Chương trình làm vườn trong nhà
giúp giới trẻ giảm bớt
tình trạng thiếu lương thực
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Giáo hội Công Giáo Sri Lanka hy vọng chương trình làm vườn trong nhà sẽ giúp giới trẻ giảm bớt tình trạng thiếu lương thực.
Polgahawela, Sri Lanka (UCAN SR04875.1495 Ngày 28-4-2008) -- Một chương trình do Giáo hội phát động trồng rau trong vườn nhà có thể giúp trẻ em khỏi bị đói trước khi đi ngủ.
Caritas-SEDEC (Trung tâm Phát triển Kinh tế Xã hội) tổ chức hội thảo "Trồng trọt và Giáo dục Sự sống" cho 100 học sinh tại Trường Công lập Serapis hôm 21-4-2008.
Tổ chức xã hội này của Giáo hội Công giáo ở Sri Lanka tổ chức các khóa huấn luyện như thế để dạy những người trẻ các kỹ năng trồng rau theo phương pháp hữu cơ trong vườn nhà.
Polgahawela, nơi tọa lạc của trường Serapis, cách Colombo khoảng 100 km về phía tây bắc, thuộc địa phận của giáo phận Kurunegala.
Sujith Tharanga Gammudali, một nhà nông học có đủ trình độ chuyên môn, đã chỉ đạo các nhân viên Caritas hướng dẫn các học sinh này cách gieo giống và trồng các loại rau như khoai tây, cà chua và đậu trong sân trường.
Gammudali, 30 tuổi, cũng hướng dẫn nhóm này làm phân trộn hữu cơ từ rác thải trong nhà và ở nông trại.
Trước đây Sri Lanka xuất khẩu gạo nhưng bây giờ phải nhập khẩu loại lương thực chính này. Quan ngại về nguồn cung cấp lương thực hiện nay trên toàn thế giới đã khiến cho người dân nơi đây và trên khắp châu Á phải xếp hàng dài mua gạo với giá cao hơn. Giá gạo, hiện nay khoảng 100 rupi một ký, đã tăng gần gấp đôi so với đầu năm.
Theo Gammudali, nhiều đồng lúa trước đây đang bị bỏ hoang do người ta dùng quá nhiều thuốc trừ sâu, thuốc cỏ và phân hóa học vốn gây thiệt hại cho đất trồng.
Nhiều học sinh của trường này thuộc miền trung Sri Lanka sống trên các nông trại hay nhà ở có vườn, ông nói thêm. Ðiều này muốn nói lên rằng có đất để trồng rau thân thiện với môi trường, và đây là mục đích của chương trình Caritas-SEDEC.
Hội thảo được tổ chức một ngày trước Ngày Trái đất, một trong hai Ngày Trái đất được kỷ niệm trên toàn thế giới. Một Ngày Trái đất do Liên hiệp quốc ấn định được tổ chức vào tháng 3, nhưng ngày thứ hai do một chính trị gia người Mỹ khởi xướng vào ngày 22-4-1969, cũng phổ biến như thế.
Nữ tu Mary Aurelia, thuộc dòng Tông Ðồ Cát Minh và là giáo viên người Công giáo duy nhất trong trường Phật giáo này, đã tổ chức chương trình. Chị nói, do lương thực khan hiếm và đắt đỏ, nhiều trẻ em "đi ngủ với bụng đói".
Chị hy vọng chương trình "làm vườn trong nhà" có thể giúp thay đổi tình cảnh này.
Chị nói: "Chúng tôi mang hy vọng làm vườn trong nhà đến cho các học sinh bằng cách giới thiệu các phương pháp canh tác mới để các em vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực và giá cả sinh hoạt". Nữ tu, được bổ nhiệm vào trường này năm 2007, vừa mới mừng lễ 25 năm tuyên khấn.
"Người dân có những ngôi vườn lớn quanh nhà nhưng để cây cỏ mọc um tùm", chị nhận xét. Có nhiều khoảng đất trồng rau được, chị đề nghị và nói rằng không dùng đất có hiệu quả trong lúc khủng hoảng lương thực là thái độ lơ đễnh.
Hiệu trưởng trường là Sigera phát biểu với UCA News rằng ông hơi nghi ngờ khi Giáo hội Công giáo muốn tổ chức chương trình canh tác theo phương pháp hữu cơ cho học sinh, ông sợ đây có thể là một bình phong nhằm cải đạo các em sang Kitô giáo. Nhưng sau đó ông biết được chương trình làm vườn trong nhà làm giàu cho các em. "Chắc chắn điều này sẽ sớm trở thành hiện thực trong trường chúng tôi", ông tuyên bố.
Samanthika Edirisinghe, 15 tuổi, rất cảm kích. Em nói bố mẹ em là nông dân nhưng không biết cách trồng trọt theo phương pháp hữu cơ. Em cho UCA News biết họ vẫn còn dựa theo các phương pháp canh tác "truyền thống", sử dụng phân bón đắt tiền có thể gây hại cho đất.
Em và các bạn cùng trường đã xem một đoạn phim quay cảnh người dân làm cỏ và dọn dẹp vườn nhà, và cảnh nông dân thu gom cỏ khô và phân bò làm phân trộn. Các em còn xem một đoạn phim về cách làm phân hữu cơ từ rác thải.
"Chương trình này giúp các em hiểu được cách làm đúng đắn", Edirisinghe nói.
UCA News