Giáo Xứ Phường Ðúc xây sẵn

nhà an nghỉ tiền nhân cho giáo dân

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Giáo Xứ Phường Ðúc xây sẵn nhà an nghỉ tiền nhân cho giáo dân.

Huế, Việt Nam (25.4.2008) - Nhằm giúp giáo dân tiết kiệm được nhiều chi phí trong việc cải tán khi nghĩa trang của giáo xứ sắp có lệnh phải di dời. Một linh mục, đang xây sẵn ngôi nhà có sức chứa gần 5,000 hộp đựng hài cốt, phía sau Thánh đường của khuôn viên giáo xứ.


Cha Quý (bên trái) và ông chủ tịch giáo xứ Phường Ðúc.


Chính quyền địa phương đang có dự án nới rộng đô thị để lấy lại di tích lịch sử - văn hoá có tên gọi là Thành Lồi, làm khu du lịch, một công trình kiến trúc, hình thang với 4 hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc trung bình mỗi cạnh từ 350-750 mét, được đắp bằng đất, cao chừng 2-4 mét của người Chăm có từ thế kỷ 15.

Di tích nầy đã trở thành hoang phế từ thế kỷ 18, những cư dân địa phương đã biến vùng đất gò đồi này làm khu nghĩa trang, trong đó có khu nghĩa trang của giáo xứ Phường Ðúc.

Linh mục Trần Văn Quý, quản xứ Phường Ðúc cho biết, nghĩa trang sắp di dời của giáo xứ rộng chừng 6,000 mét vuông với hơn 700 ngôi mộ của giáo dân được chôn cất gần Thành Lồi, cách Huế 7 cây số về hướng Tây.

Cha Quý 64 tuổi, đã khởi công xây nhà an nghỉ tiền nhân đầu tiên của giáo phận Huế (từ ngày 26/12/2007 - 11/5/2008), với chiều dài 29 mét, rộng 6 mét, cao 16 mét, tổng kinh phí 1.3 tỷ đồng, gồm ba tầng, mái cong theo mô hình đình chùa Á đông, trên đỉnh có Thánh giá và các bức phù điêu nói về Chúa Ba Ngôi, Ngày Phán Xét và mầu nhiệm Năm sự mừng; bên trong có đủ máy móc để bảo quản hài cốt bằng tia cực tím.

Cha Quý đã gặp nhiều khó khăn như chờ giấy phép quá lâu, hoặc từ dự án ban đầu ngài dự trù 800 triệu, do bão giá, vật liệu tăng nhanh, ngân sách hụt, ngài đã viết thư xin giáo dân, ân nhân của ngài trong giáo xứ và các nơi trong và ngoài nước giúp đỡ.

''Ðây sẽ là nghĩa trang các linh mục giáo phận Huế vì trong tương lai khi nghĩa trang các linh mục Huế ở đồi Thiên Thai có thể sẽ di dời'', cha Quý nói rằng gian chính giữa Nhà an nghỉ sẽ đặt hài cốt các linh mục, đã từng coi sóc giáo xứ Phường Ðúc từ năm thành lập giáo xứ 1658 cho đến nay, cũng như hài cốt của các vị xuất thân từ Phường Ðúc.

Ông Gioan Phan Tấn Trọng, chủ tịch hội đồng giáo xứ đánh giá: ''việc xây sẵn nhà an nghỉ rất có ý nghĩa cho giáo xứ Phường Ðúc, vì năm nay 2008 kỷ niệm đúng 350 năm thành lập giáo xứ''.

Lễ hội sẽ được tổ chức trọng thể vào hai ngày 11/5-12/5/2008 là Lễ Chúa Thánh Thần, mừng bổn mạng Giáo xứ với nhiều gian hàng Chợ Quê cũng là dịp khánh thành nhà an nghỉ tiền nhân''.


Nhà an nghi tiền nhân Phường Ðúc, công trình đầu tiên của giáo phận Huế.


Ngoài ra, ông Trọng còn cho biết, phía sau vườn, sát chân Thành Lồi, có mộ cha Phêrô Belmonte, dòng tên, chết rũ tù vì đạo ngày 27/5/1700, và 4 ngôi mộ đất của gia đình ông Jean de la Croix, một người được triều đình Huế ưu đãi vì ông đã có công đúc cho vua những khẩu súng đại bác rất đẹp.

Theo lịch sử giáo xứ ghi lại, chính ông Jean de la Croix, một người công giáo Bồ Ðào Nha, từ thế kỷ 15 đã thuyết phục được chúa Hiền, chấp thuận cho một vị linh mục đến ở vùng Thợ Ðúc (tức giáo xứ Phường Ðúc, ngày nay).

Ngoài ra, một số giáo dân cho biết trong vùng nghĩa trang của giáo xứ sắp di dời có 12 vị tử đạo Việt Nam, trong đó có 2 vị của giáo xứ Thợ Ðúc bị án thảo tượng.

Án thảo tượng là án chung thân do các chúa triều Nguyễn áp đặt lên giáo dân không chịu bỏ đạo, họ bị đưa về cơ sở nuôi voi tại thôn Nguyệt Biều và Thợ Ðúc ở Thừa Thiên Huế. Tại đây, hằng ngày họ phải đi cắt cỏ cho voi ăn cho đến khi họ qua đời. Người dân địa phương, Lương cũng như Giáo quen gọi là 12 Ông Cỏ. Năm 1999 Ðức tổng giám mục Huế đã giao cho cha Phêrô Quý tôn tạo lại 12 ngôi mộ nầy.

Giáo xứ Phường Ðúc từng được chọn làm toà giám mục và đặt đại chủng viện đầu tiên cho giáo đoàn đàng trong (1741-1888). Từ thế kỷ 16 đến nay (2008), giáo xứ Phường Ðúc đã cống hiến cho Giáo hội 16 linh mục trong đó có linh mục Thánh Emanuel Nguyễn Văn Triệu, linh mục sử gia công giáo Phan Phát Huờn, linh mục Giuse Phan Thiện Ân nguyên bề trên Dòng Chúa Cứu Thế, hiện là linh hướng Ðại chủng viện Hà Nội.

 

Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page