Phụ nữ Á Châu có thể trở thành
"những người giữ vai trò chủ đạo"
trong các cộng đồng phổ biến hòa bình
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Phụ nữ Á Châu có thể trở thành "những người giữ vai trò chủ đạo" trong các cộng đồng phổ biến hòa bình.
Chuyên mục "Giáo dân tại Á châu" của Virginia Saldanha
Mumbai, Ấn Ðộ (UCAN AS04802.1493 Ngày 15-4-2008) - Châu Á là châu lục đa tôn giáo và đa văn hóa khác với các châu lục khác trên thế giới.
Nhiều thế kỷ nay, người dân ở vùng châu Á đã cùng nhau sinh sống và đấu tranh, và thoát khỏi tay những kẻ xâm lược áp bức, thực dân và các nhà chính trị thối nát (trong các chế độ dân chủ hiện nay) dù rằng họ theo những tín ngưỡng khác. Họ sẵn sàng bỏ qua những bất đồng nhỏ, đoàn kết vì chính nghĩa để tập trung sức mạnh chống những thế lực cai trị này.
Ngày nay, nhịp sống và mức sống cũng như sự tham lam (quyền lực và của cải), chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy vật, cạnh tranh, căng thẳng... lại càng làm gia tăng bạo lực và châm ngòi cho xung đột. Làm thế nào để khát vọng hòa bình của chúng ta có thể xoa dịu những căng thẳng trong thế kỷ 21 này?
Châu Á đã đi bước trước. Họ cùng nhau đoàn kết vì hạnh phúc của mọi người cho dù có những bất đồng về tín ngưỡng và văn hóa. Sự bén rễ của tôn giáo nơi cộng đồng và nẩy nở văn hóa sẽ giúp chúng ta đứng vững. Chúng ta tin rằng đoàn kết trong tính đa dạng có thể mang lại hòa hợp, bởi vì tất cả niềm tin của chúng ta hướng về lợi ích chung của nhân loại.
Châu Á là cái nôi của các tôn giáo thế giới. Các tôn giáo và phong trào tôn giáo đều nỗ lực đáp ứng nhu cầu và khao khát sâu sắc nhất của nhân loại. Hòa bình là ước nguyện muôn đời và là nhu cầu chính yếu nhất của cuộc sống.
Chúng ta kêu gọi các thành phần trong tôn giáo chúng ta mang lại hòa bình, công lý và hòa hợp trong xã hội như thế nào?
Chúng ta nên nhấn mạnh nhiều vào những điểm tương đồng hơn soi mói những bất đồng.
Phụ nữ Công giáo chủ động trong lĩnh vực này qua việc họ tham gia xây dựng các cộng đoàn lân cận, vốn được Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) xem như ưu tiên mục vụ.
Ecclesia in Asia (Giáo hội tại Á châu, Tông huấn năm 1999 kết thúc Thượng hội đồng Á châu) khẳng định vai trò của phụ nữ trong xây dựng cộng đồng và hòa bình: "Phụ nữ sẽ tham gia các chương trình mục vụ hữu hiệu hơn... Khả năng và sự phục vụ của họ cần được đánh giá cao trong chăm sóc sức khỏe, trong giáo dục, trong việc chuẩn bị cho các tín hữu lãnh nhận các bí tích, trong xây dựng cộng đoàn và trong kiến tạo hòa bình" (số 45)
Khi các vụ bạo loạn giữa người Ấn giáo và Hồi giáo nổ ra ở Mumbai (trước đây là Bombay) năm 1992, sau khi những người cuồng tín Ấn giáo phá hủy Babri Masjid (đền thờ Hồi giáo) ở Ayodhya, không có vụ xung đột nào xảy ra giữa hai cộng đồng này trong giáo xứ Jeri Meri thuộc Tổng giáo phận Bombay. Tính trên cả nước, các vụ bạo loạn đã làm thiệt mạng hơn 3,000 người, đa số là người Hồi giáo.
Cộng đồng láng giềng được chọn làm thí điểm trong giáo xứ này đã khiến người dân trở nên tin cậy nhau, họ đã không còn trở thành nạn nhân của những tin đồn về người láng giềng Hồi giáo hay Ấn giáo của họ. Các cộng đồng này được xây dựng trên mô hình Cộng đoàn Kitô hữu Nhỏ và sau được gọi là các Cộng đoàn Nhân loại Cơ bản (BHC).
Jeri Meri là khu nhà ổ chuột có nhiều khu công nghiệp của Mumbai. Ở đây, nhà vệ sinh, nước uống và những nhu cầu thiết yếu khác là nguyên nhân của những vụ xung đột xảy như cơm bữa. Một vài nữ tu tận tâm của dòng Ðức Mẹ Cứu Giúp hòa nhập vào cuộc sống của những người này bằng cách "cắm lều" giữa họ.
