Thiếu nhi và các bạn trẻ ở miền Nam Thái Lan

bày tỏ khát vọng hòa bình bằng hình ảnh

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thiếu nhi và các bạn trẻ ở miền Nam Thái Lan bày tỏ khát vọng hòa bình bằng hình ảnh.

Bangkok (UCAN TH04800.1493 Ngày 17-4-2008) - Những người đến tham quan cuộc triển lãm nghệ thuật gần đây tại Bangkok nhận thấy khao khát hòa bình và hòa hợp liên tôn tại các tỉnh bất ổn ở miền Nam qua con mắt của trẻ em địa phương.

Các vụ sát hại gần như ngày nào cũng được đưa tin trong vụ bạo lực đang diễn ra chủ yếu ảnh hưởng đến các tỉnh đa số người Hồi giáo là Narathiwat, Pattani và Yala, gần biên giới Thái Lan-Malaysia.

Gần 3,000 người, trong đó có khoảng 60 trẻ em tuổi từ 14 trở xuống, đã bị giết chết từ tháng 1-2004 trong các vụ xung đột, liên quan đến một nhóm Hồi giáo ly khai nhưng không dễ phân tích.

"Em cảm thấy sợ hãi khi đi đây đó. Em không muốn cảnh bạo lực như thế xảy ra. Em mong muốn nhìn thấy hòa bình và đoàn kết nơi mọi người", Sirichat Chumuy, 11 tuổi, nói với UCA News.

Cậu bé, học sinh trường Charoensri Suksa của Giáo hội ở thị xã Pattani, cách Bangkok 770 km về phía nam, có một bức tranh được trưng bày tại cuộc triển lãm đặc biệt ở Bangkok. Cuộc triển lãm Những suy nghĩ của em: Màu sắc Hòa bình diễn ra từ ngày 4-11/4/2008 tại văn phòng Quỹ Nâng cao Sức khỏe Thái Lan.

100 bức tranh đã được chọn từ hơn 1,000 bức do Steffen Paul Ruholl, 40 tuổi, đang làm luận án tiến sĩ thuộc Ðại học Hamburg ở Ðức, sưu tầm từ các học sinh trong ba tỉnh này. Người Công giáo Ðức này đang nghiên cứu mối quan hệ giữa người Phật giáo, Trung Quốc và Hồi giáo trong vùng.

Ruholl nói với UCA News tại cuộc triển lãm rằng anh cảm thấy khó làm cho người ta nói về tình hình này. Một người bạn đề xuất nghệ thuật có thể là một phương pháp hay hơn, ông kể, và họ nghĩ rằng giúp trẻ em bày tỏ suy nghĩ của mình sẽ tạo ra một quan điểm khác với quan điểm của các chính trị gia và nhân viên an ninh.

"Bạo lực đã gây thiệt hại cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Các em sợ nói lên cảm xúc thật về chính mình", Ruholl nói.

Sirichat là một trong vài học sinh miêu tả sự hòa hợp liên tôn. Bức tranh của em vẽ một ngôi chùa, một thánh đường Hồi giáo và một nhà thờ cùng tồn tại cách hòa bình. "Em tin rằng trong khi chúng ta có tín ngưỡng khác nhau, chúng ta có thể sống hòa thuận với nhau", em nói.

Ruholl bảo từ các học sinh tiểu học đến sinh viên đại học vẽ lên giấy những điều họ suy nghĩ về cuộc sống ở miền Nam Thái Lan. Anh bỏ ra một năm sưu tầm tranh của các em. Một số em đã viết những câu miêu tả ngắn gọn trên mặt sau bức tranh.

Ða số các bức vẽ phản ánh nạn bạo lực rõ ràng, với cảnh nhà cửa, trường học và cây cao su bị cháy giữa những hình ảnh quen thuộc. Những người khác vẽ cảnh lễ tang của bố mẹ hay binh sĩ đầy máu.

Một điều mà Ruholl quan tâm là nét đặc trưng của nhiều bức tranh. Ông lấy ví dụ một người lính nổ súng vì một tên cướp nói láo với mình, một ngôi trường bị cháy tại ngã ba đường hay hai người lính nằm trong một hố cát với một người đàn ông núp trong bụi cây bắn một người lính thứ ba, đang đứng trong vườn.

"Tôi có cảm nghĩ đây là các câu truyện có thật được truyền lại rõ ràng trong gia đình hay ở trường học. Ðiều này quá rõ ràng không thể chỉ là ý tưởng, có những câu truyện đằng sau các bức vẽ này", ông giải thích.

Ông nói dự án này nhằm giúp các em chấp nhận sự sợ hãi và lo lắng, trong khi cuộc triển lãm được tổ chức nhằm để cho công chúng biết về những cảm xúc này.

Veera Sritadan, 15 tuổi, một học sinh Hồi giáo tại trường Charoensri Suksa, nói với UCA News về ao ước hòa bình của mình: "Em cảm thấy buồn về tình hình đang xảy ra ở miền Nam và em cảm thấy tội nghiệp các gia đình nạn nhân. Em ước muốn nhìn thấy hòa bình và không muốn người dân chia rẽ đất nước. Em mong tất cả các tôn giáo sẽ giúp giải quyết các vấn đề ở miền Nam".

Nữ tu Nitaya Josarnnuson, quản lý trường này, cho biết ngày càng có nhiều người bỏ vùng này đi vì bạo lực.

"Chúng tôi phải coi sóc học sinh kỹ lưỡng và giúp các em hiểu được việc các em nên hay không nên làm trong tình hình này", nữ tu dòng Khiết Tâm Ðức Mẹ phát biểu với UCA News.

Chị nói thêm: "Tôi hết sức cảm thông với các học sinh Hồi giáo. Nhiều người nghĩ rằng bạo lực xảy ra là do Hồi giáo, vì thế nhiều học sinh Hồi giáo cảm thấy khó chịu. Thực ra bạo lực không phải do đạo Hồi, mà chỉ là do một số người".

Khoảng 95% trong số 65 triệu dân Thái Lan theo Phật giáo. Giáo phận Surat Thani trông coi 15 tỉnh miền Nam, có 7,419 người Công giáo trong số 8,992,328 dân số trong vùng, theo số liệu thống kê hiện nay.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page