Tường thuật ngày thứ hai (16/04/2008)

chuyến viếng thăm Hoa Kỳ

của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật ngày thứ hai (16/04/2008) chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI.

Tin Vatican (Vat.16/04/2008) - Thứ Tư 16-4-2008 là ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ 6 ngày của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, và cũng là ngày sinh nhật thứ 81 của ngài. Ðức Thánh Cha đã chỉ có hai sinh hoạt chính: ban sáng ngài tham dự lễ nghi tiếp đón chính thức tại Tòa Bạch Ốc và thăm xã giao tổng thống Bush; và ban chiều Ðức Thánh Cha chủ sự buổi hát kinh chiều với các Giám Mục tại Ðền Thánh Ðức Mẹ Vô Nhiễm.


ÐTC viếng thăm Tòa Bạch Cung của Hoa Kỳ.


Như qúy vị và các bạn đã biết Ðức Thánh Cha đã tới Washington D.C tối thứ Ba 15/04/2008. Thủ đô Washington rộng 176 cây số vuông, có hơn 563 ngàn dân cũng được gọi là "Thành phố Liên Bang". Nó đã được chọn hồi năm 1790 vì nằm giữa các tiểu bang miền bắc và các tiểu bang miền nam và gần nơi ở của tổng thống George Washington. Quận Columbia ám chỉ ông Cristoforo Colombo người đã khám phá ra châu Mỹ. Họa đồ thành phố do kiến trúc sư người Pháp Pierre l'Enfant thực hiện từ năm 1793 và các việc xây cất do kiến trúc sư Benjamin Banneker, con của một cựu nô lệ thực hiện. Chính giữa thành phố là Ðồi Capitol, tức trụ sở Thượng Viện Hoa Kỳ. Từ đó có 4 con đường chia Washington thành 4 khu vực. Thủ đô Washington là trụ sở của chính quyền liên bang gồm Tòa Bạch Cung là dinh tổng thống, Bộ Ngoại Vụ và Ngũ giác đài là Bộ Quốc Phòng. Thủ đô Washington nổi tiếng vì có Thư Viện lớn nhất thế giới với 29 triệu cuốn sách và 58 triệu thủ bản. Ngoài ra còn có Vườn Bách Thảo với 26 ngàn thảo mộc đủ loại; các viện bảo tàng của tổ chức Smithsonian Institution cùng hàng chục viện bảo tàng và trung tâm sưu tầm khác; và 3 sân bay. Ngày 11 tháng 9 năm 2001 một phần của Ngũ Giác Ðài đã bị máy bay khủng bố làm hư hại.

Tổng giáo phận Washington có hơn 582 ngàn tín hữu trên tổng số 2 triệu 647 ngàn dân, gồm 140 giáo xứ và 10 cứ điểm truyền giáo, 372 linh mục giáo phận, 628 linh mục dòng, 182 Phó tế vĩnh viễn, 108 tu huynh, 603 nữ tu và 66 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 192 cơ sở giáo dục và 85 trung tâm bác ái.

Trên máy báy Ðức Thánh Cha đã cho các nhà báo tháp tùng phỏng vấn ngài. Ðược hỏi đâu là mục đích chính của chuyến viếng thăm, Ðức Thánh Cha cho biết chuyến tông du có hai mục đích: thứ nhất là thăm Giáo Hội và quốc gia Hoa Kỳ, để kỷ niệm 200 năm giáo phận Baltimore được nâng lên hàng Tổng giáo phận và ngày sinh của ba giáo phận khác là Philadelphia, Boston và Louisville. Ðây là một ngày lễ lớn đồng thời là dịp để suy tư về qúa khứ và tương lai hầu đáp ứng các thách đố lớn của thời đại ngày nay. Ngoài ra cũng có cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết, đặc biệt cuộc gặp gỡ tại hội đường do thái với các bạn do thái ngày áp lễ Vượt Qua của họ. Ðó là khía cạnh tôn giáo mục vụ của chuyến viếng thăm Giáo Hội tại Hoa Kỳ trong thời điểm này của lịch sử. Mục đích thứ hai là viếng thăm Liên Hiệp Quốc, nhân kỷ niệm 60 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Ðây là nhân chủng học và triết lý cũng như nền tảng nhân bản và tinh thần làm nền cho Liên Hiệp Quốc. Vì thế đây cũng là dịp giúp suy tư và ý thức hơn về các quyền con người. Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền quy tụ các truyền thống văn hóa khác nhau, nó đặc biệt bao gồm nền nhân chủng học thừa nhận nơi con người một chủ thể có quyền ưu tiên trên tất cả mọi cơ cấu, và các giá trị chung mà mọi người phải tôn trọng. Trong một thời đại khủng hoảng các gía trị như hiện nay đây là dịp phải cùng nhau tái khẳng định nguyên tắc ấy.

