn châu Á.

Bangkok (UCAN AS04918.1495 Ngày 1-5-2008) -- Khoảng 30 nữ lãnh đạo từ các khu vực chính ở châu Á đã thành lập một mạng lưới khu vực nhằm tăng cường hợp tác hướng tới các mục đích chung.

Các phụ nữ này đến từ 13 quốc gia vừa thành lập Mạng lưới Phụ nữ Tôn giáo toàn Á châu tại cuộc họp thượng đỉnh các nữ lãnh đạo tôn giáo châu Á diễn ra từ ngày 21-23/4/2008 tại Bangkok. Họ nhất trí cho rằng các mục đích chính của mạng lưới sẽ tăng cường nối mạng liên tôn giữa các phụ nữ có đức tin ở mọi cấp, đẩy mạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, và thúc đẩy các tổ chức phụ nữ địa phương tiến tới hòa giải các cuộc xung đột và kiến tạo hòa bình.

Jacqueline Ogega, giám đốc chương trình phụ nữ của Hội đồng Tôn giáo Hòa bình Thế giới, đã triệu tập cuộc họp này được tổ chức với sự hợp tác của Hội đồng Kitô giáo Á châu, Mạng lưới Phật tử Quốc tế, Tôn giáo Hòa bình Thái Lan và Hội Phật tử Thế giới.

Một trong những điểm chính của kế hoạch hành động 2008-2011 của họ là xây dựng mạng lưới chia sẻ thông tin và nguồn lực nhằm tăng cường quyền lãnh đạo của phụ nữ trong các tổ chức. Kế hoạch còn tập trung vào việc sử dụng kinh nghiệm và khả năng đặc biệt của phụ nữ để hòa giải các cuộc xung đột và xây dựng hòa bình. Ðường lối hành động thứ ba của kế hoạch nhắm giảm tình trạng nghèo đói, đẩy mạnh bình đẳng giới và nâng cao sức khỏe phụ nữ.

Trong ngày cuối cùng của cuộc họp, các nữ lãnh đạo đã phác thảo các kế hoạch cho mạng lưới ở cấp địa phương, quốc gia và khu vực. Họ quyết tâm thực hiện những đề xuất này trong các tổ chức của họ và bầu ra một ủy ban điều phối trong tháng 5/2008 thông qua Internet.

Trước đó, các phụ nữ Công giáo, Hồi giáo và Phật giáo đã chia sẻ những nguồn cảm hứng từ tôn giáo và kinh nghiệm khi làm việc cho hòa bình.

Lilian J. Sison, tổng thư ký của Tôn giáo Hòa bình Philippines, nói về chương trình "Những người mẹ vì hòa bình" ở Mindanao, khu vực phía nam Philippines, nơi các tay súng phiến quân Hồi giáo đánh nhau với lực lượng chính phủ nhiều thập niên qua. Bà nói thảo luận kinh nghiệm chung của phụ nữ trong các cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo đã giúp họ ngồi lại đối thoại về hòa bình trong quốc gia có đa số người Công giáo này.

Sau đó bà Sison phát biểu với UCA News rằng mạng lưới mới thành lập đặc biệt thu hút phụ nữ vì "rất ít phụ nữ có tiếng nói trong quá trình xây dựng hòa bình" ở những nơi xảy ra xung đột hiện nay. Bà nhận xét, "phụ nữ chu đáo và dễ động lòng hơn, và vì thế đôi khi họ có thể là những người thương lượng tốt hơn giữa các nhóm xung đột" và trong các hoạt động xây dựng hòa bình khác.

Bà Sison, còn là trưởng Khoa Nghiên cứu sinh của Ðại học Santo Tomas ở Manila, cho biết phụ nữ là những người tốt nhất trong việc giải quyết các vấn đề đặc trưng đối với họ như tình trạng bất bình đẳng giới và bạo hành đối với phụ nữ.

Tuy nhiên, bà giải thích rằng mạng lưới này mang tính "bao hàm", nó có thể có đàn ông làm cố vấn và có thể làm việc với những người vô thần.

Một đại diện Phật giáo là Yoshiko Izumida của Tôn giáo Hòa bình Nhật phát biểu với UCA News rằng chị rất ấn tượng khi thấy các nữ lãnh đạo thuộc các tôn giáo khác nhau có thể ngồi lại với nhau chia sẻ tâm linh của mình.

Theo chị, các tôn giáo đóng góp vô giá trong việc kiến tạo hòa bình trong xã hội. Chị lấy ví dụ ở Nhật, mặc dù ngày nay trên quốc gia này không có xung đột liên tôn, nhưng hầu hết các tỉnh thành đều có các tổ chức liên tôn xử lý các vấn đề xã hội như nạn tự tử.

Theo Virginia Saldanha, một đại diện Công giáo tham dự cuộc họp này, Mạng lưới Phụ nữ Tôn giáo toàn Á châu tạo diễn đàn cho các lãnh đạo nữ ở châu Á cùng nhau làm việc vì hòa bình cách hữu hiệu.

Người phụ nữ Ấn Ðộ, là thư ký điều hành của Văn phòng Giáo dân và Gia đình thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), nói rằng mạng lưới phù hợp với cái nhìn của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) về Giáo hội Á châu hòa mình với các tôn giáo khác ở tất cả các cấp. Nó còn hợp với việc hội đồng xem nạn nghèo đói, môi trường, công lý và hòa bình như là những vấn đề ưu tiên, bà nói.

"Tôi tin rằng mạng lưới này sẽ chỉ xác nhận và khẳng định một điều gì đó mà phụ nữ có tôn giáo đang làm trong lúc hàng ngày cam kết với cộng đồng lân cận, sống như họ trong môi trường đa tôn giáo của Á châu", bà Saldanha nhận xét. Ngoài làm việc với Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), bà còn làm thư ký điều hành của Ủy ban Phụ nữ thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Ðộ.

Theo ban tổ chức, cuộc họp thu hút các đại diện Ấn giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Lão giáo, Phật giáo và Phật giáo Won. Họ đến từ Ấn Ðộ, Campuchia, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Nhật, Pakistan, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Phật giáo Won được thành lập tại Hàn Quốc vào thế kỷ 20.

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page