Bãi Rác, làng Brong Ngol và Giọt Nước

 

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bãi Rác, làng Brong Ngol và Giọt Nước.

Pleiku, Việt Nam (5/04/2008) - Tôi đã nghe nói rất nhiều về bãi rác và công việc của một số làng vùng Pleiku sống bằng nghề rác. Dịp tình cờ, tôi được đến bãi rác vào một ngày đang làm việc của hơn 100 người.


Xe gom rác từ thành phố và chở về nơi đây, từ 1 giờ sáng đã có một số người từ ba làng Brong Thoong, Brong Ngol, Oyố người Jarai đến bãi rác nhặt nhạnh bao ny-lông, đồng nát, nắp chai, nhôm, nhựa hay bất cứ cái gì có thể bán ve chai hoặc có thể ăn được đều cho vào bao.


8g30 phút sáng ngày 5 tháng 4 năm 2008, tôi có mặt tại bãi rác của Hàm Rồng, xã Chưdrông, Thành phố Pleiku.

Xe gom rác từ thành phố và chở về nơi đây, từ 1 giờ sáng đã có một số người từ ba làng Brong Thoong, Brong Ngol, Oyố người Jarai đến bãi rác nhặt nhạnh bao ny-lông, đồng nát, nắp chai, nhôm, nhựa hay bất cứ cái gì có thể bán ve chai hoặc có thể ăn được đều cho vào bao. Bắt đầu 3g sáng, bãi rác nhộn nhịp người lớn. Và từ 5g sáng trẻ em theo chân cha mẹ ra bãi rác. Ðồ nghề rất đơn giản, chỉ với cái bao 50, cái liềm hay khúc cây, lớn thì cái cào, bắt đầu một ngày mới với đống những rác tươi nguyên.

Lúc tôi đến thì tốp đầu tiên đã lục tục kéo nhau về với thành quả của một đêm lao động, người thì một, kẻ thì hai bao, người nào nhanh hơn thì ba bao, bán tại chỗ cho người Yuan (Kinh), mỗi bao giá 6 ngàn đồng. Ông Dên nói: hôm nào nhiều thì được hơn một chút thôi. Sau đó những người này về giọt nước của làng tắm rửa và chuẩn bị đi làm mướn. Trên bãi rác lúc này có rất nhiều người, nhưng đặc biệt trẻ em thì rất nhiều, hơn 100 người trên bãi rác thì số trẻ em chiếm hai phần ba, chúng được cha mẹ cho ngồi chơi gần chỗ mẹ nhặt rác hoặc lớn một chút thì một mình một bao đi nhặt.

Mùi rác xông lên nồng nặc, ruồi nhặng thì không thể ít hơn một chỗ nào khác. Dưới ánh nắng mặt trời, mùi xú uế rác của 2 hécta trên bãi đất mênh mông lưu trữ rác từ ngày này sang ngày nọ càng nồng nặc. Khói của bãi rác làm cho khung cảnh càng u ám và ảm đạm hơn. Ðầu đường một số trẻ trai đứng chờ sẵn, khi xe rác tới là đu bám lên xe trước.

Trẻ em miệt mài cúi mặt trên bãi rác, tương lai của em cũng trong đống rác. Nhặt được quả mận cũng chia nhau, nhặt được bịch nước gì đó màu trăng trắng, chẳng biết có uống được không cũng chia nhau mút lấy mút để.

Một số rác đã được đốt thì những thiếu niên cho lên xe máy xới chở thuê cho người ta về bón cà phê... công việc của các làng này đều ở bãi rác. Họ không có đất canh tác, nhà nào may mắn có một rẻo nho nhỏ trồng vài luống rau...

Soeur Rosa Trần Thị Ước - Dòng Ðaminh Rosa Lima cho biết anh chị em của ba làng này hầu như theo Tin Lành, chỉ có vài gia đình Công Giáo. Khi Soeur đến làng, họ nhận ra Amai (Soeur) và bảo nhau cho con đi học đạo. Mảnh đất truyền giáo trên vùng Pleiku - Kontum vẫn còn biết bao rộng lớn và mênh mông. Muốn đi lễ tiếng Jarai phải đi xa, nhưng với điều kiện đời sống khó khăn, chỉ thỉnh thoảng họ mới có thể đi nhà lễ.


Vượt gần 600 cây số đến bãi rác, đến thăm làng, cảm nhận được nỗi vất vả của một ngày nhặt rác với mùi xú uế, với ruồi nhặng với sự lao nhọc và đường đi khó khăn của bà con đi lấy nước ở giọt, mới biết nỗi lòng ước mong có được một giọt nước, có được đường đi lên xuống dễ dàng là một khát khao cháy bỏng.


Theo chân Amai Ước đến thăm làng Brong Ngol, lúc này hầu như người lớn đang tập trung tại giọt nước của làng tắm rửa sau một đêm vất vả bới rác. Ðường đi xuống giọt nước khá khó khăn, dốc đứng, làng vạt núi thành những bậc thang cho dễ đi một chút, nhưng rất dễ trơn trượt, xuống đến nơi có giọt nước thì càng trơn hơn. Chính người viết bài này dù cẩn thận mà vẫn bị "chụp ếch". Giọt nước là một mạch nước chảy từ trên núi xuống. Anh chị em dân tộc lấy cây tre làm ống máng đưa vào núi và lấy nước sinh hoạt từ đây.Tắm giặt thì ở giọt nước, một kiểu tắm công cộng. Nước mang về nhà sử dụng được cho vào những bình nhựa 1l, 2l... gùi về nhà. Việc đào giếng trên vùng cao nguyên này là điều không phải gia đình nào cũng có khả năng thực hiện được, khi mỗi ngày đi nhặt rác với vài chục ngàn trong khi một mét giếng với tiền công là 200 ngàn, mà giếng không phải chỉ một vài mét là có nước mà ít nhất cũng phải từ 12 m trở lên mới mong có nước xài, nhưng mùa khô thì không có nước. Vì thế cả làng đổ dồn vào giọt nước của làng. Thường thì giọt nước này nằm ở cuối làng. Việc đi lại lấy nước khó khăn vì xa xôi và vì đường dốc. Và theo văn hoá và cảm nhận của anh chị em dân tộc thì nước giọt uống ngon hơn nước giếng, nên dù gia đình nào ở gần nhà có giếng thì cũng xuống giọt lấy nước và tắm rửa.

Chỉ mong làng có cái giọt nước và cái đường lên xuống như làng bên thì bà con yên lòng lắm - Ông Bê một người trong làng tâm sự như muốn nói lên nỗi khát khao của cả làng sống bằng nghề rác này.

Vượt gần 600 cây số đến bãi rác, đến thăm làng, cảm nhận được nỗi vất vả của một ngày nhặt rác với mùi xú uế, với ruồi nhặng với sự lao nhọc và đường đi khó khăn của bà con đi lấy nước ở giọt, mới biết nỗi lòng ước mong có được một giọt nước, có được đường đi lên xuống dễ dàng là một khát khao cháy bỏng. Xin cho nỗi mong ước của làng Brong Ngol mau trở thành hiện thực với sự trợ giúp của quý ân nhân khắp gần xa với tình huynh đệ anh chị em trong bọc trứng của Mẹ Âu Cơ - Lạc Long Quân và trên hết trong tình huynh đệ sẻ chia của anh em con một Cha trên Trời.

 

Minh Nguyên

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page