Ông John Allen, chuyên viên về các vấn đề Vaticăng, hỏi Ðức Thánh Cha về hiện tình của Giáo Hội Hoa Kỳ, là một Giáo Hội lớn, sinh động nhưng cũng khổ đau vì cuộc khủng hoảng mới đây liên quan tới các vụ lạm dụng tính dục, Ðức Thánh Cha có sứ điệp nào cho sự chờ mong của tín hữu và người dân Hoa Kỳ hay không. Trả lời bằng tiếng Anh Ðức Thánh Cha nói những điều đã xảy ra là một nỗi khổ đau lớn cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ, cho Giáo Hội nói chung và cho riêng cá nhân ngài. Khi đọc các bài tường trình, Ðức Thánh Cha không hiểu làm sao một vài linh mục lại có thể thất bại trong sứ mệnh thoa dịu và đem tình yêu của Chúa đến cho các trẻ em như thế. Ðức Thánh Cha cho biết Giáo Hội sẽ làm tất cả những gì có thể để những chuyện như thế đừng xảy ra trong tương lai. Cần phải hành động trên ba bình diện: trước hết là công lý và chính trị. Các ứng sinh lạm dụng tính dục sẽ không được làm linh mục, và vì công bằng cũng phải chân thành trợ giúp các nạn nhân bị thử thách nặng nề. Thứ hai là bình diện mục vụ: các người như thế cần được trợ giúp và hòa giải để được chữa lành. Ðức Thánh Cha biết các Giám Mục, Linh Mục và mọi tín hữu công giáo Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để trợ giúp, và chữa lành các đương sự. Giáo Hội đã thanh tra các chủng viện và sẽ làm tất cả những gì có thể để cho các chủng sinh hấp thụ được một sự đào tạo sâu xa trên bình diện tinh thần, nhân bản và trí thức. Ðiểm thứ ba đó là các Giám Mục và giám đốc các đại chủng viện sẽ phân định rất nghiêm ngặt để chỉ có các chủng sinh "trong sạch" mới được thụ phong linh mục. Có ít linh mục nhưng mà tốt, thì hơn là có nhiều linh mục. Và Giáo Hội sẽ làm tất cả những gì có thể để chữa lành các vết thương này.


Lễ nghi tiếp đón ÐTC tại Tòa Bạch Cung diễn ra với 21 phát đại bác nổ vang trong khi Ðức Thánh Cha và tổng thống Bush duyệt hàng chào danh dự. Tiếp đến ban nhạc trổi quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Mỹ.


Một nhà báo người Mehicô hỏi Ðức Thánh Cha về vấn đề di cư và sự hiện diện rất đông đảo của người di cư nói tiếng Tây Ban Nha tại Hoa Kỳ và trong Giáo Hội Công Giáo Mỹ khiến cho cộng đoàn công giáo ngày càng trở thành cộng đoàn nói hai thứ tiếng và có hai nền văn hóa. Nhưng đồng thời trong xã hội Mỹ phong trào chống di cư cũng gia tăng tạo ra nhiều cảnh sống khó khăn và kỳ thị. Ông muốn biết trong chuyến viếng thăm Ðức Thánh Cha có đề cập tới vấn đề này không và có kêu mời Hoa Kỳ tiếp nhận người đi cư hay không.

Ðức Thánh Cha nói qua các Giám Mục Trung và Nam Mỹ về Roma viếng mộ hai thánh Tông Ðồ và thăm Tòa Thánh, ngài biết tầm rộng lớn của vấn đề, đặc biệt là cảnh gia đình phân cách. Sự kiện này nguy hiểm cho cơ cấu xã hội, luân lý và nhân bản của các quốc gia nói trên. Giải pháp nền tảng đó là phải làm thế nào để người dân không cần phải di cư ra nước ngoài sinh sống. Và tất cả mọi người phải làm việc cho mục đích này, thăng tiến công ăn việc làm và các điều kiện sống thích hợp cho người dân. Ðức Thánh Cha nói ngài sẽ đề cập với tổng thống Bush về vấn đề này để Hoa Kỳ trợ giúp các quốc gia này phát triển. Ðó là lợi ích cho các quốc gia nói trên cũng như cho toàn thế giới và cả Hoa Kỳ nữa. Giải pháp ngắn là phải trợ giúp các gia đình, che chở để các gia đình không bị phá hủy. Ngoài ra cũng cần làm mọi sự có thể để chống lại tình trạng bấp bênh và bạo lực, làm sao để người di cư có cuộc sống xứng đáng. Ðức Thánh Cha biết Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ cộng tác rất nhiều với các Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Latinh cũng như các linh mục để trợ giúp các anh chị em di cư.

