Bài phỏng vấn Ðức Hồng y Mẫn
suy nghĩ về 10 năm làm tổng giám mục
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài phỏng vấn Ðức Hồng y Mẫn suy nghĩ về 10 năm làm tổng giám mục.
Saigòn, Việt Nam (UCAN VT04815.1493 Ngày 18-4-2008) - Ðức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn vừa kỷ niệm tròn 10 năm làm tổng giám mục của tổng giáo phận Saigòn.
Trong bài phỏng vấn với UCA News, ngài nói về những thách thức và thay đổi trong suốt 10 năm đó trong tổng giáo phận của ngài cũng như về quan hệ giữa Giáo hội và chính quyền Việt Nam.
Ðức hồng y, 74 tuổi, thảo luận về những thách thức từ các vấn đề trong các giáo xứ đến việc Giáo hội nỗ lực xin nhà nước cho phép Giáo hội cung cấp các dịch vụ xã hội. Ngài cho biết ngài đã nỗ lực cải thiện quan hệ làm việc với các giới chức nhà nước thông qua gặp gỡ và làm việc với họ.
Ngài nói ngài có thể "thông báo" với chính quyền về nhiều hoạt động mà ngài từng phải có sự cho phép bằng văn bản của họ và còn có thể mong sự giúp đỡ từ phía chính quyền. Mặt khác ngài thừa nhận việc nhà nước tiếp tục có những hạn chế về mặt tôn giáo "cũng là rào cản cho sự phát triển và phục vụ của Giáo hội địa phương".
Ðức Hồng y Mẫn còn đứng đầu Ủy ban Di dân thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ngài học tại Mỹ từ năm 1968-1971 và lấy bằng thạc sĩ về quản trị giáo dục.
Ngài đang làm giám đốc Ðại chủng viện Thánh Quý ở Cần Thơ, phía nam thành phố Saigòn, lúc Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục phó của Mỹ Tho ngày 22-3-1993. Lễ tấn phong giám mục diễn ra vào ngày 11-8 năm đó.
Ðức cố giáo hoàng chỉ định ngài làm tổng giám mục của tổng giáo phận Saigòn, đặt trụ sở cách Hà Nội 1,710 km về phía nam, ngày 9-3-1998, và ngài nhậm chức tổng giám mục vào ngày 2-4-1998. Năm năm sau, vào ngày 21-10-2003, Ðức Thánh cha tôn phong hồng y cho ngài.
Sau đây là cuộc phỏng vấn với Ðức Hồng y Mẫn diễn ra hôm 6-4-2008:
UCA News: Xin Ðức Hồng y cho biết những điều mà 10 năm qua ngài đã làm cho tổng giáo phận Saigòn?
Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn: Khi mới về tổng giáo phận, tôi nhận thấy người Công giáo kể cả linh mục không thống nhất với nhau. Họ có quan điểm, cái nhìn, hoàn cảnh khác nhau, kể cả đời sống đạo. Có sự khác biệt giữa các dòng tu với nhau, giữa các dòng tu với giáo phận. Nếu những bất đồng này không được giải quyết, để lâu thành bất hoà giữa các linh mục và giáo dân.
Tôi cố gắng xây dựng một Giáo hội hiệp thông bằng cách đem lại sự đoàn kết cho mọi người thông qua các hoạt động mục vụ của mình. Tới nay, tôi đã đạt được hơn 50% mục đích của mình và đời sống trong giáo phận ổn định hơn.
UCAN: Ðức hồng y đối diện những thách thức nào hiện nay?
ÐHY: Phần nhiều cha xứ là lớn tuổi được đào tạo theo cách cũ là chỉ lo mục vụ trong phạm vi giáo xứ. Họ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu mục vụ mới cho con người ngày nay. Một số ít linh mục có tầm nhìn rộng hơn về các hoạt động mục vụ mà họ nên làm trong tương lai.
