Thánh Lễ Chúa Thăng Thiên

Tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thánh Lễ Chúa Thăng Thiên Tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội.

Hà Nội, Việt Nam (1/05/2008) - Vào hồi 10 giờ sáng ngày 1 tháng 5 năm 2008, Ðức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã chủ sự Lễ Chúa Thăng Thiên tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội. Cùng đồng tế với ngài có quý cha trong Ðại chủng viện, quý cha giáo phận, quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh cùng đông đảo bà con giáo hữu đến từ nhiều nơi trong và ngoài giáo phận.


Lễ Chúa Thăng Thiên là niềm vui vì đó chính là một vinh quang hoàn tất, một thành quả cuối cùng cuả Chúa Giêsu. Ðây cũng là định mệnh mà Chúa mở ra cho những con người đã được cứu chuộc.


Bước vào thánh lễ, Ðức Tổng Giám mục Giuse mời gọi: Lễ Chúa Thăng Thiên là niềm vui vì đó chính là một vinh quang hoàn tất, một thành quả cuối cùng cuả Chúa Giêsu. Ðây cũng là định mệnh mà Chúa mở ra cho những con người đã được cứu chuộc. Vì thế chúng ta hãy vui mừng, hy vọng khi mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội, cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội và cho tất cả tín hữu đều đạt tới cứu cánh như lòng Chúa mong ước. Giờ đây, chúng ta hãy xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta để tất cả những ước nguyện của chúng ta được theo Chúa lên trời và được Chúa thương chấp nhận.

Trong phần bài giảng, Ðức Cha nhấn mạnh: Chúng ta vừa nghe những câu cuối cùng trong Tin mừng theo thánh Matthêu. Ðây là những lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi từ giã trần gian về trời. Chính vì thế Chúa Giêsu triệu tập các môn đệ lên một ngọn núi cao. Chúa ký kết giao ước với dân Do thái trên núi. Chúa giảng bài giảng đầu tiên trên núi. Chúa biến hình trên núi. Chúa chịu chết trên núi. Và hôm nay Chúa trao sứ điệp cuối cùng trên núi. Sứ điệp này thật quan trọng vì cho ta hiểu được định mệnh của con người, hiểu được sự thật về Nước Trời và hướng dẫn đời sống của ta trên trần gian.

 

Sau đây là nguyên văn bài giảng của Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt:

Lễ Thăng Thiên

Xây Dựng Nước Trời

Mt 28, 16-20

Chúng ta vừa nghe những câu cuối cùng trong Tin mừng theo thánh Matthêu. Ðây là những lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi từ giã trần gian về trời. Nên có tầm quan trọng rất lớn. Chính vì thế Chúa Giêsu triệu tập các môn đệ lên một ngọn núi cao. Trong Tin mừng, những biến cố quan trọng bao giờ cũng diễn ra trên ngọn núi cao. Chúa ký kết giao ước với dân Do thái trên núi. Chúa giảng bài giảng đầu tiên trên núi. Chúa biến hình trên núi. Chúa chịu chết trên núi. Và hôm nay Chúa trao sứ điệp cuối cùng trên núi. Sứ điệp này thật quan trọng vì cho ta hiểu được định mệnh của con người, hiểu được sự thật về Nước Trời và hướng dẫn đời sống của ta trên trần gian.


Ðức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt chủ sự Lễ Chúa Thăng Thiên tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội. Cùng đồng tế với ngài có quý cha trong Ðại chủng viện, quý cha giáo phận.


Sứ điệp đó cho thấy định mệnh con người. Chúa Giêsu nói: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất". Khi bị treo trên thánh giá, không một mảnh vải che thân, ai cũng nghĩ là Chúa Giêsu đã mất tất cả. Nhưng hôm nay khi về trời, Chúa Giêsu được tất cả. Trong hoang địa, Chúa Giêsu đã từ chối cơn cám dỗ thờ lạy ma quỉ nhằm được lợi lộc trần gian. Thì nay Ðức Chúa Cha đem tất cả đặt dưới chân Người. Là người đầu tiên về trời, Chúa Giêsu mở cho ta một chân trời hi vọng. Ðịnh mệnh con người không bị tàn lụi đi theo thân xác ở trần gian, nhưng triển nở đến vô tận trên Nước Trời. Ðịnh mệnh con người không chìm trong nhục nhằn thống khổ, nhưng sẽ trổi vượt trong vinh quang trên Nước Trời. Ðịnh mệnh con người không phải chịu giam cầm trong số phận xác đất vật hèn ngang hàng với cỏ cây súc vật, nhưng sẽ được nâng lên ngang hàng với các bậc thần thánh trên Nước Trời.

Sứ điệp đó cho thấy sự thật về Nước Trời. Chúa Giêsu nói: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế". Theo quan niệm dân gian ta thường phân chia trời với đất. Trời cách xa đất ngàn trùng. Ðất chẳng bao giờ với được tới trời. Trời chẳng bao giờ có thể cúi xuống tới đất. Nhưng với lời Chúa Giêsu hôm nay, ta thấy trời đất không cách xa nhau. Chúa Giêsu về trời nhưng vẫn ở bên cạnh ta mọi ngày mọi giờ cho đến tận thế. Chúa Giêsu không nói Chúa sẽ lên trời, nhưng Chúa thường nói Người sẽ về với Chúa Cha. Nước Trời chính là sự sống trong Chúa Cha, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Nước Trời chính là sự sống trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Nước Trời là được hưởng hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa. Như thế Nước Trời là một trạng thái chứ không phải một nơi chốn. Ai sống trong tình yêu Thiên Chúa thì đã ở trong Nước Trời rồi.

Sứ điệp đó cho thấy sứ mạng của người môn đệ. Chính vì không cách biệt mà trời và đất không đối lập nhau. Trời không tách rời đất. Ðất không đối lập với trời. Nước Trời phải được xây dựng ngay từ bây giờ, trên mặt đất. Trái đất Chúa ban cho để ta xây dựng thành Nước Trời. Ðó là sứ mạng của người môn đệ. Ðó là tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu. Xây dựng bằng cách nào. Thưa bằng "dậy cho họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em". Những điều Chúa Giêsu dậy đã được tóm tắt trong điều răn mới : "Thầy truyền cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Ðiều răn mới này thay thế mọi điều răn cũ. Như thế sứ mạng của người môn đệ Chúa là sống yêu thương, là làm cho mọi người sống yêu thương. Khi mọi người biết yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta, Nước Trời đã hiện diện.

Hôm nay mừng lễ Chúa Giêsu về trời, ta hiểu rằng định mệnh của chúng ta thật cao quí vì không kết thúc ở trần gian mà còn tiếp tục trên Nước Trời. Ta hiểu rằng Trời và Ðất không cách xa đối lập nhau, nhưng Nước Trời phải được xây dựng ngay từ bây giờ trên mặt đất và Trái Ðất Chúa ban cho để ta xây dựng thành Nước Trời. Ta hiểu rằng sứ mạng của ta phải nối tiếp sứ mạng của Chúa Giêsu, sống yêu thương và làm cho mọi người sống trong yêu thương. Khi ta hoàn thành sứ mạng như Chúa Giêsu ta sẽ được chung phần hạnh phúc với Chúa.

Lạy Chúa xin nâng lòng con lên khao khát những sự trên trời. Amen.

 

Cuối Thánh Lễ, Ðức Tổng đã ban phép lành Tòa Thánh cho những người hiện diện trong buổi lễ với ơn toàn xá.

 

Gioan Ðình Sơn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page