Một nhà báo Ý nói mới đây bà tân đại sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh có nêu bật giá trị công cộng của tôn giáo tại Hoa Kỳ. Ông muốn biết đây có thể là mô thức cho Châu Âu bị tục hóa hay không. Ðức Thánh Cha nói châu Âu không thể chỉ bắt chước Hoa Kỳ, mà có lịch sử riêng của mình. Nhưng có thể học hỏi nơi nhau nhiều điều. Ðiều hấp đẫn đó là dân Mỹ bao gồm các cộng đoàn và những người đã chạy trốn các Giáo Hội Nhà Nước và muốn có một Nhà Nước đời rộng mở cho tất cả mọi tôn giáo, cho tất cả mọi hình thức thực hành niềm tin. Và đã nảy sinh ra một quốc gia đời có chủ ý: người dân chống lại một Nhà Nước Giáo Hội và một Giáo Hội Nhà Nước. Nhưng tính cách đời đó phát xuất từ ý muốn tôn giáo, từ tình yêu đối với tôn giáo trong sự đích thật của nó. Khi nghiên cứu Mỹ châu, triết gia Alexis Tocqueville thấy các cơ cấu đời sống trong sự hòa hợp luân lý hiện diện giữa các công dân. Xem ra đây là một mô thức nền tảng và tích cực đáng được tuân giữ bên Âu châu nữa. Tuy nhiên cũng phải ghi nhận là 200 năm đã trôi qua tại Âu châu đã có biết bao nhiêu phát triển. Và giờ đây tại Hoa Kỳ cũng có sự tấn kích của một huynh hướng đời mới, hoàn toàn khác. Như thế trước đây có các vấn đề như di cư, người Mỹ Trắng Tin Lành và các vấn đề khác.

Nhà báo John Pavis đặc trách hãng thông tin Hoa Kỳ tại Roma muốn biết một cơ cấu quốc tế như Liên Hiệp Quốc có thể cứu vãn được các nguyên tắc "không thể thương lượng được", dựa trên luật tự nhiên, mà Giáo Hội Công Giáo rao giảng hay không. Ðức Thánh Cha trả lời mục đích nền tảng của Liên Hiệp Quốc là bảo vệ các giá trị chung, nền tảng của sự chung sống hòa bình giữa các Quốc Gia bằng cách tuân giữ công lý và phát triển công lý. Nền tảng của Liên Hiệp Quốc là các quyền con người diễn tả các giá trị không thể thương lượng được, có trước tất cả mọi cơ cấu và là nền tảng của mọi cơ cấu. Ðó là điểm gặp gỡ giữa các nền văn hóa được ghi khắc trong chính bản tính con người. Canh tân ý thức Liên Hiệp Quốc chỉ có thể làm việc và thi hành nhiệm vụ hòa bình, khi có nền tảng chung là các giá trị diễn tả các "quyền", mà mọi người đều phải tuân giữ. Sứ mệnh của Ðức Thánh Cha là xác nhận ý niệm nền tảng này và cập nhật nó chừng nào có thể. Chính trong ý hướng đó Ðức Thánh Cha cho biết ngài rất vui khi đến viếng thăm Hoa Kỳ và chứng kiến sức sinh động của Giáo Hội và đất nước này.

Trở lại chương trình viếng thăm của Ðức Thánh Cha, lúc 8 giờ sáng ngày 16/04/2008, ngài đã dâng thánh lễ trong nhà nguyện Tòa Sứ Thần cũng là lễ tạ ơn sinh nhật thứ 81 của ngài. Ðức Thánh Cha sinh năm 1927 thụ phong linh mục năm 1951, tấn phong Giám Mục tại Muenchen Freising năm 1977 và trong cùng năm được vinh thăng Hồng Y. Ngày 19 tháng 4 năm 2005 ngài được bầu làm Giáo Hoàng và bắt đầu chức vụ chủ chăn hoàn vũ ngày 24 tháng 4 năm 2005.

