Kỷ niệm Ngày Trái Ðất bằng các chương trình

nâng cao nhận thức về màu xanh

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các nhóm Giáo hội kỷ niệm Ngày Trái Ðất bằng các chương trình nâng cao nhận thức về 'màu xanh'.

Lahore, (UCAN PA04872.1494 Ngày 25-4-2008) -- Một số du khách đến công viên sớm ngồi xem, trong khi những người khác tiếp tục chạy tập thể dục buổi sáng khi một nhóm ít người Công giáo cử hành nghi thức phụng vụ đặc biệt cầu nguyện cho thiên nhiên trong Công viên Lawrence.

Ủy ban Công lý và Hòa bình của các bề trên cao cấp Pakistan và thừa tác vụ Công lý, Hòa bình và Sáng tạo Toàn vẹn (JPIC) của dòng Columban bắt đầu Ngày Trái Ðất bằng Thánh lễ lúc 5 giờ sáng ngày 22-4-2008.

Linh mục Abid Habib, điều phối viên khu vực Lahore của ủy ban, và một linh mục dòng Capuchin khác, chủ tế Thánh lễ, dùng một cái bàn nhỏ đặt trên cỏ làm bàn thờ.

Khoảng 50 người Công giáo, đa số là tu sĩ và dự tu, tham dự Thánh lễ ngoài trời này ở Lahore, cách Islamabad 270 km về phía đông nam.

Chính trị và phát triển là quan tâm hàng đầu ở Pakistan hiện nay, nhưng nhóm này cầu nguyện cho môi trường ở đây và trên khắp hành tinh.

"Thật đáng buồn là bạn không bao giờ nghe nói về sinh thái hiện nay trong các bài giảng lễ Chúa nhật", cha Habib phát biểu với UCA News sau Thánh lễ. "Chúng ta cần biết đánh giá cao tất cả các tạo vật".

Hai Ngày Trái Ðất được kỷ niệm hàng năm trong ba thập niên qua. Một ngày do Liên hiệp quốc ấn định và kỷ niệm vào tháng 3, ngày xuân phân. Gaylord Nelson, cố thượng nghị sĩ Mỹ lúc đó, thành lập ngày thứ hai như một cuộc "hội thảo" về môi trường vào cuối thập niên 1960. Ngày này được cả thế giới kỷ niệm mỗi năm vào ngày 22-4-2008.

Vào ban đêm, ủy ban này và JPIC tổ chức một cuộc họp mặt nhân Ngày Trái Ðất, trong đó họ tổ chức thảo luận và giải trí. Khoảng 100 giáo viên, linh mục, nữ tu và chủng sinh đã tham dự sự kiện này tại Hội trường Loyola.

Cuộc họp mặt là cơ hội để làm nổi bật những mối nguy hại cho hành tinh do ô nhiễm, thuốc trừ sâu và vũ khí hạt nhân gây ra, và kêu gọi "tăng cường quan hệ với Mẹ Trái Ðất".

Một nhóm nữ sinh đến từ Trường Tiểu học Thánh Anrê trong trang phục đủ màu sắc đã khai mạc chương trình bằng vở kịch về những kỳ quan thế giới. Sau khi các em đi tặng hoa hồng cho khán giả, một ca đoàn gồm 22 chủng sinh dòng Capuchin hát bài Heal the World của ca sĩ nhạc pop nổi tiếng người Mỹ là Michael Jackson, một bài hát nổi tiếng vào năm 1991 nói về những người đau khổ trên khắp thế giới.

Linh mục James Channan, bề trên tỉnh dòng Ðaminh Pakistan, nói với khán giả: "Cứu vớt trái đất không chỉ là trách nhiệm của các viện sĩ và các tổ chức, mà nó còn là bổn phận thiêng liêng".

Vị khách mời chính này tiếp tục nhắc nhở họ: "Chúng ta chỉ có một hành tinh".

Nữ tu Genevieve Ram Lal, bề trên tỉnh dòng Bác ái Chúa Giêsu và Ðức Mẹ, phát biểu trong bài diễn văn: "Khủng bố đang gia tăng khiến cho lòng người lo sợ, bột mì không đủ còn sông suối thì đang khô cạn".

Về các vấn đề môi trường, chị nói thêm: "Chúa không chịu trách nhiệm về việc này; chúng ta đang lạm dụng thiên nhiên".

Sự kiện này là dịp để phát hành một cuốn sách nói về bảo vệ hành tinh. Mẹ Cuộc sống: Thần học mới, Ơn gọi mới là bản dịch tiếng Urdu của cuốn Bảo vệ Trái đất, phát hành năm 1986 của linh mục người Ireland Sean McDonagh thuộc dòng Columban, một nhà môi trường học đã sống ở Philippines 20 năm.

Ủy ban các bề trên cao cấp và JPIC đã tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về môi trường nơi học sinh, giáo viên, lao công và người làm vườn. JPIC còn phát hành nhiều sách bài tập cho học sinh nói về thiên nhiên, bàn về các chủ đề như không khí, nước, cây cối và động vật, trong khi ủy ban này tổ chức các chương trình làm vệ sinh và trồng cây thường xuyên trong các trường học và các cộng đồng thành thị nghèo.

Pakistan đang đối mặt với những thách thức lớn về môi trường. Karachi và các thành phố khác bị ô nhiễm không khí nặng, và nước ngầm ở các nơi khác trong quốc gia này được xem gây nguy hại cho người sử dụng, theo Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức về môi trường. Theo Ngân hàng Thế giới, Pakistan nằm trong số 17 quốc gia trên thế giới hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page