Linh Mục Federico Lombardi

nhận định về chuyến tông du

của ÐTC Biển Ðức XVI tại Hoa Kỳ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Linh Mục Federico Lombardi nhận định về chuyến tông du của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI tại Hoa Kỳ.

Tin Vatican (RG 21-4-2008) - Lúc sau 10 giờ rưỡi sáng ngày 21-4-2008 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã về tới phi trường Ciampino của Roma bằng an, kết thúc chuyến tông du 6 ngày tại Hoa Kỳ. Chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha đã diễn ra tốt đẹp ngoài sự chờ mong của mọi người, kể các Giám Mục Hoa Kỳ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài của phái viên Alessandro Gisotti phỏng vấn Linh Mục Federico Lombardi, Giám đốc đài Phát thanh Vaticăng, kiêm Phát ngôn viên Tòa Thánh, về chuyến tông du nói trên.

Hỏi 1: Thưa cha Lombardi, Ðức Thánh Cha Biển Ðức vừa kết thúc chuyến tông du 6 ngày tại Hoa Kỳ. Trong tư cách là Giám đốc đài phát thanh Vaticăng, kiêm Phát ngôn viên của Tòa Thánh tháp tùng Ðức Thánh Cha, cha có cảm tưởng gì?

Ðáp: Tôi xin nhắc lại là trong sứ điệp gửi nhân dân Mỹ một tuần trước khi lên đường viếng thăm Hoa Kỳ, Ðức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng đề tài chuyến tông du là "Chúa Kitô niềm hy vọng của chúng ta". Và đó đã là đề tài thống nhất biết bao nhiêu sứ điệp, trong nhiều hướng khác nhau, mà Ðức Thánh Cha đã muốn nhắn gửi nhân dân và Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, cũng như tất cả mọi quốc gia trong Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc. Tôi thực sự có cảm tưởng đây là điều đã đạt đích, và chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha đã là một chuyến viếng thăm loan báo niềm hy vọng cho tất cả mọi người: loan báo niềm hy vọng cho một đại quốc, phải có phẩm giá và ý thức về sự cao cả trong ơn gọi của mình trên thế giới ngày nay; loan báo niềm hy vọng cho một Giáo Hội đã sống một giai đoạn đặc biệt giao động trong các năm gần đây và vì thế rất cần được tái củng cố và vươn tới tương lai; và cả Giáo Hội nữa cũng phải ý thức về các trách nhiệm địa phương của mình cũng về trách nhiệm trong Giáo Hội đại đồng. Và sau cùng là loan báo niềm hy vọng cho Liên Hiệp Quốc, nghĩa là cho tất cả mọi dân tộc trên thế giới, nhân dịp kỷ niệm 60 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Mọi người có dip suy tư về các nền tảng đích thật giúp xây dựng tương lai, và như thế cũng là dịp để nhìn về phía trước. Chúa Kitô giúp có cái nhìn này về con người, về số phận của nó, về thực tại của con người cho phép xây dựng tương lai nhân loại trên các nền tảng vững chắc.

Hỏi 2: Người ta đã rất cảm phục sự rõ ràng của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, khi thấy Ðức Thánh Cha nói với Giáo Hội và xã hội Mỹ, bằng cách can đảm đương đầu với các đề tài khó khăn như việc lạm dụng tính dục trẻ em. Ðâu là các kết qủa có thể chờ đợi từ kiểu cách khiêm tốn và cứng rắn mạnh mẽ này của Ðức Thánh Cha?

Ðáp: Vâng, qúy vị nói đúng. Xem ra Ðức Thánh Cha đã dùng kiểu cách riêng của ngài để đương đầu với các vấn đề: nghĩa là rất liêm chính, không bao giờ trốn chạy trước các khó khăn, nhưng nhìn thẳng vào các khó khăn đó, nhìn xa hơn tới phía trước một cách sáng suốt và với ý thức rõ ràng. Khi nhìn vào các vấn đề của Giáo Hội tại Hoa Kỳ Ðức Thánh Cha đã đương đầu với chúng với cả ý thức nhìn nhận lỗi lầm, và dấn thân để chữa lành các vết thương và sử dụng tinh thần trách nhiệm đó cho tương lai, để các sự kiện trầm trọng như thế không bao giờ lập lại nữa. Tuy nhiên điều này đã được đưa vào trong diễn văn Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI nói với Giáo Hội Mỹ trong một bối cảnh rất rộng rãi, qua đó điều đã được loan báo là bổn phận giới thiệu sứ điệp của Chúa Kitô một cách toàn vẹn trong xã hội ngày nay, tìm lại vẻ đẹp và sự cao cả của ơn gọi giáo dục của Giáo Hội.