Lúc sau 10 giờ Ðức Thánh Cha đã rời Tòa Sứ Thần để đi xe đến Tòa Bạch Cung. Dinh thự này được tổng thống George Washington khởi sự xây năm 1792 và hoàn thành năm 1800 sau khi tổng thống qua đời. Năm 1814 Tòa Bạch Cung bị người Anh đốt phá và cánh phải bị hư hại vì trận hỏa hoạn năm 1929. Tòa Bạch cung có 6 tầng, gồm 132 phòng, 8 cầu thang và 3 thang máy. Dân chúng có thể ghi danh vào thăm Tòa Bạch Ốc.

Chờ đợi Ðức Thánh Cha trước tòa Bạch Ốc có tổng thống Bush và phu nhân cũng như các giới chức đạo đời, các Hồng Y và các Giám Mục Phụ tá của tổng giáo phận Washington. Lễ nghi tiếp đón chính thức diễn ra với 21 phát đại bác nổ vang trong khi Ðức Thánh Cha và tổng thống Bush duyệt hàng chào danh dự. Tiếp đến ban nhạc trổi quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Mỹ.

Ðáp từ tổng thống Bush Ðức Thánh Cha đã cám ơn tổng thống mời ngài tới viếng thăm Hoa Kỳ, đặc biệt nhân dịp mừng sinh nhật 200 năm giáo phận đầu tiên của Hoa Kỳ là Baltimore được nâng lên hàng tổng giáo phận, và ngày khai sinh bốn giáo phận khác là New York, Boston, Philadelphia và Louisville. Ðức Thánh Cha nói: "Tôi đến như một người bạn, và người loan báo Tin Mừng, như là một người tôn trọng xã hội đa nguyên rộng lớn này. Các tín hữu công giáo đã và tiếp tục cống hiến phần đóng góp tuyệt diệu của họ cho đời sống của quốc gia này. Tôi tin rằng sự hiện diện của tôi có thể là suối nguồn cho sự canh tân và niềm hy vọng cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ và củng cố lòng cương quyết của các tín hữu công giáo trong việc xây dựng cuộc sống Quốc Gia mà họ hãnh diện là công dân, với tinh thần trách nhiệm lớn lao hơn".


ÐTC hôn bàn thờ trước khi chủ sự buổi hát kinh chiều với các Giám Mục tại Ðền Thánh Ðức Mẹ Vô Nhiễm.


Tiếp tục bài đáp từ Ðức Thánh Cha nhắc lại nguyên lý làm nảy sinh ra quốc gia này: đó là việc kiếm tìm tự do được hướng dẫn bởi xác tín các nguyên tắc điều khiển cuộc sống chính trị và xã hội gắn liền với trật tự luân lý dựa trên quyền là Chúa Của Thiên Chúa Tạo Hóa. Chính vì thế các tài liệu lập quốc minh nhiên rằng tất cả mọi người đều được tạo dựng bình đẳng và đều có các quyền bất khả nhượng, dựa trên luật lệ tự nhiên và trên Thiên Chúa của sự tự nhiên đó. Trên con đường lịch sử dài có nhiều khó khăn của Quốc Gia này các niềm tin tôn giáo đã thường xuyên linh hứng và là sức mạnh hướng đạo, chẳng hạn như trong cuộc chiến đấu chống lại nạn nô lệ và trong phong trào bảo vệ các quyền dân sự. Cả trong thời đại ngày nay, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng, người Mỹ tiếp tục tìm ra sức mạnh trong việc gắn bó với gia tài gồm các lý tưởng và khát vọng chung này.

Ðề cập tới các cuộc gặp gỡ với cộng đoàn công giáo và các tôn giáo khác, Ðức Thánh Cha nói tín hữu của mọi tôn giáo đã tìm thấy sự tự do tôn thờ Thiên Chúa và sống theo các xác tín tôn giáo của mình và được chấp nhận như phần của một liên bang, trong đó mỗi người và mọi nhóm đều có thể có tiếng nói của mình. Trong bối cảnh của các vấn đề tôn giáo và chính trị ngày càng phức tạp hiện nay Ðức Thánh Cha tin rằng người dân Mỹ có thể tìm thấy nơi lòng tin tôn giáo của mình suối nguồn quý báu giúp phân định và sự linh hứng giúp tiếp tục cuộc đối thoại có lý sự, tinh thần trách nhiệm và tôn trọng trong nỗ lực chung xậy một xã hội nhân bản và tự do hơn.

