Tường thuật Thánh Lễ chiều Chúa Nhật 20/04/2008

và giây phút từ biệt

tại Phi Trường Quốc tế Kennedy, New York

 

ÐTC về tới Phi Trường Quân Sự Squadroon 31 tại Ciampino, Italia

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm của ÐTC tại Hoa Kỳ: Thánh Lễ chiều Chúa Nhật 20/04/2008 và giây phút từ biệt tại Phi Trường Quốc tế Kennedy, New York.


Nguyên thủ tướng Italia và là ứng cử viên Thị Trưởng Roma ông Francesco Rutelli (bên phải) tiếp đón ÐTC (giữa) khi ÐTC từ New York về đến Phi Trường Quân Sự Squadroon 31 tại Ciampino, Italia, cách Roma 30 cây số về phía Ðông Nam.


(Radio Veritas Asia 22/04/2008) - Quý vị và các bạn thân mến. Vào lúc 10:40 trưa thứ Hai ngày 21/04/2008, chuyến bay chở ÐTC Beneđitô XVI đã về tới Phi Trường Quân Sự Squadroon 31 tại Ciampino, Italia, cách Roma 30 cây số về phía Ðông Nam, kết thúc tốt đẹp sáu ngày viếng thăm Hoa Kỳ tại hai địa điềm: thủ đô Washington và New York.

ÐTC đã để lại âm hưởng tốt không những trên các tín hữu công giáo nói riêng, mà còn trên dân chúng Hoa Kỳ nói chung. Cô luật sư Rosemary Yu, sinh sống tại Hoa Kỳ đã tâm sự với phóng viên Carrie Gress làm việc cho hãng tin Zenit như sau: "Lúc đầu tôi không muốn có liên hệ gì với chuyến viếng thăm. Nhưng rồi, sau khi theo dõi cuộc tiếp rước Ðức Thánh Cha tại thủ đô Washington, thì tôi không còn cưỡng lại được nữa." Cô Yu đến với đám đông đứng chờ tại Toà Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục New York, với hy vọng được thấy ÐTC, khi ngài bước ra từ đó. Không những cô đã được thấy, mà còn được bắt tay ÐTC và nói vội vài lời với ÐTC rằng "hàng triệu người công giáo tại Trung Quốc yêu mến ngài và sống trung thành với ngài".

Thật là quá sớm để thẩm định đúng tầm ảnh hưởng của chuyến viếng thăm nói chung, và của những sứ điệp được ÐTC nói lên trong các bài diễn văn của ngài trong nhiều dịp khác nhau. Tuy nhiên, Cha George Rutler đã chia sẻ với hãng tin Zenit kinh nghiệm của ngài rằng hôm thứ Bảy 19 tháng 4 năm 2008 đã có nhiều người đến xưng tội hơn, trong số này, đã có những người đã bỏ xưng tội từ 16 hay 17 năm nay. Và cũng có nhiều người trẻ đến lãnh bí tích hoà giải nữa."

Giờ đây, trong bài tường thuật này, chúng tôi kính mời quý vị và các bạn theo dõi vài chi tiến liên quan đến biến cố cuối cùng của chuyến viếng thăm tại Hoa Kỳ. Ðó là Thánh Lễ tại Vận Ðộng Trường Yankee New York, để kỷ niệm 200 năm thành lập các giáo phận New York, Boston, Philadelphia và Louisville, và kỷ niệm 200 năm giáo phận Baltimore được nâng lên hàng Tổng Giáo Phận. Khi ÐTC đến, cộng đoàn tín hữu, đông khoảng 60,000 người, đã hoan hô ngài vang dội. Ðiều này cho thấy ÐTC đã thành công thu phục tâm hồn của mọi người.


ÐTC cử hành Thánh Lễ tại Vận Ðộng Trường Yankee New York.