Diễn văn Ðức Thánh Cha nói với các đại học và giới chức giáo dục Hoa Kỳ đã là một bài diễn văn đáng ghi nhớ, trong đó Ðức Thánh Cha nêu bật những gì mà tín hữu công giáo Mỹ đã làm được trong lãnh vực giáo dục và văn hóa. Chúng ta phải nhớ điều này: đó là đã không có một quốc gia nào trên thế giới, trong đó Giáo Hội đã hoạt động nhiều cho nền văn hóa như Giáo Hội Mỹ, không phải chỉ cho tín hữu công giáo, mà còn cho tất cả mọi người dân nữa. Ðây là điều Ðức Thánh Cha đã thấy và đã tái đề cao với sự tin tưởng lớn lao nơi tương lai. Ðức Thánh Cha cũng đã nhắc lại biết bao công lao của tín hữu công giáo Mỹ trong tình liên đới đối với các người nghèo, các dân tộc khác cũng như tất cả mọi người cần được trợ giúp. Ngài mời gọi có cái nhìn tích cực đối với Giáo Hội Công Giáo, mà trong bài giảng tại nhà thờ chính tòa Thánh Patrick Ðức Thánh Cha dùng một hình ảnh rất đẹp để so sánh. Ðó là hình ảnh các kính mầu xinh đẹp của nhà thờ. Chúng sáng lên và ai sống kinh nghiệm từ bên trong mới hiểu được vẻ đẹp, sự cao cả và cảm tạ Chúa đã mời gọi mình làm thành phần của Giáo Hội này.

Trong diễn văn nói với giới trẻ cũng thế, Ðức Thánh Cha đã biết khơi dậy một sự hăng say lớn và trình bầy sự tích cực và vẻ đẹp của ơn gọi Kitô. Vì thế tôi nghĩ Ðức Thánh Cha đã thực sự giúp Giáo Hội Mỹ khép lại một trang sử xấu hổ, vì đây là từ mà chính Ðức Thánh Cha đã dùng, một trang sử đớn đau vì các lỗi lầm và các trách nhiệm nặng nề của qúa khứ, cả khi chỉ do một nhóm nhỏ trong số đông đảo các linh mục của Giáo Hội Mỹ, gây ra. Chắc chắn đây là thời gian khó khăn đối với các nạn nhân cũng như đối với các người có trách nhiệm và các vết thương mà Giáo Hội cảm nghiệm trong chính thân thể mình; nhưng trong tình bác ái và trong nỗ lực chữa lành các vết thương qúa khứ, giờ đây Giáo Hội Mỹ có thể tin tưởng nhìn về tương lai, vì biết rằng có sự tha thứ, có sự hòa giải, có khả năng tiếp tục sống ơn gọi Kitô với sự tích cực lớn lao hơn.

Hỏi 3: Thưa cha, Ðức Thánh Cha đã chinh phục con tim không phải chỉ của các tín hữu công giáo mà của toàn dân Mỹ, khi nói tới các giá trị xây nền cho Hoa Kỳ, các giá trị mà trong bao nhiêu thế hệ đã khiến cho vùng đất này trở thành một đích tới của niềm hy vọng. Chuyến tông du này của Ðức Thánh Cha có thể giúp nước Mỹ suy tư về vai trò của mình trong thế giới ngày nay hay không?

Ðáp: Chắc chắn là có rồi. Ðức Thánh Cha đã dùng một khoa sư phạm cổ điển của các Giáo Hoàng, cũng là của vị tiền nhiệm của ngài, đó là nói với cả một dân tộc và nhận diện các gốc rễ, các giá trị và ơn gọi lịch sử của nó với tất cả uy tín của một vị lãnh đạo tinh thần. Ðức Thánh Cha đã nói với người dân Mỹ về các đặc tính chung sống giữa biết bao nhiêu dân tộc có các nền văn hóa và niềm tin khác nhau, trong việc cùng nhau chung xây một cộng đoàn lớn trong tự do và dân chủ. Ðây là điều có thể trở thành một sứ điệp hòa bình, hòa giải và chung sống cho toàn nhân loại, trong tự do, một sự tự do được xây dựng một cách rõ ràng trên việc thừa nhận Thiên Chúa Tạo Hóa, và như thế thừa nhận các giá trị nền tảng của bản chất con người, như là hình ảnh của Thiên Chúa. Ðó là điều mà Ðức Thánh Cha đã rút tỉa ra và đã nói một cách hết sức rõ ràng, và người dân Mỹ cảm thấy họ được hiểu biết và được thừa nhận trong giá trị lịch sử và các khía cạnh tốt đẹp nhất của họ. Và dĩ nhiên đây là một thiện ích rất lớn. Cả các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Hoa Kỳ như tổng thống Bush và phó tổng thổng Cheney, cũng đã thừa nhận khả năng này của Ðức Thánh Cha, trong việc gợi lại các khía cạnh tích cực của người dân Mỹ và trao ban cho nó một sứ điệp lớn.