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài đáp từ: Sự tự do không chỉ là một ơn, nhưng cũng là một lời mời gọi tinh thần trách nhiệm cá nhân. Người dân Mỹ có kinh nghiệm, vì trong mọi thành phố đều có các đài kỷ niệm những người đã hy sinh cuộc sống trong việc bảo vệ sự tự do tại địa phương cũng như ở nơi khác. Việc bảo vệ sự tự do mời gọi vun trồng nhân đức, sự tự chế, hy sinh cho công ích và có ý thức trách nhiệm đối với những người kém may mắn hơn. Ngoài ra nó còn đòi hỏi sự can đảm dấn thân cho cuộc sống dân sự, đem vào trong cuộc thảo luận công cộng các niềm tin tôn giáo và các giá trị sâu xa của mình. Ðể cho công ích luôn luôn chiến thắng: đó là thách đố đối với mọi thế hệ.

Ðức Gioan Phaolo II là người đã hiểu biết sự kiện này một cách sâu xa hơn ai hết. Suy tư về chiến thắng tinh thần của sự tự do trên chế độ độc tài tại Balan và Ðông Âu Ðức Gioan Phaolo II nói: "Lịch sử cho thấy rõ ràng là trong một thế giới không có sự thật, thì sự tự do mất đi nền tảng riêng" và "một nền dân chủ không có giá trị, cũng có thể mất đi chính linh hồn của nó" (Centesimus annus, 46).

Về phần mình Giáo Hội ước mong góp phần vào việc xây dựng một thế giới ngày càng xứng đáng hơn với con người, được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,26-27). Giáo Hội xác tín rằng lòng tin chiếu một ánh sáng mới trên mọi sự và Tin Mừng vén mở cho thấy ơn gọi cao qúy và số phận tuyệt diệu của con người. Ngoài ra lòng tin cũng cống hiến sức mạnh giúp đáp trả lại ơn gọi cao cả đó và niềm hy vọng linh hứng cho việc xây dựng một thế giới ngày càng công bằng và huynh đệ hơn. Nền dân chủ chỉ có thể nở hoa, khi các vị lãnh đạo chính trị và những người đại diện nó được hướng dẫn bởi sự thật, và đem sự khôn ngoan phát xuất từ nguyên tắc luân lý vào trong các quyết định liên quan tới cuộc sống và tương lai Quốc Gia.

Ðề cập tới vai trò quan trọng của Hoa Kỳ trong cộng đồng quốc tế Ðức Thánh Cha hy vọng khi viếng thăm Liên Hiệp Quốc vào thứ Sáu 18/04/2008, ngài có thể khích lệ các nỗ lực khiến cho tổ chức này có tiếng nói hữu hiệu đối với các chờ mong chính đáng của các dân tộc trên thế giới. Dịp kỷ niệm 60 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền cho thấy đòi buộc của tình liên đới toàn cầu càng cấp thiết hơn bao giờ hết, nếu muốn rằng tất cả mọi người đều có thể sống xứng đáng với phẩm giá con người, như anh chị em trong cùng một nhà chung quanh bàn ăn, mà lòng lành Chúa đã chuẩn bị cho tất cả mọi con cái Người. Hoa Kỳ đã là quốc gia luôn luôn chứng minh cho thấy sự quảng đại trong việc trợ giúp nhân đạo, thăng tiến phát triển và thoa dịu các nạn nhân tai ương thiên nhiên. Ðức Thánh Cha cầu mong Hoa Kỳ tiếp tục diễn tả sự lo lắng cho gia đình nhân loại trong việc yểm trợ các nỗ lực của nền ngoại giao quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp và thăng tiến phát triển. Nhờ thế các thế hệ tương lai có thể sống trong một thế giới nở hoa chân lý, tự do và công bằng, một thế giới trong đó phẩm giá và các quyền con người do Chúa ban cho từng người nam, nữ, và trẻ em được chú ý che chở và thăng tiến một cách hữu hiệu.

Kết thúc lễ nghi chào đón chính thức Ðức Thánh Cha đã hội kiến riêng với tổng thống trong phòng làm việc riêng. Sau đó hai bên đã trao đổi qùa tặng rồi chào thăm gia đình và các cộng sự viên và chụp hình lưu niệm.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page