Nhà nước Việt Nam hứa trả lại đất

thuộc trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Nhà nước Việt Nam hứa trả lại đất thuộc trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc.

Ðông Hà, Việt Nam (UCAN VT04869.1494 Ngày 24-4-2008) -- Chính quyền tỉnh Quảng Trị vừa hứa trả lại đất xung quanh Thánh địa Ðức Mẹ La Vang cho các giám mục Việt Nam.

Ðức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể của Huế dẫn đầu phái đoàn trong đó có Ðức Giám mục phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng của Huế và ba linh mục đến gặp các đại diện của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị hôm 10-4-2008. Cuộc họp diễn ra tại Ðông Hà, thủ phủ tỉnh, cách Hà Nội 600 km về phía nam.

Linh mục Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang, một trong ba linh mục trong phái đoàn, phát biểu với UCA News hôm 20-4-2008 rằng phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Ðức Chính nói chính quyền tỉnh "muốn giải quyết vấn đề đất đai của thánh địa theo yêu cầu của Giáo hội địa phương cho thật êm đẹp cả mặt đạo cũng như đời".

Cha Gioang cho biết Ðức cha Hồng phát biểu với các thành viên ủy ban tỉnh rằng Ban Tôn giáo tỉnh đã quyết định trả lại 146,780 mét vuông đất thuộc thánh địa cho các giám mục Việt Nam. Vị linh mục đứng đầu giáo hạt Quảng Trị thuộc tổng giáo phận Huế trông coi thánh địa La Vang.

Các giới chức trong ban tôn giáo đã hội kiến với các lãnh đạo Giáo hội địa phương tại tòa tổng giám mục Huế hôm 12-3-2008. Họ còn đi đến thỏa thuận về lô đất rộng 20,480 mét vuông trước đây thuộc Giáo hội. Lô đất này sẽ tiếp tục dùng để trồng cây, nhưng Giáo hội địa phương có thể dùng khi cần.

Cha Gioang, chánh xứ Diên Sanh, nói ông Chính yêu cầu các giới chức khác làm việc với các lãnh đạo tổng giáo phận "cách tích cực và mang tính xây dựng" để thu xếp những điều cần thiết trước khi chính quyền trả lại lô đất này.

Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh còn hứa mở đường rộng dẫn đến thánh địa và các bãi đỗ xe phục vụ khách hành hương.

Cha Gioang cho biết hai bên dự định đo đất để trả lại và đền bù cho cư dân hiện đang sống ở đó và sẽ phải di dời đến nơi khác.

"Tôi vui mừng khi thấy các lãnh đạo tổng giáo phận và chính quyền địa phương có thể đối thoại thành thật và hiểu biết lẫn nhau, và cảm thông với nhau", vị linh mục lưu ý.

Ngài nói đất thánh địa chỉ còn có 65,000 mét vuông khi nhà nước tịch thu phần đất còn lại sau khi đất nước thống nhất năm 1975. Nhà nước cho phép hơn 10 hộ gia đình xây nhà ở trên phần đất tịch thu, và bán hàng ăn uống và quà lưu niệm cho khách hành hương. Những người khác được phép canh tác lúa và các loại hoa màu khác.

Cựu quản đốc thánh địa cho biết Giáo hội đã làm đơn yêu cầu nhà nước trả lại phần đất thuộc thánh địa từ năm 1975. Giáo hội có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất này, ngài nói thêm.

Vị linh mục lưu ý chính quyền địa phương nói rằng họ đánh giá cáo các chuyến hành hương của người Công giáo địa phương sùng kính Ðức Mẹ và tổ chức sinh hoạt cách có trật tự.

Theo cha Gioang, tổng giáo phận đang tu sửa các nơi sinh hoạt tại thánh địa để phục vụ 500,000 khách hành hương đến từ khắp cả nước và hải ngoại, trong đó có người bệnh và người khuyết tật, họ sẽ hành hương đến thánh địa để mừng lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vào ngày 15-8.

Ðức Mẹ được tin là đã hiện ra tại La Vang năm 1798 để an ủi người Công giáo bị bách hại trong thời phong kiến. Năm 1961, các giám mục Việt Nam tuyên bố nơi đây là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc.

Phần đất thánh địa bị tịch thu là một trong ba nơi được các giám mục Việt Nam làm đơn yêu cầu nhà nước trả lại trong nhiều năm qua, để Giáo hội có chỗ tổ chức các sinh hoạt tôn giáo.

Hai nơi kia là Giáo hoàng Học viện Piô X ở Ðà Lạt, bị nhà nước tịch thu năm 1976, và tòa khâm sứ ở Hà Nội. Hàng ngàn người Công giáo đã tập trung bên ngoài tòa khâm sứ từ ngày 18-12 năm 2007 đến ngày 1-2-2008 để cầu nguyện cho nhà nước trả nơi này lại cho Giáo hội.

Cha Gioang cho biết, một phái đoàn Vatican sẽ sang thăm Việt Nam vào tháng 6/2008 theo lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Phái đoàn sẽ làm việc với chính phủ về các thủ tục giải quyết những vấn đề đất đai của Giáo hội đã bị nhà nước tịch thu và việc bổ nhiệm giám mục.

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page