Các nữ tu giúp người dân nhận thức nguyên nhân vấn đề của người dân và giúp họ giải quyết đúng đắn thông qua các cuộc họp chung. Vấn đề vệ sinh được giải quyết bằng cách tìm ra nguồn gốc và có hành động phòng ngừa.
Phụ nữ là người giữ vai trò chủ đạo trong dự án này, vì các vấn đề sinh hoạt hàng ngày trực tiếp liên quan đến họ. Khi phụ nữ được trao quyền, họ trở thành người lãnh đạo không chỉ trong xóm giềng, mà còn đến các cộng đồng ổ chuột ở thành thị khác của Mumbai để chia sẻ và dạy người khác sống hòa bình và hòa thuận. Duy trì các cộng đồng như thế là việc quan trọng.
Mọi người đều ao ước hòa bình và hòa hợp trong môi trường sống của mình. Có nhiều người muốn khoan dung nhiều để gìn giữ hòa bình, thậm chí cho phép người ta chà đạp lên quyền lợi của mình. Phụ nữ và người nghèo thường thuộc nhóm này. Nhưng đến lúc "tức nước vỡ bờ" thì xung đột vẫn là cách duy nhất để giải quyết vấn đề.
Toàn cầu hóa kinh tế đã tạo ra một lối làm việc và kinh doanh mới, văn hóa mới gạt bỏ và áp bức kẻ yếu và người nghèo. Các cộng đồng lớn bị tước quyền thừa hưởng đất đai của tổ tiên, sinh kế và nguồn nước. Các cộng đồng bị bần cùng hóa, bị gạt ra bên lề xã hội và đang dẫn tới tình trạng bất ổn và xung đột với cường độ thấp tại châu Á.
Trong khi đó, "cuộc chiến chống khủng bố" trên toàn thế giới đã gây chia rẽ các cộng đồng tôn giáo và làm tăng thêm chính kiến về bản sắc. Ðiều này vốn dễ khơi lên giận dữ và châm ngòi xung đột. Vì thế tập trung vào lòng nhân đạo chung của chúng ta là việc làm quan trọng hơn. Nếu chúng ta có thể làm việc chung với nhau để bảo đảm hạnh phúc, công lý và hòa bình trong xóm làng và xã hội, chúng ta sẽ trở nên tin tưởng và quan tâm nhau. Chúng ta cần vượt ra ngoài các nghị trình cộng đồng và tôn giáo hạn hẹp của chúng ta cũng như tính ích kỷ cá nhân để giải quyết những vấn đề lớn hơn. Ðó là vấn đề nhân quyền và nhu cầu cơ bản của con người.
Công lý đi đôi với hòa bình và tôn trọng quyền lợi của mọi người. Tôn trọng quyền lợi làm cho người ta có thể sống có nhân phẩm kèm theo các nhu cầu cơ bản. Làm việc chung đảm bảo mọi người tiếp cận được nhu cầu và quyền lợi của họ sẽ bảo đảm được hòa bình.
Một nhân tố khác mà người ta không thể phủ nhận đó là thế hệ trẻ ngày nay đang bị ảnh hưởng một nền văn hóa toàn cầu mới vốn làm xói mòn quan hệ cộng đồng và gia đình và phá vỡ những ràng buộc của các tục lệ văn hóa vốn phong phú xưa nay. Bạo lực vốn được xem như trò giải trí được những người dễ bị tổn thương háo hức đón nhận. Những người trẻ lớn lên trong môi trường giải trí này đã sẵn sàng sử dụng nó khi bị khiêu khích nhẹ. Chúng ta cần kêu gọi các thành phần tôn giáo biết phối hợp với nhau để cảnh tỉnh họ, giúp họ thóat khỏi mọi xu hướng bạo lực.
Ðưa ra những hành động phòng ngừa để ngăn chặn những tình huống gây bùng nổ bạo lực là việc làm cần thiết. Là Kitô hữu chúng ta cần trở thành men muối trong xã hội để đẩy mạnh hòa bình. Ðây là sự bắt buộc đối với người môn đệ của Ðức Kitô. Tám Mối Phúc Thật là kế hoạch sống của chúng ta, và giáo huấn xã hội của Giáo hội là kim chỉ nam của chúng ta.
Sáng kiến thành lập các BHC cần xuất phát từ linh đạo hành động này. Nếu mọi Kitô hữu cam kết thực hiện dự án này trong xóm làng mình, họ sẽ bắt đầu có những ao hồ hòa bình và hòa hợp vốn có thể trở thành một đại dương hòa bình và hòa hợp trong thành phố, quốc gia của họ và trên toàn châu Á.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
* Virginia Saldanha sống ở Mumbai, Ấn Ðộ. Bà là thư ký điều hành của Văn phòng Giáo dân và Gia đình trực thuộc Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC), và là cựu thư ký điều hành của Ủy ban Phụ nữ thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Ðộ.
UCA News