Trong bài giảng, ÐTC đã nhắc đến sự phát triển gây ấn tượng của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, trong 200 năm qua. Ngoài ra, ÐTC cũng mời gọi người công giáo Hoa Kỳ đừng đưa Ðức Tin ra khỏi sinh hoạt chính trị, và hãy bênh vực các thai nhi còn trong lòng mẹ. Dù đây là thời gian tranh cử, chuẩn bị cho cuôc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2008, nhưng ÐTC không do dự kêu gọi những người công giáo tại Hoa Kỳ hãy dấn thân chống phá thai, và hãy chống lại những "tin mừng giả" về tự do".

Tưởng cũng nên nhắc lại nơi đây rằng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, hai ứng cử viên của đảng Dân Chủ, Bà Hilary Clinton và Ông Barack Obama, đã công khai nói lên lập trường ủng hộ phá thai; trong khi đó thì Ông John McCain, thuộc đảng Cộng Hoà, thì mạnh mẽ giữ lập trường chống phá thai.

Trở lại bài giảng, ÐTC đã nói như sau: "Trên đất nước của tự do tôn giáo, những người công giáo không những đã gặp được sự tự do thi hành Ðức Tin, mà còn được tham dự trọn vẹn vào đời sống dân sự".

ÐTC đã mời gọi các tín hữu hãy tiến về phía trước với quyết tâm vững chắc và biết khôn ngoan sử dụng sự tự do, để xây dựng một tương lai hy vọng cho những thế hệ đến sau.

ÐTC đã khuyến khích người công giáo "hãy loại bỏ sự phân rẻ giữa đức tin và sinh hoạt chính trị, hãy vượt qua mọi tách rời giữa đức tin và đời sống, vừa đồng thời chống lại những tin mừng giả về tự do và hạnh phúc. ÐTC nói: "Xin anh chị em hãy có can đảm công bố Chúa Giêsu Kitô và những sự thật không biến đổi dựa trên nền tảng Chúa Giêsu Kitô.

Sau Thánh Lễ, ÐTC về nghỉ một chút tại Trụ Sở của Phân Bộ Toà Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc, để rồi sau đó ra phi trường quốc tế Kennedy giã từ mọi người, để lên đường trở về lại Roma, lúc 20.30 phút tối ngày 20/04/2008.

Lần này cầm đầu phái đoàn chính phủ ra chào từ giã Ðức Thánh Cha tại Phi Trường là Phó Tổng Thống Richard Cheney, và đứng đầu bên giáo hội công giáo là Ðức Hồng Y chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ. Ban tổ chức đã muốn cho buổi lễ tiễn đưa ÐTC mang sắc thái "đa dân tộc", với 1,500 người đại diện cho 20 sắc dân có mặt trong giáo phận Brooklyn, New York, trong đó có người Phi, ngưòi BaLan, Brazile, Nigeria,Croat, Ghana và Việt Nam.

Sau đây xin mời quý vị theo dõi bài diễn văn cuối cùng của Ðức Thánh Cha vào lúc kết thúc chuyến viếng thăm Hoa Kỳ như sau:

 

Thưa ngài phó Tổng Thống, thưa quý thẩm quyền dân sự,


ÐTC quay bước chuẩn bị rời khỏi khán đài sau nghi lễ từ giã tại phi trường quốc tế Kennedy, New York. Theo sau ÐTC là Phó Tổng Thống Richard Cheney, người cầm đầu phái đoàn chính phủ ra chào từ giã ÐTC.


Anh em giám mục, và anh chị em thân mến,

Ðã đến lúc tôi phải tạm biệt Ðất Nước của quý vị và anh chị em. Những ngày Tôi trải qua tại Hoa Kỳ có nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ về sự hiếu khách của quý vị và anh chị em; tôi muốn nói lên lòng ghi ơn sâu xa với tất cả quý vị, quý chư huynh, và anh chị em tất cả, vì đã tiếp rước Tôi cách thân tình.

