Các học giả Phật giáo và Tin lành
thúc giục giáo dân cải cách tôn giáo
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Các học giả Phật giáo và Tin lành thúc giục giáo dân cải cách tôn giáo.
Seoul (UCAN KO04870.1495 Ngày 28-4-2008) -- Các học giả Phật giáo và Tin lành gặp nhau thảo luận về "các vấn đề quyền lực" trong tôn giáo của mình vừa đề nghị giáo dân đi đầu trong cải tổ.
"Ðâu là vấn đề quyền lực tôn giáo trong xã hội hiện nay?" là chủ đề của hội thảo hôm 18-4-2008 với sự tham dự của khoảng 250 tín đồ Phật giáo và Tin lành, trong đó nhiều người là học giả, diễn ra tại một nhà thờ Anh giáo ở Seoul.
Hội thảo hàng năm này được đồng tổ chức bởi Hiệp hội giáo sư Phật giáo Hàn Quốc và Hiệp hội Phân khoa Kitô giáo Hàn Quốc tập trung vào vấn đề này sau khi ngày càng có nhiều lời chỉ trích tôn giáo trong xã hội.
Tôn giáo được cho là thay đổi thế giới bằng cách truyền "sự thánh thiện" cho xã hội "thế tục", mục sư Kwon Oh-sung tuyên bố trong bài diễn văn của mình. Tuy nhiên, những giá trị thế tục như ham muốn địa vị cao và tiền bạc thường thâm nhập và thậm chí còn phá hoại tôn giáo, thư ký Hội đồng Quốc gia các Giáo hội Hàn Quốc (NCCK) nhận xét.
Tuy nhiên, ông gợi ý có thể xem những lời chỉ trích tôn giáo gần đây của công chúng như là "cách thể hiện cảm tình và hy vọng" nơi các tôn giáo.
Lee Jin-gu, giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Chủng viện và Ðại học Thần học Honam, đã nêu lên một số chỉ trích các Giáo hội Tin lành. Chủ yếu là xu hướng các mục sư của các nhà thờ lớn truyền quyền lãnh đạo lại cho con trai; các mục sư biển thủ tiền quỹ nhà thờ, lối sống xa hoa và có hành vi thiếu đạo đức; và các hoạt động truyền giáo mang tính công kích trong và ngoài nước.
Tình hình này chỉ có thể được giải quyết nếu giáo dân đi đầu trong phong trào cải cách trong Giáo hội, ông Lee phát biểu với UCA News hôm 18-4-2008. Chính các mục sư không thể "từ bỏ" quyền lực của mình, ông khẳng định.
Kim Kyung-jib, giáo sư Phật giáo tại Trường Phật giáo Jingak, phát biểu trong hội thảo rằng lịch sử hiện nay của Jogye Order, giáo phái Phật giáo lớn nhất Hàn Quốc, đầy sự đấu tranh giành quyền lực giữa các thượng tọa và các giám đốc điều hành ban quản lý.
Một môi trường như thế đã mang lại sự thối nát và bạo lực giữa các bè phái Jogye khác nhau. "Nếu các tu sĩ Phật giáo không thể trở lại tinh thần ban đầu là 'vô sản', thì sẽ không giải quyết được các vấn đề", ông cảnh báo.
Park Gwang-seo, một tham dự viên hội thảo, tán thành nhu cầu đổi mới Phật giáo. Phát biểu với UCA News hôm 18-4, người đứng đầu Viện Tự do Tôn giáo Hàn Quốc khẳng định lịch sử cho thấy các tu sĩ Phật giáo đã không thể trở lại tinh thần ban đầu của tôn giáo mình, đó là "lý do cần có một phong trào giáo dân".
Ông cho biết điều này không có nghĩa là thành lập một giáo phái khác, nhưng trao quyền cho giáo dân chữa lành và cải thiện Phật giáo ngày nay.
Sohn Kyoo-tae, một tham dự viên khác, phát biểu với hội thảo rằng những cải cách quan trọng đòi hỏi có sự tham gia không chỉ của giáo dân hai tôn giáo này mà còn của các nhóm liên tôn và dân sự, dựa trên tinh thần chủ nghĩa nhân văn.
Các diễn giả và tham dự viên liên hệ các vấn đề họ nêu ra trong Phật giáo và Tin lành với các giáo sĩ địa phương của hai truyền thống tranh giành quyền lực thế tục và đẩy mạnh quan hệ thân thiết với tổ chức chính trị.
Năm ngoái, hội thảo đã bàn về "Ðâu là ý nghĩa của sự cứu độ và giải phóng hiện nay?" Năm 2006, hội thảo đã bàn về "Ðức Phật và Chúa Giêsu là thầy dạy nhân đạo".
Phật giáo và Tin lành là hai tôn giáo lớn nhất ở Hàn Quốc, chiếm 22.8% và 18.3% theo thứ tự trong số 49.62 triệu dân cả nước, theo số liệu thống kê của chính phủ từ năm 2006. Người Công giáo đứng thứ ba, chiếm 10,9%, trong khi hơn 40% dân Hàn Quốc là người vô thần.
UCA News