Khoảng 20 đoàn thể Công giáo và các nhóm giáo chức, doanh nhân, nghệ sĩ,... mà tôi lập muốn Giáo hội địa phương phải quy tụ người ta, phải lo cho người ta. Nhưng nhiều linh mục phàn nàn là tôi bày ra nhiều việc cho họ.
Tổng giáo phận ban hành quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ từ nhiều năm nay, nhưng còn gần hai chục trong số 199 giáo xứ chưa thực hiện.
Một số linh mục gặp tôi nói rằng tôi có thể làm mục vụ theo cách mới mà họ không làm được vì tôi có học quản trị còn họ thì không.
Vì thế tôi phải chịu đựng. Cái thách thức nhất là cái chịu đựng.
Tôi học được câu này "Mọi lo lắng hãy phó thác cho Chúa, Chúa sẽ chăm sóc bạn". Cho nên trước khi đi ngủ, tôi đọc câu đó và nói: "Chúa làm sao đó thì làm, con không có làm nữa, con đi ngủ đây". Với hơn nữa, công việc của Chúa thì để Chúa làm. Mình cần Chúa tiếp sức cho mình để mình làm.
UCAN: Ðức hồng y có nói đến các vấn đề trong giáo xứ và nhân sự. Thế thì Ðức Hồng y giải quyết và cải thiện tình hình đó như thế nào?
ÐHY: Theo kinh nghiệm của tôi, trước khi quyết định giải quyết các vấn đề trong giáo xứ, tôi phải lắng nghe cha xứ và ban cố vấn. Tôi còn lắng nghe hội đồng giáo xứ và giáo dân, vì họ thường hiểu vấn đề rõ hơn cha xứ.
Gần đây, một cha xứ lên xin chuyển xứ vì bị đau tim và bị nhiều giáo dân phản đối. Các linh mục khác nói rằng các cha xứ trước đó cũng gặp tình trạng như vậy.
Sau đó tôi có mời gặp 40 giáo dân kể cả các lãnh đạo giáo dân. Họ nói với tôi rằng một đôi vợ chồng người Công giáo ở cách nhà thờ năm mét, làm việc cho cơ quan nhà nước, đã phàn nàn vì tiếng ồn do những giờ kinh, Thánh lễ, các nghi thức phụng vụ và các lớp giáo lý ở nhà thờ gây ra.
Sau khi một số giáo dân, đặc biệt là những phụ nữ lớn tuổi, chửi mắng họ, cặp vợ chồng này liên kết với những người khác chống lại họ và chống đối cha xứ.
Tôi bảo các giáo dân này không có mắng mỏ, không chửi bới nhau nữa, mà bầu cử ai đó đi lại giải bày cho gia đình đó rồi động viên người ta chứ không mắng mỏ, trách móc hay là cũng không ra lệnh. Vì lợi ích của gia đình đó và của mọi người thì gia đình đó nên dời đi nơi khác, họ là "nạn nhân" của mình. Bằng không các ông phải di dời nhà thờ đi chỗ khác. May thay, đôi vợ chồng này đã quyết định dời đi.
Tôi chuyển vị linh mục đi một xứ khác và chuyển một cha mới về giáo xứ đặc biệt này sau khi một số cha từ chối làm việc ở đây. Tôi nói với giáo dân địa phương, cha mới hiền lành lắm, vì thế nên ủng hộ ngài chứ đừng có ăn hiếp ngài. Nếu không, sẽ không có cha nào dám làm việc ở đây nữa. Ðến nay mọi việc đều đã ổn cả.
Từ đó, tôi biết mình phải lắng nghe tất cả các bên có liên quan để tìm hiểu sự thật, và rồi giải quyết vấn đề đứng về phía người dân.
Về những bất đồng giữa cha chánh và cha phó, tôi thuyên chuyển cha phó đi nơi khác vì lợi ích của các cha và giáo dân. Tôi không cần biết cha phó đúng hay sai. Tôi luôn chú trọng đến lợi ích của giáo dân.