Tôi vui mừng được chứng kiến đức tin và lòng đạo đức của cộng đoàn công giáo nơi đây. Tâm hồn tôi cảm động vì được gặp những vị lãnh đạo và đại diện của những cộng đồng kitô và của những tôn giáo khác. Tôi xin lặp lại nơi đây những tâm tình tôn trọng và mến thương với tất cả quý vị, quý chư huynh, và quý anh chị em. Tôi biết ơn ngài Tổng thống Bush, vì đã đến chào tôi, ngay từ giây phút đầu tiên của chuyến viếng thăm. Tôi cám ơn ngài phó tổng thống Cheney, vì đã đến đây trong giây phút từ biệt này. Quý thẩm quyền dân sự, những nhân viên và những anh chị em thiện nguyện tại Washington và New York, đã quảng đại đóng góp thời giờ và phương tiện, để bảo đảm cho chuyến viếng thăm của tôi được diễn ra tốt đẹp. Vì vậy, tôi tri ân ông thị trưởng Adrian Fenty của Washington, và ông thị trưởng Michael Bloomberg của New York.

Một lần nữa, trong tâm tình cầu nguyện, tôi gởi lời chúc mừng đến những đại diện của Tổng Giáo Phận Baltimore, Tổng Giáo Phận đầu tiên, và đến các giáo phận New York, Boston, Philadelphia và Louis ville, trong Năm Mừng Lễ này. Xin Thiên Chúa tiếp tục ban phước lành cho anh chị em trong những năm sắp đến.

Với tất cả chư huynh trong hàng giám mục, với Ðức Cha Di Marzio, giám mục giáo phận Brooklym, với những viên chức và những nhân viên của Hội Ðồng Giám Mục, đã đóng góp nhiều cách, để chuẩn bị chuyến viếng thăm này, tôi xin nói lên lòng biết ơn, vì đã chịu cực và tận tuỵ. Với tâm tình mộ mến, một lần nữa, tôi xin chào các linh mục, tu sĩ, phó tế, chủng sinh, các bạn trẻ,và tất cả anh chị em tín hữu Hoa Kỳ, và tôi khuyến khích quý anh chị em tiếp tục vui tươi làm chứng cho Chúa Kitô, niềm hy vọng chúng ta, là Ðấng Phục Sinh, Ðấng cứu thế, Ðấng làm cho mọi sự nên mới và ban cho chúng ta sự sống dồi dào.

Một trong những cao điểm của chuyến viếng thăm này là dịp đọc diễn văn tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc. Tôi cám ơn ngài tổng thư ký Ban-Ki-Moon vì đã mời tôi đến. Nhìn lại 60 năm qua, kể từ lúc Tuyên Ngôn Nhân Quyền được công bố, tôi dâng lời cảm tạ vì tất cả những gì Liên Hiệp Quốc đã có thể chu toàn, để bênh vưc và cổ võ những nhân quyền căn bản trên khắp thế giới. Tôi khuyến khích những con người thiện chí khắp nơi hãy tiếp tục làm việc không mệt mỏi, để cổ võ sự công bằng và chung sống an hoà giữa các dân tộc và các quốc gia.

Chuyến viếng thăm sáng nay của tôi tại "Mặt Bằng Zerô", sẽ còn mãi trong ký ức tôi vì tôi tiếp tục cầu nguyện cho những kẻ đã chết và cho những ai đau khổ do hậu quả của thảm kịch đã xảy ra tại đây năm 2001. Cho mọi người tại Hoa Kỳ và trên khắp thế giới, tôi cầu xin cho tương lai không ngừng mang đến mỗi ngày một nhiều hơn tình huynh đệ và liên đới, sự gia tăng niềm kính trọng lẫn nhau, niềm tin tưởng và sự phó thác vào Thiên Chúa, Cha chúng ta trên trời.

Với những lời trên, tôi xin chào tạm biệt. Tôi xin anh chị em nhớ cầu nguyện cho tôi, và tôi bảo đảm với quý vị và anh chị em tình thương và tình bằng hữu trong Chúa. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Hoa Kỳ!

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page