Chiều ngày 20 tháng 4 (năm 2008) khi nghe diễn văn của phó tổng thống Cheney, tôi nghe những người Mỹ đứng chung quanh nói: những lời ca tụng quan trọng từ một trong các nhân vật cao cấp như thế trong chính quyền của đất nước chúng tôi đối với vị Thủ Lãnh của Giáo Hội Công Giáo là điều mà cho tới cách đây vài năm chúng tôi đã không thể tưởng tượng được. Ðiều này có nghĩa là nhân dân Hoa Kỳ, trong tất cả mọi khía cạnh của họ kể cả các giới lãnh đạo, thừa nhận rằng Giáo Hội Công Giáo và Ðức Thánh Cha là những người đối tác xứng đáng và hữu hiệu, vì giúp tìm ra điều tốt đẹp nhất của chính dân tộc Mỹ.

Hỏi 4: Chuyến tông du của Ðức Thánh Cha, như cha đã biết, cũng có thể được kể lại bằng các hình ảnh nữa. Chắc chắn cảnh tượng Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI qùy cầu nguyện tại Ground Zero, nền của Tháp Song Sinh, sẽ là hình ảnh không bao giờ phai nhòa trong ký ức của từng người chúng ta và đặc biệt trong ký ức của người dân thành phố New York. Vượt ngoài các cảm xúc thì đâu là ý nghĩa sâu xa nhất của biến cố này thưa cha?

Ðáp: Ðức Thánh Cha đã đến cầu nguyện tại Ground Zero, và ngài đã không đọc diễn văn lớn nào. Ngài đã đến để suy niệm, và qua đó ngài mời gọi chúng ta tất cả suy tư về mầu nhiệm của biến cố 11 tháng 9 năm 2001. Ðó là mầu nhiệm của sự dữ, lộ hiện ra với một sự hiếu chiến và bạo lực không thể nào hiểu nổi trong lịch sử của chúng ta, trong thời đại ngày nay. Sự dữ sát nhân đó giết chết hàng ngàn người vô tội, mà không lo âu gì, còn hơn thế nữa nó tìm sát hại để giữ thế đứng của nó trong cuộc sống của chúng ta, để khuấy động và đảo lộn cuộc sống. Nhớ lại sự kiện này nhưng đồng thời cũng là để nhớ lại rằng Ground Zero cũng đã là nơi nảy sinh ra điều tốt đẹp nhất của tình liên đới đối với những ai đang phải đau khổ.

Tôi đã rất xúc động vì không biết rằng 400 trên tổng số gần 3,000 người đã chết, là những nhân viên cấp cứu. Ðã có 340 nhân viên cứu hỏa bị chết trong biến cố này. Trộn lẫn với cái chết của người vô tội là sự hy sinh của người liều mạng để cứu giúp họ. Ðây là điều chúng ta không được quên. Nó diễn tả yếu tố của niềm hy vọng gắn liền với biến cố thê thảm buồn thương này, và nó là điều khiến cho chúng ta nhìn tới trước, hay đúng hơn là điểm tựa giúp nhìn tới trước và nói: "Không phải chỉ có sự dữ, mà cũng có sự thiện nữa!".

Với thái độ này chúng ta phải nhìn về tương lai và không để cho mình bị khuấy động và sợ hãi qúa đáng, bằng cách tiếp tục tìm xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, dựa trên nền tảng của các nguyên tắc, mà Ðức Thánh Cha đã nhắc tới trong bài diễn văn trước Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, nghĩa là phẩm giá con người, thừa nhận Thiên Chúa Tạo Hóa và tất cả các nguyên tắc, mà chúa Kitô niềm hy vọng của chúng ta, giúp chúng ta trông thấy. Như thế, cả việc suy niệm biến cố thê thảm này nhưng rất đặc thù của lịch sử ngày nay, xem ra cũng được dẫn tới đề tài hy vọng trong chuyến viếng thăm này của Ðức Thánh Cha. Thực tế trong việc nhìn và trông thấy sự dữ hiện diện, nhưng cũng hy vọng vì biết rằng sự dữ không có tiếng nói cuối cùng, và có một tình yêu thương cho phép chúng ta bắt đầu trở lại và tái xây dựng cuộc sống.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page