UCAN: Thái độ của nhà nước về tôn giáo ảnh hưởng như thế nào đến công tác của Giáo hội?
ÐHY: Những giới hạn của nhà nước nơi các tôn giáo cũng làm cản trở sự phát triển và phục vụ của Giáo hội.
Chỉ một mình chính quyền không thể chăm lo tốt giáo dục, y tế và các chương trình an sinh xã hội cho người dân.
Tổng giáo phận đang xin phép nhà nước cho thành lập trung tâm dành cho người nhiễm HIV/AIDS và trẻ mồ côi, đây là việc người Công giáo địa phương đã thúc giục Giáo hội làm. Tôi nói nhà nước là quý vị cho làm thì chúng tôi vui mừng để góp phần lành mạnh hóa đời sống gia đình xã hội trong thành phố này. Còn các vị không cho thì tôi vui hơn bởi vì chúng tôi đã có nhiều việc để làm.
Bây giờ toàn cầu hóa thì Giáo hội cũng toàn cầu hóa, một mặt mình phải đi đến với người ta, các Giáo hội xung quanh mình. Mặt khác người ta đến với mình rất nhiều. Thí dụ bây giờ có hàng chục dòng tu chui từ Á châu, Âu châu, Mỹ Châu và Úc châu. Họ hít thở bầu không khí không được tự do, có khi họ gặp những khó khăn từ phía nhà nước. Người Công giáo địa phương cũng ở trong cái bầu khí ngột ngạt đó nên cũng đâu có tự hào gì.
Tôi nói với Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II là người Công giáo địa phương phải sống đức cậy nhiều hơn, mà muốn sống đức cậy thì cái thứ nhất là phải cầu nguyện và cái thứ hai là phải kiên trì.
UCAN: Thưa Ðức Hồng y, quan hệ giữa Giáo hội địa phương và nhà nước có cải thiện hơn không?
ÐHY: Tôi đã cố gắng cải thiện quan hệ làm việc với nhà nước thông qua gặp gỡ và làm việc với họ. Hiện nay chính quyền chỉ yêu cầu tôi thông báo với họ những việc tôi sẽ làm, và họ sẽ giúp tôi. Chúng tôi chỉ thông báo với họ về việc phong chức, thuyên chuyển linh mục và tuyển sinh chủng viện hàng năm. Chúng tôi không phải xin phép họ nữa.
Trước đây, tôi đi đâu thì phải có văn bản cho phép thì tôi mới được đi, còn bây giờ đi đâu thì báo cho họ biết vậy thôi. Họ cũng không có can thiệp gì.
UCAN: Ðức Hồng y có thấy bầu khí này có tiếp tục được cải thiện trong 10 năm tới không?
ÐHY: Hy vọng như vậy, là bởi vì số ít vị lãnh đạo cao cấp có thái độ cởi mở. Hơn nữa, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, vì thế cộng đồng quốc tế sẽ thúc giục họ cải cách chính sách về tôn giáo.
UCAN: Nhà nước đã thay đổi cái nhìn về cộng đồng Công giáo chưa?
ÐHY: Số ít lãnh đạo cao cấp có cái nhìn đổi mới một chút. Bây giờ họ thấy người Công giáo là một sức mạnh tinh thần có thể góp phần phục vụ đất nước. Hồi trước, họ coi Giáo hội như là thế lực chống đối họ, cướp cái ảnh hưởng của họ trên người dân. Cần có thời gian để cấp dưới những người nói thuộc lòng theo chủ chương sách vở thay đổi quan điểm.
