Ðức Hồng y Paul Shan của Ðài Loan nói
nhờ bệnh tật ngài khám phá ra
tầm nhìn mới về truyền giáo
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Ðức Hồng y Paul Shan của Ðài Loan nói nhờ bệnh tật ngài khám phá ra tầm nhìn mới về truyền giáo.
Bài của Gerard O'Connell, Ðặc Phái viên ở Rôma
Rôma (UCAN TA04884.1494 Ngày 25-4-2008) -- Ðức Hồng y Paul Shan Kuo-hsi, bị ung thư phổi từ giữa năm 2006, nói rằng "diễm phúc" bị bệnh đã mở ra nhiều cửa ngõ và giúp ngài giải thích đức tin Công giáo cho người ngoại đạo "nhiều hơn ngài đã làm trong 60 năm làm tu sĩ dòng Tên nhiều".
"Ðây là một diễm phúc", cựu chủ tịch Hội đồng Giám mục Ðài Loan phát biểu với UCA News gần đây tại Rôma, "bởi vì sau khi được chẩn đoán mắc bệnh, tôi đã đọc kinh và rồi lấy lại bình tĩnh và nghĩ: đây là thánh ý đặc biệt Thiên Chúa dành cho tôi; Ngài muốn giao cho tôi nhiệm vụ cuối cùng trong những ngày cuối đời".
Ngài sớm nhận ra nhiệm vụ đó là gì: "Chúa muốn tôi nói chuyện với người khác về đức tin Kitô giáo, vì nhiều người ngạc nhiên khi thấy tôi không sợ chết, và đối diện với cái chết tôi vẫn hết sức bình tĩnh. Vì thế họ muốn nghe tôi nói".
Từ tháng 5-2007, ngài đã có "hơn 50 bài nói chuyện, mỗi lần ngài nói với hơn 1,000 khán thính giả". Ngài thuyết trình tại 14 trường đại học, tám nhà tù, bảy giáo phận và nhiều tổ chức trên khắp Ðài Loan. "Thỉnh thoảng các bài nói chuyện của tôi được phát trực tiếp trên truyền hình hoặc đài phát thanh, và được báo chí ngoài đời đưa tin", ngài nói.
Trong năm vừa qua, "tôi đã giải thích đức tin Công giáo của chúng ta cho người ngoài Kitô giáo nhiều hơn tôi đã làm trong 60 năm làm tu sĩ dòng Tên nhiều vì trước khi mắc bệnh, tôi không thể nói chuyện trực tiếp với họ về đức tin của tôi vì tôi không biết là họ có muốn nghe hay không", ngài cho biết. Giờ đây, ngài được chính những người này mời vì "họ muốn lắng nghe, họ muốn biết".
Chẳng hạn, hôm 5-2-2008 hơn 100 chuyên gia về ung thư phổi đã mời ngài "vì họ ngạc nhiên khi thấy tôi có thể sống lâu như thế". Ngài kể lại khi "họ hỏi: 'Ngoài uống thuốc ra ngài còn dùng cách điều trị nào khác?' tôi trả lời: 'một cách mà các ông không chú ý đến đó là đức tin của tôi!'".
Ngài nói thêm, ngài có một thông điệp đơn giản trong suốt cuộc thảo luận dài ba giờ đó. "Ðức tin của tôi, Kitô giáo, rất đơn giản. Chỉ có một từ: tình yêu, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và bản tính của Thiên Chúa là tình yêu bao la", ngài nói với họ. Ngài còn giải thích rằng ngài "không sợ chết, vì tôi biết sau khi chết tôi sẽ hưởng cuộc sống đời đời của Thiên Chúa, một cuộc sống đầy tình thương bao la".
Giờ đây, đức hồng y giải thích, "những điểm cốt yếu của đức tin chúng ta" cho các khán thính giả trong đó người ngoài Kitô giáo chiếm 97%, vì người Công giáo và Tin lành chỉ chiếm có 3% dân số Ðài Loan. Ngài nói nhiều người trong số họ bây giờ mới nghe nói về đạo Kitô lần đầu tiên.
Ngài cho biết người ta cứ mời liên tục, nhưng "không có thời gian và vì sức khỏe yếu" buộc ngài phải dành ưu tiên cho ba hạng người: giới trí thức như các học giả đại học và bác sĩ, tù nhân, và các nhóm tôn giáo, trong đó có người Tin lành, Phật giáo, Lão giáo và Công giáo.
Ðức Hồng y Paul Shan, hiện 84 tuổi, sinh tại Puyang thuộc đông bắc tỉnh Hà Nam. Năm 25 tuổi, ngài rời khỏi Trung Quốc đại lục để gia nhập dòng Tên và theo đuổi chức linh mục, ngay trước khi cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Ðông lên nắm quyền năm 1949. Kể từ đó, ngài được phép trở về một lần vào năm 1979. Giờ đây trong lúc xế chiều của cuộc đời, ngài muốn viếng thăm đại lục lần nữa, nhưng ước muốn này vẫn chưa thực hiện được.
Các giới chức Vatican lưu ý rằng trong khi Bắc Kinh hoan nghênh các hồng y từ Bỉ, Mỹ, Pháp, Scotland và Việt Nam sang thăm, họ lại không sẵn lòng cho phép hai đức hồng y người Trung Quốc Paul Shan Kuo-hsi và Joseph Zen Ze-kiun của Hồng Kông, người gốc Thượng Hải, về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Ðức Hồng y Paul Shan, ở Rôma hồi tháng 3/2008 tham dự cuộc họp của Ủy ban về Giáo hội Trung Quốc do Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI thành lập, đã bày tỏ sự lạc quan về tương lai của Giáo hội tại đại lục, "bởi vì chúng ta nằm trong vòng tay của Chúa, và qua lịch sử chúng ta biết không có chế độ độc tài nào tồn tại mãi mãi".
Ngài nói: "Nếu chúng ta đem so sánh chính quyền hiện nay của Bắc Kinh với chính quyền của Mao Trạch Ðông hay Ðặng Tiểu Bình, chúng ta thấy có sự thay đổi rất lớn".
Về các cuộc bách hại và thử thách trong nhiều năm, ngài tin rằng "Chúa dùng những việc đó để thanh tẩy chúng ta". Mặc cho mọi việc, ngài kết luận, "số người Công giáo gia tăng gần năm lần trong hơn 50 năm qua -- và đó là một phép lạ!"
UCA News