Trong những năm gần đây, một số tu sĩ được phái đến phục vụ bệnh nhân HIV/AIDS tại một trung tâm nhà nước, theo lời mời của chính quyền thành phố. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với tôi rằng chỉ có các tu sĩ mới phục vụ bệnh nhân hết lòng. Tuy nhiên, các nhân viên trung tâm chú ý đến lợi ích cá nhân trước, đến lợi ích tập thể và rồi mới đến bệnh nhân. Kết quả là nhiều tu sĩ đã phải rời khỏi trung tâm.
UCAN: Nhà nước đang được kêu gọi trả lại tài sản của Giáo hội mà họ tịch thu trứơc đây. Ðức Hồng y mong muốn được trả lại tài sản nào nhiều nhất?
ÐHY: Chúng tôi đã làm đơn yêu cầu nhà nước trả lại miếng đất gần Trung tâm Mục vụ của tổng giáo phận. Các giám mục Việt Nam dự định xây một thư viện Công giáo quốc gia và các phòng họp trên mảnh đất này, vốn đang được nhiều giới chức chính quyền dùng xây nhà ở.
Giáo hội địa phương còn yêu cầu nhà nước trả lại các tài sản khác của Giáo hội nhiều năm nay, nhưng họ chưa giải quyết.
Tôi kêu gọi người Công giáo địa phương cầu nguyện thêm cho nhà nước trả lại các tài sản của Giáo hội.
UCAN: Ai là người khơi gợi cho Ðức hồng y theo con đường ơn gọi?
ÐHY: Tôi sinh năm 1934 tại giáo xứ Hòa Thành, tỉnh Cà Mau. Ông nội tôi và ba tôi đã giúp xây bốn nhà thờ, và các ngài còn giúp các linh mục địa phương quản lý các giáo điểm mới thành lập.
Các ngài quen biết nhiều linh mục địa phương và làm việc với họ, trong đó có cố linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. (Cha Diệp bị giết chết năm 1946 và được tôn vinh là thánh tử đạo đã hy sinh cho giáo dân.)
Năm 1939, lúc tôi được năm tuổi, cha Diệp và hai cha nữa đến ăn ở nhà tôi, ba mẹ tôi và tôi phục vụ các ngài. Cha Diệp nói với ba mẹ tôi rằng khi nào tôi lên sáu tuổi, hãy cho tôi vào học ở trường Tabert, 10 tuổi, cho tôi vào tiểu chủng viện.
Bố mẹ tôi làm theo lời ngài. Tôi bắt đầu học tại Sóc Trăng năm 1940, và sau đó chuyển đến một trường khác ở Mỹ Tho năm 1942 trước khi vào tiểu chủng viện năm 1944.
UCAN: Trong quãng đời làm linh mục cho tới bây giờ, Ðức Hồng y chịu ảnh hưởng của người nào nhất?
ÐHY: In trong trí tôi là ông nội và cha tôi. Họ đã làm cái gì tôi thấy tôi cũng phải làm như vậy.
Ông nội luôn lo cho người khác. Ông xem nhiều người như con nuôi, giúp họ trở lại đạo, đỡ đầu. Ðó cũng là hình ảnh một người cống hiến đời mình để truyền đạo.
Tôi nhớ là mỗi lần tôi sang nhà thăm ông nội, ông nội đều bắt tôi phải ngủ với ông, sáng dậy cho tôi một đồng xu, hấp dẫn tôi lắm. Ðiều thứ hai là mỗi lần về, ông nội tôi đều xướng kinh. Trước nhà thờ có hai cây dương, khi ông nội tôi chết thì một cây dương chết theo, tức là có sự gắn bó.
Còn bà nội tôi mỗi lần qua nhà tôi là bày ra làm bánh, bánh ít, bánh tét, bánh này bánh kia, làm tôi nhớ hoài. Một điều nữa tôi không quên là lúc tôi và một số linh mục bạn về thăm bà nội, bà cầm xâu chuỗi đưa lên và nói: "Hồi sinh ra nó cho tới bây giờ, tôi mỗi ngày phải tốn cho nó xâu chuỗi".
UCA News